Ấn tượng từ cuộc thi “Viết về thầy cô và mái trường mến yêu”
Ngày đăng: 08/12/2022 13:59
- Lượt xem: 1077
- Thích
Ngày đăng: 08/12/2022 13:59
Ngày 18.11, Sở GD & ĐT phối hợp với Hội VHNT Đắk Lắk tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi “Viết về Thầy Cô và mái trường mến yêu” năm 2022.
Ngay sau khi phát động ngày 05.10.2022, cuộc thi “Viết về Thầy Cô và mái trường mến yêu” đã được các đơn vị giáo dục trong toàn Ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk hưởng ứng rất sôi nổi.
Một tháng để bắt đầu và khép lại cuộc thi. Đến thời điểm 23h55 phút ngày 07.11.2022, số bài thi gửi đến Ban Tổ chức (BTC) là 2.568 bài, trong đó bài viết tay gửi về Tòa soạn là: 350 bài viết tay. Qua tổng hợp và chấm sơ khảo, số bài thi hợp lệ, đạt tiêu chí: 1.489 bài. Số bài thi vào vòng 2 là: 698 bài. Tổ Thư ký và Ban Giám khảo (BGK) làm việc không kể ngày đêm vì bài thi gửi ở rất nhiều cách thức: email, viết tay, đóng quyển. Sau khi hết thời gian gửi bài, vẫn có rất nhiều bài dự thi gửi về cho BTC thông qua email, cụ thể hơn 300 email.
Cuộc thi đã thực sự lan tỏa sâu rộng đến tất cả các đơn vị, trường học. Tại một số đơn vị trường học tổ chức cuộc thi cấp trường chọn lọc những bài chất lượng và gửi theo tập thể cho BTC. Các đơn vị có số bài nhiều nhất phải kể đến: Trường THCS Phan Chu Trinh; Trường THPT Hồng Đức; Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng; Trường THCS Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột; Trường THPT Ea H’Leo; Trường PT Dân tộc bán trú Tô Hiệu, xã Cư San, huyện M’Drắk; Trường PTDTNT THCS Buôn Hồ; Trường Tiểu học Ea Khal, huyện Ea H’Leo; Trường DTNT THCS Cư Kuin...
Những câu chuyện về tình yêu trường, yêu nghề. Từ vượt qua những ngày tháng đầu tiên nhận nhiệm vụ công tác tại ngôi trường nơi heo hút, gió thổi lộng qua vách gỗ mà thút thít nhớ nhà đến việc băng rừng, lội suối. Vừa chạy xe máy được năm mét lại cặm cụi dừng lại cạy đất dính ở bánh xe để đến được nhà học sinh động viên em đến lớp... đến việc vì chưa kịp hiểu hoàn cảnh học sinh khó khăn mà mắng oan em làm điểm thi đua của lớp tụt dốc. Rồi lúc hiểu ra, lòng thầy cứ day dứt khôn nguôi, dù trước đó đã âm thầm lặng lẽ giúp học sinh mà không nói bao giờ. Bài dự thi của thầy giáo Hồ Phi Hân (giáo viên Trường PT DTNT THCS huyện Cư Kuin), của thầy giáo Nguyễn Văn Hùng (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Đức), cô Hà Thị Hanh (giáo viên Trường THPT Buôn Hồ) là những dấu chấm xúc động như thế.
Ban tổ chức trao giải thưởng cho các cá nhân đạt giải "Người thầy truyền cảm hứng". Ảnh: Bình An
Thầy cô giáo chọn nghề dạy học và gắn bó với nghề cũng có nhiều cơ duyên. Nhưng dường như tất thảy đều cảm thấy yêu và tự hào đến vô cùng nghề nghiệp của mình. Lớp lớp học sinh được đón nhận, yêu thương và dìu dắt bởi những người luôn hết mình với học trò. Vui niềm vui cùng học trò, ngay cả ước mơ dù giản dị hay lớn lao của các em cũng được thầy cô chắp cánh. Chúng tôi đã cảm nhận và xúc động trước những hạnh phúc tưởng như bé nhỏ ấy khi đọc bài dự thi của cô giáo Phạm Thị Hường, giáo viên Trường THCS Phan Đình Phùng, huyện M’Drắk viết về cậu học trò Thào Seo Quý, cứ rưng rưng “Tôi không thể tin được một cậu bé như em đã có thâm niên. Tim tôi như se lại trước những lời em kể. Thương em”. Hay bài dự thi có tựa đề “Mùa cỏ đuôi chồn năm ấy” của cô giáo Phùng Thị Hoa (giáo viên trường THCS Bế Văn Đàn, xã Cư K’bang, huyện Ea Súp) đã viết “Tôi nhận bó cỏ đuôi chồn của em vào ngày 20.11 năm ấy. Tôi đã nghẹn ngào xúc động. Bó hoa tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng gợi cho tôi nhiều kỷ niệm về một lời hứa, một nghị lực sống mãnh liệt của em. Đó là kỷ niệm đầu tiên của năm tôi đứng lớp”. Thì ra thế, niềm tin, động lực để thầy cô thêm bền bỉ với nghề đó chính là năng lượng từ những học sinh thân thương.
Hình bóng những người thầy, người cô trong mỗi người rất sâu sắc. Có nhiều bài dự thi dường như viết bằng tất cả trái tim. Chúng tôi cảm nhận được điều ấy giữa hàng ngàn bài thi đôi khi trau chuốt rất nhiều về câu chữ, hình thức. Thậm chí có những bài thi được viết tay rất nắn nót. Một đôi chỗ hơi nhòe. Đọc đi đọc lại thì đó là những đoạn rất xúc động. Phải chăng người viết lúc ấy mải hồi nhớ về người thầy cô ghi dấu ấn sâu sắc với mình “Thầy cười rất khẽ. Cái cách thầy mỉm cười khi những đứa học trò nhỏ làm gì đó mà thầy hài lòng” (cô Nguyễn Thị Đượm - giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi) đã viết như thế trong bài dự thi viết tay bằng mực tím của mình.
Nếu như các bài viết của các thầy cô đằm thắm, sâu lắng và ngập tràn kỷ niệm thì ở các bài thi của học sinh lại mang sắc thái khác. Tươi vui và trẻ trung, đáng yêu và trong trẻo đến vô cùng. Kể cả khi các em nhớ về trường cũ, thầy cô giáo từng dạy, bạn bè thì sự tươi tắn ấy vẫn là yếu tố chủ đạo. Ví dụ bài thi của em Nguyễn Hữu Khánh, học sinh lớp 6A, Trường THCS Phan Chu Trinh viết thư cho cậu bạn của mình rằng “Cậu cũng phải cố nhé Thắng, hồi tiểu học tớ học với cậu thì cậu chưa hẳn đã cố gắng hết mức nên hãy cố lên”... Đó là điều mà BGK rất mừng. Mừng vì các em dự thi bằng chính lứa tuổi của mình.
Quả thật, những câu chuyện kể ở trường lớp, giờ ôn luyện, gắn bó với thầy cô khiến chúng tôi xúc động biết mấy. Em Phạm Bùi Thủy Linh, lớp 10A10 Trường THPT Y Jút viết về cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà, giáo viên Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu “Những dấu ấn, những buổi gặp gỡ, những cái nắm tay, những cái ôm giữa cô với chúng tôi mãi mãi được khắc sâu trong tâm trí của tôi”. Phan Nguyễn Hà My, Trường THPT Ngô Gia Tự viết “Nghe thầy nói mà tôi thấy mình sai quá, thấy mình vô tâm với tâm huyết của thầy quá”; bài thi của Đoàn Thị Giang Son (Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng)... đã gây ấn tượng cho BGK bởi những trong trẻo và đáng yêu như thế.
Có một điều bất ngờ ngoài dự tính của Ban Tổ chức. Đó là giải “Người thầy truyền cảm hứng” ngoài hệ thống giải thưởng cuộc thi nhưng lại là giải mà tất cả thành viên BGK tâm đắc và đề xuất với BTC trao tặng cho những thầy cô là nhân vật trong các bài viết của giáo viên, học sinh ấn tượng nhất. Viết về người đồng nghiệp của mình với sự yêu thương, trân trọng pha lẫn ngưỡng mộ vì tài, vì tình yêu với nghề dạy học. Viết về người thầy cô yêu thương học sinh hết mực, gắn bó và truyền cảm hứng đến học sinh. Vui mừng là có thầy cô là cán bộ quản lý được rất nhiều bài viết, kể cả nhiều bài tham dự cuộc thi là cán bộ, giáo viên, học sinh đang công tác hay theo học ở trường khác chọn là nhân vật chính. 10 thầy cô được chọn trao tặng biểu trưng “Người thầy truyền cảm hứng” phần nào nói lên điều đó.
Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, quan tâm và tham gia viết bài, gửi bài dự thi của các thầy cô giáo, học sinh, đơn vị trường học trong toàn tỉnh. Nhiều bài viết được đầu tư công phu, có hình ảnh minh họa đẹp, trình bày ấn tượng. Có những câu chuyện kể về tình cảm thầy trò rất chân thật và xúc động. Bên cạnh đó BTC còn nhận được nhiều bài viết chất lượng không thuộc đối tượng dự thi để hưởng ứng cuộc thi.
Tuy nhiên, nội dung khai thác các câu chuyện về tình cảm thầy trò, kỷ niệm về mái trường còn mờ nhạt, chưa sâu sắc. Cách thể hiện còn đơn giản. Đối với bài dự thi của các em học sinh, các em chỉ mới dừng lại ở việc kể câu chuyện và nêu tên thầy cô giáo. Chưa làm nổi bật được câu chuyện của mình muốn biểu đạt. Vẫn còn hiện tượng sao chép bài tập thể và copy nội dung trên mạng; nhiều bài dự thi không đúng thể lệ, không có đầy đủ thông tin cá nhân, gửi sai quy cách.
Với mục đích lan tỏa tình yêu với thầy cô đã và đang gắn bó, bày tỏ tình yêu với mái trường, bạn bè thầy cô nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2022. Cuộc thi “Viết về Thầy Cô và mái trường mến yêu” đã làm được một kỳ tích. Đó là sự tham gia nhiệt tình và hiệu quả của các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh. Rất nhiều những hoạt động, chương trình phát động cuộc thi. Sự hỗ trợ của thầy cô dành cho đồng nghiệp, học sinh tham gia cuộc thi một cách tốt nhất.
Niê Thanh Mai
Hội viên Hội VHNT Đắk Lắk
Tạp chí Chư Yang Sin số 363, tháng 11-2022.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0