Bài dự thi cuộc thi viết về người cảnh sát nhân dân:
BÔNG HỒNG THÉP Ở ĐỘI ĐIỀU TRA ÁN KINH TẾ
Bút ký
Chị ngước lên nhìn đồng hồ, đã gần nửa đêm. Lật đật thu dọn bàn làm việc, xếp lại đống tài liệu ngổn ngang đang đọc dở, đánh dấu những vị trí quan trọng trước khi bước ra khỏi phòng, tắt đèn, đóng cửa. Khoảng sân khu nhà để xe vắng lặng, chỉ có tiếng gió nhè nhẹ đu đưa những bóng cây. Cơn gió mùa khô thổi nhẹ mang theo hơi lạnh của đêm xua đi sự mỏi mệt sau một ngày dài miệt mài với công việc. Chị chạy xe nhanh qua con phố vắng, lướt qua từng hàng đèn đường và về đến nhà khi đồng hồ điểm 11 giờ. Trong phòng, 2 đứa con thơ ôm nhau ngủ chắc đã vài giấc, chồng chị giọng ngái ngủ quay ra chào, hỏi han vợ rồi quay vào ngủ tiếp. Sau khi thay bộ quân phục, chị lại nằm ôm các con một lúc lâu, hôn lên trán con, hít hà hơi ấm con trước khi chìm vào giấc ngủ, kết thúc vòng quay một ngày. Đây là gần như là lịch trình quen thuộc của Thiếu tá Lưu Thị Oanh, điều tra viên thuộc đội điều tra, phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk.
Sinh năm 1983, chị Oanh tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân, chuyên ngành Cảnh sát điều tra năm 2007 rồi về nhận công tác tại phòng cảnh sát hình sự, công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trong lĩnh vực điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Đến tháng 5/2018 chị được điều động lên Phòng cảnh sát kinh tế, trực tiếp tham gia điều tra mảng án kinh tế cho đến nay. Là một điều tra viên kỳ cựu, suốt thời gian công tác tại phòng Cảnh sát kinh tế, chị Oanh được giao nhiều vụ án lớn nhỏ. Bản thân chị luôn nhiệt huyết với công việc và luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Mỗi khi tiếp cận vụ án mới, chị dành nhiều thời gian nghiên cứu, đi sâu tìm hiểu về vụ án. Thậm chí, có những vụ án phức tạp, chị phải tìm hiểu kỹ những kiến thức chuyên ngành để hiểu tường tận vấn đề, am hiểu như một “chuyên gia”, tìm ra những kẽ hở, hay động cơ, hành vi phạm tội từ đó có thể khai thác thông tin khi tiếp xúc trực tiếp với bị can, nhất là những bị can có trình độ cao. Quá trình tiếp xúc tâm lý với bị can cũng đòi hỏi sự nhạy bén, tinh ý bởi có nhiều bị can rất khôn khéo, tâm lý vững và tìm mọi cách để quanh co, chối tội. Do đó, chị phải tìm hiểu cả về nhân thân, diễn biến tâm lý, tính cách của bị can trong quá trình thực hiện điều tra.
Tham gia phá nhiều vụ án, chị không thể nhớ hết đã lập bao nhiêu kế hoạch điều tra, thi hành bao nhiêu lệnh bắt tạm giam hay tiến hành bao nhiêu hoạt động công tác, xác minh điều tra. Có điều, đọng lại sau mỗi vụ án, nhất là sau mỗi lần thi hành lệnh bắt tạm giam, cách ly bị can với xã hội, với cuộc sống tự do và với gia đình, người thân của họ, thì bản thân chị đều dấy lên một cảm xúc khó gọi tên, có cái gì đó đau đáu, xót xa, khiến chị phải suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Điển hình như với 2 vụ án lớn mà chị được giao liên quan đến Công ty cà phê Nam Tây Nguyên và Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk. Đây là những vụ án có tính chất đặc biệt, nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và công chúng. Đối với vụ án liên quan đến Sở Y tế, trong quá trình tiếp nhận điều tra và thi hành lệnh bắt tạm giam 12 bị can, chị Oanh vẫn nhớ như in những lần tiếp xúc tâm lý với một bị can tuổi đời còn khá trẻ. Từ một người có tiền đồ và con đường quan lộ rộng mở, sau khi bị bắt, bị can chịu cú sốc tâm lý rất lớn, suy sụp tinh thần, khóc lóc, chán nản, mất định hướng cuộc sống. Mỗi lần tiếp xúc bị can, chị phải làm công tác trấn an tâm lý, động viên bị can trấn tĩnh lại, hợp tác điều tra để nhận khoan hồng. Mưa dầm thấm lâu, với sự động viên, chia sẻ từ chị Oanh, bị can đã dần bình tĩnh hơn và chịu hợp tác điều tra, góp phần thúc đẩy quá trình phá án.
Với chị Oanh, mỗi lần đề xuất khởi tố hay bắt tạm giam một bị can liên quan đến vụ án, chị luôn suy tư, trăn trở rất nhiều bởi mỗi lệnh bắt hay quyết định khởi tố sẽ có tác động rất lớn tới vị trí công tác, tiền đồ của một cá nhân, ảnh hưởng sâu sắc tới gia đình, các mối quan hệ xã hội, thậm chí cả các thế hệ sau của người đó. Cho nên, chị luôn tâm niệm, bản thân mình không đơn thuần là làm điều tra mà còn có cái lý, cái tình. Bên cạnh tìm ra những chi tiết mấu chốt để phá án, ở mỗi bị can, chị luôn cố gắng để khai thác được những tình tiết giảm nhẹ, động viên bị ban hợp tác để được hưởng khoan hồng, sớm thoát vòng lao lý để quay về bên gia đình và làm lại cuộc đời. Chị tâm đắc câu “hình phạt không nhằm mục đích làm cho người ta xấu đi mà nhằm mục đích giáo dục con người nhận ra cái sai để sớm hối cải, trở lại hòa nhập với cộng đồng, trở thành người tốt”. Do đó, chị luôn cố gắng truyền đi thông điệp để mỗi bị can nhận ra được cái sai và tiếp nhận giáo dục thông qua các hình phạt theo pháp luật.
Là một điều tra viên nhưng chị Lưu Thị Oanh cũng là một người phụ nữ, một người mẹ. Dù cứng rắn, mạnh mẽ đến mấy nhưng cũng có những phút giây yếu lòng, tình cảm và lý trí có sự đấu tranh. Chị Oanh tâm sự, có những hôm, công việc bộn bề khiến chị phải “bỏ bê” con cái, dồn việc gia đình cho chồng và các thành viên khác trong nhà. Có hôm chị rời nhà khi mặt trời chưa tỏ và về nhà khi các con đã ngon giấc từ lâu. Có những ngày nghỉ, trong khi những đứa trẻ khác được cha mẹ dắt đi chơi, đi ăn và quây quần bên gia đình thì các con chị lại thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ mẹ; trong khi bản thân chị phải quay cuồng trong những bút lưu, tập hồ sơ vụ án hay những trang sách chuyên ngành cao ngộn. Thậm chí, khi con chị bị mắc Covid-19, chị cũng không thể ở bên để chăm sóc cho con, điều này khiến chị chạnh lòng, thương con rất nhiều. Rồi có những lần, khi chị đang mang thai đứa con thứ 2, dù đang ở những tháng cuối thai kỳ nhưng vẫn phải ì ạch bắt xe đi huyện công tác để làm nhiệm vụ. Có những sự hi sinh thầm lặng mà một điều tra viên, nhất là điều tra viên nữ phải trải qua mà không phải ai cũng hiểu hay thấu cảm. Nhưng sau tất cả những khó khăn, trở ngại, nhìn 2 con ngoan ngoãn, hiểu chuyện, thấy được sự động viên, chia sẻ và thấu hiểu từ người chồng, sự quan tâm, san sẻ từ các thành viên trong gia đình, chị lại có động lực vượt qua, tiếp tục gắn bó với công việc của mình. Sau mỗi vụ án, khi có thời gian rảnh rỗi, chị lại dành nhiều thời gian hơn cho các con, nấu cho con bữa ăn ấm cúng, dẫn các con đi chơi để bù đắp những ngày các con phải xa mẹ vì nhiệm vụ. Chị dành thời gian trò chuyện với con, tâm sự và giải thích cho con hiểu về công việc mình đang làm, cũng là tự động viên và nói với chính bản thân mình. Với chị, đó là một phần của cuộc sống, là cả thanh xuân mà chị gắn bó, cống hiến, và cho dù có những sự hi sinh, thì điều đó là đáng giá và có giá trị, là một chút đóng góp của chị vì sự bình yên của xã hội, vì màu xanh bộ quân phục chị đang mang. Như bài thơ chị từng viết từ khi còn là sinh viên:
Tuổi mười tám em tình nguyện vào ngành.
Mang theo khát khao và tình yêu của những ngày còn bé
Lần đầu tiên mặc lên người màu áo xanh tươi trẻ
Xúc động và tự hào.
Bài học đầu tiên em học về điều lệnh
Rèn chí luyện tài bắt đầu bằng những kỷ cương.
Nắng, mưa em vật lộn trên thao trường.
Đôi chân trần chai sần vì những thế võ
Đôi tay mềm rướm máu khi hít thở một, hai.
Có lúc em tưởng mình không còn là con gái.
Hóa nam nhi khi cầm súng, lăn, lê, bò, trườn...
H Xíu H Mok
Chi hội Văn học, Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0