Tác phẩm dự Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 – 2025
CHIẾN BINH ÁO TRẮNG
Bút ký của tác giả Trần Thị Ánh Nguyệt
Đêm đã sâu. Những Ngôi sao đang vươn mình tỏa sáng trên bầu trời thăm thẳm. Từng cơn gió dìu dặt và réo rắt, miệt mài thổi những giai điệu không lời. Dưới bóng đèn ngủ mờ vàng, bác sĩ H’Đum Niêkdăm lặng lẽ nhìn amí, lòng cô ngổn ngang những suy tư và trăn trở.
Amí đã chìm vào giấc ngủ, thân gầy mỏng manh như chiếc lá khô, mái tóc bạc trắng như sương chiều trên đỉnh Chư Yang sin, gương mặt đã xếp kín nếp nhăn. Lồng ngực nhấp nhô sau những nhịp thở nặng nề và mệt nhọc. Trong lòng chị trào dâng một nỗi lo, sau chuyến công tác này, không biết con còn được gặp a mí không? Nghĩ đến đó, nước mắt chị lại rưng rưng. Nỗi lo sợ nhói buốt suốt đêm, trái tim của nữ bác sĩ H’Đum thổn thức một nỗi niềm.
Mấy tráng trước, chị quặn lòng khi thấy các ca bệnh mắc Covid-19 tăng lên hàng giờ ở các tỉnh phía Nam. Thương lắm những đồng nghiệp vất vả ngày đêm trong tâm dịch, đối mặt bao gian khổ và nguy hiểm. Chị luôn trào lên sự day dứt khi đồng nghiệp vượt quá sự chịu đựng trong việc cứu chữa bệnh nhân mà mình không thể chung tay. Hàng đêm giấc ngủ bị đứt gãy, mỗi lần nhắm mắt là hình ảnh những đồng nghiệp ngủ gục trên giường bệnh nhân, những bác sĩ và nhân viên y tế kiệt sức ngủ gục bên hành lang, góc cầu thang, góc khuất bệnh viện cứ chập chờn trước mắt. Lòng chị như lửa đốt, bên tai lúc nào cũng văng vẳng tiếng rên xiết của bệnh nhân trong cơn nguy kịch, tiếng gọi sẻ chia của đồng nghiệp. Chị muốn xin lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột tình nguyện đến thành phố Hồ Chí Minh, sát cánh cùng đồng nghiệp cứu các bệnh nhân khi họ đang ở ranh giới sinh-tử. Nhưng chị ngập ngừng và đắn đo vì tình mẫu tử đã níu bước chân, chị không nỡ xa mẹ già. Amí tuổi đã 85 như ngọn đèn trước gió, chưa biết lúc nào ngọn đèn kia sẽ tắt. Chân chùn bước, lòng không thể quyết khi chị nhìn cảnh nữ đồng nghiệp đang công tác trong tâm dịch, đau xót bái vọng cha trong nức nở và nghẹn ngào. Còn nỗi đau nào hơn khi cha già lâm bệnh nặng đã không được ở bên chăm sóc, trong giờ phút lâm chung cũng không thể gặp mặt cha.
Trung tuần tháng bảy, khi dịch bệnh Covid-19 bùng lên tại tỉnh nhà, các ca bệnh ngày càng tăng, các Bệnh viện Dã chiến Đắk Lắk đi vào hoạt động. Trái tim của một bác sĩ sục sôi réo rắt. Thời khắc này, chị không thể nghĩ cho riêng mình, đành nén lại tình cảm ruột thịt để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc là cứu chữa bệnh nhân. Bác sĩ H’Đum nhờ chị gái chăm sóc a mí, chị tình nguyện vào Bệnh viện Dã chiến số 1 Đăk Lắk để chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19. Hành trang chị mang theo là sự tự tin, tấm lòng nhiệt huyết và mong ước mãnh liệt là đem công sức và chuyên môn của mình để cứu chữa bệnh nhân, góp phần đánh thắng đại dịch Covid-19, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Cẩn thận và bảo trọng nhé! Đó là câu dặn dò nhau khi chị và đồng nghiệp mặc đồ bảo hộ chuẩn bị vào ca trực. Bởi hơn ai hết, chị và các y, bác sĩ ở đây đều biết rằng, chị và và đồng đội đang bước vào một trận chiến thực sự. Một trận chiến không tiếng súng nhưng hết sức nguy hiểm, cam go và khốc liệt. Từng lớp áo quần, mặt nạ, khẩu trang, tấm chắn che mặt… phải thật cẩn thật khi mang vào người, chỉ cần một thao tác sai, một sơ suất nhỏ thì nguy cơ xâm nhập của virus vào cơ thể rất cao. Chị và các y, bác sĩ phải mang đồ bảo hộ trong suốt ca trực 6 tiếng, ngứa không dám gãi, nhịn ăn, nhịn uống, nín đi vệ sinh vì bộ đồ bảo hộ một khi đã cởi ra là phải bỏ đi. Những ngày nắng nóng còn khổ hơn nhiều, ai sức khỏe yếu sẽ không thể chịu nổi 30 phút bởi di chuyển khó khăn, ngột ngạt, khó thở... Thế nhưng, chị vừa mặc, vừa phải hoàn thành khám và ra y lệnh, điều trị cho 70 – 100 bệnh nhân/ngày theo sự phân công nhiệm vụ của khoa, nhưng có những ngày đỉnh điểm, chị khám hơn 200 bệnh nhân/ngày. Ngột ngạt và bức bối vì đồ bảo hộ được mang trong nhiều giờ, mồ hôi túa ra, dính bết đồ bảo hộ, miệng khô khát, chị có cảm giác như đang bị quấn riết trong khối nilon chật cứng, đói không thể ăn, khát không được uống, cơ thể mệt rã rời. Lúc ấy, chị chỉ mong rủ bỏ đồ bảo hộ để trở về Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột làm việc trong điều kiện bình thường, khi khát được uống một ly nước lọc, nóng được bật quạt và hưởng khí trời thỏa thích. Nhưng nhìn bệnh nhân đang lên cơn sốt, với sự sợ hãi tột cùng, chị quên sự mệt mỏi của bản thân để cùng các y, bác sĩ chung tay giành giật sự sống cho bệnh nhân. Sau mỗi ca trực nhìn hộp cơm nguội, bát canh đã lạnh, chị thèm lắm những bữa cơm nóng hổi và ấm áp bên gia đình. Nhiều lần, xong ca trực, bụng đói cồn cào nhưng khi có những F0 nhập viện, tổ hậu cần chưa kịp chuẩn bị suất ăn cho họ, chị và đội ngũ y bác sĩ đã nhường phần cơm của mình để bệnh nhân ăn trước. Mặc dù làm việc trong điều kiệt khắc nghiệt, nhưng chị và đội ngũ y bác sĩ ở đây tinh thần luôn vững vàng, động viên nhau đồng lòng dốc tâm sức điều trị F0 bằng cả tấm lòng, quyết tâm cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Ở đây, chị và các y bác sĩ xem bệnh viện là ngôi nhà chung và bệnh nhân là người thân của mình để chăm sóc, điều trị một cách tận tình nhất. Các F0 lúc mới vào Bệnh viện dã chiến số 1 Đắk Lắk đều có chung tâm trạng lo lắng, bất an. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ điều trị cứu chữa cho bệnh nhân, chị và y, bác sĩ phải thường trò chuyện, an ủi, tư vấn để giảm sự căng thẳng cho họ. Chị thương đến nghẹn lòng mỗi lần nhớ lại cách đây ba tuần, chị khám cho bốn F0 của một gia đình người Ê đê, ông bà và hai đứa cháu ngoại. Nhìn ánh mắt thất thần, sự mệt mỏi in đậm trên cơ thể già nua, bằng nghiệp vụ của mình, bác sĩ H’Đum biết rằng, bệnh của ông bà đã chuyển biến nặng. Nhưng vẫn cố giấu bệnh vì sợ bị chuyển lên tuyến trên, ông bà không nỡ xa hai đứa cháu nhỏ.
- A ma, amí à! Thương cháu ngoại thì phải hợp tác cùng bác sĩ. Ama, amí phải chuyển viện chữa bệnh nhanh khỏe để sớm về với con cháu. Còn hai cháu nhỏ, A ma a mí yên tâm, con và các y bác sĩ ở đây sẽ yêu thương và chăm sóc hai cháu như con của mình. Sau những lời động viên ấy chân tình ấy, ông và bà tự nguyện chuyển viện, tin tưởng phó thác sự chăm sóc hai đứa cháu, đứa lên 6, đứa lên 8 tuổi cho các y bác sĩ.
Hàng ngày, chị và các y bác sĩ phải làm việc với công suất gấp nhiều lần so với bình thường. Vất vả, gian khổ và nguy hiểm là vậy, nhưng sự hy sinh và tấm lòng nhân hậu ấy không phải lúc nào cùng nhận được sự thấu hiểu từ bệnh nhân. Một số bệnh nhân bất hợp tác, nặng nề dành cho y bác sĩ tiếng bấc tiếng chì. Phải rồi, khi người ta mệt thường hay cáu bẳn và gắt gỏng vô cớ. Những lúc đó, chị và các y bác sĩ đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân để cảm thông và chia sẻ. Lòng bung nở niềm hạnh phúc của chị và y, bác sĩ là mỗi lần xét nghiệm, bệnh nhân có kết quả PCR âm tính 2 lần hoặc có kết quả xét nghiệm với chỉ số nồng độ virus thấp Ct ≥ 30. Từ khi chị vào Bệnh viện Dã chiến số 1 đến nay gần 4 tuần, đã có hơn 200 bệnh nhân xuất viện. Đó là niềm vui chung và cũng là động lực để chị và các y bác sĩ quên gian khổ, nguy hiểm để vững vàng, tiếp tục chạy đua với thời gian cứu bệnh nhân.
Chiều muộn, nắng nhạt dần. Bác sĩ H’Đung và các y bác sĩ chuẩn bị vào ca trực đêm, tranh thủ nhìn trời thu xanh thẳm của Tây Nguyên, mắt dõi theo những cánh chim đang vội vã tìm về tổ ấm, chị và đồng nghiệp đều mang tâm trạng chung là nỗi nhớ nhà. Sẽ ổn thôi mà, rồi dịch bệnh Covid-19 bị đẩy lùi, cuộc sống sẽ trở lại bình yên, anh chị em mình sẽ sớm được trở về nhà. Bác sĩ H’Đum nói với cả trực. Những bước chân dồn dập và mạnh mẽ đến khu điều trị.
Chắc chắn rằng, những bệnh nhân đã từng điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 Đắk Lắk mãi in đậm hình ảnh bác sĩ H’Đum và những y, bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ phòng dịch luôn dính bết mồ hôi. Nhưng luôn ân cần điều trị và chăm sóc tận tình bệnh nhân. Họ thực sự là những "chiến binh áo trắng" dũng cảm, giàu tình yêu thương. Những “chiến binh áo trắng” ấy là ân nhân của những bệnh nhân được điều trị tại đây.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0