Bác Hồ - người thầy, người khai sinh cho báo chí cách mạng Việt Nam chỉ tự nhận mình “Là một người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua những điều Bác Hồ nói về nghề báo nay vẫn nguyên giá trị; như lời chỉ bảo, lời tâm sự thân tình về nghề mà với bất kỳ người làm báo nào cũng phải lấy đó làm cẩm nang cho mình. Viết báo là để làm cách mạng; mỗi tác phẩm báo chí phải như một nhịp cầu kết nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, viết cái gì có lợi cho đất nước, cho dân tộc.
“Báo chí là mặt trận” – “nhà báo là chiến sĩ”
Làm báo là làm cách mạng - đó là quan điểm của Bác Hồ. Trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Bác viết: "Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung". Mục đích chung thời bấy giờ, theo Bác, là "Ði đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công". Nói chuyện tại Ðại hội III, Người chỉ rõ: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng". "Mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới". Người căn dặn: Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng chứ không phải làm báo là để "lưu danh thiên cổ", muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên báo lớn. Cái đó không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Người căn dặn: “Nhiệm vụ của người làm báo là rất quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”. Người còn dặn dò đội ngũ làm báo:“Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v) đều phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Ðường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”
Ngược thời gian về trước, ngày 21-6-1925, khi sáng lập tờ báo Thanh Niên, cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên, Người đã hình dung rằng báo chí cách mạng có nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, giáo dục và tổ chức cho quần chúng đứng lên làm cách mạng để tự giải phóng mình. Và trên thực tế, tờ báo Thanh Niên cùng với tác phẩm Ðường Kách mệnh và một số tờ báo khác do Người sáng lập ra đã góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.
Với tư tưởng đúng đắn ấy về báo chí, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, đã thật sự góp phần tích cực vào việc động viên và cổ vũ nhân dân đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại và ngày nay, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Ngày nay, những tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí nói chung và quan điểm của Người về “báo chí là mặt trận”, “nhà báo là chiến sĩ” vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường cho suy nghĩ và hành động của những người làm báo.
Những bài học về làm báo chuyên nghiệp
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam và việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm báo. Bằng chính kiến thức và kinh nghiệm của mình, Bác tận tâm chỉ dẫn nghiệp vụ cho các nhà báo như một đồng nghiệp, một người bạn, người anh, người thầy.
Ngày 17.8.1952, trong buổi nói chuyện tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương ở rừng Việt Bắc, Bác Hồ đã nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?” và đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp các vấn đề đó.
Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam tháng 9.1962, Bác Hồ cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của báo chí nước nhà bấy giờ: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng...”, “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta...”, “Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng...”, “Thiếu cân đối: Tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn thì viết dài, tin để sau thì để trước, nên trước lại để sau...”. Nhưng Người cũng luôn khẳng định giá trị to lớn của báo chí: “Báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức, lãnh đạo...”, “Báo chí là vũ khí sắc bén, nhanh nhạy, đại chúng, phục vụ kịp thời...”.
Bác Hồ đã nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?” .
Từ lời dạy của Bác, người làm báo hôm nay có thể đúc rút được một số bài học như sau:
Thứ nhất, viết báo phải có căn cứ: Người viết báo phải có trách nhiệm cao trước nội dung bài báo của mình, phải có căn cứ để thuyết phục. Không được vội vàng mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, mà phải có điều tra, nghiên cứu kỹ.
Thứ hai, viết cho sát đối tượng: Bài báo phải có cơ sở thực tiễn và khoa học mới đạt được tính thuyết phục cần thiết cho đối tượng.
Thứ ba, viết ngắn gọn, giản dị: Phải đi thẳng vào nội dung, không lan man khoe chữ làm ra vẻ nhiều kiến thức.
Thứ tư, viết sinh động, lôi cuốn: Đây là một nhu cầu thường xuyên để thu hút người đọc.
Thứ năm, viết thẳng thắn, có tính chiến đấu: Làm báo là tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng bằng những thông tin chọn lọc, có căn cứ, phê bình những thói hư tật xấu trong sinh hoạt xã hội và xây dựng đạo đức mới. Việc này đòi hỏi người viết báo phải có bản lĩnh nghề nghiệp, dám bảo vệ cái đúng, không uốn cong ngòi bút.
Thứ sáu, khiêm tốn sửa bài của mình: Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, hoạt động báo chí của mình, do luôn nắm vững đối tượng và mục đích viết nên Người “viết gì cũng đưa cho một đồng chí xem lại, chữ nào khó hiểu thường các đồng chí bảo cho mình sửa”.
Thứ bảy, điều nhất thiết là cán bộ báo chí phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng: Bác Hồ - với tư cách là một nhà báo cách mạng luôn đòi hỏi nhà báo cách mạng không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn phải có đạo đức tốt và trong sáng.
Có nhiều cách tiếp cận về tính chuyên nghiệp trong nghề báo, nhưng qua những lời huấn thị của Bác Hồ về nghề, chúng ta có thể hiểu rằng, nếu học một cách nghiêm túc những lời răn dạy của Người, đó cũng là chúng ta đã thể hiện được tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp báo chí.
97 năm trôi qua, báo chí cách mạng đã có sự lớn mạnh, phát triển không ngừng. Nhưng dù với công nghệ nào thì những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí vẫn còn nguyên giá trị và là kim chỉ nam cho hoạt động báo chí nước nhà.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh toàn tập, T4, T7, T9, T10, Nxb. CTQG, H.,2002.
2. Lê Văn Phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sáng, một nhà báo vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam, www.vanhoanghean.com.vn
Minh Nhật
Tạp chí Chư Yang Sin số 358 (tháng 6 năm 2022)
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0