Kỳ vọng vào những quyết sách quan trọng phát triển văn học nghệ thuật cho vùng Tây Nguyên
Ngày đăng: 16/09/2022 21:17
- Lượt xem: 219
- Thích
Ngày đăng: 16/09/2022 21:17
Ngày 24.11.2021, tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu cũng đã khẳng định về vai trò vô cùng quan trọng của văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Hội nghị Văn hóa toàn quốc góp phần khơi dậy những khát vọng, là động lực lớn lao để mở đường cho văn hóa phát triển, văn nghệ sĩ cống hiến sức lực, nỗ lực sáng tạo để tạo nên những tác phẩm có giá trị cho đất nước.
Trên cơ sở Nghị quyết của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hướng dẫn số 41-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo TW về công tác văn hóa - văn nghệ năm 2022, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời sát sao của Hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan ban ngành liên quan, Hội VHNT Đắk Lắk đã triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản về phát triển văn hóa đến toàn thể thành viên BCH, hội viên và phổ biến đến công chúng yêu văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phổ biến tinh thần Nghị quyết 33 - NQ/TW ngày 09.6.2014 của Ban Chấp hành TW Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” bằng nhiều hình thức đến đông đảo văn nghệ sĩ, hội viên và công chúng.
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các Hội VHNT vùng Tây nguyên đã xây dựng nhiều chương trình, hoạt động triển khai tinh thần của Hội nghị văn hóa tùy đặc thù và điều kiện của địa phương. Đó là định hướng qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ góp phần tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; tổ chức nhiều chương trình trực tuyến qua internet như tọa đàm văn học nghệ thuật, giới thiệu tạp chí với tác phẩm sáng tác có nội dung tích cực, lạc quan, động viên cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ trên mặt trận phòng chống COVID-19….
Để tiếp tục thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của VHNT trong giai đoạn hiện nay, các Hội VHNT ở khu vực Tây Nguyên cũng đồng thời xây dựng những chương trình, kế hoạch đưa tác phẩm văn học nghệ thuật về với người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức phong phú và thiết thực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật đến với công chúng bằng nhiều hình thức phong phú; quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức hội, tăng cường công tác chỉ đạo để tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, chú trọng tìm kiếm, bồi dưỡng các tài năng VHNT trẻ, nhất là người dân tộc thiểu số.
Xác định công tác xây dựng tổ chức Hội muốn vững mạnh và phát triển toàn diện phải không ngừng đổi mới và sáng tạo. Mặc dù vậy, mô hình tổ chức các Hội VHNT khu vực còn có một số bất cập nhất định. Biên chế làm việc của các Hội rất ít, viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan hội phải kiêm nhiệm nhiều việc; cán bộ viên chức làm việc tại Hội không được hưởng phụ cấp công vụ cũng như phụ cấp ưu đãi của ngành. Chính vì những yếu tố trên mà khó thu hút được người trẻ tuổi, có tài, đủ điều kiện tiêu chuẩn, giỏi về chuyên môn, uy tín về đảm nhiệm công tác chuyên trách tại các Hội VHNT.
Trong khi đó, đời sống của văn nghệ sĩ (VNS), nhất là VNS vùng sâu vùng xa tại Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người không trụ lại lâu dài với niềm đam mê văn học nghệ thuật vì gánh nặng của cuộc sống; tác phẩm sáng tạo nên không có tiền để in ấn, không có điều kiện để quảng bá rộng rãi, điều kiện đi thực tế hạn chế; nguồn quỹ hỗ trợ ít ỏi từ TW cấp về cho Hội VHNT địa phương thì rất chậm; nguồn kinh phí của các địa phương cấp cho hoạt động văn học nghệ thuật còn hạn chế do ngân sách tỉnh còn nghèo, chịu nhiều ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19, … những khó khăn ấy đã tác động không nhỏ đến tinh thần, cuộc sống, sự nhiệt tình sống hết mình vì nghệ thuật của văn nghệ sĩ.
Song song đó, trước tình hình thực tế của báo chí nói chung, tạp chí ở các Hội VHNT tại khu vực Tây nguyên gặp không ít khó khăn. Sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ chuyên trách thực hiện làm tạp chí, không có hoặc nếu có thì rất ít biên chế. Kinh phí hoạt động thường xuyên hạn hẹp, nhuận bút thấp, công tác phát hành còn hạn chế, tạp chí in ra không phát hành được đông đảo công chúng vì nhiều lý do khách quan…
Chính vì thế, để phát huy tốt nhất vai trò của văn học nghệ thuật trong sự phát triển của đất nước, các Hội VHNT Tây nguyên mong muốn các cơ quan, ban ngành của TW tạo nhiều điều kiện tốt nhất về kế hoạch kinh phí hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật từ nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời tăng hỗ trợ cho hoạt động báo chí VHNT; có cơ chế, chính sách cụ thể với các hội VHNT tại các địa phương về hưởng các chế độ phụ cấp công vụ như các đối tượng khác tại các cơ quan nhà nước;
Đặc biệt, có các chính sách thu hút người tài giỏi, có năng lực quản lý về công tác tại các cơ quan Hội VHNT, tạp chí văn học nghệ thuật. Đối với Văn nghệ sĩ cần có các chế độ đãi ngộ với VNS tài năng (nhất là động viên VNS là người dân tộc thiểu số); tạo điều kiện về vật chất để họ có thể đảm bảo cuộc sống, công bố tác phẩm rộng rãi đến công chúng. Chỉ như thế mới có thể kích thích tốt tinh thần sáng tạo, gắn bó và đóng góp cho quê hương, xứ sở.
Sáng tạo văn học nghệ thuật là sứ mệnh, là hạnh phúc và là trách nhiệm đối với mỗi người văn nghệ sĩ. Và để phát triển văn học nghệ thuật đến tầm cao mới trong xu thế vận động không ngừng của đất nước thì các Hội VHNT Đắk Lắk nói riêng, các Hội VHNT vùng Tây Nguyên và cả nước nói chung đều sẽ nỗ lực hết mình. Những nguyện vọng và mong muốn ấy chắc chắn sẽ có được nhiều thành công hơn nữa khi Đảng và Nhà nước, các cơ quan, ban ngành tiếp tục dành sự quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện để các Hội VHNT, hàng ngàn văn nghệ sĩ được cống hiến tốt hơn, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật hơn nữa.
Nhà văn NIÊ THANH MAI
- Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk
Tạp chí Chư Yang Sin số 360 (tháng 8 năm 2022)
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0