Hơn một thế kỷ đã trôi qua, kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, tuy đời sống chính trị xã hội thế giới có những biến đổi sâu sắc, nhưng tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn nguyên giá trị đối với nhân loại tiến bộ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất đứng lên tự giải phóng... Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
cách đây 104 năm vào ngày lịch sử này, tại thành phố Pê-trô-grát của nước Nga, trong khí thế cách mạng của quần chúng ào ạt như triều dâng, bão dậy, những khẩu đại pháo từ chiếc tuần dương hạm Rạng Đông trên sông Nê-va đã nã đạn vào Cung điện Mùa Đông, phá tan dinh lũy cuối cùng của Chính phủ lâm thời tư sản, mở được một cửa đột phá vào thành trì chủ nghĩa đế quốc, báo hiệu sự toàn thắng của cuộc khởi nghĩa vũ trang giành “toàn bộ chính quyền về tay Xô-viết”. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhà nước Xô-viết do V.I. Lênin - người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức đứng đầu, đã ra đời trong “Mười ngày rung chuyển thế giới”.
Với chiến công bất diệt của Cách mạng Tháng Mười, lịch sử xã hội loài người đã được mở đầu bằng một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Kể từ ngày ấy, học thuyết Mác không còn là “một bóng ma ám ảnh châu Âu”. Nó đã trở thành hiện thực sinh động trên một lãnh thổ rộng lớn chiếm 16% diện tích đất đai thế giới, biến thành lẽ sống, ước vọng và niềm tin của hàng nghìn triệu người khát khao độc lập dân tộc, hòa bình và chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một thời đại mới cho các dân tộc thuộc địa, đó là thời đại chống đế quốc và đi theo con đường cách mạng vô sản. Tuy nhiên, tại thời điểm năm 1917, trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, khi đang ở Pháp được tin Cách mạng Tháng Mười Nga thành công thì Nguyễn Ái Quốc chưa biết gì đến chủ nghĩa Mác - Lênin, chưa thấu hiểu hết ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga mà Người chỉ mới thấy được ánh sáng của một cuộc cách mạng mà nó thu hút được nhân dân tham gia dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.
Lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin phát biểu trước người dân tại Petrograd năm 1917. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Mặc dù chưa biết nhiều về cuộc cách mạng ấy, nhưng “về cảm tính” Nguyễn Ái Quốc nhận thấy mình “có mối tình đoàn kết với cách mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy”. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động trong phong trào công nhân, gia nhập Đảng Xã hội Pháp, hướng về nước Nga Xô viết về chủ nghĩa Lênin. Tháng 7.1920, sau khi đọc đi, đọc lại nhiều lần Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin, Người đã khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Luận cương đã cung cấp cho Nguyễn Ái Quốc cơ sở lý luận quan trọng cho những kết luận mà Người rút ra từ khảo sát thực tiễn dân tộc cũng như thực tiễn thế giới về con đường giải phóng và phát triển dân tộc. Người đã đứng hẳn về phía Quốc tế Cộng sản, và đã trở thành người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (12.1920), tiếp tục nghiên cứu, suy tìm chân lý giải phóng dân tộc. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), bởi theo Người: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật”. Sau này, Người đã nêu rõ: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Người cho rằng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa và khẳng định chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản có thể áp dụng vào châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng. Theo Người chính sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đã “chuẩn bị đất” cho cách mạng. “Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”.
Những bài học mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu từ Cách mạng Tháng Mười Nga đã được vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nhờ tiếp thu chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng đúng đắn, sáng tạo những bài học có ý nghĩa quốc tế sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười vào thực tiễn xã hội và điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta, nhân dân ta đã tiến bước không ngừng trên những chặng đường dài của lịch sử. Xã hội Việt Nam đã có những bước phát triển nhảy vọt, cách mạng nước ta giành được biết bao chiến thắng lẫy lừng, trong đó có những chiến công có tính chất lịch sử toàn thế giới. Dưới sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những kỳ tích vĩ đại trong thế kỷ XX và hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Đó là những thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khi Đảng ta có chưa đến 5.000 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng “long trời lở đất”, lập nên Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ 21 năm trường kỳ, gian khổ kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30.4.1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi của 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới. Quá trình cách mạng đó, do tầm vóc lịch sử và ý nghĩa quốc tế trọng đại của nó, đã đưa Đảng ta, nhân dân ta và đất nước ta lên ngang tầm cao của thời đại mới - thời đại thắng lợi của những lý tưởng cao cả: độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
V.I. Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7-11-1918_Ảnh: Tư liệu TTXVN
Kiên định đường lối đổi mới và mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đến nay đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thực tiễn sinh động của sự nghiệp đổi mới là minh chứng hùng hồn khẳng định chân lý: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Trong bối cảnh hiện nay, Đảng chủ trương càng phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bởi lẽ, độc lập dân tộc là mục tiêu, tiền đề và là điều kiện tiên quyết để xây dựng chủ nghĩa xã hội, không có độc lập dân tộc thì không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội; còn xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhằm tăng cường nguồn lực vật chất - kỹ thuật ngày càng dồi dào hơn; xây dựng đất nước hùng cường, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để giữ vững độc lập dân tộc.
Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua là quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên những vấn đề căn bản, có tầm chiến lược, trong đó, vấn đề hàng đầu là kiên định và nhận thức đúng đắn về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới của đất nước và thời đại, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đó là, “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.
Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã cách xa chúng ta hơn 100 năm. 30 năm đã trôi qua kể từ ngày mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Thế giới đã trải qua những biến đổi vô cùng nhanh chóng và phức tạp trong những khoảng thời gian đó. Sự tan rã của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là một thực tế đau xót, nhưng nó không hề làm giảm mục đích, ý nghĩa nhân văn cao cả của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga - cuộc cách mạng vĩ đại nhằm giải phóng con người khỏi bất công, áp bức, mở ra một thời đại mới trong tiến trình phát triển của loài người. Sự cố đó còn mang lại cho chúng ta những bài học vô cùng quý báu trên con đường xây dựng, phát triển đất nước, tiếp tục thực hiện những mục tiêu, lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.
Những giá trị mà cuộc cách mạng vĩ đại ấy đem lại không chỉ làm rạng rỡ ánh hào quang của quá khứ mà còn hiển hiện mãi như những giá trị trường tồn, soi tỏ thêm những “khúc quanh” của lịch sử. Chủ nghĩa xã hội được Cách mạng Tháng Mười khai sáng vẫn đang theo xu hướng tiến lên phía trước, tiếp tục phát triển trong lòng nhân loại, hấp thụ tinh hoa nhân loại và nở hoa kết trái cho nhân loại. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa là bất diệt, là lý tưởng mà nhân loại tiến bộ vẫn đang hướng tới. Cùng với dòng chảy thời gian, từ thẳm sâu trong ký ức mỗi chúng ta, những giá trị Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại vẫn còn hiển hiện một cách sinh động trong đời sống của nhân loại, đó là những mục tiêu cao cả mà nhân loại tiến bộ đang đoàn kết và nỗ lực đấu tranh vươn tới: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Trung Dũng
Tạp chí Chư Yang Sin số 350 (tháng 10-2021)
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0