Trong xã hội, nghề nào cũng quý, cũng trọng, dù lao động chân tay hay trí óc, miễn là chân chính làm giàu thêm vật chất hay tinh thần cho xã hội. Có hai nghề được tôn trọng là nghề giáo và nghề y được gọi là thầy. Một nghề dạy làm người, một nghề cứu người. Một dân tộc hiếu học, tự lập tự cường không thiếu các bậc danh sư tiêu biểu (dạy học thường kèm theo bốc thuốc) xin điểm lại một số bậc danh sư.
Người đầu tiên là Chu Văn An (1292 -1370): Đời Trần Minh Tông làm Quốc tử giám Tư nghiệp. Đời Trần Dụ Tông dâng sớ xin chém 7 tên quyền gian (thất trảm sớ). Vua không nghe, ông từ chức về dạy học ở Chí Linh - Hải Dương. Ông soạn sách Tứ thư thuyết ước và các tập thơ Tiều ẩn thi tập, Tiều ẩn Quốc ngữ thi tập sau nay Phan Huy Chú đánh giá “Lời thơ rất sáng suốt, nhàn nhã tự tại còn có thể tưởng tượng được cái thú cao ở ẩn”. Trần Nghệ Tông ban tên thụy là Văn Trinh, hiệu Khang Tiết, thờ ở Văn Miếu. Đời sau tôn vinh là: Vạn Thế Sư Biểu (người thầy của muôn đời).
Trương Hán Siêu (? - 1314 ): Quê ở Gia Khánh - Ninh Bình. Làm môn khách của Hưng Đạo Vương. Đời Trần Anh Tông được bổ làm Hàn lâm học sĩ. Các vua Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông gọi ông bằng thầy. Ông là tác giả Bạch Đằng Giang phú, Linh Tế tháp ký, Quang Nghiêm tự bi văn… Bài thơ đề núi Dục Thúy, khắc bên sườn núi nay vẫn còn. Ông cùng Nguyễn Trung Ngạn soạn bộ Hoàng triều đại điển. Trong bài Bạch Đằng Giang phú ông ca ngợi chiến công hiển hách của dân tộc, khẳng định chiến thắng là nhờ Đức, nhờ Dân vì chính nghĩa.
Ngô Trần hai vị thánh quân
Sông xưa còn dấu tẩy trần giáp binh
Ngàn năm gẫm cuộc thăng bình
Tại đâu đất hiểm bởi mình đức cao!
Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872): quê Thanh Trì - Hà Nội làm quan đến Kiểm thảo viện Hàn Lâm, chủ sự Bộ Lễ, Thị giảng học sĩ, cùng thời với Cao Bá Quát được ca tụng: Văn như Siêu Quát vô tiền Hán, mở trường dạy học lấy tên là Phương Đình có các sách: Phương Đình dư địa chí, Phương Đình tùy bút lục, Phương Đình thi văn tập. Người đời nhớ ơn ông đã xây dựng Đài Nghiên, Tháp Bút ở cổng đền Ngọc Sơn - Hà Nội. Nghiên mực đặt trên ba con cóc thế chân vạc vững chãi. Tháp Bút được khắc ba chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh). Tương truyền, cứ đến giờ ngọ bóng của ngọn bút chấm vào nghiên mực.
Một danh sĩ tiêu biểu ở Nam Bộ là Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), quê Gia Định nay là thành phố Hồ Chí Minh, mắt bị mù vẫn cống hiến cho đời. Pháp chiếm Gia Định, ông về Bến Tre dạy học và bốc thuốc. Tác phẩm tiêu biểu: Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp… Ông có các bài văn tế ca ngợi lòng yêu nước như: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Điếu Trương Định, Phan Tòng… Bài thơ Chạy giặc nói về thảm cảnh nước mất nhà tan:
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585): quê ở Vĩnh Bảo - Hải Phòng đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ nhất danh (trạng nguyên) đời Mạc Đăng Doanh, được phong Trình Quốc công nên thường gọi là Trạng Trình giỏi dịch lí, được lưu truyền tài tiên đoán. Dâng sớ hạch tội 18 lộng thần không được chấp nhận nên về mở trường dạy học ở Am Bạch Vân, học trò nhiều người nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ... Để lại Bạch Vân Am thi tập và Bạch Vân quốc ngữ thi tập với hàng ngàn bài thơ cùng tập sấm ký: Trình Quốc Công sấm ký.
Thời hiện đại có hai vị danh sư là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) quê ở Nghệ An, là thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở trường Dục Thanh - Phan Thiết trước khi rời bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước. Người đã dịch Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, viết sách Đường kách mệnh làm tài liệu giảng dạy cho các bậc tiền bối cách mạng và sau này toàn Đảng, toàn dân theo con đường Người đã chọn để có nước Việt Nam độc lập, hùng cường. Người viết diễn ca Lịch sử nước ta, Địa lí nước ta, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc để đánh đuổi kè thù chung. Người đã viết Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945, Người để lại bản Di chúc giáo dục các thế hệ hiện tại và mai sau cống hiến nhiều hơn cho quê hương đất nước. Người là danh nhân văn hóa của nhân loại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013) quê ở Quảng Bình. Từ một giáo sư dạy lịch sử đã trở thành vị tướng huyền thoại, một trong mười danh tướng của nhân loại. Việt Nam tự hào có hai vị là Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp. Trần Hưng Đạo soạn Binh thư yếu lược. Võ Nguyên Giáp viết về Vấn đề dân cày (đồng tác giả với Trường Chinh), Từ nhân dân mà ra… Đại tướng đã tổng kết lịch sử dân tộc để có các tài liệu về chiến tranh nhân dân về đánh du kích, về chọn thời cơ để có chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mà tốn ít sương máu nhất. Có một đôi câu đối viếng khi Đại tướng đã yên nghỉ tại Vũng Chùa - Đảo Yến tổng kết sự nghiệp của người:
Văn lo vận Nước văn thành võ
Võ thấu lòng Dân võ hóa văn.
Trong lịch sử dân tộc còn nhiều vị được tôn vinh là danh sư như Võ Trường Toản quê ở Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh) đã từng giảng dạy cho Nguyễn Phúc Ánh. Sau này có Phan Bội Châu với phong trào Đông Du để học tập Nhật Bản Duy Tân. Lương Văn Can với việc mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội.
Không chỉ có nam giới, phụ nữ Việt Nam từ xưa đã có nhiều người tài năng tham gia giảng dạy. Thời đại phong kiến trọng nam khinh nữ mà vẫn phong tặng các bà là Lễ nghi học sĩ hay là Cung trung giáo tập (dạy học cho các nữ nhân ở trong cung) như Nguyễn Thị Lộ vợ thứ của Nguyễn Trãi. Nguyễn Thị Duệ nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến. Bà giả trai đi thi năm 1594 thời Mạc Kính Cung, được phong là Tinh Phi (Sáng như ngôi sao). Đoàn Thị Điểm dịch Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn từ chữ Hán sang chữ Nôm. Bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) hay chữ giỏi thơ người đời thường nhắc đến các bài: Thăng Long thành hoài cổ, Qua Đèo Ngang của bà.
Sơ lược về một số danh sư tiêu biểu trong lịch sử, những người đã góp phần nâng cao dân trí cho dân tộc tự hào trong công cuộc bảo vệ và kiến quốc.
Hữu Chỉnh
Hội viên Hội VHNT Đắk Lắk
Tạp chí Chư Yang Sin tháng 10-2021
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0