Những câu chuyện của các nhà giáo tâm sự về niềm hạnh phúc trong nghề “gieo chữ” và sự đam mê trong sáng tác văn học nghệ thuật. Chúng ta thấy hai vẻ đẹp song hành ở họ, vẻ đẹp của nhà giáo và vẻ đẹp của người nghệ sĩ.
1. Thầy giáo, nhạc sĩ Huỳnh Ngọc La Sơn: Nghề giáo và nghệ sĩ có sự tương đồng, đó là sáng tạo,
Nhiều năm đứng trên bục giảng đã đọng lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm khiến tôi xúc động nhất đó là thời gian tôi dạy cho các em khiếm thị. Vì các em không nhìn thấy nên tôi phải “truyền miệng” khá vất vả: Em ơi! Nốt La phải dùng ngón tay số 3 bấm vào ngăn số 2 trên dây đàn số 3… Thế là các em phải “vật lộn” từng nốt nhạc như thế. Tôi tự hỏi: Biết bao giờ mới xong một bài nhạc đây? Sau hai tháng, sự kiên nhẫn của tôi rồi cũng có kết quả, những nốt nhạc tưởng như rời rạc ấy cuối cùng cũng được các em kết lại với nhau thành một bản nhạc. Nghe các em đánh đàn, tôi xúc động, hạnh phúc và khâm phục sự kiên trì của các em.
Sự thúc đẩy của nghề giáo và lòng yêu mến các em học sinh đã dẫn tôi đến với âm nhạc. Xuất thân là nhà giáo, hình ảnh về mái trường, thầy cô và bạn bè đã được tôi đưa vào trong tác phẩm với tất cả lòng yêu mến và sự rung động thực sự. Phần lớn trong 100 ca khúc của mình là những bài hát dành cho thiếu nhi và nghề giáo. Tôi thấy rằng, nghề giáo và nghệ sĩ luôn có điểm tương đồng, đó là sự sáng tạo, có điểm chung đó là: đều đi tìm cái đẹp, sáng tạo cái đẹp…
2. Giảng viên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trương Thông Tuần: Cháy hết mình trong những giờ giảng dạy văn học
Tôi đã trải qua 33 năm làm nghề dạy học, một hành trình dài để tôi có thể thấy rằng, dạy văn học là một niềm vui lớn. Tôi hạnh phúc khi mình đứng trên bục giảng, say sưa giảng cho học trò của mình, nhận thấy ánh mắt của các em đồng điệu với cảm xúc của mình qua từng lời giảng. Lúc ấy, thầy và trò như cùng hóa thân vào nhân vật tác phẩm. Những tiết dạy như thế, bồi đắp thêm cho tôi sự đam mê với nghề giáo.
Thời nay, học sinh, sinh viên tuy có giảm hứng thú học văn. Vì vậy, chúng tôi - những người thầy gặp không ít khó khăn khi truyền đạt kiến thức, cảm xúc. Tôi thấy mình hạnh phúc khi nhận được những ánh mắt say mê và sự chăm chú lắng nghe của sinh viên trong những giờ lên lớp của mình. Cháy hết mình trong những giờ giảng là niềm hạnh phúc lớn lao tôi có được khi giảng dạy văn học.
3. Cô giáo, nhà văn Nguyễn Thị Bích Thiêm: Giáo viên dạy văn là một nghệ sĩ trên bục giảng
Mỗi giáo viên dạy văn đều là một nghệ sĩ trên bục giảng, mỗi giờ dạy giáo viên phải đồng điệu để cảm nhận và khơi gợi cho học sinh cảm nhận vẻ đẹp về nội dung, ngôn từ… của tác phẩm đó. Tuy nhiên, thầy cô cũng phải luôn nhớ nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn để học sinh có thể cảm nhận, tự rút ra những nội dung cho mình. Giờ dạy văn thành công là giờ mà có sự đồng điệu trong mạch cảm xúc của nhà văn (tác phẩm) - giáo viên - học sinh. Hơn 30 năm đi dạy, tôi đã có những giờ như vậy. Khi đó cảm giác yêu nghề nhiều lắm.
Giáo viên dạy văn và người sáng tác văn học có những điểm gặp gỡ tương đồng, đó chính là tác phẩm văn học. Nhà văn viết tác phẩm và nhà giáo khơi gợi, tổ chức cho học sinh tiếp cận, cảm thụ tác phẩm… Từ đó dẫn dắt học sinh - độc giả - có cùng sự rung động của nhà văn. Tôi đi dạy hơn 30 năm và viết văn hơn 10 năm, tôi thấy nghề dạy học và nghề cầm bút hỗ trợ qua lại cho tôi trong việc giúp học sinh đọc - hiểu - cảm thụ tác phẩm văn học tốt và sâu hơn.
4. Thầy giáo, họa sĩ Ngô Tiến Sỹ: Chất nghệ sĩ được thăng hoa trong từng bài giảng
Nghề giáo gắn với tôi như định mệnh, từ họa sĩ tôi đến với nghề giáo khi ngành giáo dục có chủ trương đưa giáo dục thẩm mỹ vào trường học. Tính đến nay đã gần 20 năm trên bục giảng, nhìn lại chặng đường đã đi qua, tôi thấy tự hào và yêu quý nghề hơn.
Mặc dù bận rộn công tác giảng dạy, nhưng vì tình yêu nghệ thuật, trái tim của người nghệ sĩ luôn thôi thúc tôi vẽ. Tôi yêu mảnh đất Tây Nguyên hai mùa mưa nắng, yêu những con đường hun hút vàng ruộm hoa cúc quỳ, những đồi cỏ cháy, những sơn nữ mặc thổ cẩm tinh khôi đùa nghịch bên bến nước, những đàn bò thong dong gặm cỏ... Tôi dành trọn tình yêu cho Tây Nguyên nên nguồn cảm hứng sáng tác của tôi đa phần về miền đất đỏ bazan này. Tôi muốn tri ân vùng đất đã cưu mang mình từ những ngày gian khó.
Là giáo viên dạy môn mỹ thuật đôi khi chất nghệ sĩ được thăng hoa theo bài học, sự giao thoa giữa nghề giáo và chất nghệ sĩ trong mỗi tiết học làm giảm bớt áp lực cho cả thầy và trò. Khi chuyển sang tiết mỹ thuật các em được thỏa sức sáng tạo, thả hồn vào tranh vẽ.
THANH VÂN thực hiện
Tạp chí Chư Yang Sin tháng 11-2021
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0