NỖI NIỀM TRẮC ẨN ĐIỀU TRA VIÊN
Bút ký
Đêm cao nguyên gió lùa mênh mang khắp không gian. Mùa covid thứ hai khiến cho đoạn quốc lộ đi qua trung tâm huyện M' Drak cũng không náo nhiệt hơn là bao. Nhịp sống chậm lại. Bên trong những ngôi nhà sáng đèn, người ta tụ họp gia đình. Ông bố và nhóm bạn uống trà bàn chuyện thời sự. Người mẹ ôm con đung đưa trên chiếc võng nơi góc nhà. Nhịp sống bình yên, hạnh phúc đơn sơ thật đáng quý. Nó nhắc ta nhớ tới sự đóng góp công sức của bao nhiêu người con của dân tộc, trong đó có lực lượng công an nhân dân, những người mà khi mọi người đang sum họp bên gia đình thì họ vẫn đang thực hiện nhiệm vụ: đấu tranh trấn át tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị và sự bình yên cho nhân dân.
Đã gần tám giờ tối, căn phòng tiếp dân trụ sở công an huyện M’Drăk vẫn sáng đèn. Trong căn phòng nhỏ có bộ bàn ghế công vụ, có hai người đang ngồi đối diện nhau. Bên này chiếc bàn là nữ chiến sĩ công an tầm ngoài ba mươi tuổi. Chị vừa đặt ngay ngắn cuốn sổ lên bàn vừa vuốt lại mái tóc mà gió trên quãng đường cả trăm ki lo met từ thành phố Buôn Ma Thuột đến đây đã làm bung ra lòa xòa trên má. Phía bên kia bàn là thiếu nữ tầm 15 tuổi, vóc dáng khá phổng phao. Cô bé cúi gằm mặt. Hai bàn tay đan vào nhau đến đỏ ửng. Cô lí nhí trả lời hoặc im lặng khi nghe người nữ cán bộ hỏi. Thỉnh thoảng cô nhìn ra ngoài khoảng sân rộng phía xa hút nền trời đêm đen thẫm bằng ánh nhìn thảng thốt.
Là con gái trong gia đình đông con, N lớn lên hồn nhiên như cây cỏ. Do mải kiếm sống và nhận thức có hạn nên bố mẹ cô không nghĩ đến làm giấy khai sinh cho các con mình. Đến tuổi đi học, mấy đứa con học dở dang rồi làm rẫy làm thuê kiếm sống. N bước vào tuổi 15 với một vóc dáng đầy đặn khỏe khoắn và sự tươi tắn rạng rỡ. Như mọi cô gái khác, N. cũng có những chàng trai để ý và làm quen. Trong đó có K là cậu bạn cùng một lứa trong buôn. Một đêm nọ, cô bé cùng nhóm bạn hơn chục thanh niên rủ nhau ra ngoài bãi đất trống liên hoan. Khi nhậu đã sương sương thì tất cả giải tán. N được K và M- một thanh niên 21 tuổi, là người ở buôn khác đến- chở xe máy về. N ngồi giữa, K cầm lái. Cô bé không hề biết trước đó M đã rủ K sẽ xâm hại cô. Trên đường đi, M ngồi sau và dùng tay sờ soạng cơ thể N. Cô phản kháng nhưng cả hai tên đã chở thẳng cô lên đồi keo. Tại đây, chúng lấy dây tước từ cây keo ra trói tay N lại rồi cả hai thay nhau cưỡng hiếp cô gái. Do N giãy giụa và la hét nên nhà dân gần đó nghe tiếng. Họ rọi đèn pin và quát lớn. Hai thanh niên vội bỏ N ra và chạy về nhà trong tình trạng không kịp mặc đồ. Khi được giải cứu, N vừa sợ vừa ngại ngần nên cứ ngồi thu mình trong căn phòng, không chịu trả lời mọi câu hỏi của điều tra viên.
Người nữ cảnh sát được phân công làm nhiệm vụ lấy thông tin, lời khai của N là thiếu tá Nguyễn Thị Mai Nga- Cán bộ Đội Điều tra và Thẩm định hồ sơ tố tụng của Phòng PC01- Công an tỉnh Đắk Lắk. Chiều đó, vừa họp chi bộ xong lúc 16g30, chị được cấp trên điều động xuống M’Drak để làm nhiệm vụ. Nhìn mẹ và dì của N đang ngồi trong chiếc ghế phía sau và vẻ khép nép của cô bé, chị thấy nhoi nhói trong lòng. Do cô bé không có giấy khai sinh nên khó định tội danh. Công an huyện phải lục lại hồ sơ của Trạm Y tế huyện mới biết cô bé 15 tuổi. Vậy mà lại gặp phải chuyện không may này. Chị quay sang nói với mẹ và dì của N ra ngoài để hai cô cháu nói chuyện riêng. Khi hai người vừa ra khỏi phòng, chị khép cửa phòng, kéo chiếc ghế xích lại gần và thủ thỉ:
-Cô biết cháu còn đang sợ nên chưa nhớ được hết chuyện đã xảy ra…
Chị với tay lấy chai nước lọc trên bàn và mở nắp. Ánh mắt cô bé chăm chú nhìn theo đôi tay chị và bớt đi vẻ thảng thốt. Chị rót một li trước mặt mình, một li nữa để trước mặt cô bé. Nhấp một ngụm nước, chị nhỏ nhẹ:
-Cô cũng đã có gia đình, đã từng sinh đẻ hai lần. Con cô lớn gần bằng cháu. Cháu uống nước đi rồi hãy kể cho cô nghe. Đừng ngại. Các cô chú sẽ giúp cháu.
Giọng nói tâm tình nhỏ nhẹ của nữ công an đã có tác dụng. N. dần trấn tĩnh lại. Cô bé ngửng đầu lên. Chị Nga đẩy nhẹ li nước về phía N. Cô cầm li nước lên bằng hai tay và uống một hơi. Đặt li xuống bàn, nhìn ánh mắt ân cần, khích lệ của người đối diện, N. khẽ hít một hơi thở rồi bắt đầu thuật lại câu chuyện. Có đôi lúc cô dừng lại vì cả người cô vẫn run lên khi nhớ đến khoảnh khắc hãi hùng đã trải qua. Nga không thúc giục, chị kiên nhẫn chờ cho N. bình tĩnh lại để kể tiếp. Khi Nga ghi xong lời tường trình thì đã là gần nửa đêm. Ra đến sân, nhìn mẹ con N lớ xớ đứng đó, lòng chị nhói lên niềm thương cảm. Lấy ra những tờ tiền còn lại trong ví, chị đưa cho mẹ N và nói bà lo mua thuốc và dung dịch vệ sinh cho con gái mình. Nhờ có lời khai của N và quá trình đấu tranh, hai đối tượng K, M đã thành khẩn khai báo, nhận tội và khắc phục một phần thiệt hại cho bị hại, chấp hành sự trừng phạt của pháp luật. Sau đó các anh chị cũng đề đạt xã làm khai sinh cho N. và các anh chị em trong nhà.
Được sự cho phép của lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi ngỏ ý gặp và trao đổi với thiếu tá Nguyễn Thị Mai Nga. Khi đó chị đang bận công việc nhưng vẫn tranh thủ trao đổi ít phút cùng chúng tôi. Chị là nữ điều tra viên duy nhất của Đội Điều tra và Thẩm định Hồ sơ tố tụng, Phòng PC 01, Công an tỉnh Đắk Lắk. Quê ở Ninh Bình, bố mẹ Nga đi vào làm kinh tế mới tại Krong Păk- Đắk Lắk từ những năm 70. Cô bé có khuôn mặt bầu bĩnh, nụ cười tươi tắn đã ấp ủ trong tim ý định thành một nữ chiến sỹ công an từ khi đang học THCS. Ước mơ ấy được bố mẹ đồng tình, ủng hộ. Năm 2002, Nga học xong THPT. Chị thi vào Đại học Cảnh sát và đậu trung cấp Điều tra. Năm 2004, ra trường chị về công tác tại Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk. Rồi chị học thêm Đại học luật và chuyên môn nghiệp vụ. Năm 2007 cấp trên phân công chị sang Đội Kiểm tra Hướng dẫn. Năm 2018 chị được chuyển sang làm bên Đội Án và công tác từ đó đến nay. Đã gần 20 năm chị công tác với vai trò một điều tra viên. Quãng thời gian gần hai chục năm với những đóng góp, cống hiến ghi dấu sự trưởng thành cũng như những cống hiến của chị- một nữ chiến sĩ công an- với công cuộc đảm bảo an ninh trật tự xã hội, cuộc sống bình yên cho nhân dân tỉnh nhà.
Khi nghe tôi hỏi: “Là nữ điều tra viên duy nhất của đội Điều tra và Thẩm định Hồ sơ tố tụng, sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì?” Chị cười tươi tắn: “Điều tra viên số lượng ít, lại chỉ có mình tôi là nữ nên nhiều khi đi công tác về đến nhà lúc một hai giờ sáng là chuyện bình thường. Tôi luôn được cấp trên và các đồng đội quan tâm tạo điều kiện thuận lợi trong khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, với những vụ án mà bị can hay bị hại là nữ thì tôi phải có mặt. Có nghĩa là nhiệm vụ có thể có bất cứ vào thời điểm nào. Rồi cũng có nhiều vụ đấu tranh trên giấy tờ cũng phức tạp và khó khăn không kém. Khi đó, tôi một mặt xin ý kiến cấp trên, mặt khác cùng bàn bạc với các đồng đội để cùng nhau tháo gỡ.”. Ánh mắt chùng xuống, chị nhỏ nhẹ nói: “Có những vụ án khi đi điều tra tôi thấy ái ngại cho bị can. Ví như vụ án về đối tượng N.V.Đ ở Krong Buk.”. Vốn là người hiền lành chân chất, không ai ngờ có ngày Đ. hành hung, gây thương tích cho vợ mình. Tất cả bắt đầu từ câu nói của con gái “Mẹ có người mới, chú đó muốn nhận con làm con nuôi”. Đ. tra hỏi vợ mình là chị P.T.T. Không chấp nhận nghe lời vợ giải thích, Đ. tiếp tục căn vặn rồi hai người xô xát. Đ. bóp cổ chị T, đồng thời lấy cục gỗ đánh vào đầu vào mặt vợ. Khi có hàng xóm đến can ngăn, Đ. cùng mọi người đưa chị T đi cấp cứu. Kết quả giám định của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận chị T. bị tổn thương cơ thể 20% do vật tày có cạnh. Thiếu tá Mai Nga kể cho chúng tôi khi đi điều tra thẩm định vụ án, nhìn căn nhà tường gạch không tô, mái tôn đã rỉ sét, nền láng xi măng lỗ chỗ, hai đứa con chừng 9-10 tuổi, đang nép vào bố- người đàn ông có dáng vẻ lam lũ, bất giác chị nghẹn trong họng và cay cay khóe mắt vì thương hai đứa trẻ vô tội. N.V.Đ làm thuê kiếm sống, còn người vợ P.T.T đi gom ve chai. Họ lấy nhau và sống trong căn nhà cấp 4 trên mảnh đất bố mẹ P.T.T cho. Đã có hai con, nhưng họ hay cãi nhau. T thường bỏ nhà đi đâu không rõ. Rồi T. kiếm cớ gây sự, và hai người li hôn. Dù tòa xử con trai nhỏ hơn ở với P.T.T nhưng cả hai cháu đều sống với bố chứ không chịu theo mẹ. Ngay trước khi N.V.Đ bị bắt thì con trai 8 tuổi mới bị tai nạn phải đi chữa trị ở Thành phố Hồ Chí Minh. Một mình N.V.Đ vừa lo làm thuê kiếm sống vừa lo chăm nuôi con. Ba cha con đang ở trọ cùng nhau. Để thực hiện lệnh bắt N.V Đ, thiếu tá Mai Nga cùng các đồng chí công an huyện, công an khu vực mất một buổi chiều vì phải tìm cách liên hệ gặp rồi thuyết phục chị T. nuôi con trong thời gian anh Đ. thi hành án. Chị cũng gặp người thân của N.V.Đ để nhắc gia đình động viên Đ. chấp hành án nghiêm túc và khắc phục tổn thương cho bị hại. Nhờ tình tiết này mà khi xử Đ đã được xem xét và hưởng mức án 14 năm (đã có giảm nhẹ). Người thân và N.V.Đ đã nói lời cám ơn cán bộ điều tra (chị Nguyễn Thị Mai Nga- chú thích của tác giả) trong phiên xử tại tòa.
Thường phụ nữ vẫn dịu dàng, khéo léo, mềm mỏng và giàu lòng trắc ẩn. Với các nữ cán bộ, chiến sĩ công an thì sự khéo léo, dịu dàng, trắc ẩn đó phải đi cùng sự tỉnh táo, dứt khoát để đảm bảo được sự khách quan, công bằng, chính xác, khi ngăn chặn, xử lí, trấn áp tội phạm. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có nghị lực, bản lĩnh không nhỏ. Nguyễn Thị Mai Nga cũng vậy. Với những vụ án được phân công thẩm định hồ sơ, chị không chỉ nắm bắt những chi tiết, yếu tố…diễn biến của sự việc mà còn nắm rất rõ hoàn cảnh, nỗi niềm riêng của các đối tượng. Có nhiều lần chị nói: “Có những vụ án khi đi thẩm định hồ sơ, thấy hoàn cảnh của người gây án và nạn nhân đều đáng thương lắm. Nhất là con cái của họ. Thấy thương phát khóc luôn”. Tôi hiểu chị đã thực hiện nhiệm vụ của mình không chỉ bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm, nhiệt tình công tác mà còn bằng một trái tim phụ nữ nhân hậu. Chị kể về vụ án chỉ từ việc xin thuốc lá không thành mà anh trai đánh rồi bỏ mặc đứa em tật nguyền của mình trên đường hay vụ án mà người chồng trước khi bị bắt còn nhờ chị thuyết phục các con về ở với người mẹ bấy lâu nay không màng đến con cái. Tất cả những số phận con người, những câu chuyện về hoàn cảnh vi phạm pháp luật với các mức độ khác nhau của các đối tượng trong dòng tâm tưởng của nữ thiếu tá- điều tra viên- nghe thấm buồn mà đậm tình người. Đó là sự thấu hiểu cuộc sống với những mảng sáng- tối, tốt- xấu đan xen. Và nhiệm vụ người chiến sĩ công an như chị và các đồng đội của mình là đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn không cho cái Ác, cái Xấu làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, tính mạng nhân dân, là “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phụng sự”. Riêng năm 2021 chị được phân công thụ lý 16 vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra chị còn cùng các điều tra viên trong Đội Tham gia thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, thực nghiệm điều tra khám nghiệm hiện trường. Thời điểm hiện tại chị đang thụ lý điều tra một số vụ án nên rất bận rộn. Chị và các đồng đội của mình vừa mềm mỏng mà kiên quyết và khéo léo đấu tranh với các đối tượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa sự thực sau các vi phạm, tiêu cực, tội ác đó ra ánh sáng để các kẻ thủ ác chịu sự trừng phạt của pháp luật, cuộc sống yên bình cho mọi người dân.
Nữ chiến sĩ điều tra viên Nguyễn Thị Mai Nga sau gần 20 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân, giờ đã là một Thiếu tá, vững vàng trong chuyên môn nghiệp vụ, trong phẩm chất chính trị và cả trong cuộc sống đời thường. Nói về chị, Thượng tá Phùng Minh Trí- Trưởng phòng PC 01 Công an Đắk Lắk- nói: “ Là một cán bộ nữ duy nhất của Đội Điều tra Thẩm định hồ sơ tố tụng, đồng chí Nguyễn Thị Mai Nga luôn năng nổ, nghiêm túc và nhiệt tình trong công tác. Không ngại khó ngại khổ và luôn biết cách vừa mềm mỏng khéo léo “lạt mềm buộc chặt” vừa kiên quyết để làm tốt công tác điều tra viên của mình. Đặc biệt trong các thời điểm quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Tân sửu, hay đợt Cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo ANTT trong tình hình dịch bệnh Co vid 19 năm 2021 đồng chí đã cùng các đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt danh hiệu Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Chị đã từng nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và năm 2021 được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen trong các đợt Cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đợt dịch co vid 19 (từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2021”.
Cuộc sống và dòng chảy thời gian luôn vận động. Mỗi người chúng ta đều “bơi” trên dòng sông ấy theo cách riêng của mình. Năm tháng qua đi, cách chúng ta “bơi”, chúng ta sống sẽ là dấu ấn cuộc đời mỗi người. Thiếu tá Nguyễn Thị Mai Nga cùng các đồng đội của mình đã và đang ghi những dấu son đẹp đẽ khi các anh chị vẫn ngày đêm thầm lặng làm nhiệm vụ, bảo vệ an ninh trật tự, sự bình yên cho đất và người nơi đây. Bản thân chị đã có một gia đình hạnh phúc. Chồng chị làm kinh doanh và luôn thấu hiểu tạo điều kiện chăm lo gia đình, chăm lo các con để chị yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Chị vừa qua một đợt là F0, và đi làm lại được một tuần. Khi tôi gõ những dòng này là lúc hai con rồi chồng chị tiếp tục dương tính với co vid. Nghĩa là chị sẽ phải làm việc gấp bội để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa chăm sóc chồng con mình khỏi bệnh. Tôi tin nhất định chị sẽ hòan thành xuất sắc nhiệm vụ ở cả cơ quan và chăm sóc người thân trong gia đình bằng bản lĩnh vững vàng và trái tim nhân hậu, yêu thương như chị đã từng từ trước đến nay.
Tác giả: Nguyễn Thị Bích Thiêm
Đơn vị: Hội VHNT Đắk Lăk
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0