Tăng cường đầu tư phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững
Ngày đăng: 16/09/2022 15:01
- Lượt xem: 237
- Thích
Ngày đăng: 16/09/2022 15:01
Văn hóa là một hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua hoạt động thực tiễn. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhận thức, quan điểm của Đảng về văn hóa có những bước vận động và phát triển rất quan trọng, được khẳng định bằng các văn kiện của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Đặc biệt, hơn 35 năm đổi mới, nhiều nghị quyết, kết luận của Đảng về văn hóa được ban hành, tổ chức thực hiện, nổi bật là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, là văn kiện chuyên đề, sâu sắc và toàn diện về văn hóa sau Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa có tính cương lĩnh hành động trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW nhằm phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học...
Đắk Lắk là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, với 41 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia, 22 di tích cấp tỉnh, sự giao thoa văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 49 dân tộc anh em từ các vùng miền trong cả nước cùng sinh sống, là quê hương của sử thi Êđê, trường ca Đam Sam - Xinh Nhã được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia và kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, hơn 70 lễ hội truyền thống và hiện đại như: Lễ hội Cồng chiêng, Lễ hội đua voi, Lễ cúng bến nước, Lễ Pơ thi (bỏ mả), Lễ mừng lúa mới, Lễ hội đâm trâu và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột... tạo nên nét đẹp văn hóa đặc sắc, phong phú và đa dạng của địa phương.
Quán triệt sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa và đạt được những kết quả quan trọng.
Thứ nhất, chủ động lập và triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật như: Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2025, tầm nhìn 2030; ban hành 04 nghị quyết chuyền đề, 01 Đề án về bảo vệ và phát huy giá trị Không gian Văn hóa Cồng chiêng; Đề án Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc Đắk Lắk...
Thứ hai, quan tâm bồi dưỡng, phát triển, động viên, khuyến khích, hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực sáng tác những tác phẩm có giá trị cao; trong thời gian qua, hoạt động văn học - nghệ thuật có bước phát triển mới, phong phú về nội dung, hình thức với hàng trăm tác phẩm được tặng giải quốc gia, khu vực và cấp tỉnh; đóng góp quan trọng vào công tác tuyên truyền, cổ động cho các sự kiện chính trị, xã hội, các hoạt động kỷ niệm quan trọng và trong cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID - 19 của đất nước, của tỉnh.
Thứ ba, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống các dân tộc, đề nghị xếp hạng di tích, di sản văn hóa; ban hành nhiều quy định quản lý di sản văn hóa, tổ chức lễ hội, từng bước đưa hoạt động quản lý, bảo vệ di sản, các hoạt động văn hóa đi vào nề nếp; công tác quản lý, tổ chức lễ hội bài bản, chu đáo, trang trọng, sáng tạo, tiết kiệm, phù hợp thuần phong mỹ tục, tạo sức lan tỏa, góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của các dân tộc trên địa bàn.
Thứ tư, đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa cấp tỉnh gồm 03 Nhà văn hóa, 01 Bảo tàng, 01 Thư viện và 01 Trung tâm Văn hóa điện ảnh đa chức năng vùng Tây Nguyên; 13/15 trung tâm văn hóa huyện, 60% nhà văn hóa, thể thao cấp xã; xây dựng gần 95% nhà văn hóa cộng đồng buôn đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; với tỷ lệ hộ gia đình, thôn buôn tổ dân phố, cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hoá trên 87%.
Thứ năm, đầu tư xây dựng, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở với hơn 52% trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phục vụ tốt yêu cầu phát triển trí lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, không quản ngại những những khó khăn, vất vả, hy sinh, xung kích trên tuyến đầu chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm về văn hóa là: “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm an sinh xã hội và từng bước giải quyết vấn đề dân di cư tự phát. Đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người và phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng nâng cao, giá trị tư tưởng nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số trên địa bàn”. Để đạt được những mục tiêu trên, trong những năm tới tỉnh Đắk Lắk cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiệp tục tổ chức quán triệt, học tập sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá và chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hoá toàn quốc trong toàn đảng bộ, hệ thống chính trị và Nhân dân; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh đối với sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; triển khai thực hiện chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 và tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai có hiệu quả các nghị quyết, đề án, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, quy tắc ứng xử của tỉnh liên quan đến hoạt động văn hoá, du lịch.
Hai là, ưu tiên nguồn lực đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, trong đó tập trung vào các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt; đầu tư hoàn thiện và nâng tầm cấp vùng đối với 03 thiết chế văn hoá của tỉnh theo tinh thần Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030 và Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; tiếp tục hoàn thiện các thiết chế văn hóa cấp huyện, xã; phấn đấu đến năm 2030, có 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao.
Ba là, khuyến khích, nâng cao chất lượng sáng tác và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật và triển khai sâu rộng Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc các dân tộc; đăng cai tổ chức các lễ hội cấp vùng; tích cực tham gia các sự kiện văn hoá của khu vực, quốc gia và đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hoá nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, bản sắc và hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè trong nước và thế giới.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ trình độ, chuyên nghiệp và bản lĩnh; bổ sung, hoàn thiện cơ chế phát hiện, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ, văn nghệ sĩ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa; quản lý hiệu quả các hoạt động văn hoá, lễ hội, sáng tác, báo chí, xuất bản, đăng tải thông tin, phát ngôn trên không gian mạng.
Năm là, ưu tiên các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển văn hóa; tập trung xây dựng con người Đắk Lắk phát triển toàn diện hướng đến chân - thiện - mỹ; giáo dục và định hướng hưởng thụ văn hóa lành mạnh, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các giải pháp trên, góp phần quan trọng đưa văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững; đảm bảo đến năm 2025: Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025; định hướng đến năm 2030: Đảm bảo đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân, đạt mức trung bình khá của cả nước; tầm nhìn đến năm 2045: Xây dựng tỉnh Đắk Lắk “Giàu đẹp, văn minh, bản sắc”, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, đảm bảo đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân đạt mức khá của cả nước.
Huỳnh Thị Chiến Hòa
(Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Khóa X, Nhiệm kỳ 2021-2026)
Tạp chí Chư Yang Sin số 353+354 (tháng 1&2 năm 2022)
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0