Tiềm năng của phê bình nữ quyền sinh thái
Liệu văn học Việt Nam có khuynh hướng văn chương nữ quyền sinh thái hay không? Ngữ cảnh nào cho phép diễn ngôn nữ quyền sinh thái được hình thành và tồn tại? Văn xuôi Việt Nam đương đại đã chạm thấu được những gì đang diễn ra trước cuộc khủng hoảng môi trường, và bất bình đẳng giới? Để có đáp án cụ thể, chính xác đòi hỏi phải có nhiều thời gian cũng như nhiều tâm huyết của các nhà nghiên cứu. Tin vào triển vọng của việc vận dụng phê bình nữ quyền sinh thái vào thực tiễn văn học nữ Việt Nam, chúng tôi mạnh dạn tìm tòi, khám phá lãnh địa hấp dẫn với nhiều nghi vấn cần giải mã này.
Phê bình nữ quyền sinh thái là gì?
Phê bình nữ quyền sinh thái (ecofeminist criticism) ra đời vào thập niên 90 của thế kỷ XX. Nó có nguồn gốc từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái và tích hợp trong mình lý thuyết của cả phê bình nữ quyền và phê bình sinh thái. Nếu phê bình sinh thái nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên, phê bình nữ quyền xem xét ngôn ngữ và văn học từ góc độ giới tính thì phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái là một góc nhìn mới mẻ cho việc giải quyết nguy cơ sinh thái và vấn đề bất bình đẳng giới. Từ vấn đề con người – tự nhiên, phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái còn mở rộng tầm nhìn đến các vấn đề khác như giới tính, chủng tộc, giai cấp, công bằng, môi trường... Vì vậy, phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái là một bước khai phá và phát triển sâu hơn, cao hơn so với phê bình nữ quyền và phê bình sinh thái.
Trong quá trình phát triển, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái và lý luận văn học cùng hỗ trợ và tương tác lẫn nhau để cung cấp nền tảng cần thiết biến phương pháp phê bình nữ quyền và phê bình sinh thái thành một một lý thuyết phê phán áp dụng cho cả mối quan hệ giữa tự nhiên và nữ giới. Phê bình văn học nữ quyền sinh thái đã thu hút một loạt các phương pháp tiếp cận liên ngành như: Phê bình nữ quyền (Feminist), Phê bình sinh thái (Ecocricism), Luân lý học trái đất (The land ethic), Thuyết giải phóng động vật (Animal liberation),... tạo một cơ sở lý luận và quan niệm cho việc xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên. Lý thuyết đã chín muồi cộng với bối cảnh môi trường sinh thái trên trái đất này bị suy thoái nghiêm trọng, phong trào nữ quyền phát triển mạnh mẽ, các nhà nữ quyền sinh thái tiến hành kết hợp vấn đề môi trường và vấn đề phân biệt giới trong nghiên cứu văn học. Từ đó, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái ở Mỹ bắt đầu xâm nhập vào lĩnh vực văn học. Naomi Guttman trong tiểu luận Chủ nghĩa nữ quyền trong nghiên cứu văn học (Ecofeminism in Literary Studies) đã đưa ra khái niệm về phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái như sau: Phê bình văn học từ nữ quyền sinh thái khai quật các quan điểm của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái trong tác phẩm văn học, nhất là tác phẩm viết về tự nhiên; từ góc nhìn của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái để đọc tác phẩm văn học, chủ yếu là tác phẩm văn học nữ quyền; định giá lại các sáng tác của văn học nữ và sáng tác tự nhiên vốn bị xếp vào thể tài văn học bên lề; thông qua việc vận dụng lý luận văn học nữ quyền sinh thái để đưa sáng tác tự nhiên vào hàng ngũ văn học kinh điển truyền thống; tham khảo thêm về phê bình nữ quyền, từng bước xây dựng lý luận phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái (Guttman, N., 2002, tr. 41).
Ở Việt Nam, phê bình nữ quyền sinh thái là một khuynh hướng nghiên cứu văn học mới được giới thiệu, hơn nữa, bản thân nó cũng là một khuynh hướng nghiên cứu văn học chưa hoàn toàn định hình, còn đang trong quá trình điều chỉnh, hoàn thiện. Cơ sở lý luận của phê bình nữ quyền sinh thái là sự hài hòa, bình đẳng giữa con người và tự nhiên, nam giới và nữ giới, vừa đảm bảo lợi ích của con người, vừa đảm bảo lợi ích sinh thái. Phê bình sinh thái vận dụng các phương pháp nghiên cứu của phê bình nữ quyền và phê bình sinh thái để xử lý văn bản văn học, vừa đảm bảo tính thực tiễn, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ. Vấn đề cốt lõi của phê bình nữ quyền sinh thái là cái nhìn phản tư thuyết nhị nguyên cho rằng: đàn ông và nam tính gắn liền với văn hóa và văn hóa có giá trị, trong khi phụ nữ và nữ tính gắn liền với thiên nhiên và cả hai đều bị mất giá. Những định giá được liên kết này dẫn đến hệ thống phân cấp, sau đó được sử dụng để biện minh cho sự thống trị của phụ nữ, tự nhiên và tất cả những người có liên quan. Phơi bày những mối liên kết khái niệm này trong văn học và văn hóa cũng như tư tưởng chính trị, truyền thông, giáo dục và các khía cạnh khác của xã hội là một thành phần quan trọng của phê bình nữ quyền sinh thái.
Như vậy, phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái tích hợp trong nó sự đa dạng của nhiều lý thuyết có liên quan đến nhau. Nó sử dụng điểm nhìn đa trùng vừa tự nhiên, môi trường và giới tính để tiến hành phê bình văn học đồng thời liên kết các nhân tố đó lại với nhau để làm nên một nguồn nội lực phản tư, giải cấu trúc quan niệm đối lập nhị nguyên, phê phán chủ nghĩa nhân loại trung tâm và văn hóa chế độ phụ quyền trung tâm từ đó giải phóng vị trí “kẻ khác” và “bên lề” của tự nhiên và nữ giới, thức tỉnh ý thức chỉnh thể sinh thái và ý thức nam nữ bình đẳng của mọi người, xây dựng một xã hội bình đẳng, hài hòa giữa nam giới và nữ giới, giữa con người và tự nhiên.
Tính khả dụng của phê bình nữ quyền sinh thái
Tính khả dụng của phương pháp tiếp cận văn bản văn học từ nữ quyền sinh thái xuất phát từ sự cởi mở so với cách tiếp cận theo chủ nghĩa sinh thái truyền thống. Trong khi phê bình nữ quyền sinh thái có thể được áp dụng cho các phong trào chính trị, kinh tế và văn hóa nói chung, thì chủ nghĩa sinh thái chủ yếu giới hạn trong phân tích các tác phẩm văn học và văn hóa. Tính mở của nữ quyền sinh thái cũng được phản ánh trong nội hàm phê bình văn học của nó, là dựa trên những ý tưởng nữ quyền, và sinh thái để khám phá tầm nhìn của nữ quyền sinh thái trong văn học nói chung nhưng đặc biệt là trong sáng tác tự nhiên (nature writing).
Ở Việt Nam, lý thuyết này du nhập và được các học giả hưởng ứng những năm gần đây nên không khỏi bộc lộ những thiếu sót và hạn chế về mặt lý luận. Nó không có một hệ thống lý thuyết hoàn thiện mà dung hợp nhiều hệ hình, nhiều tư tưởng khác nhau. Nó cũng chưa xây dựng được lý luận đa ngành về phê bình văn học gồm sự giao thoa giữa sinh thái - nữ quyền - sáng tác - phê bình nên ứng dụng thực tiễn của lý thuyết này còn chưa được phổ biến rộng rãi. Vấn đề đặt ra là liệu có sự “gượng ép” khi chúng ta ứng dụng những lý thuyết của phương Tây vào văn học nước ta? Chúng ta có vấn đề nữ quyền trong một số lĩnh vực xã hội, nhưng trong văn học thì như thế nào? Lý thuyết phê bình sinh thái cũng bị nhiều chuyên gia hồ nghi rằng đó chỉ là một phong trào hoạt động xã hội nhằm bảo vệ môi trường, về sau phát triển thành lý thuyết trong lý luận văn học, không mang giá trị cách tân và đột phá. Nhiều học giả cho rằng đây là một lý thuyết “gượng ép”, đánh đồng phê bình sinh thái như một ngành thuộc sinh thái học, một phong trào văn hóa - xã hội bảo vệ môi trường. Nhưng rồi, ý nghĩa thực tiễn cùng những tác động tích cực mà phê bình nữ quyền sinh thái mang lại trong nhận thức và tư tưởng của nhiều người đã khiến các nhà nghiên cứu phải định giá lại vai trò, sức ảnh hưởng và sự đóng góp của lý thuyết này. Ở giới hạn nghiên cứu của mình, chúng tôi nhận thấy phê bình nữ quyền sinh thái trong nghiên cứu văn học có những tiềm năng sau:
- Nhiều nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp của phê bình nữ quyền sinh thái để đọc văn bản của các tác phẩm văn học, bằng cách đọc lại các tác phẩm văn học kinh điển, khai quật những tư tưởng nữ quyền sinh thái bị lãng quên và chôn vùi, phản tư tưởng trung tâm gia trưởng, ca ngợi vẻ đẹp thiên tính từ đó hướng dẫn các tác giả và độc giả thiết lập ý thức bình đẳng và ý thức sinh thái.
- Dựa trên các phương pháp phê bình nữ quyền và phê bình sinh thái, phê bình nữ quyền sinh thái đã đặt phê bình văn học trong những vấn đề nóng của toàn cầu đó là phân biệt giới tính và khủng hoảng sinh thái, phản ánh sự quan tâm tối đa đối với khủng hoảng môi trường và triển vọng sinh tồn của con người từ quan điểm phụ nữ. Phê bình nữ quyền sinh thái cung cấp một cái nhìn nâng cao và toàn diện hơn cho tư duy sinh thái và tổ chức xã hội từ sự cộng sinh hài hòa và sự phát triển bền vững của đàn ông và phụ nữ, con người và con người, con người và thiên nhiên. Chính điều này đã mở ra một không gian rộng lớn, truyền cảm hứng và cung cấp một quan điểm mới cho sáng tạo và nghiên cứu văn học.
- Phê bình nữ quyền sinh thái trong văn học cho thấy một sự tương tác đa dạng của sinh thái/ nữ quyền/ văn học/ sáng tạo/ phê bình, hơn thế còn mở rộng sự kết nối của mình với các ngành khoa học khác như: văn hóa, tự nhiên, sinh học, dân tộc học, chính trị... Không chỉ khác với phê bình nữ quyền cấp tiến, vượt ra ngoài phê bình sinh thái, phê bình nữ quyền sinh thái đã mang lại những quan điểm mới có giá trị, những ý tưởng mới và những khám phá mới cho phê bình diễn ngôn, phê bình văn hóa và phê bình văn học.
- Phê bình văn học kết hợp với nữ quyền sinh thái đã tạo nên những tác phẩm văn xuôi trong văn học Việt Nam có dấu ấn về giá trị nhân văn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc, là hướng đi mới nhằm giáo dục nhận thức về bình đẳng giới và bảo vệ môi trường sinh thái. Phê bình nữ quyền sinh thái là nguồn cảm hứng cho việc chuyển tải những chiều hướng phức tạp của con người và tự nhiên, cũng như quan hệ tương tác giữa nữ giới và tự nhiên, phơi bày, phê phán sự áp bức song trùng lên tự nhiên và phụ nữ, đào sâu những giá trị sinh thái và xây dựng lối viết tự nhiên nữ tính.
Qua những công trình ứng dụng thuyết phê bình nữ quyền sinh thái trong văn học Việt Nam chúng tôi thấy rằng, việc dẫn nhập, ứng dụng lý thuyết này mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Trong những công trình nghiên cứu của Trần Thị Ánh Nguyệt - Lê Lưu Oanh, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Bùi Thanh Truyền, lý thuyết cũng như tính ứng dụng của phê bình nữ quyền sinh thái chỉ được đề cập như là một phần cần nói thêm của phê bình sinh thái chứ chưa thực sự có một nghiên cứu chuyên sâu và vẫn thiếu một cái nhìn hệ thống, tường giải. Xuất bản, nghiên cứu tương đối chuyên sâu, có hệ thống về phê bình nữ quyền sinh thái ở nước ta vẫn còn đơn biệt so với mặt bằng chung của thế giới. Nếu diễn ngôn nữ quyền sinh thái trên thế giới đã có sự hoàn thiện về thi pháp trên một cơ sở lý luận phê bình vững chắc, văn bản tự nhiên của phụ nữ ở cả Anh và Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XIX, thì Việt Nam còn đang nằm ngưỡng ban đầu, thao tác chủ yếu là mô tả sự tương đồng, kết nối giữa tự nhiên và nữ giới cũng như thể hiện thái độ bất bình về sự biến mất của tự nhiên, phản tư nam quyền thống trị... Có thể thấy, khi sử dụng phương pháp phê bình “tích hợp” để khai quật, giải mã và trích xuất tư tưởng nữ quyền sinh thái có trong văn bản, sau đó giải thích và thúc đẩy nó thì sẽ mang đến sự nghi ngờ về lý thuyết vì những bằng chứng trong văn bản. Nếu tìm kiếm một văn bản đáp ứng các tiêu chí tinh tế về sinh thái và nữ quyền, e rằng chúng ta sẽ thất vọng. Thay vào đó, nếu tìm kiếm ở các tác phẩm ở một mức độ nào đó biểu hiện các tiêu chí chúng ta sẽ tìm thấy một loạt các văn bản có thể cung cấp nguồn cảm hứng và bằng chứng về ý thức nữ quyền sinh thái. Mặt khác, nhiều văn bản không có dấu vết của lý thuyết phương Tây, nó như một nhu cầu tự thân cần được phơi bày. Vấn đề nữ quyền và vấn đề sinh thái được các nhà văn nữ lồng ghép một cách tự nhiên trong nhiều sáng tác của mình như một sự đồng cảm giữa những thân phận bị tổn thương từ tư tưởng thống trị của nam giới. Một mặt, khi đặt phê bình nữ quyền sinh thái vào những vấn đề gốc rễ của văn hóa Việt Nam, tìm hiểu, đánh giá giá trị của văn học trong cái nhìn nhân văn rộng lớn thì lý thuyết này phản ánh được bản chất văn hóa xã hội và tâm lý văn hóa dân tộc có cội nguồn là văn hóa Nho giáo với đặc trưng là trọng nam khinh nữ, mặt khác tình trạng suy thoái môi trường là bối cảnh chung của nhân loại chứ không là vấn đề riêng lẻ của quốc gia nào. Xu thế lồng ghép hai vấn đề này là sự tất yếu bởi chúng đều xuất phát từ văn hóa gia trưởng của nhân loại, con đường giải phóng phụ nữ không thể tách rời cuộc chiến sống còn của sinh thái.
Như vậy, chúng ta có thể vận dụng phương pháp của phê bình nữ quyền sinh thái trong lý luận văn học Việt Nam từ việc tiến hành phân tích văn hóa đối với các văn bản văn học và hiện tượng văn học, từ đó khám phá, phát hiện văn hóa tinh thần ẩn sâu bên trong. Để đạt được mục tiêu đó, phê bình nữ quyền sinh thái sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành. Hơn thế, trong tương lai nó đòi hỏi việc xây dựng lý luận và hoàn thiện thi pháp nữ quyền sinh thái bởi sự cấp bách và thiết thực của nó đối với những nguy cơ mà trái đất đang đối mặt. So với hệ thống lý thuyết của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái thì phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái không thành thục bằng, diễn ngôn phê bình của nó đang trong quá trình xây dựng, tuy nhiên nó đã đã truyền cảm hứng và cung cấp một quan điểm mới, một góc nhìn mới, tư duy mới, tư tưởng mới và phát hiện mới rất quý báu cho cho sáng tạo và phê bình văn hóa và văn học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
*Guttman, Naomi. (2002). Ecofeminism in Literary Studies in John Parham (ed.). The Environmental Traditionin English Literature, Burlington, England: Ashgate Publishing Ltd.
*Nguyễn Thị Tịnh Thy. (2017a). Rừng khô, suối cạn, biển độc... và văn chương, NXB. Khoa học xã hội.
*Plumwood, V. (1993). feminism and the Mastery of Nature. Routledge.
Hoàng Lê Anh Ly
Tạp chí Chư Yang Sin số 362, tháng 10-2022
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0