Tọa đàm Đề cương văn hóa Việt Nam và sự phát triển văn học nghệ thuật
Ngày đăng: 31/10/2023 12:43
- Lượt xem: 840
- Thích
Ngày đăng: 31/10/2023 12:43
Sáng 31/10, Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Tọa đàm “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam; văn học nghệ thuật Đắk Lắk”.
Trong phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Đắk Lắk Nhà văn Niê Thanh Mai nhấn mạnh, Đề cương văn hóa Việt Nam (Đề cương) đã tạo nền tảng lý luận quan trọng hình thành các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn cách mạng. Dưới ánh sáng của Đề cương, tọa đàm góp phần nhìn lại chặng đường phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung và văn học nghệ thuật Đắk Lắk qua những thành tựu đã đạt được, những điều còn hạn chế trong việc thực hiện tư tưởng chủ đạo, cốt lõi của Đề cương là “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa”.
Quang cảnh tọa đàm.
80 năm qua, Đề cương dẫn dắt văn học nghệ thuật nước nhà “vị đời sống, vị xã hội – chứ không vị nghệ thuật”. Theo đó, văn học nghệ thuật nước ta thấm đẫm hiện thực, không xa rời thực tế. Định dạng tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, Đề cương đồng thời là động lực phát triển, đổi mới không ngừng văn học nghệ thuật nước ta. Thời gian qua, nhất là sau 37 năm đổi mới, tuy sáng tạo văn học nghệ thuật có những bước thăng trầm, nhưng thời kỳ nào cũng xuất hiện những tác giả, tác phẩm xuất sắc. Các tác phẩm đó đã đóng góp trí tuệ, góp phần tích cực khắc họa chân dung con người, cũng như đất nước Việt Nam.
Đồng chí Huỳnh Chiến Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát biểu tại Tọa đàm.
Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk phát biểu đề dẫn khai mạc Tọa đàm.
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Huỳnh Chiến Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ mong muốn đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, đặc biệt các văn nghệ sĩ là những người trực tiếp tham gia vào quá trình hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật phát huy tối đa ý nghĩa lịch sử giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của bản Đề cương Văn hóa Việt Nam từ đó đẩy mạnh nghiên cứu đề xuất những giải pháp khả thi, đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam nói chung và văn hoá của vùng Tây Nguyên nói riêng, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền văn học nghệ thuật để chúng ta có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện chân thực đời sống nhân dân, dân tộc, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mĩ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại.
Nhà văn, Nhạc sĩ, Nhà Nghiên cứu VHDG Linh Nga Niê Kdăm trình bày tham luận.
Tiến sĩ Trần Long trình bày tham luận tại Tọa đàm.
Tọa đàm nhận được 17 bài tham luận của các Tiến sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa và văn nghệ sĩ. Tại tọa đàm có 05 tham luận được trình bày, các ý kiến thảo luận đã tập trung vào vai trò của bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 đối với sự hình thành, phát triển của các loại hình văn học, nghệ thuật trong các giai đoạn lịch sử, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, xây dựng chiến lược, đề ra các giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên để kiến tạo sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thực sự làm cho văn hóa thấm đẫm trong đời sống của người dân.
Bà Võ Thị Phượng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch tỉnh Đắk Lắk trình bày tham luận.
Họa sĩ Trần Thanh Long nêu ý kiến về phát huy Đề cương văn hóa Việt Nam trong bảo tồn văn hóa Tây Nguyên.
Tọa đàm là hoạt động thiết thực để triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023). Qua đó mong muốn tiếp tục làm rõ vai trò quan trọng của Đề cương đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung, của Đắk Lắk nói riêng; từ đó có những gợi ý, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục vận dụng, bổ sung, phát triển những tư tưởng cốt lõi của Đề cương nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của văn học nghệ thuật Đắk Lắk trong thời kỳ mới.
Thúy An
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0