Tác phẩm dự Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 – 2025
TRÁI TIM LUÔN NGÂN RUNG NHỊP YÊU THƯƠNG
Bút ký
Những tia nắng ban mai êm và mượt như tơ nhẹ nhàng vươn mình rọi qua làn sương sớm rực rỡ như một tấm khăn voan kỳ ảo, nắng lấp lánh như dát những mảnh vàng khắp thành phố Buôn Ma Thuột. Trong phòng làm việc, Trung tá Nguyễn Thị Thu nhận được những hình ảnh người dân nhận quà với sự vui mừng và phấn khởi. Lòng chị ngập tràn niềm vui vì bà con nơi tâm dịch đã nhận được những ân tình, những yêu thương của người dân và cán bộ, chiến sĩ công an phố núi.
Những ngày qua, chị theo dõi diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở các vùng trong cả nước, nhất là vùng dịch ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều người lao động bị mất việc, không có thu nhập, chật vật lo từng bữa ăn hàng ngày. Thấu hiểu được những khó khăn, vất vả và thiếu thốn của người dân trước những ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19, với vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk, khi được sự đồng thuận của cấp trên, chị đứng ra kêu gọi đóng góp để hỗ trợ bà con nơi tâm dịch. Cùng chung tấm lòng với chị, nhiều tổ chức và cá nhân nhiệt tình đóng góp với mong muốn giảm bớt phần nào khó khăn của người dân nơi tâm dịch, những cuộc điện thoại của một số chủ vườn tặng cả vườn rau, một số gia đình bán củ, quả với giá rẻ…
Trong tiết trời tháng bảy, mặc cho cái nắng gay gắt của những buổi trưa hè, rồi những cơn mưa rào bất chợt, Trung tá Nguyễn Thị Thu và đồng đội vẫn miệt mài trên các ruộng vườn cùng người dân thu hoạch rau, củ, quả. Nhìn những quả bơ căng mọng gió núi mây ngàn, những bó rau mướt xanh màu niềm tin và hy vọng, áo đẫm hồ hôi nhưng lòng chị và các chiến sĩ ngập tràn niềm vui. Chị cùng đồng đội tất bật phân loại đóng gói, sắp xếp rau, củ, quả và các nhu yếu phẩm để các chuyến xe đến địa điểm tiếp nhận đúng giờ, đảm bảo rau củ còn tươi mới khi đến với người dân nơi tâm dịch. Những ngày qua, hàng chục chuyến xe chở 175 tấn rau, củ, quả và nhu yếu phẩm đã liên tiếp lăn bánh hướng về thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai để hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh. Đó là câu chuyện thắm đượm nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Đắk Lắk như một làn gió mát lành làm dịu bớt những căng thẳng trong những ngày dịch bệnh. Nhìn những hình ảnh bà con nhận quà nơi tâm dịch được chia sẻ qua zalo mà Trung tá Nguyễn Thị Thu thấy ấm lòng. Cảm giác khi được trao yêu thương thật là hạnh phúc. Cảm giác ấy được lặp đi lặp lại nhiều năm nay của một nữ chiến sĩ công an có trái tim đồng cảm với những cảnh đời kém may mắn, lòng trắc ẩn trước mảnh đời bất hạnh, để rồi tìm cách chia sẻ để đem lại cho họ cuộc sống tươi đẹp hơn.
Năm 2001, lần đầu tiên chị khoác trên mình sắc phục của người công an nhân dân, chị rưng rưng xúc động và tự hứa rằng sẽ hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Qua 20 năm công tác, trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, nhưng dù ở vị trí nào, Trung tá Nguyễn Thị Thu cũng cống hiến hết sức để góp phần giữ bình yên cuộc sống, hạnh phúc cho nhân dân.
Ở chị luôn tỏa ra một sức mạnh tiềm tàng. Đó là sức mạnh của một nữ chiến sĩ cương nghị, nghiêm túc và nguyên tắc khi làm nhiệm vụ. Nhưng ẩn bên trong là một trái tim luôn ngân rung những nhịp đập của yêu thương, sự chia sẻ và cảm thông dành cho đồng chí, đồng đội và người dân khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn.
Trong những chuyến công tác đến những nơi vùng sâu, vùng xa, huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk, chị được tận mắt chứng kiến những ngôi nhà xiêu vẹo bốn mùa thông thốc gió của các hộ nghèo, những người phụ nữ người dân tộc thiểu số với đôi chân trần, địu con bước xiêu vẹo trên con đường mòn để đến rẫy từ lúc gà gáy, những em bé mặt mũi lem luốc bụi đất nghịch ngợm giữa trời nắng gắt, những bữa cơm chỉ có rau rừng.... Bà con nơi ấy rất khó khăn và gian khổ, luôn khép mình trong nhịp thở của cuộc sống giản đơn. Sáng lên rừng lên rẫy từ lúc mặt trời đang mê mải ngủ vùi trong bụng núi, chiều tất tả trở về trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng. Sống trong sự vất vả và lam lũ, oằn mình suốt cả ngày nhưng vẫn không thoát cảnh đói nghèo. Một số trẻ em đã qua tuổi đến trường nhưng không biết chữ... Chị luôn đặt câu hỏi cho chính mình: Phải làm gì để cuộc sống của họ khởi sắc? Câu hỏi ấy ngày đêm cứ quẩn quanh và trở thành nỗi trăn trở không nguôi thúc giục chị tìm cách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho họ. Chị thấy rằng ở họ luôn mang trong mình một khát vọng mãnh liệt, đó là khát vọng đổi đời, vươn lên để thoát nghèo, khát vọng ấy như nước suối tuôn chảy mãi không ngừng. Cuộc sống của họ sẽ khấm khá hơn, sự chăm chỉ và cần cù trong lao động sẽ hiệu quả hơn nếu người dân biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Cũng có thể, họ có phương án phát triển kinh tế nhưng “cái khó bó cái khôn”, thiếu vốn sản xuất nên đời sống của họ không được cải thiện.
Sau bao đêm miên man suy nghĩ, chị lên kế hoạch giúp đỡ những người dân ấy cải thiện về đời sống vật chất và tinh thần. Chị chủ động phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức cho bà con nơi ấy tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Chị vận động đồng nghiệp, mạnh thường quân và kêu gọi các cơ quan ban ngành chung tay trong công tác xã hội tình nghĩa.
Trái tim nhân hậu của chị đã cùng chung nhịp đập với đồng đội, các mạnh thường quân và các ban ngành. Từ năm 2016 đến nay, Trung tá Nguyễn Thị Thu đã kêu gọi được hơn 12 tỷ đồng để hỗ trợ vốn cho các gia đình phụ nữ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng 700 xe đạp cho trẻ em đến trường; xây tặng 30 nhà tình nghĩa; tổ chức 10 lớp học tình thương; xây dựng 05 công trình công cộng; 10 nhà vệ sinh, 05 sân bóng chuyền, 05 khu vui chơi, tặng 20 tủ sách hiếu học cho các trường học tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa vùng biên cương của Tổ quốc. Thường xuyên tổ chức các đợt khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân, các bệnh nhân bị nhiễm chất độc da cam và trao học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn của tỉnh nhà.
Vào một chiều của mùa đông hai năm trước, trái tim chị nhói buốt khi biết tin có một cháu bé bị bỏ rơi ở hố rác. Với tấm lòng của một người mẹ, chị thấm thía hơn ai hết sự thiệt thòi của một đứa trẻ bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng mẹ, không một lần được ngậm bầu sữa nóng của mẹ để thỏa cơn đói lòng. Chị nặng lòng vì chưa biết làm gì để giúp đỡ cháu bé bất hạnh. Chị như gỡ được tảng đá đè nặng khi được tin một nữ đồng nghiệp nhận nuôi cháu bé. Bằng tình yêu thương, chị kêu gọi chị em Hội Phụ nữ Công an tỉnh đóng góp được 30 triệu đồng hỗ trợ nuôi dưỡng cháu bé. Năm trước, trái tim chị rung lên như lá non trong bão khi đến viếng đám tang của một đồng đội cùng đơn vị, nhìn cha mẹ của đồng chí ấy nức nở bên linh cữu, đứa con gái nép vào ông bà, khóc mếu máo đòi cha, chị không cầm được nước mắt, cách đây không lâu mẹ cháu bé mất vì bạo bệnh, giờ phải cảnh mất cha. Thương cháu bé từ nay mồ côi cả cha lẫn mẹ, chị tự nhủ, phải bù đắp những mất mát mà cháu bé đang mang. Nỗi niềm của chị đã được sự đồng cảm của chị em Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk và Hội phụ nữ công an tỉnh Đồng Nai chung sức tặng cháu bé sổ tiết kiệm 100 triệu đồng.
Tấm lòng của Trung tá Nguyễn Thị Thu thật đáng trân quý biết bao. Những việc làm tình nghĩa ấy đã góp phần xây dựng, làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ công an “Vì nhân dân phục vụ”.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0