Thực ra, các dân tộc thiểu số Tây nguyên không “ăn Tết”, mà chỉ có một số các lễ hội luôn được tổ chức vào các dịp cuối năm, hoặc đầu năm mới. Người Êđê gọi là “Bơng mnhum thun mrâo” ăn uống năm mới, người Jrai gọi là “Bơng tơ kuh thun” - ăn năm mới đến, người Bâhnar gọi “khai ning nơng” - tháng nghỉ ngơi, để chỉ những tháng ngày diễn ra các lễ hội liên miên ấy.
Những người sống lâu ở Tây Nguyên đều biết, xuân thường đến muộn. Ấy là lúc những cơn mưa đầu mùa đang âm thầm, rục rịch di chuyển trên cao xanh, chuẩn bị ban phát những giọt nước mát lành cho cao nguyên đất đỏ bừng dậy sau mùa khô khát. Như nhà thơ Thân Như Thơ đã từng say đắm tả, là khi “Rừng Tây Nguyên hoa thắm nở, mùa con ong đi lấy mật, sớm sớm mẹ ra rừng, theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối, bông lách bay để lại nụ cười...”
Các lễ hội phục vụ cho nông lịch diễn ra thường xuyên trong năm, nhưng những lễ lớn thường được tổ chức khi thu hoạch xong mùa màng, nghĩa là khoảng tháng 11, 12 dương lịch, kéo dài cho đến tận cuối tháng 3 đầu tháng 4, đón mùa xuân về, làm lễ cúng mưa, dọn rẫy cho vụ mùa sang năm, khi đất trở mình nâng niu màu xanh sinh sôi.
Đây là thời điểm nông nhàn, người ta phải thực hiện mọi lễ thức kết thúc một mùa làm nương rẫy, như: đón lúa mới, tạ ơn các vị thần linh đã phù trợ và cầu xin cho một mùa vụ sau lúa bắp sây hạt, trĩu bông. Hoặc như người Mnông, gia đình nào thu hoạch được 100 gùi lúa, phải tổ chức lễ Tăm Nghét rất to, có cả “ ăn trâu” để tạ ơn các vị Yang linh thiêng. Hay các lễ nghi bắt buộc trong vòng đời của một con người, như chúc thọ người già, thành niên cho trai tráng, cưới hỏi, dựng nhà... đều lần lượt được tổ chức hết nhà này sang nhà khác, hết buôn nọ qua buôn kia... Mọi việc đều được tiến hành trong dịp này gọi chung là “mùa ăn năm uống tháng”.
Không gọi là ăn tết, nhưng hàng loạt các lễ hội diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định vào dịp thu hoạch xong mùa màng, khi đã đầy đủ lương thực, thực phẩm và không phải lo chuyện chăm sóc rẫy nương, khiến cho không khí náo nức của lễ hội tràn ngập cả vùng.
Vào hội. Ảnh: Hoàng Sơn
Những lễ nghi vòng đời của con người, hay của một gia đình như: cúng ăn cơm mới, cưới xin, mừng thọ, lễ trưởng thành, bỏ mả... sẽ do chủ nhà cùng thày cúng tùy theo gia cảnh mà lựa chọn thời điểm. Nhưng theo một nguyên tắc bất biến là: nhà này cúng xong, sẽ đến nhà khác. Bởi tính cộng đồng trong đời sống sinh hoạt của người Tây nguyên rất cao, việc của một nhà cũng là việc của cả buôn, cả dòng họ. Bất cứ chuyện vui, việc buồn, đều cùng nhau chia sẻ. Cùng giúp nhau làm lụng, cùng chung ăn uống, tan lễ còn phải chia đều cho mỗi “bếp” dù chỉ một rẻo thịt về làm quà cho trẻ nhỏ ở nhà. Nên phải lần lượt tổ chức ở từng gia đình để còn giúp lẫn nhau, là thế.
Lễ của một buôn sẽ được chủ làng, các già làng, thày bói, thày cúng... bàn định. Chung của cộng đồng thường là các lễ cúng bến nước, còn gọi là uống nước giọt được tổ chức vào dịp cuối năm cũ hoặc đầu năm mới. Lễ tạ ơn các vị thần linh vào lúc thu hoạch xong mùa màng, hoặc lễ cầu mưa khi chuẩn bị dọn rẫy bước vào một vụ mùa mới (không tính đến các lễ nghi khi bị dịch bệnh xảy ra)... Sau khi đã tính toán chọn được ngày tốt (thường vào những đêm trăng tròn), chủ làng thông báo ngày, giờ chính thức cho toàn thể cộng đồng, công việc chuẩn bị sẽ được phân công cụ thể. Nếu là lễ cúng bến nước hay bắc máng nước thì trước hết cả làng phải cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ trong buôn, plei, ngoài bến nước. Đàn bà trong mọi gia đình đều phải lo chuẩn bị các ché rượu để đóng góp (rượu làm bằng củ mì chỉ cần một tuần là có thể uống ngon. Nếu làm bằng bắp, bằng gạo phải cần ủ nhiều ngày hơn), đồng thời chia thành từng tốp lên rừng kiếm rau xanh. Đàn ông lớn tuổi và khéo tay thì tu sửa nhà rông cho gọn gàng, sạch sẽ (hoặc tìm gỗ chuẩn bị tạc tượng mới, sửa sang lại nhà mồ - nếu làm lễ bỏ mả), bọn trai tráng chuyên chở củi nước về phục vụ việc uống rượu cần và nấu nướng tại nơi hành lễ, hoặc đi kiếm cây gỗ hay tre đực già về làm cột gơng cúng (như cây nêu của người miền xuôi), cột buộc trâu. Người ta hay dùng cây gòn (cây plang hoa trắng) làm cột gơng chính giữa, bởi thân cây có thớ mềm, dễ đẽo gọt, gỗ trắng, dễ vẽ lên các màu sắc trang trí cho cây nêu. Xung quanh cột nêu, buộc nhiều hình chim, cá, những cành lá xanh trên 4 - 5 cành tre cao vút... còn có những cột nhỏ ở bên cạnh để buộc các ghè rượu cần.
Khi cúng xong, cột nêu thường được để nguyên tại chỗ, nếu qua năm sau cây plang không chết, bén rễ lên xanh tốt, ấy là điềm lành.
Trong những lễ cúng quan trọng của cả cộng đồng, bao giờ cũng phải có một lễ vật hiến sinh, đó là con trâu. Được coi là một trong những con vật thanh sạch, trâu nuôi hàng đàn, béo mượt chỉ dùng để cúng tế, không thể bắt kéo xe, đi cày như con bò. Trường hợp không có trâu mới dùng bò để cúng, nhưng như vậy chưa được coi là lễ trọng.
Đến ngày đã định, cả plei tụ tập về nhà rông, ăn mặc áo, váy, khố đẹp, mới, mang nhiều chuỗi cườm, vòng cổ, vòng tay, cả vòng chân bằng bạc, đồng. Nhà nào có bộ chiêng quý - ching Lao hay ching Kuôr - hay chiếc trống cái to nhất, có tiếng ấm, sẽ đem trưng dụng trong lễ hội của cả cộng đồng. Con vật dùng để hiến dâng sẽ bị bỏ đói từ tối hôm trước cho sáng nay lòng thật thanh sạch, được dắt tới buộc vào cột nêu. Bên cạnh có mâm đựng các lễ vật khác như: rượu, muối, đậu các loại... vừa thu hoạch xong.
Nhận thấy cả plei đã có mặt đông đủ, chủ làng và các già làng sẽ đến tận nhà mời thày cúng ra làm lễ. Đầu buộc khăn đen, khoác tấm choàng hoa đỏ, thày cúng thay mặt chủ làng và cả cộng đồng cho trâu ăn gạo, ăn cỏ non lần cuối, hát bài khóc trâu, như một lời trần tình, cảm ơn con vật đã thay mặt cả cộng đồng mà hy sinh hiến tế. Nếu người Êđê chỉ giết trâu để lấy đầu và đuôi đặt lên mâm cúng, thì người Jrai, Mnông, Bâhnar, Sê Đăng đều có lễ đâm trâu, do các trai tráng khoẻ mạnh nhất thực hiện. Thầy cúng sẽ khấn gọi mời toàn thể các vị thần linh liên quan đến cuộc sống của buôn làng, của con người, về tham dự và nhận lời tạ ơn, đã cho một vụ mùa no đủ, không bệnh tật, cầu xin một vụ mới ấm no hơn. Xong lễ, việc xẻ thịt con vật làm thức ăn cho cả plei được những người “thợ” chuyên làm đồ cúng chịu trách nhiệm. Những người phụ nữ đảm nhận những bếp nồi đồng to nấu cơm, canh, hoặc ở sau nhà rông, hoặc ở nhà mình rồi sẽ mang ra nơi cúng tế, nhà ai có thức ăn gì cũng mang tới đóng góp. Cả làng sẽ ăn uống trên nhà rông.
Suốt đêm trước, sau và trong ngày hành lễ, không ngớt tiếng ching rộn ràng. Đó cũng chính là lời gọi mời các vị thần linh về tham dự, báo với các cộng đồng lân cận về lễ hội của làng mình. Với người Jrai, Bâhnar và Sê Đăng, lễ hội không bao giờ thiếu điệu xoang của các cô gái. Các cô dường như đẹp thêm trong những bước chân uyển chuyển tiến lên, lùi xuống, những đôi tay dịu mềm uốn lượn như cánh bầy chim mling. Rượu càng vơi thì niềm vui càng hào hứng. Trai gái nắm tay nhau theo nhịp xoang xoay mãi. Ai mệt thì nghỉ, ai đói thì ăn, xong xuôi lại vui tiếp. Vài ba ngày sau cạn nguồn lương thực, thực phẩm dành cho những ngày lễ hội thì hội mới thật sự tan.
Ai cũng tìm thấy niềm vui cho mình trong những ngày này. Con trai lớn hơn một chút, ra dáng thiếu niên rồi thì theo cha, anh lên rừng chặt cây hoặc vẽ các cột cúng, con gái thì giúp mẹ làm rau nấu canh. Còn lít nhít thì chỉ chạy ra chạy vào mà chờ được ăn thôi. Nhưng vui lắm, vì ai cũng được mặc quần áo mới, lại có đông họ hàng, bạn bè các buôn xa buôn gần khác đến chơi nữa.
Ngày nay, với sự giao thoa văn hóa của người nhiều vùng đến Tây Nguyên, sự quan tâm khuyến khích của chính quyền các cấp, bà con các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây nguyên nhiều nơi cũng đã hòa nhập tập quán “ăn tết” Nguyên đán của người Việt. Nhiều gia đình cũng gói bánh tét, mua các loại mứt, chào đón khách xa, khách gần đến chung vui bên cạnh ché rượu cần truyền thống. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm tưới đuổi cho vườn cà phê, nên mặc dù người ở xa, học xa có về sum họp, cũng phải giành ra vài ngày cùng gia đình tưới cà phê. Sau đó mới tổ chức một buổi họp mặt toàn gia đình. Mấy năm gần đây, các bạn trẻ, hoặc vài nhà rủ nhau thuê chung một chuyến xe, đi du lịch trong hoặc ngoài tỉnh. Đó cũng là nét mới vào mùa xuân ở Tây Nguyên.
Mặc dù có bị mai một dần theo tháng năm, nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn khuyến khích bà con gìn giữ và tổ chức những lễ hội cổ truyền đậm đà bản sắc của mỗi dân tộc. Đắk Lắk hiện nay có tới 49/54 dân tộc anh em đang cùng chung sống, nên từ rằm tháng giêng trở đi, còn có rất nhiều các lễ hội truyền thống của văn minh nương rẫy được tái hiện. Như lễ Khai hạ của người Mường, lễ Hảng pồ của người Nùng, lễ hội Lồng tồng của người Tày, Đón Xuân của người Thái... bên cạnh những lễ truyền thống của các tộc người tại chỗ như Cúng bến nước, Uống nước giọt, Cầu mưa, Bắc máng nước, Cúng Thần rừng...
Hãy lắng nghe những mùa Xuân, hay trong những “mùa ăn năm uống tháng” của Tây Nguyên, tiếng ching trống rộn ràng trầm bổng vỡ oà bóng đêm của rừng, điệu ei rei, tăm pớt đón bạn vui tươi. Và hãy nhanh chân hòa nhịp trong vòng múa xoang với các cô gái Jrai, Bâhnar, Sê Đăng “da nâu mắt sáng”, ngực căng vồng như cần rượu cong những đêm lửa hội. Nếm thử ẩm thực nướng trên lửa, rồi lâng lâng trong hương vị rượu ché đắng ngọt, ăn món canh cà đắng cay xé lưỡi mà không dễ bỏ qua... bạn sẽ thấy những nét văn hóa đặc sắc của cao nguyên cũng thú vị đấy.
H’Linh Niê
Tạp chí Chư Yang Sin số Xuân 2021
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0