Ảnh: Đặc sắc Lễ cầu mưa và cầu mùa của người Ê Đê buôn Đắk Tuôr
Ngày đăng: 12/04/2024 10:25
- Lượt xem: 370
- Thích
Ngày đăng: 12/04/2024 10:25
Lễ cầu mưa (Kăm mah) và cầu mùa (Căm buh) là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Ê Đê. Đánh dấu thời điểm một mùa rẫy mới, với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, nương rẫy tươi tốt, thóc lúa đầy kho.
Lễ cầu mưa và cầu mùa được diễn ra tại buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Bông và bà con buôn Đắk Tuôr phối hợp thực hiện. Hoạt động nhằm giữ gìn, phát huy nét độc đáo văn hóa truyền thống của người Ê Đê nói chung và người M' Nông nói riêng. Góp phần lan tỏa vẻ đẹp văn hóa các dân tộc Tây Nguyên đến đông đảo bạn bè, du khách, người yêu bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Bên dòng suối Ea Eplei trong trẻo người dân buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã có mặt rất đông để chuẩn bị cho Lễ cúng quan trọng của đồng bào mình.
Sau khi các lễ vật được sắp đặt đầy đủ, thầy cúng thắp nến để bắt đầu Lễ cúng.
Thầy cúng Y – Viên Niê (Ma Chăm) năm nay đã 71 mùa rẫy bắt đầu thực hiện nghi thức cúng yang, thần linh.
Trong lễ cúng của người Ê Đê không thể thiếu đó là tượng Thần Ác được đặt ở dưới chân cột chòi Pưk. Bởi theo quan niệm của người Ê Đê việc mùa màng thất bát, không bội thu làm cho bà con trong buôn nghèo đói là do có Thần Ác (Yang Liê) – tức là người xấu khiến cho muông thú vào phá rẫy.
Sau khi khấn xong, thầy cúng cầm bát rượu pha tiết heo vẩy vào các gùi lúa, công cụ lao động và vẩy xuống đất rẫy để mời các thần cùng dùng rượu với dân làng rồi tiếp tục quay về mâm cúng đọc lời khấn yang, thần linh xin mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt.
Thầy cúng cùng bà con trong Buôn Đắk Tuôr sẽ cùng nhau dắt con dê vào chân núi, nơi có dòng suối đầu nguồn (suối Đắk Tuôr) để tiến hành lễ cúng cầu mưa, cầu bình an cho buôn làng (đây là điều khác biệt trong phong tục cúng lễ cầu mưa của người M’Nông).
Những người đàn ông trong buôn cho con dê xuống suối để dâng lên thần linh.
Thầy cúng tiếp tục nâng chén rượu, kính cẩn mời ông trời, bà trời, mời các thúng lúa trong chòi và đi xung quanh rẫy vẩy rượu vào mời các bẫy, những dụng cụ đuổi chim tượng trưng.
Người dân trong buôn đặt lúa, ngô, hạt giống vào chòi Pưk cầu cho mùa màng bội thu.
Những người phụ nữ chọc lỗ gieo hạt giống.
Thầy cúng chặt đầu tượng Ác để xua đuổi những điều xấu, điều không hay đến với mùa màng và buôn làng.
Người đàn ông trong gia đình có dâng lễ vật lên cúng sẽ được thầy cúng đưa một bát đựng tiết gà, một cây tóc xoăn, một chai rượu cần và một cái gùi nhỏ cùng với thầy cúng đến đám ruộng của mình tiếp tục thực hiện nghi thức cúng tại ruộng.
Tại ruộng của mỗi gia đình thầy cúng đặt các lễ vật xuống ruộng, cắm cây tóc xoăn vừa đổ rượu cần xuống ruộng vừa khấn “Ơ Yang! Ơ 7 vị thần lúa, mong các vị cùng về đây đoàn kết để giúp bà con có được mùa tốt tươi…”.
Sau đó mọi người cùng reo hò, té nước vào nhau thể hiện sự đồng tình và ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn bước vào mùa rẫy mới.
Trong tiếng chiêng, tiếng trống được tấu lên với tiết tấu nhanh, mạnh mẽ và rộn ràng, chủ buôn được thầy cúng mời ăn thịt, uống rượu ở mâm cúng trước tiên, sau đó đến lượt bà con trong buôn.
Thúy An
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0