Bài dự thi MS 04 "Viết về thầy cô và mái trường mến yêu"
Ngày đăng: 19/10/2022 09:56
- Lượt xem: 269
- Thích
Ngày đăng: 19/10/2022 09:56
Họ và tên người viết: HÀ THỊ NHÃ PHƯƠNG
Nơi công tác: Trường THPT Tôn Đức Thắng, xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk
Nơi cư trú: Tổ dân phố 7, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.
Thông tin về các nhân vật trong bài viết:
Bài viết có nhắc đến thầy giáo Lê Hữu Hải: hiện đang là Hiệu trưởng trường THPT Tôn Đức Thắng (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk); ; Thầy Nguyễn Ngọc Thắng: hiện đang là Phó hiệu trưởng trường THPT Tôn Đức Thắng (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk); thầy giáo Lã Mạnh Hà: hiện đang là Hiệu trưởng trường THPT Phan Bội Châu (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk); Thầy Mai Đức Chung: hiện là Giái viên Trường THPT Lê Duẩn, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
NƠI THANH XUÂN CÒN MÃI
Đã bao giờ bạn tự hỏi mình, điều gì cho đến hiện tại khiến cho thanh xuân của bạn mãi thổn thức? Đó có thể là mối tình đầu thuở học trò ngây ngô, tươi đẹp nhưng dang dở; có thể là lời trách mắng gay gắt của cha mẹ và thầy cô; hoặc là những buổi hàn huyên một góc nào đó ở cánh đồng làng? Còn với tôi, đó là những buổi ban đầu sống trọn tuổi thanh xuân bên thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và học trò của mình. Tôi gọi, đó là nơi thanh xuân còn mãi!
Vào một ngày mùa Đông se lạnh, tôi gặp lại thầy trong ngày về trường nhận công tác năm 2011. Thầy tôi, thầy Lã Mạnh Hà khi ấy là Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu, Krông Năng, Đắk Lắk. Mùa Hiến chương năm ấy, tôi ngồi dự lễ cùng thầy cô, đồng nghiệp của mình với vai trò khác: Cô giáo mới vào nghề! Những lời đầu tiên thầy hỏi tôi khi ấy: “Em thế nào sau những ngày đầu đứng trên bục giảng?”… Tất nhiên, tôi chỉ dám bẽn lẽn trả lời thầy: “Dạ em ổn, học trò cũng ổn thầy ạ!”…Nói thì nói vậy, nhưng thực ra, tôi hoàn toàn bất ổn! Tôi của những ngày đầu làm cô giáo, chạy ngược chạy xuôi hỏi thầy hỏi bạn vì lo lắng, ngày ngày soạn tay cả chục trang giáo án, rồi vẽ tay các bảng biểu, hình ảnh minh họa, phiếu học tập…v..v… Mùa xuân năm ấy đi qua, tôi kết thúc hành trình học hỏi của mình bằng chuyến đi cùng Đoàn công tác của huyện đến thăm và chúc tết các doanh trại bộ đội vùng biên giới huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Thầy dắt tôi theo, như người cha dắt đứa con nhỏ đi khám phá thế giới muôn màu vậy!
Năm 2012, Trường THPT Tôn Đức Thắng được thành lập tại xã Tam Giang, Krông Năng, Đắk Lắk. Thầy Lã Mạnh Hà, Thầy Lê Hữu Hải, Thầy Nguyễn Ngọc Thắng cùng các cộng sự, đồng nghiệp và học trò lại cùng nhau đến vùng quê mới, gieo mầm hi vọng. Tôi là một trong số đó! Phải nói rằng, tôi thật may mắn vì được công tác tại ngôi trường THPT Tôn Đức Thắng từ những ngày đầu tiên thành lập ngôi trường. Còn mãi ấn tượng về vùng đất mưa bùn lầy lội, còn mãi những chắt chiu yêu thương nhọc nhằn, mỗi lần nhìn lại, ngẫm lại, vẫn thấy cuộc sống của mình ý nghĩa biết bao nhiêu...
Chúng tôi đã sống và làm việc như thể ngày mai không còn cơ hội để mình làm nữa, đã cống hiến sức trẻ của mình tại quê hương này!...Nơi ấy, thanh xuân của chúng tôi có đủ có niềm vui tràn ngập, có sự sẻ chia chân thành, có giọt nước mắt chia ly, có nỗi đau của cùng cực tuyệt vọng, và có cả máu của người đã khuất… Chúng tôi đong đầy mọi thứ từ những điều nhỏ bé, từ hoạt động Đoàn đến Công Đoàn, từ phong trào quần chúng đến các hoạt dộng, phong trào giáo dục uy tín của Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan ban ngành.
Ngôi trường THPT Tôn Đức Thắng đã dìu dắt chúng tôi như thế, mỗi ngày một trưởng thành hơn về nhận thức; vững vàng hơn về chuyên môn, góp phần nhỏ bé công súc của mình cho thành tựu chung của giáo dục tỉnh nhà. Trường mới, thầy cô trẻ, chúng tôi cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau học hỏi, mỗi bài giảng đến lớp là một lần học nữa...
Cảm ơn quý thầy cô đã nâng đỡ, chỉ bảo mỗi bước đường em đi. Cảm ơn các em học sinh đã yêu quý, mỗi n gày đến trường luôn cho cô những nụ cười. Cảm ơn hôm qua, hôm nay, chúng tôi vẫn còn được đứng trên bục giảng để nối tiếp hành trình đưa đò cao quý. Và cảm ơn cuộc đời, mỗi ngày cho tôi thêm những khó khăn để biết thành công và hạnh phúc không có được dễ dàng bao giờ.
GỬI THẦY LỜI XIN LỖI MUỘN
Chúng tôi gặp lại Thầy vào một ngày mưa tầm tã… Trong quán cà phê, lũ bạn gọi nhau í ới:
Thầy đến rồi… Thầy đến rồi…!
Bay ngồi xịch ra đây!
Một cuộc gặp gỡ không báo trước! Nhưng nhờ đó, hôm nay tôi mới có cơ hội viết những dòng này để gửi đến Thầy. Thầy tôi, Thầy Mai Đức Chung, nguyên là Giáo viên Toán Trường THPT Phan Bội Châu, Krông Năng, Đắk Lắk. Còn giờ, Thầy đã chuyển công tác về Trường THPT Lê Duẩn, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Thầy ngồi đó, nụ cười tươi rói, nhưng vẻ mặt vẫn khắc khổ! Và tôi hiểu rằng, chính tôi đã góp vào đó những nếp nhăn đầy lo âu của Thầy, khi Thầy là Giáo viên chủ nhiệm những năm tôi học cấp III tại trường trung học phổ thông.
Đúng vậy! Giáo viên chủ nhiệm, bốn tiếng ấy đã quá quen thuộc với tôi. Đến giờ, tôi lại tiếp tục con đường của Thầy, tiếp nối những thế hệ học trò tôi chủ nhiệm bốn năm qua đến tận hôm nay: buồn có, vui có, âu lo có… Và hơn hết, tôi đã cảm nhận được những khó khăn và sự hi sinh nhất định khi Thầy chủ nhiệm tôi. Thế nên bây giờ, tôi rất muốn gửi thầy lời xin lỗi … dù đã rất muộn… sau mười năm rời ghế nhà trường THPT.
Ngày đó, Thầy chủ nhiệm một lớp chủ yếu là học sinh thị trấn. Bấy giờ cả huyện chỉ có mỗi trường cấp III, nên học sinh thị trấn khá quậy phá, nghịch ngợm. Một sự tình cờ, năm lớp 11 tách lớp, tôi “rơi” vào lớp của Thầy. Ngày đầu tiên gặp mặt, tôi chẳng có ấn tượng gì về Thầy cả, ngoài vẻ khắc khổ, thấp nhỏ, giọng nói khô khan “đặc sệt Bắc” và lúc nào trên tay Thầy cũng mang theo một cây thước. Những ngày sau đó, tôi tỏ thái độ thờ ơ và không thân thiện với lớp mới của mình, đặc biệt rất ghét môn Toán của Thầy.
Khi ấy, tôi chỉ chú tâm học Văn, Tiếng Anh, còn những môn khác tôi học cho qua. Thậm chí môn Toán của Thầy tôi coi như “cạch”, vì ghét thầy lúc nào cũng gọi tôi lên bảng ghi công thức hay làm bài tập. Dường như tiết nào cũng thế, Thầy đều kiểm tra tôi. ( Mục đích là để củng cố cho tôi những kiến thức đã bị hổng về môn Toán, nhưng tôi nào nhận ra điều đó, mà chỉ nghĩ rằng Thầy ghét tôi vì tôi gây ra nhiều chuyện và không tham gia phong trào như ý của Thầy.) Những ngày sau đó, biết bao tiết Toán, biết bao công thức Toán học trôi qua, tôi đều bỏ ngoài tai lời nhắc nhở của Thầy. Đến nỗi, Thầy phải “phán” cho tôi một câu: “Con kia! Mày học Văn, Anh tốt thế, chữ nghĩa đẹp thế mà học Toán lười thế hả?”
Khi ấy, tôi mới chỉ là một cô bé mười bảy tuổi, lần đầu tiên bị Cô Thầy nói mình “lười thế”, “kém thế”, trong khi cấp II tôi học rất tốt và nổi tiếng ở trường vì độ năng nổ trong các phong trào. Con bé ấy đã khóc ròng mấy ngày liền, bỏ cơm hai bữa.
Ngày hôm sau, con bé đó trốn học Toán, Thầy thừa biết chuyện gì xảy ra với nó. Thế là Thầy cử nhỏ bạn thân nhất của tôi về phòng trọ “lôi” tôi lên học. Tôi miễn cưỡng đến trường vì nhỏ bạn thân, nhưng không thèm vào lớp mà giả vờ đau bụng. Hôm ấy, lũ bạn trong lớp một phen hò hét xin Thầy cho tôi vào lớp, xin Thầy tha lỗi cho tôi. Thế nên Thầy cũng đã miễn cưỡng gọi tôi vào chỗ ngồi. Suốt buổi học ấy, tôi chọc tức Thầy bằng cặp mắt xoe tròn, lếu láo nhìn Thầy…
Vậy đó! Những năm tháng học trò trôi qua với tôi nhiều nặng nợ, Thầy vẫn là người ân cần dạy dỗ, dõi theo…, và cũng khàn cả cổ họng vì tôi. Đến kì thi tốt nghiệp, Thầy lo cho lũ học trò nhỏ làm sao vượt qua các môn học, và lo nhất là tôi làm sao qua môm Toán của Thầy. Chẳng bao giờ Thầy nói về điều đó cả, nhưng mọi thứ lại hiện lên trên khuôn mặt Thầy: những lo lắng, ánh mắt lúc nào cũng nhăn nhó, nhìn xa xôi! Giờ chúng tôi hiểu được thì những ngày tháng ấy đã trôi xa lắm rồi… Tất cả chỉ còn là kí ức, chỉ còn là hoài niệm đẹp, chỉ còn là lời xin lỗi bỏ ngỏ…phía sau Thầy…
Thầy ơi! Chúng con xin lỗi, và bản thân con muốn gửi lời xin lỗi Thầy đến ngàn lần. Hàng ngàn công thức Toán học con bỏ qua, hãy cho con ngàn lần xin lỗi vì điều đó. Thầy không chỉ dạy cho con đơn thuần là những công thức Toán học, mà còn là những bài học về sự kiên trì, lòng nhẫn nại, đức tính trung thực, là biết hi sinh vì người khác… Thế nên, khi con hiểu ra, con đã chọn nghề Giáo, và suốt những năm qua, chẳng bao giờ chối từ nhiệm vụ là Giáo viên chủ nhiệm cả. Dù rằng, công việc đó làm con già đi “cả chục tuổi’ vì những lo lắng, vì áp lực, vì thi đua, vì bản thân mình chưa thu phục được học trò, chưa thực sự là nơi chia sẻ của học trò… Bởi vậy, con muốn gửi lời xin lỗi đến Thầy bằng cách bước tiếp con đường mà Thầy đã đi – một Giáo viên tận tâm, và là một Giáo viên chủ nhiệm tận tụy, hi sinh cho học trò của mình.
Con cũng đã có những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống, và trong những niềm vui nhỏ ấy có những hạnh phúc thật to: Đó là con lại trở thành hậu duệ của Thầy, lại tiếp bước đưa những chuyến đò nhỏ sang sông an toàn và đầy nhân cách nhất. Dù cho phía trước con, biết bao khó khăn đang chờ đón, nhưng con tin rằng, mười năm, mười lăm năm… hay sau này nữa, những học trò của con, cả những học sinh cá biệt cũng sẽ nhận ra tình cảm và niềm hi vọng lớn lao con đặt vào chúng! Rồi chúng sẽ trở về… biết nói lời cảm ơn và xin lỗi Cô Thầy của mình.
Con cảm ơn và xin lỗi Thầy nhiều lắm!
Hẹn gặp Thầy một ngày không xa thật nhiều sức khỏe và niềm vui…
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0