Bài dự thi MS 219 "Viết về thầy cô và mái trường mến yêu"
Ngày đăng: 06/11/2022 23:01
- Lượt xem: 1276
- Thích
Ngày đăng: 06/11/2022 23:01
Họ và tên: NGUYỄN THỊ TÂM
Đơn vị công tác: giáo viên Toán –Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Phường Thống Nhất, Thị xã Buôn Hồ, Tỉnh Đăk Lăk
CẢM ƠN THẦY, NGƯỜI THẦY VĨ ĐẠI CỦA CON
Hôm nay, trong tiết dạy hướng nghiệp cho học sinh lớp mười hai mà tôi đang chủ nhiệm, một em học sinh đột nhiên hỏi tôi: “Cô ơi, sao cô lại chọn nghề dạy học, mà sao lại dạy Toán hả cô?” Câu hỏi vô tình của em học sinh làm tôi bồi hồi nhớ đến thầy. Người đã thắp lên trong tôi tình yêu Toán học và là động lực để tôi nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ làm cô giáo dạy Toán.
Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày tôi đi học bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán thời cấp một (nay là Tiểu học). Thầy tận tình hướng dẫn chúng tôi từng dạng bài tập. Từ một bài toán đơn giản, thầy phát triển và mở rộng thành những bài toán tổng quát. Điều này giúp chúng tôi giải được những bài tập khó dễ dàng hơn. Có những lúc chúng tôi mải chơi quên học bài và làm bài ở nhà. Đến giờ học chúng tôi chẳng nhớ nổi bài học hôm trước. Lúc ấy, ánh mắt thầy thật buồn, nhưng thầy vẫn nhẹ nhàng nhắc nhở động viên, không một lời trách móc.
Đến tận bây giờ, khi đã là một cô giáo với hơn mười lăm năm trong nghề, tôi vẫn ấn tượng và thích thú với phương pháp dạy học của thầy ngày đó. Nó giúp chúng tôi xác định rõ ràng vấn đề cần giải quyết cũng như các bước đi tìm lời giải cho một bài toán khó. Nhờ đó, mỗi khi gặp một bài tập vừa lạ vừa khó chúng tôi không còn e ngại hay sợ hãi như trước. Nhờ thầy, chúng tôi say mê tìm tòi lời giải cho những bài toán hóc búa nhất. Chúng tôi vui khi gặp những bài tập lạ, thầy giúp chúng tôi giải chúng bằng cách chuyển về những bài toán dã gặp. Nhờ thầy, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao sau những buổi chiều nỗ lực tìm ra lời giải cho các bài tập khó.
Các bài tập của thầy không chỉ là những biểu thức, những phép tính hay những con số khô khan mà chúng là những bài toán mang đậm sắc màu của cuộc sống. Chảng hạn như bài toán xây nhà thủy tạ ở giữa hồ nước, hay bài toán về những chuyến xe chở hàng…Bây giờ nhìn lại, cách đây hơn hai mươi bốn năm, thầy đã có có phương pháp giảng dạy thật hiện đại, phù hợp với xu hướng hiện nay là dạy học phải gắn với thực tiễn.
Trong các buổi học của thầy, tôi không chỉ được học về Toán mà qua các bài Toán đó, tôi cảm nhận được bức tranh tuyệt vời về thế giới bên ngoài, nơi đó có những dòng sông, những chiếc thuyền, có những địa điểm du lịch nổi tiếng, có những đường phố tấp nập với những chuyến xe,…Những bức tranh ấy không yên ả, thanh bình như trong các câu chuyện kể trong môn Tiếng Việt mà chúng sống động hơn với vận tốc chuyển động, chúng có giới hạn về không gian và thời gian trong các bài toán về diện tích, chu vi,…Tôi như được bước chân vào một thế giới tươi đẹp, hiện đại và văn minh với biết bao điều mới lạ mà một đứa trẻ mười một tuổi lúc đó có thể tưởng tượng ra. Từ nhỏ đến lúc đó, tôi chỉ quanh quẩn trong xóm làng với những con đường đất đỏ thơ mộng một màu tím hoa cỏ may những buổi chiều hè nhưng cũng rất lầy lội trơn trượt vào những ngày mưa. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những rẫy trắng ngát hương hoa cà phê trong tiết trời mùa xuân hay những quả cà phê chín đỏ mọng mỗi độ đông về. Đến lúc học thầy, tôi mới biết nhiều điều thú vị ở xa kia. Tôi mơ ước được đến những chân trời mới để khám phá, để học hỏi và mang những hiểu biết của mình về xây dựng quê hương. Đó là lần đầu tiên tôi mơ ước mình trở thành giáo viên dạy Toán giống thầy.
Bên cạnh việc dạy chúng tôi giải Toán, thầy còn hướng dẫn chúng tôi phương pháp đọc sách và tự học ở nhà. Chính những phương pháp mà thầy hướng dẫn đã giúp tôi rất nhiều trong suốt những ngày miệt mài sách vở thời áo trắng cũng như những năm tháng xa nhà thời sinh viên và mãi đến tận những tháng ngày đi dạy.
Tôi vẫn còn nhớ những lần tôi loay hoay suốt buổi học mà vẫn không thể giải được bài hay giải sai. Thầy nhẹ nhàng giúp tôi tìm hướng giải quyết và chỉ ra các sai lầm trong lời giải. Tôi bắt đầu hiểu ra, trong việc học, có những lúc mình làm được bài nhưng cũng có những lúc không làm được. Tôi được bắt đầu trải qua các cung bậc của cảm xúc từ niềm hạnh phúc của thành công là lúc làm được bài đến nỗi buồn khi thất bại là khi không giải được bài toán. Thầy đã giúp tôi hiểu rõ câu “Thắng không kiêu, bại không nản”. Dù thế nào đi nữa thì bản thân mình phải luôn lạc quan và cố gắng, không được bỏ cuộc. Đây cũng chính là bài học lớn để tôi mang theo trên con đường đời. Đã nhiều năm trôi qua với biết bao thăng trầm của cuộc sống, biết bao niềm vui và nỗi buồn, nhất là những lúc gặp khó khăn, kí ức ngày xưa hiện về cùng với những lời thầy dạy, đã giúp tôi có thêm ý chí và sức mạnh để sẵn sàng vượt qua mọi thử thách. Nhiều người thường mong ước có một tấm vé quay về tuổi thơ, còn tôi, mỗi khi nghĩ về tuổi thơ êm đếm, tôi lại có thêm sức mạnh và ý chí để tiến về phía trước vì tuổi thơ tôi có lời dạy của thầy, có những bài học quý giá mà thầy để lại.
Khi bước chân vào nghề, tôi mới biết những vất vả, hi sinh của thầy ngày trước, nhất là những khi dạy bồi dưỡng học sinh giỏi. Để tạo hứng thú học tập cho học sinh và giảm bớt sự nhàm chán khô khan của môn Toán, nhất là trong những chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi là điều không dễ dàng. Tôi nhận ra, để có những bài giảng thú vị để dạy tôi ngày đó, chắc thầy đã vất vả nhiều đêm để soạn bài. Đó không chỉ là sự hi sinh mà còn là tình yêu bao la của thầy đối với nghề dạy học và đối với thế hệ trẻ, đúng không thầy?
Thời gian trôi nhanh quá! Nhiều năm rồi, thầy không còn trực tiếp đứng lớp nữa. Nhưng ở cương vị mới, thầy vẫn không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa ra nhiều biện pháp hiệu quả dưới nhiều hình thức khác nhau để giáo dục tư tưởng, đạo đức và kĩ năng sống cho học sinh nơi thầy công tác. Tôi vẫn nhớ lúc con gái mình học lớp một, một hôm, bé hào hứng kể chuyện, mấy tuần nay, trong giờ chào cờ thầy Hiệu trưởng dạy cho chúng con hát các ca khúc về thầy cô, về mẹ,…Bé vui vẻ hát lại cho cả nhà nghe. Tôi vừa bất ngờ vừa xúc động. Thầy trở thành một người bạn của học sinh bằng một việc đơn giản nhưng đó là cả tấm lòng, là cả trái tim. Phải chăng thầy đang muốn nói rằng, muốn dạy học sinh thì trước hết phải thân thiết và gần gũi với các em? Lời ca tiếng hát là công cụ đơn giản để đi vào cảm xúc cũng như tình cảm của con người. Tôi chợt nhận ra, để làm tốt công tác chủ nhiệm và giảng dạy, mình phải giảm khoảng cách giữa cô và trò, thực sự là người bạn thân thiết của học sinh bằng các việc làm đơn sơ, phù hợp đặc điểm lứa tuổi.
Lần khác, tôi lại nghe con gái kể về ngày “ lễ trao bò” ở trường. Trong buổi lễ đó, gia đình của một bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất sẽ được tặng một con bò. Nghe về ý tưởng ngày lễ này, tôi thực sự xúc động không nói nên lời. Phải là một người thầy rất yêu thương và lo lắng cho học sinh, nhất là những học sinh nghèo mới có thể nghĩ ra một ý tưởng như vậy. Việc tặng bò không chỉ là tặng cho các em và gia đình một món quà có giá trị lớn mà nó mang ý nghĩa là phương tiện, là công cụ để gia đình các em và đặc biệt là chính các em có thể đầu tư sinh ra lợi nhuận một cách đơn giản bằng việc chăn nuôi. Tôi chợt hiểu ra, khi giúp đỡ bất kì ai, mình cần phải suy nghĩ để không chỉ giúp đỡ những khó khăn trước mắt mà phải có chiến lược lâu dài để giải quyết gốc rễ của vấn đề.
Bất ngờ hơn nữa, năm học lớp ba, một hôm, con tôi đòi mẹ tìm cho bé một câu chuyện về Bác Hồ để tập kể. Thì ra, ở trường đang tổ chức phong trào kể các các chuyện về Bác Hồ. Hàng tuần, trong giờ chào cờ, mỗi lớp sẽ cử một bạn lên trước cờ kể chuyện. Bé thấy các anh chị lớp trên kể hay quá nên cũng muốn học tập. Sau một lúc tìm tòi, mẹ con tôi quyết định chọn câu chuyện về vườn rau, ao cá của Bác. Những buổi ngồi nghe bé tập kể chuyện ở nhà và trả lời các câu hỏi ngây thơ của con về nội dung câu chuyện, lòng tôi tự nhiên bồi hồi quá! Dường như trước mắt tôi là hình ảnh Bác hiền từ cùng lời dạy tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn làm tôi xúc động quá! Tôi chưa từng có dịp ra thăm lăng Bác nhưng hình ảnh ao cá với hàng cây dừa, dâm bụt bao quanh và đàn cá tung tăng bơi lội sao mà thân yêu quen thuộc đến thế! Có lẽ đây chính là cách tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ sau về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thiết thực và hiệu quả nhất mà tôi từng thấy! Những câu chuyện về Bác được các em chia sẽ trước cờ cùng những cảm nghĩ về những câu chuyện đó sẽ tạo ấn tượng và đọng lại những nỗi niềm khó tả trong lòng người nghe. Không chỉ vậy, bản thân những người làm cha mẹ, trong quá trình cùng con chuẩn bị kể chuyện ở nhà cũng sẽ có những giây phút xúc động khi nghĩ về Bác.Thầy lại cho tôi thêm một bài học quý giá trong việc giáo dục và rèn luyện đạo đức cho học sinh, giúp các em học tập và làm theo lời Bác.
Thầy đã giúp tôi nhận ra rằng, dù ở bất cứ cương vị nào, chỉ cần thực sự yêu nghề, yêu thế hệ trẻ bằng cả trái tim, bằng cả tấm lòng, mỗi người thầy người cô vẫn luôn có thể đưa ra những cách thức đơn giản mà hiệu quả thiết thực trong việc giảng dạy cũng như giáo dục học sinh. Thật hạnh phúc và may mắn cho tôi khi đã từng được thầy giảng dạy. Đối với tôi, thầy mãi là người thầy vĩ đại, là tấm gương sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, trong mọi công việc, để đem lại hiệu quả tốt nhất trong công tác giảng dạy, giáo dục và rèn luyện học sinh một cách toàn diện cũng như góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người. Tôi muốn gửi đến thầy lời cảm ơn chân thành nhất mà chưa một lần dám nói. Cảm ơn thầy đã thắp lên tình yêu Toán học trong con và là tấm gương sáng để con ước mơ làm cô giáo. Cảm ơn thầy đã không ngại khó khăn vất vả để dạy cho con những kiến thức Toán học một cách sinh động và sáng tạo. Cảm ơn thầy đã giúp con rèn luyện ý chí để con có nền tảng sức mạnh và nghị lực vượt qua mọi khó khăn trên con đường đời. Cảm ơn thầy, vì những sáng tạo đổi mới trong công tác quản lí ở trường, giúp con học được những bài học quý giá trong công tác giảng dạy cũng như giáo dục toàn diện cho học sinh. Cảm ơn thầy vì tình yêu bao la thầy dành cho bao thế hệ học sinh. Cảm ơn thầy về tất cả mọi thứ mà con chưa kể hết ra được. Cảm ơn thầy, người thầy vĩ đại của con!
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0