Bài dự thi MS 225 "Viết về thầy cô và mái trường mến yêu"
Ngày đăng: 05/11/2022 23:44
- Lượt xem: 1574
- Thích
Ngày đăng: 05/11/2022 23:44
Họ và tên : Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc
Học sinh lớp : 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
BÀI DỰ THI CUỘC THI VIẾT VỀ
THẦY CÔ VÀ MÁI TRƯỜNG MẾN YÊU
“Dẫu đông dài, hạ trắng, nắng gắt hay mưa giông…
Những người chèo đò vẫn mải miết qua sông đưa khách
Dẫu gió lạnh, đèn khuya, lưng áo mỏng…
Thầy tôi trăng hắt những đêm kia, vẫn mải miết chèo đời…”
Trong ca dao, tục ngữ Việt Nam, ông bà ta có câu: “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Nếu cha mẹ là hai đấng sinh thành, có công nuôi dưỡng ta từ khi ta vừa cất tiếng khóc chào đời đến khi ta mang theo những ước mơ, hoài bão của bản thân hóa thành cánh chim hải âu bay vào biển đời thì thầy cô chính là người đã gieo hạt giống mùa xuân vào tâm hồn người học trò, ủ sâu dưới tầng tầng lớp lớp đất dày, để rồi khi đông qua đi, xuân ghé đến, những hạt mầm đâm chồi, xuyên qua tầng đất dày hóa thành những cái cây cao tỏa bóng mát cho đời. Thầy cô dạy học trò biết từng con chữ, biết thế nào là lẽ phải, biết đối nhân xử thế trên đời. Để rồi mai sau, những bài học quý giá ấy đi theo những cánh chim với biết bao khát vọng bay vào bầu trời xanh vô tận. Bởi lẽ “Thầy cô như thể mẹ cha”.
Người ta nói, chuyến tàu thanh xuân là bản hòa tấu chưa kết thúc, là câu chuyện cổ tích diệu kỳ giữa dòng đời vội vã chưa hoàn thành, là bức họa vẽ mãi không xong, và người học trò là những người “nghệ sĩ tập sự”, bởi lẽ chính người học trò non nớt với những tháng ngày chỉ biết cắp sách tới trường ấy lại là người điều khiển âm điệu bản hòa tấu kia, là người kể câu chuyện cổ tích chẳng bao giờ ngừng nghỉ, là người họa sĩ tự vẽ nên chính tác phẩm của mình. Nhưng kể cả là danh họa thiên tài Leonardo Da Vinci với tuyệt tác Nàng Mona Lisa cũng đã phải trải trải qua sự dạy dỗ của thầy mình qua hàng nghìn bài học vẽ trứng, thì mỗi người học trò đều cũng cần được “lớn lên” qua chính sự dìu dắt của những con người lái đò thầm lặng, ngày ngày mặc cho giông bão vẫn luôn mải miết chèo đò. Suốt ba năm nay, con sẽ chẳng bao giờ thôi quên rằng, bài học “Văn học là cuộc sống, học văn là học làm người” do cô Quỳnh đã chắp cánh cho con.
Từ những ngày đầu tiên đi học dưới mái trường mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn, đứa học trò nhỏ sớm ngày đã lụi tàn ước mơ được chinh phục những câu văn, câu chữ từ lâu kia đã một lần nữa được cô chắp cánh cho những hoài bão, những giấc mơ về sự thành công của cuộc đời . Có lẽ chăng là đó những điều hay lẽ phải, những cái đẹp trong tâm hồn con người đã được khơi dậy từ bàn tay của cô, người lái đò thầm lặng mang trên mình gánh nặng của những con chữ? Cả cuộc đời của cô đều hi sinh cho sự nghiệp trồng người, trên con đường đầy rẫy những giông tố phía trước, người lái đò nọ chỉ âm thầm, lặng lẽ mặc cho “đông dài, hạ trắng, nắng gắt hay mưa giông…”, dù cho cái lạnh buốt đến thấu xương từ những ngọn sóng dữ cứ vồ lấy, cô vẫn luôn đưa con đò cập bến an toàn, hoàn thành thiên mệnh cao cả của mình.
Xuất phát điểm của con ban đầu cũng chỉ là một đứa con gái mười lăm, mười sáu tuổi đầu biết yêu, biết say mê cái đẹp của văn chương, nhưng con cũng chỉ có từng ấy, bao nhiêu ấy liệu đã đủ để nhà trường cho phép con chen chân vào đội tuyển học sinh giỏi giữa biết bao đóa hoa còn rạng rỡ hơn chính con? Nhưng khát khao, hoài bão nhỏ bé ấy đã thôi thúc con đến gần hơn với cô. Cô chẳng quan tâm con xuất phát từ đâu, cô vẫn sẵn sàng chấp nhận con và dạy con biết rằng, văn chương đâu chỉ dừng lại ở vài ba trang giấy, văn chương là cả một chân trời rộng mở chứa đựng những giá trị tốt đẹp như đóa hoa sơn trà nở trong tuyết trắng, như áng mây mỗi sớm bình minh mà để con người ta dễ dàng thấu, dễ dàng cảm. Cô đã dạy con rằng, văn học viết về con người, học văn chính là học làm người, và chính sự tận tụy ấy đã giúp con ngày càng yêu hơn những con chữ, yêu hơn cuộc sống tươi đẹp này để rồi những tháng ngày ấy đã giúp con tìm được câu trả lời cho những trăn trở từ chính bản thân mình: Mỗi sự tồn tại đều mang những giá trị nhất định, ta phải luôn biết ước mơ, biết khát khao và nỗ lực, để tìm được con đường đến gần hơn với những giá trị sâu thẳm bên trong tâm hồn mình.
“Gửi những người chèo đò mải miết giữa sông xưa.
Gửi thầy con, người mải miết chèo lái những dòng đời xuôi ngược…”
Cô không chỉ hi sinh công sức và thời gian của mình mà còn dành trọn cả tình yêu thương và sự bảo bọc cho những đứa trẻ non nớt vẫn còn bỡ ngỡ trước cái xã hội rộng lớn này. Đứa trẻ ấy ngơ ngác nhìn ra cuộc đời với sự dẫn dắt và tình yêu thương của cô. Cái tận tụy của cô đã cho con trưởng thành theo từng ngày. Con còn nhớ, giây phút con bước ra khỏi phòng thi trong kỳ thi Olympic Truyền thống 30 tháng 4, con đã bật khóc trong chính cái ôm của cô. Con đã khóc vì con đã không hoàn thành bài làm của mình thật tốt, con đã mắc phải những sai lầm và chẳng thể có kết quả như sự kỳ vọng của mọi người, con lại thất bại một lần nữa. “Cố gắng thêm chút nữa ha. Cô tin em chắc chắn sẽ thành công.” Chính câu nói ấy, chính cái ôm ấy đã để con nhìn lại hành trình con đã đi qua, con đã làm được nhiều điều lắm rồi. Xuất phát điểm của con chỉ là một đứa học sinh may mắn đạt giải khuyến khích cấp trường, nếu con không gặp được cô, giấc mơ văn chương khi ấy của con sẽ khép lại. Con sẽ chẳng còn nghĩ đến ngày con được ôm cô, cùng hò hét với cô khi đón nhận thành quả đầu tiên cho hành trình nỗ lực ấy. Đôi khi, con đã từng nghĩ rằng, con đã khóc làm gì cơ chứ, thất bại khi ấy cũng là một cách để con trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, để con tạm nghỉ chân trước khi lại tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa kia mà.
Cô là những người đã thay đổi bản thân con, đã uốn nắn dạy bảo cho con biết thế nào là sai, thế nào là đúng, thế nào là văn chương và thế nào là viết, là cảm, chỉ dẫn tận tình để con có thể trưởng thành hơn và mạnh mẽ hơn. Ơn cô vĩnh viễn cả đời người học trò như con không thể nào quên được. Từng bước đi trong tương lai của con sau này đều in hình bóng của cô, hình bóng của bàn tay gầy guộc, chai sần, dính đầy bụi phấn của “người làm vườn” thầm lặng đã uốn nắn những cái cây từ khi nó chỉ là mầm non mới nhú. Cô đã giúp cho con có được chìa khóa để mở cửa tri thức của cuộc sống bằng việc vun đắp ước mơ cho con đến đỉnh cao của kiến thức cho một tương lai tươi đẹp sau này. Hết chuyến đò này đến chuyến đò khác, cô đã đưa biết bao nhiêu chuyến đò trong cuộc đời mình, biết bao thế hệ học trò đã được cô dìu dắt nên người…?
Một trái tim không biết thứ tha là một trái tim đã chết, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá mà thôi, thuở ấy, con nào biết làm người phải có lấy một ước mơ, dù giản dị, nhỏ nhoi hay cao sang to lớn. Chiếc bảng đen, từng trang giấy trắng, những lời giảng dạy của cô chính là đoạn đường dài dẫn con quay lại với giấc mơ văn chương ngày bé con từng mơ lấy ấy. Thuở ấy, con nào biết cuộc đời chỉ có những bà tiên và ông bụt, rằng Lý Thông, mụ dì ghẻ, hay quỷ dữ chỉ có trong truyện mà thôi. Cô đã đưa con đi vào những trang văn thấm nhuần những tư tưởng, đạo lý làm người. Qua câu thơ của Nguyễn Du, con đã gặp được nàng Kiều tài sắc vẹn toàn nhưng lại “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”, con đã được nhìn thấy chuyến tàu đêm đi qua con phố huyện nghèo của Thạch Lam, mang theo ánh sáng của Hà Nội rực rỡ và huyên náo, con đã được gặp binh đoàn Tây Tiến với khát vọng ra đi cống hiến tuổi trẻ cho đất nước trong câu chuyện của Quang Dũng. Để con thấy được rằng, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, khát vọng được ra đi vì Tổ quốc của con người mạnh mẽ đến chừng nào, từ đó con biết trân trọng những giá trị tốt đẹp vốn có, để con biết rằng, mỗi người đều cần có một đôi mắt sáng và một trái tim biết yêu thương, để đối tốt với những người ngay và tránh xa những toan tính, bon chen của những kẻ độc ác trong cái cuộc đời lắm vòng vèo và chùng chình này.
Cuộc đời này vẫn luôn là bài một bài toán khó, mà đi hết cả quãng đường dài con mới nhận ra chẳng có lời giải nào tốt hơn ngoài hai từ “trải nghiệm”. Chỉ khi con cố gắng nhiều hơn, học tập và rèn luyện nhiều hơn thì con có thể đi đến gần hơn với ước mơ của riêng mình. Khi ấy, con vẫn chỉ là đứa trẻ ngây thơ nhìn cuộc đời bằng một ánh nhìn như vốn dĩ, mà vô tình lãng quên đi đằng sau cuộc đời luôn là những vòng quanh với những khúc gập, những quanh co, những thác ghềnh. Nếu cuộc đời con không có những khúc ngoặt, hiển nhiên nó đã vô nghĩa đi rất nhiều rồi. Nhưng cô còn dạy con phải biết ngẩng đầu trước thất bại, đừng dừng lại khi phía trước còn nhiều lắm những chông gai… Quá nửa cuộc đời con đã sống như lời cô dạy, con lớn thêm một chút rồi, cô ơi…
“Dẫu biết rằng…
Những viên phấn tròn rồi cũng hóa thành bụi bay đi.”
Trên cuộc đời này, có biết bao tình cảm vô cùng thiêng liêng và sâu sắc. Tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em và cả tình thầy trò. Mọi tình cảm đều có ý nghĩa khác nhau. Cô đã cho con hiểu thế nào là tình thầy trò, một tình thầy trò thực thụ. Con vẫn sẽ mãi luôn ghi nhớ và biết ơn cô dẫu con biết rằng tình cảm đó sẽ không bằng những gì cô dành cho chúng con. Nhưng con sẽ cố gắng làm cho cô cảm thấy tự hào, để cô có thể mỉm cười mãn nguyện.
Cô ơi, cô sẽ mãi là người dìu dắt chúng em trên đường đời… “Cảm ơn cô đã theo con đi hết những năm tháng cuối của thưở học trò có lớn mà không có khôn…”
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0