Bài dự thi MS 400 "Viết về thầy cô và mái trường mến yêu"
Ngày đăng: 05/11/2022 23:51
- Lượt xem: 1988
- Thích
Ngày đăng: 05/11/2022 23:51
Người dự thi: Nguyễn Thị Thu Hiền
Trường THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
HÃY TRAO YÊU THƯƠNG ĐỂ NHẬN YÊU THƯƠNG
Truyện ngắn
Đã hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, với bảng đen phấn trắng với tôi là niềm hạnh phúc lớn lao khi được chứng kiến các thế hệ học sinh trưởng thành. Được ví là “người đưa đò thầm lặng”, trải qua biết bao kỉ niệm vui buồn, với những câu chuyện với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng có một câu chuyện đã để lại trong tâm trí tôi không thể nào quên.
Ngày ấy, vào năm học 2008 – 2009, tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 7A. Mỗi ngày đến trường đối với tôi là một ngày vui và tôi thật sự hạnh phúc khi được chăm lo cho ngôi nhà nhỏ của mình với nhiều học sinh chăm ngoan nhưng còn nhiều hiếu động. Tôi của ngày ấy, một giáo viên trẻ mới ra trường công tác được 6 năm, nhiệt huyết căng tràn, tôi luôn thương yêu các con của mình ở trường, và lúc nào với tôi cũng chăm chăm với câu khẩu hiệu trong lòng: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Và ở nhà, tôi cũng dạy các con tôi như thế và tôi yên tâm với phương pháp dạy dỗ đầy yêu thương của mình. Thước trong lớp thì cũng được phụ huynh chuẩn bị sẵn.
- Trăm sự nhờ cô nghiêm khắc với các cháu, cháu vi phạm, cô cứ quất vào đít ạ. Phụ huynh nói.
Cứ tiết sinh hoạt lớp, các tổ công khai điểm thi đua trong tuần, nêu tên những bạn vi phạm nội quy, tôi liền xử phạt ngay, nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì phạt 1 roi, nặng hơn nữa thì 2 roi. Bị trách mắng, phạt roi buồn đó, thế mà hôm sau chúng nó đã toe toét cười ngay. Chẳng biểu hiện thái độ ghét cô chủ nhiệm, có lẽ chúng hiểu do tôi muốn dạy chúng nên người nên không ghét tôi. Vì bình thường tôi vẫn chỉ bảo tận tình, vẫn có những cử chỉ yêu thương với bọn trẻ. Chỉ duy nhất một cô bé tên Vân, cô cứ lầm lì ít nói, cho dù có vi phạm hay không, có bị cô phạt đánh hay không cũng không hề có biểu hiện gì. Ít thấy em vui đùa cùng các bạn. Tôi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em thì được biết bố mẹ em đã li hôn, mẹ nuôi em, bố nuôi chị.
Mẹ em hiện đã có chồng mới, đã có một em bé chưa đầy 1 tuổi, mẹ em hàng ngày bán lòng heo ngoài chợ, chồng mới thì không có công ăn việc làm nên kinh tế gia đình cũng không khá giả gì. Tôi động viên em cố gắng học hành để lo cho tương lai của bản thân mình sau này, em cũng gật đầu vâng, dạ. Cho đến một hôm, lớp học vắng một bạn không phép, đó là Vân. Vì nghĩ có lẽ em ốm, mẹ em chắc lu bu với con nhỏ lại phải ra lò mổ sớm để kịp lấy lòng heo mang ra chợ bán, nghĩ vậy tôi thông cảm và chặc lưỡi cho qua.
Tối hôm ấy, cả nhà tôi đang quây quần bên mâm cơm thì bỗng nghe tiếng gọi ngoài cổng. Tôi ra mở cổng thì thấy mẹ Vân, vừa khóc vừa nói:
- Cô ơi, bé Vân bỏ nhà đi rồi ạ, tôi chỉ có mắng cháu vài câu mà cháu bỏ đi từ hôm qua đến nay chưa về nhà. Tôi, tôi không biết tìm cháu ở đâu. Cô ơi, tôi nhờ cô giúp, hỏi thăm các bạn trong lớp xem cháu Vân nhà tôi nó ở đâu, rồi khuyên cháu giúp tôi với.
Tôi hỏi:
- Cháu bỏ đi từ lúc nào? Mẹ Vân trả lời
- Dạ, từ tối qua cô ạ. Cháu nó chỉ nghe lời cô thôi, cô ạ. Thôi, tôi xin phép cô, cháu nhỏ nhà tôi đang sốt, tôi chỉ gửi hàng xóm được một lúc thôi ạ.
Tôi động viên:
- Chị bình tĩnh, tôi sẽ đi tìm giúp chị, có thông tin gì tôi sẽ báo chị ngay.
Sau đó, tôi bỏ chén cơm đang ăn dở, vội vã đi ngay đến nhà con bé Hà cùng lớp, là bạn thân của Vân, để hỏi thăm và nắm bắt tình hình. Hà kể:
- Cô ơi! Bạn Vân bảo muốn bỏ nhà đi lâu rồi, vì ở nhà chán lắm ạ. Mẹ bạn ấy thường hay bị chồng mới đánh đập, ông ấy mê cờ bạc, toàn lấy tiền của mẹ bạn Vân đi đánh bài thôi cô ạ. Hôm nào thua, về đòi mẹ bạn Vân đưa tiền, cô ấy bảo không đưa là bị ông ấy đánh. Mẹ bạn Vân trở nên cáu bẳn trong người, lúc nào cũng sẵn sàng trút lên đầu bạn Vân thôi cô ạ.
Tôi chở Hà đi lòng vòng một số nơi để tìm Vân nhưng không thấy. Chợt Hà nhớ ra.
- Có lần em nghe bạn Vân nói, có mấy anh chị rủ đi chơi, chắc bạn ấy sẽ bỏ nhà đi chơi cùng các anh chị ấy. Ở nhà chán, toàn bị mẹ đánh. Em khuyên bảo thì thấy bạn Vân ậm ừ rồi nên em không báo cô.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ lục tung các hang cùng ngõ hẻm, tôi và Hà cũng đã tìm thấy Vân. Trong một căn phòng, của ngôi nhà bỏ hoang, nhìn từ ngoài vào tôi thấy em, một học sinh lớp 7, mặc áo 2 dây, quần đùi sát bẹn, em đang chơi đùa ngả ngớn cùng một số nam thanh niên tóc nhuộm xanh, đỏ, xăm trổ đầy mình. Tôi đau lòng, “Sao em lại thế này Vân ơi!”. Sau một lúc trò chuyện, tôi mới dẫn được em ra khỏi căn phòng, của ngôi nhag bỏ hoang đáng sợ ấy. Khoác thêm áo lạnh cho em, tôi dẫn em và con bé Hà đi ăn phở, từ lúc ra khỏi căn phòng ấy, tôi vẫn chưa hề nói với em một câu nào. Tôi lặng lẽ lấy đũa, thìa lau sạch đưa cho em, lúc bát phở được mang ra cũng là lúc em bật khóc, tiếng em nức nở:
- Cô ơi, em xin lỗi đã làm cho cô phải vất vả đi tìm em như thế này. Em xin lỗi đã làm cho cô và bạn phải lo lắng cho em.
Tôi cũng khóc, và cũng xin lỗi vì chưa quan tâm đến em nhiều hơn. Cứ vậy cô trò ôm nhau khóc, tôi khuyên em nên biết thương mẹ và em, nên thông cảm với mẹ nhiều hơn và đặc biệt là phải suy nghĩ đến tương lai của mình, cố gắng học để sau này có công ăn việc làm, không phải vất vả như mẹ bây giờ. Mãi đến khi bát phở nguội lạnh tanh, cô trò mới sực nhớ là chưa ăn. Một cô và hai trò vừa ăn, vừa khóc rồi lại vừa cười…
Sau hôm đó, tôi dành thời gian để nói chuyện với mẹ của Vân về vấn đề giáo dục con, đặc biệt là con gái ở lứa tuổi bắt đầu dậy thì, tâm sinh lí thay đổi, nên tâm sự chia sẻ với con nhiều hơn, kiềm chế cảm xúc để tránh việc trút giận lên đầu con. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con, suy nghĩ của con và đặc biệt là dễ đưa đẩy con đến con đường hư hỏng. Tôi cũng gần gũi Vân hơn, thường xuyên nghe em chia sẻ tâm sự về niềm vui, nỗi buồn của em, động viên tinh thần cho em và giúp em tháo gỡ những vấn đề khó xử mà em gặp trong cuộc sống. Vân cũng đã đến trường học bình thường như bao bạn khác. Và không bao giờ nghĩ đến việc bỏ nhà đi nữa. Tôi đã động viên tập thể lớp cùng yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là những bạn có hoàn cảnh khó khăn trong đó có gia đình em Vân. Tập thể lớp tôi đoàn kết và thân ái, chan hòa. Và điều đó đã làm tôi hành phúc đến nhường nào. Tôi yêu tập thể 7A của tôi và luôn xem các em như những đứa con của mình.
Câu chuyện của gia đình em Vân, đã cho tôi nhiều suy ngẫm. Đặc biệt là việc dùng đòn roi để giáo dục, không phải là biện pháp tích cực đối với học sinh, nếu không muốn nói đến là rất có thể sẽ dẫn đến hậu quả xấu. Tôi cũng luôn tâm niệm rằng: “Hãy trao yêu thương để được nhận lại yêu thương, hãy giáo dục các em bằng cả trái tim mình”.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0