Sớm hôm ấy, thành thị như chộn rộn hơn, lẫn trong cái ồn ào náo nhiệt phố xá quen thuộc bỗng vọng vang thanh âm từ đại ngàn xanh thẳm. Khoảng không gian khu trung tâm thành phố thường dành cho những người yêu sách, yêu một nét văn hóa đậm đà tri thức nay lừng lửng thơm mùi cà phê. Thiên hạ nhộn nhịp và háo hức. Nhiều hàng ghế trải dài nơi sân khấu chính. Quãng đường ngắn phủ rợp bóng cây một ngày trời âm trầm, màu nắng trong hơn, tiếng cười cũng giòn hơn. Phố xá đón những người con từ vùng đất đỏ Ban Mê thể nhưng đón một người bạn thân phương xa bằng một tấm chân tình rất đỗi luyến thương.
Tôi đến và hòa vào dòng người nô nức. Dọc con đường là những bức tranh, hình của các họa sĩ và nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ đại ngàn. Khá nhiều quan khách đã dừng lại và ngắm nhìn một đại ngàn ẩn chứa trong những bức tranh, bức hình. Rất nhiều người trong đó là những người trẻ. Có lẽ Đắk Lắk với họ là vùng đất mang nhiều ẩn tích với núi non, với bạt ngàn rừng, với những anh em đồng bào dân tộc sống chan hòa trên một cao nguyên lộng gió.
Đại biểu và văn nghệ sĩ cùng hòa điệu câu hát “Còn thương nhau thì về”
Ban Mê hay được dân thị thành đùa là xứ còn thương thì về. Riêng với tôi, trong sáng nay, đúng là còn thương nên dân thị thành đổ về lắng nghe thanh âm từ đại ngàn cực kì nhiều. Đến nỗi chị bạn ngồi chung bất giác thốt lên phải gấp 3 số người bình thường cuối tuần ghé Đường Sách này. Tất cả đều hân hoan, đều chọn cho mình bộ cánh thật đẹp. Lần đầu tiên, tôi thấy thị dân phố xá trân trọng một chương trình đến vậy. Họ đến, chụp hình, thử café xứ Ban Mê, xem nặn tò he, xin chữ thư pháp và ngồi nghe đại ngàn kể câu chuyện của xanh thẳm cao nguyên lá gió. Họ ngồi đến tận cuối chương trình để cùng hòa điệu câu hát “Còn thương nhau thì về”. Nắng tháng chín đứng bóng, nhún nhảy lên tán lá, lên mặt phố, lên cả những tiếng cười nói rộng ràng vẫn không khiến thị dân quay về. Sự nấn ná đó âu cũng là điều dễ hiểu, bởi kì thực, đã từ rất lâu, phố thị chưa rộn ràng đến vậy. Chính tính cách Tây Nguyên hừng hực đã thổi bùng lên một niềm thương nắm níu lòng họ chẳng rời khỏi chương trình này.
Tôi chọn cho mình một góc, lặng lẽ xem trọn chương trình, lặng lẽ thấy những ân tình mà đại ngàn dành cho chính con em mình đang học tập tại thành phố này. Sài Gòn vẫn luôn là nơi mà biết bao người trẻ tìm về để bồi dưỡng cho mình những tri thức. Chính hành trình rời rừng thẳm non xanh đến với thị thành sẽ là hành trình mà những người trẻ luôn cần sự chăm chút, động viên và khích lệ từ chính quê hương bản xứ của mình. Những phần học bổng được trao sáng ấy, như chính cái nắm tay của đại ngàn với con em mình nơi thị thành phố xá. Tôi tin, sau hành trình góp nhặt con chữ, những người trẻ Ban Mê sẽ quay về làm giàu đẹp thêm cho quê hương mình. Và từ đấy, những tấm lòng thảo thơm sẽ tự khắc nảy nở truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Các văn nghệ sĩ đến tham gia chương trình "Thanh âm đại ngàn".
Buổi sáng rộn ràng với thơ, với nhạc, với những thanh âm cất lời từ đại ngàn nồng nàn cả phố thị. Cái nồng nàn rất riêng biệt không lẫn vào đâu được. Nơi đây, sự giao lưu văn hóa vốn dĩ rất nhiều. Các vùng miền đều đã đến và để lại dấu ấn. Tuy nhiên, tôi tin chính người thị thành sẽ khắc ghi một sự ấn tượng cực kì nhiệt thành và đậm đà bản sắc của Tây Nguyên từ chương trình này. Bởi các cuộc giao lưu, nếu chỉ dừng ở mức “giao” thì Thanh Âm Đại Ngàn đã kì công “lưu” lại thị thành này một chương trình vừa đủ sự ấm áp tình người Tây Nguyên, vừa đong đầy nghĩa thương cao đẹp, và hơn hết chính là tính kết nối lan tỏa một thông điệp sống với sự hừng hực rực lửa của tuổi trẻ, của văn hóa và con người.
Tôi nhớ mình đã ngồi cùng một người con của Đắk Lắk là Nhà thơ Lê Vĩnh Tài sau chương trình, bên một vệ đường để ngắm nhìn Sài Gòn qua góc đường ươm nắng trưa. Chúng tôi nói về văn hóa, nói về Ban Mê, nói về những chuyến về miền cao nguyên đất đỏ và hẹn nhau một ly cà phê. Từ anh Lê Vĩnh Tài, tôi tin bất cứ người con Tây Nguyên nào cũng sẽ thổn thức và đập những nhịp đập trái tim cho vùng đất này. Trong tôi lại vang vọng những câu thơ từ Trường ca Vỡ Ra Mưa Ấm của anh: Tây Nguyên mênh mang tận cùng máu chảy/ mẹ dạy ta nhìn thấy/ một bông lúa rẫy cũng khát như người.
Cuộc vui nào cũng sẽ kết thúc, nhưng ẩn sâu trong ánh mắt, câu nói của những người con Ban Mê khi chia tay thị thành, vẫn là nỗi thương khắc khoải với sứ mệnh văn hóa Tây Nguyên. Và tôi tin, thị dân Sài Gòn sẽ lại thêm thương vùng đất đỏ bazan này. Mà hễ thương thì con người ta lại tìm về, dẫu sớm hay muộn, bằng cách này hay cách khác. Thanh Âm Đại Ngàn đã gieo vào lòng phố thị sự rộn ràng để nhắc nhớ chúng tôi về một xứ sở mà mỗi một bông lúa rẫy cũng mang trong mình những khát khao như con người.
Tống Phước Bảo
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0