Chẳng ai rõ cồng chiêng xuất hiện trên mảnh đất Tây Nguyên chan hòa nắng gió từ bao giờ. Cứ như mạch nước ngầm, cồng chiêng trở nên thân thuộc và thấm đẫm hơi thở cuộc sống bao người nơi đây.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, cồng chiêng là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thế giới siêu nhiên. Nó được coi là biểu hiện cho tài sản, quyền lực, sự an toàn trong mỗi gia đình và cộng đồng. Đã có thời kỳ chỉ có những phụ hộ giàu có mới có thể sở hữu một chiếc chiêng, và giá trị thì bằng 2 con voi hay 20 con trâu. Vì thế chỉ dịp lễ hội, tiếng chiêng mới được ngân lên, báo hiệu cho những người dân tụ họp lại quây quần bên đống lửa và vò rượu cần, cùng nhau nhảy múa cùng nhau ca hát.
Cồng chiêng xuất hiện hầu như trong tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, đó là: Lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới hỏi, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả, lễ cúng máng nước, mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà rông mới, lễ kết nghĩa, lễ cúng no đủ...
Ở mỗi một sự kiện lễ nghi, khi tiếng chiêng tiếng cồng vang lên người ở buôn xa, buôn gần chỉ cần nghe âm điệu của tiếng chiêng tiếng cồng là biết được đó làm đám vui hay đám buồn. Và từ đó dân làng trong buôn cùng nhau đến để chia buồn, hoặc chung vui cùng gia chủ. Cồng chiêng đã ăn sâu vào đời sống, hơi thở của người đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Một cộng đồng dân cư hay một vòng đời của mỗi người trải qua những thăng trầm vui buồn cuộc sống, không thể thiếu chiếng tiêng ngân.
Đội chiêng nữ Ê đê Bih, huyện Krông Ana. Quang Khải
Bởi lẽ đó, ngày 15-11-1999, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã vinh dự được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Các chuyên gia văn hóa cũng đã xác định, chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau như: Ê Đê, Ba Na, Xê Đăng, M’nông, Cơ Ho, RơMăm, J’rai, Lặc, Mạ... Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố: Cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên...). Đến năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, càng chứng tỏ giá trị đặc biệt của di sản này.
Ngày nay, dẫu cuộc sống có nhiều thay đổi, những buôn làng đã hoà nhập vào thời đại mới. Đường xá thênh thang, những ngôi nhà ngói đỏ thơm mới mọc lên san sát. Không gian của buôn làng các dân tộc Tây Nguyên đã hiện đại hơn, nhưng vẫn còn đó những ngôi nhà dài cùng những dàn chiêng được các cấp chính quyền và chính bà con nâng niu, giữ gìn như những báu vật.
Cứ như mạch nước ngầm, cồng chiêng trở nên thân thuộc và thấm đẫm hơi thở cuộc sống người dân Tây Nguyên. Ảnh: Tôn Thất Tuấn Ninh
Theo ông Lại Đức Đại, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, hiện nay 15 huyện, thị xã và thành phố, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 2.300 bộ chiêng được các gia đình, dòng tộc sở hữu, gìn giữ và bảo tồn; có hơn 4.300 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, trong đó có hơn 1.100 nghệ nhân biết chỉnh chiêng và có khả năng truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng ở mọi cấp độ, từ đơn giản đến phức tạp… Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều nghệ nhân trẻ được tiếp nối từ các thế hệ trước gắn bố yêu thích và đam mê với cồng chiêng. Trong số 579 buôn làng người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk thì đã có gần 400 buôn làng có đội chiêng trẻ và chính các em ngày càng khẳng định được mình.
Để tiếng cồng chiêng tiếp tục ngân xa, hòa quyện cùng với hương vị cà phê vương vấn, níu chân du khách, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã đã có rất nhiều hoạt động ý nghĩa để bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hoá cồng chiêng. Như thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND, ngày 17-12-2021 của HĐND tỉnh về “Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022-2025”; các chương trình phục dựng lễ hội của người Ê đê; đặc biệt Lễ hội cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, vừa là một sản phẩm du lịch để thu hút du khách, quảng bá văn hoá cồng chiêng của vùng cao nguyên lộng gió này.
Cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và cồng chiêng Đắk Lắk đang được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, trở thành nét văn hóa đặc sắc mà người dân “da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hoà” đang mỗi ngày nâng niu, giữ gìn như chính tâm hồn mình.
Thuý An
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0