Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong sáng tác mỹ thuật
Ngày đăng: 24/11/2022 15:22
- Lượt xem: 544
- Thích
Ngày đăng: 24/11/2022 15:22
Tham luận của: Họa sĩ Trần Thanh Long - Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Hội VHNT Đắk Lắk tại Tọa đàm "Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong mỹ thuật Đắk Lắk"
GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA TÂY NGUYÊN TRONG SÁNG TÁC MỸ THUẬT
1. SỰ HIỆN HỮU VÀ GIÁ TRỊ DI SẢN.
Văn hóa dân tộc là niềm tự hào, nét đặc trưng làm nên sắc thái, dấu ấn riêng của mỗi dân tộc. Bản sắc Văn hóa Tây Nguyên cũng không nằm ngoài các đặc trưng đó. Nhưng có những đặc thù riêng biệt để làm nên một bản sắc Văn hóa của mình không thể trộn lẫn với các nền văn hóa khác.
Theo thời gian trong đời sống, trong cộng đồng với điều kiện môi trường tự nhiên, trong cư trú, sự giao lưu, giao thoa với các nền văn hóa khác, qua quá trình phát triển chắt lọc,thử thách dần dần nảy sinh những đặc điểm, dấu ấn của riêng dân tộc mình vào văn hóa nghệ thuật, cùng với đó những nét sơ khai mỹ thuật dân gian dần xuất hiện, thành hình và ngày càng hoàn thiện để ngày nay ta có những Nhà dài uy nghi, nơi gặp gỡ mọi tình yêu của một cộng đồng dân cư. Tượng nhà mồ, qua những bàn tay đục đẽo thô ráp mộc mạc đơn sơ, chúng ta thấy biểu hiện một tinh thần lạc quan, khí phách có đôi chút bỡn cợt nhân sinh đời người, phóng khoáng, hoan lạc mà vẫn không kém trầm tư sâu lắng. Những hoa văn khắc, chạm, vẽ trên trần nhà, cột nhà, cầu thang đến những màu sắc hết sức tương phản, nguyên sắc đỏ, đen, vàng, những đường kỷ hà cứng ngang, dọc, chéo, thẳng mạnh mẽ dứt khoát của cây nêu, trên trang phục, đến những bầu vú căng tròn phồn sinh, phồn thực với tinh thần Mẫu hệ, những hình tròn, tam giác vuông tượng trưng cho Đất, Trời, Thần linh bố cục chăt chẽ đan xen hợp lý, rất riêng và rất Tây Nguyên.
Dòng đời cứ trôi ngày ngày với nương rẫy, nương dâu, đêm về với những đêm Xoang ngất ngây, rượu cần say, trong đêm dài thăm thẳm giọng già làng kể Khan khí chất pha chút nỗi buồn về chàng Tù trưởng Đam San với ước mơ bắt Nữ thần mặt trời về làm vợ... xa dần, xa dần là những mái nhà, cây nêu nhấp nhô như thần linh hiện về trong đêm trăng huyền ảo với những rặng cây của rừng già huyền thoại, văng vẳng trong xa xăm một vài tiếng chiêng buồn da diết. Tây Nguyên với những sắc thái văn hóa đa dạng, những tinh hoa vật thể, phi vật thể như vậy ấy. sẽ đi vào lòng người bất tận.
Họa sĩ Trần Thanh Long - Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Hội VHNT Đắk Lắk trình bày tham luận tại tọa đàm
2. TỪ NHỮNG GIÁ TRỊ DI SẢN ẤY.
“Một mình lang thang trên đất này, theo dấu chân cha ông từng ngày...” giai điệu khắc khoải da diết, cô đơn trên mênh mang đại ngàn, nhạc sĩ Y Phôn Ksor đi mãi không có dấu chân Nữ thần mặt trời... Núi núi, đồi đồi... câu nói của Họa sĩ Lê Vấn trong một lần đi trực họa. một nhạc sĩ, một họa sĩ, một người con xứ sở đại ngàn, một người con nhận nơi đây là quê hương thứ hai... đang rất trăn trở và nhìn ra khoảng trời mênh mông đầy nắng và gió... với nhiều nghĩ suy... viết gì, vẽ gì trước một di sản to lớn, quý giá rất gợi tình, gợi hình này. Đắk Lắk rất may mắn có một lực lượng Nghệ sỹ tạo hình hùng hậu, qua nhiều thế hệ nối tiếp, có kinh nghiệm và độ dày sáng tác, có những nghệ sỹ lớn được nhiều người trong nước và thế giới biết đến. Hầu hết được đào tạo ở những Trung tâm mỹ thuật hàng đầu Việt Nam như Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Huế và các trường chuyên nghiệp các tỉnh lân cận. Đang say mê hoạt động nghề nghiệp, hứng khởi ngày đêm sáng tạo trên khắp mọi miền quê hương đất nước.
Họa sĩ Y Nhi Ksor với tác phẩm Đi dự hội”, “Sự nổi giận của Nữ thần mặt trời”,… Họa sĩ Lê Vấn với tác phẩm “Đàn voi chiến thắng”, “Người về cuối rừng”, “Cơn mưa đang đến”…, Họa sĩ Hồ Hậu với tác phẩm “Hôm qua, hôm nay và ngày mai”, “Đi qua phố dài”,… Họa sĩ Trương Văn Linh với tác phẩm “Bản Tày Tây Nguyên”,... Nhà điêu khắc Nguyễn Tân với tác phẩm “Nắng và gió”, Y, H,... Họa sỹ Trần Thanh Long với tác phẩm “Nụ cười M’Nông”, “Dấu xưa đại ngàn”,… Họa sĩ An Quốc Bình với tác phẩm Biểu trưng (Logo) tỉnh Đắk Lắk một biểu trưng rất khoa học vừa dân tộc vừa hiện đại,… Họa sĩ Ngô Tiến Sỹ mộc mạc với tác phẩm “Chiều về”... và nhiều tên tuổi như Họa sĩ Mlô Hiu, Đoàn Ngọc Dũng, Phạm Xuân Quang, Nông Hoàng Chiến, Nguyễn Hải Long, Nguyễn Tấn Vĩ, Trần Thị Đào, Trần Hồng Lâm, Bùi Thị Nam, Bùi Thị Hồng Hải, Nguyễn Thu Vân, Hoàng Duyên, Trà My, Y Luê Adrơng, Y Buih Niê Kdam…
Nghe qua tên các tác phẩm của các Họa sĩ cũng đủ thấy một Tây Nguyên đa dạng, đậm đà bản sắc, phong phú màu sắc và hầu hết các tác phẩm này đã có mặt ở những Bảo tàng Mỹ thuật và trong bộ sưu tập của các nhà sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.
Trong hành trình sáng tạo những tác phẩm ấy, sự chuyển hóa các cá thể hiện hữu xung quanh, những nghệ sỹ tài năng của chúng ta đã hòa vào bản sắc đặc biệt ấy, họ rất có ý thức lồng ghép yếu tố truyền thống, bản sắc đặc thù đã thấm sâu vào trong tâm thức và trong tác phẩm của mình.
Đến đây chúng ta phải hiểu rằng dù có được đào tạo ở đâu, sinh ở chốn nào thì cái bản sắc văn hóa Tây Nguyên này cũng ảnh hưởng nhiều và sâu sắc đến đời sống sáng tác của từng tác giả đã và đang sinh sống trên mảnh đất bazan này.
3. VÀI LỜI TÂM HUYẾT.
Bản thân cụm từ “Bản sắc Văn hóa Tây Nguyên” đã mang trong mình những huyễn ảnh xa xưa, những trầm tích trải dài, trải nghiệm theo chiều dài của lịch sử để phản biện và tồn tại, để tạo thành những nét văn hóa cho riêng mình, như các biểu tượng nhà dài, tượng nhà mồ, cây nêu, cột văn hóa, hoa văn, trang phục v.v...
Nghệ thuật suy cho cùng ngoài việc thỏa mãn đam mê,cái nhu cầu nội tại của nghề nghiệp, cũng là một cách truyền tải của riêng mỗi nghệ sĩ ra ngoài cái thế giới xung quanh và để phát dương với bên ngoài cái tồn tại, cái bản ngã của mình. Nên kết nối các họa sĩ với nhau, một họa sĩ cùng vẽ với nhiều họa sĩ khác về văn hóa Tây Nguyên sẽ được nhiều hơn những giá trị cho cộng đồng, hơn là một họa sĩ đơn độc trong hành trình của mình.
Hành trình từ cái hiện hữu cho đến cái tồn tại và phát huy các giá trị Văn hóa Tây Nguyên là một hành trình bền bỉ, dai dẳng, miệt mài để giữ vững trước các cơn bão toàn cầu hóa, hay thị trường nghệ thuật dễ dãi mơ hồ...Vì thế rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành. Sự đầu tư nghiêm túc của chính quyền, có định hướng của các nhà sưu tập uy tín, những người yêu mỹ thuật, văn hóa Tây Nguyên, để không bị mai một và dần đi vào quên lãng miền văn hóa độc đáo này.
Hơn thế nữa với những nghệ sĩ tạo hình tỉnh nhà chung sức, chung lòng xây dựng một phong cách mỹ thuật của riêng mình, tự chủ hơn,đạt tới những tầm cao mới, có giá trị và đậm tính nhân văn, đưa văn học nghệ thuật Tây Nguyên vươn xa, thì các tác phẩm của chúng ta mới có sự lan tỏa, có tầm vóc và giá trị thẩm mỹ hơn. Làm cho nơi đây lung linh tỏa sáng, xứng đáng với đô thị trung tâm Văn hóa vùng Tây Nguyên, là chốn đi về thân thương của các nghệ sĩ chúng ta.
Buôn Ma Thuột, tháng 11 năm 2022
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0