Phường Vĩnh Nguyên thuộc thành phố Nha Tranh tỉnh Khánh Hòa được coi là cái nôi của nghề khai thác yến sào. Hầu hết những công nhân lành nghề thuộc đội khai thác của Công ty Yến sào Khánh Hòa đều xuất thân từ mảnh đất chon von sát bên bờ biển này. Khi chúng tôi đến thăm Vĩnh Nguyên vào một buổi sáng mùa hè, trai tráng, như thường lệ đã lên tàu, bắt đầu cho một ngày mới. Trong phố nhỏ, chỉ còn lại người già. Chậm rãi, thư thái, là nhịp điệu cuộc sống quen thuộc ở nơi đây. Bác Lê Văn Loi nheo nheo cặp mắt, dõi theo những cánh hải âu trên ngọn sóng ngoài xa, cố gắng nhớ lại những chuyến đi thời còn trẻ trai vùng vẫy. Sinh năm 1950, nay đã ngoài sáu mươi, nhưng niềm đam mê vượt sóng lướt gió vẫn chưa nguôi. Câu chuyện giữa chúng tôi, quanh quẩn, lại trở về chuyện khai thác yên sào, một nghề mà theo như chủ nhân nói, là đã ngấm vào máu thịt, không thôi ám ảnh, kể cả trong giấc ngủ.
Ngoài hai mươi tuổi, ở cái tuổi sung sức nhất, chú bé làng chài Lê Văn Loi được nhận vào làm chân bảo vệ ở Công ty Yến Sào, lúc đó còn có tên là Hợp tác xã Yến Sào Khánh Hòa. Những năm tháng sau giải phóng, mọi ngành nghề đều bắt đầu chuyển đổi, sắp xếp, nghề khai thác yến sào vốn truyền lại từ lâu đời, cũng gặp những khó khăn. Phương tiện đi lại chưa đảm bảo, việc quản lý còn nhiều bất cập, nhưng, đội bảo vệ vẫn hăm hở lên đường làm nhiệm vụ. Thúng nhỏ, đường xa, bơi từ bờ ra đảo yến mất gần cả ngày trời, thế nhưng không sót đảo nào là không đặt chân đến. Mùa yến về làm tổ, các bảo vệ phải cắm lại đảo để canh gác. Hai mươi ngày mới có một chuyến tiếp phẩm, thức ăn và nước ngọt quý lắm, phải dùng hết sức tiết kiệm, dè sẻn, ông Loi nhớ lại.
Vào những năm tháng ấy, nói là Hợp tác xã, nhưng toàn thể xã viên chỉ có khoảng sáu chục người, mỗi đảo rải chừng năm đến sáu nhân viên bảo vệ là vừa hết. Khai thác cho xong hai vụ yến, đã vào cuối năm, sóng gió mịt mù tiễn họ quay về bờ, để chờ vụ khai thác mới vào mùa hè năm sau. Nắng, gió, sóng và những chuyến đi đã ngấm vào da vào thịt, rắn chắc, mặn mòi, khiến họ không thể rời khỏi cái nghề nhiều gian khổ thử thách nhưng cũng lắm đam mê này. Những năm đó, toàn bộ Hợp tác xã chỉ có hai con tàu , chiếc lớn nhất cũng chỉ 33 mã lực. Có những khó khăn mà ngay chính những công nhân hiện tại của Công ty, thuộc thế hệ con, cháu, cũng chưa chắc đã hình dung ra được. Bởi vì, các khai thác chăm sóc yến sào bây giờ đã khác xa, hiện đại và hết sức tiện lợi. Ngày trước, hang nhỏ, lối đi hẹp, người khai thác phải luồn lách hết sức khó nhọc và nguy hiểm. Trong đầu óc những người thợ yến sào ngày đó, không bao giờ dám nghĩ đến chữ “rơi” hoặc “rớt”! Vì thế, khai thác yến sào là công việc không chỉ nặng nhọc mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Dân “sào chĩa” phải được lựa chọn là những người khỏe mạnh và cẩn trọng…
Bình minh trên biển Nha Trang. Ảnh: Thuý An
Câu chuyện về nghề nghiệp cứ mãi dài ra theo những bước chân cheo leo vách đá. Trong trí nhớ của người thợ khai thác yến sào Lê Văn Loi vẫn còn nhớ như in những hang, những động mình đã từng bước qua bước lại không biết bao nhiêu lần, bao nhiêu mùa yến làm tổ. Bác kể, ở đảo Hòn Mun, ngày trước, là nơi khó khai thác nhất, có những cái động bình vôi, cửa vào thắt nhỏ, chỉ trẻ con mới chui lọt. Muốn vào đấy, phải cử một chú thiếu niên lanh lợi, ham nghề. Mùa nước lớn, thậm chí có khi phải chèo thúng áp sát điểm cửa hang, sau rồi lặn xuống hang ngầm dưới mặt nước, chui vào tìm yến. Lại có những hang sâu, phải thòng sợi dây dài đếm bảy mươi, tám mươi mét, không khác gì màn đu dây của diễn viên xiếc thực thụ, mà dưới chân, không phải là sân khấu, mà là đá nhọn sóng dồi, chỉ sẩy tay một chút là mất mạng!
Một chiếc tổ yến bé tí xíu như bàn tay trẻ nhỏ, vậy mà bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ ra. Để tổ yến đến bàn tiệc, bốc khói thơm ngào ngạt trước mặt thực khách, là phải thấm bao nhiêu mặn mòi sóng gió biển khơi. Cũng vì cái nỗi khó khăn ám ảnh, mà có những hang yến sở Nha Trang, nghe tên gọi đã biết cách thức tiếp cận và khai thác khó khăn đến mức nào: Hang Dây Dùn, hang Cội Dựng, hang Bắc Cầu, hang Đá Thòng…
Những người thợ khai thác yến, họ có một sức chịu đựng dẻo dai và sự khéo léo trời phú, phải vậy không? Câu hỏi đó cứ ám ảnh tôi mãi khi ngồi trước mặt lão ngư tuổi ngoại lục tuần mà còn cường tráng như một khúc gỗ mun óng ả được gỡ lên từ đáy vịnh Nha Trang! Bác Lê Văn Loi cười cười: “Không phải tui tranh thủ quảng cáo cho sản phẩm Yến Sào Khánh Hòa đâu, bây giờ thì danh tiếng của thứ đặc sản này, đã nổi tiếng trên nhiều châu lục, không riêng gì trong nước. Nói thật, làm nghề yến, từ nhỏ, tôi đã được thưởng thức và bồi bổ sức khỏe bằng sản phẩm chính tay mình thu hoạch. Ngày xưa, trước mỗi đợt vào vụ khai thác, anh em đều chú ý việc bồi dưỡng cơ thể để đủ sức đảm đương công việc nặng nhọc và đầy hiểm nguy, thử thách”. Trong sách “Ô châu cận lục” của Tiến sĩ Dương Văn An viết năm Ất Mão, niên hiệu Cảnh Lịch đời Chúa Mạc Phúc Nguyên (1555) đã có ghi chép về nghề yến sào, về đặc sản quý hiếm của xứ Đàng Trong. Nói thế, tức là nguồn lợi này đã được chú ý khai thác từ rất sớm. Bác Lê Văn Loi hóm hỉnh: “Không biết, đến đời tui, đã là đời thứ mấy, và còn bao nhiêu đời con cháu nữa sẽ phương trưởng, sung túc nhờ món quà quý giá của biển khơi này!”.
Được biết, nhờ chính sách “uống nước nhớ nguồn” của Công ty, hai người con của bác, cũng như đa số con cháu của công nhân từng phục vụ ở đây, đều đã được nhận vào, bố trí công việc phù hợp và mức lương xứng đáng. Con trai cả Võ Văn Lân đang làm việc tại Nhà máy sản xuất nước yến, Võ Văn Thiện, tiếp tục công việc của ba mình, đang là một công nhân tại đội Kỹ thuật của Công ty. Bây giờ, công việc khai thác yến đã có thế hệ kế cận đảm nhiệm, những công nghệ ghi âm ghi hình nhân giống hiện đại và tiên tiến được thế hệ trẻ áp dụng vào khiến cho nghề khai thác và chế biến yến sào càng đem lại lợi nhuận cao hơn, những người công nhân già lại quay về với cuộc sống đời thường, nhẹ nhàng và thanh thản, như bất kỳ những ngư dân nào khác ở xứ biển Nha Trang hiền hòa sóng nước. Bác Lê Văn Loi thiết tha mời chúng tôi trở lại phường Vĩnh Nguyên quê bác, quê của những “nghệ nhân” thực thụ trong nghề khai thác yến, để lên chiếc xuồng máy mà vợ chồng bác vừa mới tậu, để ra biển đi câu cá, câu tôm, câu mực. Đó là thú vui, là món quà dưỡng già của những người xứ biển. Không phải ai cũng có được thú vui đáng mơ ước này. Chính nghề yến sào đã giúp đời sống đồng bào ở đây sung túc hơn nhiều.
Chúng tôi, những người từ xa đến, ao ước được một lần dong xuồng ra biển, ung dung thả câu, mắt dõi theo những cách chim hải hồ xa rộng, nhưng vì còn nhiều việc phải thực hiện, đành hẹn với biển Nha Trang vào một dịp khác. Có khi, phải dành ít nhất vài tuần lễ, mới có thể đi khắp những hòn đảo yến thân yêu của xứ biển, và nghe mãi những câu chuyện về nghề đặc biệt, có thể nói là có một không hai này!
Ghi chép của Nguyễn Văn Thiện
Tác phẩm chuyến đi thực tế sáng tác tại Khánh Hoà tháng 6 năm 2024
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0