Một hướng khác của mỹ thuật trong việc phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên
Ngày đăng: 24/11/2022 15:54
- Lượt xem: 814
- Thích
Ngày đăng: 24/11/2022 15:54
Tham luận của Họa sĩ Lê Vấn tại Tọa đàm “Bản sắc Văn hóa Tây Nguyên trong mĩ thuật Đắk Lắk”
MỘT HƯỚNG KHÁC CỦA MỸ THUẬT TRONG VIỆC PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA TÂY NGUYÊN
Tác phẩm "Sau cơn mưa đầu mùa" của Họa sĩ Lê Vấn
Văn hóa Tây Nguyên đã được nhận định là đặc sắc và độc đáo. Mỹ thuật phát huy bản sắc đó như thế nào?Những sáng tác mỹ thuật về “Đề tài Tây Nguyên” và những sáng tác của các tác giả đã và đang làm việc tại các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian gần đây với bản sắc ấy có liên hệ ra sao?
Nhìn nhận mỹ thuật Tây Nguyên trong giới hạn hiểu biết của mình, tôi nhận thấy sáng tác mỹ thuật ở vùng này có nhiều cách tiếp cận với bản sắc văn hóa truyền thống khác nhau và kết quả cũng khác nhau…
Một là:
Hầu như ở tất cả các cuộc triển lãm mỹ thuật trong nước, đã là Tây Nguyên thì tranh, tượng phải có những hình ảnh đặc trưng như: Nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ, rượu cần… Tranh, tượng của các tác giả Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng là những câu chuyện như: Đi dự lễ đâm trâu, đua voi, lễ bỏ mả, mừng lúa mới, v.v… trong khung cảnh trước nhà rông, bên bờ suối, dưới tán rừng…Từ lâu, tác phẩm tranh tượng khai thác những mẫu thức trang trí, khối, dáng tạo hình trong mỹ thuật truyền thống Tây Nguyên; phản ánh những sinh hoạt của đồng bào các dân tộc đã gây sự chú ý, thích thú cho người xem. Một số tác giả định hình phong cách, thành danh từ việc phát huy bản sắc bản sắc văn hóa Tây Nguyên như thế.
Tác giả và khán giả gần như mặc định rằng Tây Nguyên là phải như thế. Xu hướng này trở thành chủ đạo.
Hai là:
Từ nhữngý kiến băn khoăn: Những cách vận dụng đã quá quen thuộc làm cho tác phẩm mỹ thuật trở nên nhàm chán? Một số tác giả đã tìm con đường khác.
Khoảng mười năm trở lại đây, một số tác giả từ Tây Nguyên đã trình làng những bức tranh về Tây Nguyên mà không cồng chiêng, không nhà mồ… không bóng dáng các dân tộc bản địa, không kể lể những câu chuyện lễ hội miên man, những luật tục lạ lẫm… Nhiều tác phẩm Trừu tượng, Biểu hiện với những hình nét mới mẻ của Tây Nguyên đương đại…
Vậy sáng tác mỹ thuật có nên chỉ khai thác, kế thừa từ mỹ thuật truyền thống? Sáng tác mỹ thuật khai thác bản sắc văn hóa Tây Nguyên là kế thừa những mẵu thức hoa văn, dáng khối tượng nhà mồ, hình dáng nhà rông, nhà dài,v.v… tạo dáng công cụ hay chuyển tải tinh thần mộc mạc, hồn nhiên, phóng khoáng bằng hình thức khác?
Theo tôi, cả hai khuynh hướng ấy đều có sự tồn tại hợp lý của nó. Tuy nhiên, hướng thứ hai là sự lựa chọn khó khăn nhưng thú vị, và có đóng góp vào sự phát triển của mỹ thuật nói riêng và văn hóa Tây Nguyên nói chung.
Vì sao lại như thế?
Cuộc sống Tây Nguyên đương đại đã tác động mạnh mẽ đến cảm hứng của người sáng tác.
Tây Nguyên là quê hương mới của hầu hết các dân tộc Việt Nam, từ khắp các tỉnh thành trong cả nước về sinh cơ lập nghiệp, mang theo những giá trị văn hoá của các vùng miền; làm phong phú cho văn hoá Tây Nguyên hiện đại.
Tây Nguyên đương đại là sự đổi thay nhanh chóng đến kinh ngạc. Ngay cả cư dân bản địa Tây Nguyên cũng ngỡ ngàng trước sự dời đổi của cảnh quan, non nước. Nếp sống hồn nhiên, thuần phác ngàn đời nay buộc phải dung nạp bao nhiêu thứ phức tạp, vốn hôm qua còn hư ảo trên màn ảnh truyền hình thì hôm nay đã lồ lộ trước ô cửa nhà rông, nhà dài... Sự du nhập, dung nạp và đào thải những giá trị văn hoá mới, cũ diễn ra vừa lạnh lùng, vừa sôi nổi; tưởng như hời hợt nhưng lại rất ráo riết. Sự du nhập, dung nạp và đào thải ấy đã tự nhiên hình thành những giá trị mới, cảm xúc mới, hình thức mới và thẩm mỹ mới tồn tại dửng dưng với những “hoạch định” văn hoá lâu nay.
Người sáng tác không thể không bị chi phối bởi hoàn cảnh ấy. Người nghệ sĩ không chỉ là nhà hoạt động văn hóa, càng không phải là anh cán bộ văn hóa lúc nào cũng làm theo “kế hoạch”. Cảm hứng sáng tác của họ bay bổng trên sự thăng hoa tâm hồn của cộng đồng. Sáng tác của họ tự nhiên rời xa dần những chủ đề, đề tài, khuôn mẫu chung định hình trước đó.Vô tình đi thành những con đường riêng, mới mẻ và vô cùng hứng thú. Thực tế cuộc sống đương đại ở Tây Nguyên như sắp đặt: Giá trị văn hoá Tây Nguyên là sự cởi mở, phóng khoáng, là tất cả những gì của thế giới đang tồn tại ở đây, những giá trị mới bên cạnh những giá trị cũ.
Từ Tây Nguyên mong muốn có những sáng tác đi gần với những giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại là điều chính đáng. Nhưng cái khó là biểu đạt bằng hình thức nào? Chọn hình thức thể hiện nào phù hợp với tinh thần Tây Nguyên và tinh thần Tây Nguyên nào phù hợp với thẩm mỹ đương đại phải chăng là suy nghĩ của nhiều người quan tâm và đó cũng là con đường đi tới của mỹ thuật Tây Nguyên.
Theo tôi, mỹ thuật với những đặc thù, ưu thế của tư duy thị giác có thể hiện đại hóa dân tộc như hướng thứ hai tôi đã trình bày ở trên, thay vì chỉ tuân thủ “tiêu chuẩn” Dân tộc – Hiện đại như lâu nay.
Trên đây là những cảm nhận chủ quan của một người gắn bó nhiều năm với mỹ thuật Tây Nguyên, xin trình bày với hội thảo; rất mong nhận được những ý kiến trao đổi từ quý vị.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0