Đầu tháng 7 năm 2023, đoàn văn nghệ sĩ của Hội VHNT tỉnh Đăk Lắk đã có chuyến thực tế sáng tác ở các tỉnh miền Trung với chủ đề “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và điểm đến đầu tiên chính là tỉnh Nghệ An - quê hương Bác. Dù đã biết rất nhiều về quê hương và gia đình Bác qua sách báo, tài liệu, phim ảnh, nhưng tôi vẫn thấy lòng xúc động rạo rực vì lần đầu được đến thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, được đến thăm ngôi nhà tuổi thơ của Bác.
Chúng tôi đến Làng Sen vào buổi sáng mùa Hè, bầu trời trong xanh điểm những vầng mây trắng lửng lờ giữa tầng không. Hồ sen hiện ra với những cánh lá xanh che khuất mặt nước và những bông sen cuối mùa thắm hồng điểm xuyết tạo nên một khung cảnh tươi sáng, đẹp và nên thơ. Tôi đứng trên cầu gỗ ngắm cảnh đẹp hồ sen, bất chợt hiện lên trong tâm trí mấy câu thơ đã thuộc từ thuở bé: “Tôi lại về quê Bác, Làng Sen/ Ơi hoa sen đẹp giữa bùn đen/ Làng quen như thể quê chung vậy/ Mấy dãy ao chua mảnh đất phèn” (Tố Hữu – Theo chân Bác). Lối ngõ quanh co đi vào nhà Bác, xung quanh là những ngôi nhà của người láng giềng vẫn giữ nguyên nét thô sơ bình dị như thuở xưa. Tôi nhẹ nhàng bước chân đến nhà Bác, khoảng sân nhỏ và ngôi nhà mái lá, cột gỗ mộc, vách nứa đơn sơ và rất thấp so với nhà cửa bây giờ. Đứng trước cửa nhà Bác, tôi thấy lòng rưng rưng như trở về ngôi nhà tuổi thơ của chính mình. Tìm hiểu, tôi được biết đây là ngôi nhà tranh ba gian ông bà cụ Hoàng Đường đã dựng lên trong vườn nhà mình cho đôi vợ chồng mới cưới (ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan) có chỗ ở riêng. Cúi người bước qua bậc cửa để vào nhà, tôi lặng người trước vẻ đơn sơ, bình dị và rất đỗi thân thương bên bàn thờ, chiếc giường tre thấp nhỏ với manh chiểu mỏng. Chiếc võng bện bằng dây đay ngày xưa bà mẹ Hoàng Thị Loan đã đưa ru tuổi thơ của anh chị em Bác. Chiếc khung cửi bà đã ngồi dệt vải và hát ru bên cánh võng. Tôi ngồi xuống bên bếp lửa có chiếc kiềng ba chân và những thanh củi đặt ở gian kế bên mà xốn xang trong lòng khi cảm nhận cuộc sống nghèo khó của gia đình Bác thời xa xưa. Tôi hình dung thấy cậu bé Nguyễn Sinh Cung chơi đùa với các anh chị và bạn bè lối xóm, chơi trốn tìm ở góc nhà này và những trò chơi khác ở khoảng sân nhỏ kia. Nơi đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã học những chữ Nho đầu tiên mà ông Nguyễn Sinh Sắc dạy, những bộ chữ chứa đựng điều nhân, điều nghĩa, lẽ phải trái trong đời và lòng yêu nước thương dân. Tôi được biết gia đình Bác có bốn anh chị em: bà Nguyễn Thị Thanh (Bạch Liên nữ sĩ) là chị gái đầu, sinh năm 1884; ông Nguyễn Sinh Khiêm (Tất Đạt) là anh trai kế của Bác, sinh năm 1888; Bác là Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành), sinh năm 1890. Sau này vào Huế, ông bà Nguyễn Sinh Sắc sinh thêm người con trai út là Nguyễn Sinh Xin (Nguyễn Sinh Nhuận) nhưng mất sớm. Ba anh em Bác đều lớn lên ở ngôi nhà thân yêu này trong cảnh nghèo khó của một gia đình nhà Nho ở thôn quê cùng người mẹ tảo tần và người cha theo nghiệp bút nghiên thi cử khi Nho học đã bước vào thời tàn úa. Năm 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ Phó bảng, dân xã Chung Cự và gia đình hai họ (Nguyễn - Hoàng) đã làm cho gia đình ông ngôi nhà tranh năm gian ở làng Kim Liên và gia đình Bác sinh sống ở đó.
Khung cảnh nhà Bác Hồ nhìn từ xa.
Ông Nguyễn Sinh Sắc là người có lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Khi đỗ Phó bảng, dân làng võng lọng lên tỉnh đón ông vinh quy bái tổ nhưng ông không chịu lên võng để người khiêng mà cùng đi bộ với nhân dân về làng. Tuy học hành đỗ đạt nhưng ông không muốn làm quan, nhiều lần mượn cớ để từ chối bởi triều đình lúc đó đã mục nát, chỉ làm tay sai cho thực dân. Nhưng rồi ông cũng phải vào triều nhận chức quan nhỏ ở Bộ Lễ, lo việc học hành thi cử, rồi làm tri huyện Bình Khê một thời gian ngắn trước khi từ giã chốn quan trường để đi khắp nơi dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và cổ vũ lòng yêu nước, nhiệt tình cứu nước trong giới sĩ phu và nhân dân. Ông sống bình dị, chịu thương chịu khó, nỗ lực học tập và gần gũi với người dân trong vùng, ông truyền cho các con nếp sống giản dị, thanh bần. Có lần ông viết lên xà nhà mấy chữ để răn dạy con cái: “Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng” (đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình).
Trong gia đình, Nguyễn Sinh Cung là người được ông Sắc yêu thương và đặt nhiều hy vọng nhất, đi đến đâu cũng thường cho đi cùng. Nhờ vậy, mọi việc làm, lời nói, cử chỉ của ông Sắc hàng ngày đều có tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Sinh Cung. Những cuộc gặp gỡ, đàm đạo của ông Nguyễn Sinh Sắc với những người bạn cùng thời, những sĩ phu yêu nước về văn hoá, nỗi lo toan về số phận của người dân mất nước, những trăn trở về con đường cứu nước, vv…đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành tư tưởng yêu nước và con đường cứu nước của Nguyễn Sinh Cung. Giàu lòng yêu nước và nhiệt tình cứu nước nhưng ông Nguyễn Sinh Sắc không đồng quan điểm về con đường cứu nước của cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và một số sĩ phu lúc bấy giờ và không đồng ý để Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào Đông Du. Có lẽ, sự nhạy cảm chính trị đặc biệt của ông Nguyễn Sinh Sắc đã bước đầu gợi mở hướng đi cho con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành sau này. Tôi nhớ mãi chi tiết này: Có lần dọc đường đi vào các tỉnh phía Nam, Nguyễn Tất Thành lên Bình Khê thăm cha. Ông Nguyễn Sinh Sắc hỏi con: “Con đến đây làm gì?”. Tất Thành đáp: “Con đến đây tìm cha”. Nghe vậy, ông Sắc trìu mến nói với con: “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”*. Cuộc gặp gỡ đó càng thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Đúng như thế, năm 1911, Nguyễn Tất Thành đã chọn con đường sang Pháp, sang châu Âu để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, và đến tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên Độc lập tự do và Chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam.
Đoàn thực tế sáng tác chủ đề “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” Hội VHNT Đắk Lắk chụp ảnh lưu niệm tại nhà Bác Hồ.
Có thể nói, từ mái tranh nghèo ở Làng Sen, từ những năm tháng sống thanh bần, nghèo khó của gia đình, từ hiện thực cuộc sống tủi nhục tăm tối của người dân xứ Nghệ, người dân Việt Nam dưới ách thực dân cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đã dần hình thành một trí tuệ, một bản lĩnh, một nhân cách lớn. Từ Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một quá trình học tập, phấn đấu, vươn lên không ngừng, vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để trở thành một vĩ nhân, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới - Người toả sáng như đoá sen hồng quê hương, toả sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để các thế hệ người Việt Nam học tập, làm theo. Từ Làng Sen, từ mái tranh nhà Bác, tôi cảm nhận cuộc sống và tình thương yêu của Người đối với nhân dân, với đất nước, với thế hệ chúng ta. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là chúng ta phải học từ mái tranh nghèo kia, học những điều nhỏ bé, bình dị nhất trong cuộc sống của Bác, để trở thành người có văn hoá, có tình cảm cách mạng, phát triển và hoàn thiện nhân cách, biết trọng danh dự. Có như thế mới khắc phục được những hạn chế, tiêu cựu, yếu kém và tham nhũng; phấn đấu để phục vụ nhân dân được tốt hơn, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự do, giàu đẹp, phồn vinh như ước nguyện thiết tha của Người.
Nguyễn Phương Hà
_____________
* Theo: Trần Minh Siêu, Những người thân trong gia đình Bác Hồ, Nxb Nghệ An, 2008.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0