Tôi muốn mượn tựa đề trường ca "Theo chân Bác" của nhà thơ Tố Hữu để đặt tên cho bài viết này.
Trước hết xin nói thêm một chút. Trường ca "Theo chân Bác" là một trong những tác phẩm của Tố Hữu tạo được ấn tượng sâu sắc đối với đông đảo bạn đọc lúc bây giờ - thời điểm bài thơ ra đời đầu năm 1970 - trong đó có tôi, một cậu bé đang học lớp 5 (hệ 10 năm) ở miền Bắc. Tôi đã tự đóng cho mình một cuốn sổ nhỏ bằng bàn tay để chép lại toàn bộ bài thơ. Nhờ thế mà tôi thuộc lòng trường ca này.
Trường ca "Theo chân Bác" được viết trong một hoàn cảnh đặc biệt, Bác Hồ qua đời mới được ba bốn tháng, Tố Hữu lúc ấy bị bệnh nặng đang điều trị tại Liên Xô. "Đó là một bài thơ tôi đã "rút ruột" ra mà viết", tác giả đã kể lại như thế trong hồi ký "Nhớ lại một thời" của mình.
Tố Hữu đã chọn cho trường ca một cái tựa vừa mang ý nghĩa sâu xa, vừa có tính thời sự. Câu đề từ ông viết: "Nhớ lời Di chúc theo chân Bác".
"Theo chân Bác" là theo con đường mà Người đã chọn cho cách mạng Việt Nam; là theo tư tưởng, theo đạo đức, theo hành động của Người.
***
Con đường mà Người đã chọn được manh nha từ cách nay hơn 100 năm, "thuở nô lệ thân ta nước mất/cảnh cơ hàn trời đất tối tăm" (Tố Hữu, Ba mươi năm đời ta có Đảng).
Ngày mồng 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba rời bến Nhà Rồng trên con tàu Latouche-Tréville lên đường sang Pháp, khởi đầu cuộc hành trình ròng rã 30 năm tìm đường cứu dân, cứu nước khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.
Đó là một cột mốc lịch sử của cách mạng Việt Nam. Nhưng để có ngày 5 tháng 6 làm nên bước ngoặt ấy, Nguyễn Tất Thành đã trải qua những năm tháng đầy biến động của gia đình.
Tháng 5 năm 1909, từ kinh thành Huế, Nguyễn Tất Thành theo cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc vào Bình Định, khi cụ tham gia phúc khảo kỳ thi hương tại đây và được bổ nhiệm đồng tri phủ lãnh chức tri huyện Bình Khê.
Tháng 9 năm 1909, Tất Thành được cha gửi học tiếp chương trình lớp nhất (cours supéricur) với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ tại trường tiểu học Pháp-Việt Quy Nhơn.
Sau biến cố cụ Nguyễn Sinh Sắc bị cách chức tri huyện Bình Khê, “lai kinh hậu cứu” (17/1/1910), Nguyễn Tất Thành còn ở lại nhà gia đình thầy Phạm Ngọc Thọ một thời gian khá lâu, tiếp tục học tập nâng cao trình độ.
Ông Nguyễn Sinh Khiêm kể rằng, trong một lần Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn lên thăm cha (cũng là lần cuối anh gặp cha mình) tại Bình Khê cuối năm 1909, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã căn dặn nhiều điều quan trọng và nói với anh: “Con hãy hứa với cha: Dù có chuyện gì xảy đến với cha thì cũng đừng bao giờ quay trở lại tìm cha. Nước mất, hãy đi tìm nước, chớ đi tìm cha”.[1]
Đó là một cuộc chia tay lịch sử của hai con người vĩ đại. “Nước mất hãy đi tìm nước, chớ đi tìm cha” – lời dặn ấy càng thôi thúc, càng nung nấu khát vọng cháy bỏng trong tim người thanh niên yêu nước, quyết đặt nghĩa cả trên tình riêng, thực hiện sứ mệnh mà người cha thân yêu đã tin tưởng gửi gắm vào mình: cứu nước, cứu nòi.
Cuối tháng 8 năm 1910, Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết dạy học ở trường Dục Thanh.
Đầu tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn.
Ngày 2 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành xin làm việc trên con tàu mang tên Đô đốc Latouche-Tréville của hãng vận tải Hợp nhất (Compagnie des Chargeurs réunis), thường được gọi là hãng Nǎm Sao đang chuẩn bị rời Cảng Sài Gòn đi Mác Xây, Pháp.
Ngày 3 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc trên tàu, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới là Văn Ba.
Và trưa hôm ấy - ngày 5 tháng 6 năm 1911, trên con tàu Latouche-Tréville, Nguyễn Tất Thành rời xứ sở, ra đi với khát vọng cháy bỏng tìm "tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi". Bến Nhà Rồng thay mặt Tổ quốc, tiễn "người trai chí lớn mang lí tưởng cách mạng giải phóng quê hương", bắt đầu hành trình 30 năm bôn ba khắp bốn biển năm châu tìm con đường giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ lầm than.
Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Tổ quốc nằm dưới ách thống trị của chính quyền thực dân Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp trong phong trào Cần Vương, rồi khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám,… lần lượt thất bại. Phong trào Đông Kinh nghĩa thục, phong trào chống sưu cao thuế nặng tại miền Trung bị dìm trong biển máu.
Những bài học xương máu đó cộng với khát vọng tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc nung nấu tâm can người thanh niên Việt Nam yêu nước. Người đã chọn con đường đi cho riêng mình. Con đường ấy dù chưa định hình cụ thể nhưng đã manh nha trong tâm trí Hồ Chí Minh ngay từ thuở niên thiếu để rồi bước vào tuổi thanh xuân, Người quyết dấn thân dù chỉ với hai bàn tay trắng.
Nhưng Người lại có hành trang vô giá. Đó là lòng yêu nước thương nòi được hun đúc từ truyền thống gia đình, quê hương, xứ sở; từ nhân cách và khát vọng của người cha vĩ đại và các bậc tiền bối như Đào Tấn, Đặng Nguyên Cẩn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Vương Thúc Quý,…
Chính cụ Phan Chu Trinh - người đã từng có những năm tháng hoạt động cách mạng cùng Nguyễn Tất Thành trong tổ chức Hội những người An Nam yêu nước tại Pháp – trước lúc lâm chung đã trăn trối: "Độc lập của dân tộc ta sau này sở cậy có Nguyễn Ái Quốc."[2]
Con đường Nguyễn Tất Thành lựa chọn đã dẫn lối cho dân tộc Việt Nam vùng lên làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, phá tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập tự do cho đất nước, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.
Từ cuộc cách mạng ấy, dân tộc ta đã "rũ bùn đứng dậy sáng lòa", rồi vươn lên ngang tầm thời đại với trận Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu" và đại thắng mùa xuân 1975 thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của dân tộc.
***
Kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, ôn lại những chặng đường lịch sử đã qua, mỗi chúng ta càng thêm tự hào về Bác. Nhưng niềm tự hào ấy phải biến thành hành động - hành động theo chân Bác, theo con đường cách mạng mà Người đã vạch ra, theo tư tưởng đạo đức của Người. 90 triệu đồng bào đoàn kết một lòng, chung tay góp sức "xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" như Người hằng mong muốn.
Xin mượn mấy câu thơ trong trường ca "Theo chân Bác" của Tố Hữu để kết thúc bài viết này:
Như đỉnh non cao tự dấu hình
Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh
Bác mong con cháu mau khôn lớn
Nối gót ông cha, bước kịp mình.
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1]. https://vanhien.vn/news/Binh-Dinh-va-buoc-ngoat-lon-cua-tuoi-tre-Nguyen-Tat-Thanh-38833
[2]. Huỳnh Lý (2002), Phan Châu Trinh thân thế và sự nghiệp, Nhà xuất bản Trẻ, tr. 192.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0