Bùi Minh Vũ đa tài, đã in thơ, tiểu thuyết, sưu tầm, nghiên cứu, bây giờ lại trình làng thơ viết cho thiếu nhi với tác phẩm “Âm thanh yêu thương” gồm 200 bài thơ, hơn 100 trang in. Viết cho thiếu nhi rất khó. Đòi hỏi cùng suy nghĩ, cùng rung cảm với các em, đặt mình vào các em mà đồng cảm. Bùi Minh Vũ phần nào đã làm được.
Bài “Học hình” có tính khái quát cao, rất trẻ con, giáo dục lớp măng non lòng yêu quê hương đất nước. Hình tròn là chiếc đồng hồ báo giờ đi học. Tam giác là mái nhà che mưa nắng. Hình vuông là chiếc bánh chưng mừng ngày Giỗ Tổ. Đặc biệt hình chữ nhật liên hệ đến cờ Tổ quốc: Đỏ nhiệt huyết/ Màu vàng sáng ngời/ Như hồn đất nước. Bài thơ mang tính giáo dục cao.
Bài “Chiếc xe đạp”, viết cho tuổi mới lớn mang ước mơ, khát vọng học tập để cống hiến, dù là mơ mộng: Chiếc xe đạp chở em tới trường/ Chở theo nắng và tiếng chim hót/ Chở theo bài toán vừa giải xong/ Chở theo ước mơ đi đến những chân trời.
Trong bài “Trăng tròn như giọt kem” có sự so sánh rất ấn tượng: Em vẽ trăng một mắt/ Tròn như là giọt kem. Trăng đẹp, trăng mát mà tuổi thơ rất thích thì so sánh với kem ngon chỉ muốn ăn ngay.
Từ sự việc quanh mình, Bùi Minh Vũ có liên tuởng hay về tình cảm gia đình. Sau khi tả buồng chuối: Quả cong vành trăng non/ Quả vàng chín trứng cuốc. Vũ so sánh tình mẹ với đàn con sum vầy: Cây chuối mẹ trồng sau/ Mọc cây con thành khóm/ Trông tưng bừng như mẹ/ Có đàn con vây quanh.
Về tình yêu dành cho người cha, Vũ cũng thay trẻ em viết lên mơ ước suy nghĩ đến cha, đầy khát vọng cùng bóng bay lên trời trong bài “Quả bóng”: Em mơ làm bóng/ Bay cao, bay xa/ Hái vì sao sáng/ Mang về tặng cha.
Bài “Trâu và diều” chỉ có sáu câu thơ năm chữ, ngắn mà hay. Ta vẫn gặp ở đồng quê những chú bé cưỡi trâu thả diều trong cảnh thanh bình. Vũ hạ câu kết rất đắt: Bé nghe trâu nhai cỏ/ Nhai bóng chiều thiết tha. Nhai cỏ lại liên hệ nhai bóng chiều là câu thơ lạ.
Trong tập thơ có nhiều bài viết về mẹ. Con ngoan hiền là luôn nghĩ về công lao của mẹ. Bài “Thương mẹ” là bài hay, có liên tưởng sâu sắc. Bài thơ chỉ có tám câu mà chứa đựng tình thương, lay động người đọc. Vũ chọn cái cớ là mẹ đến muộn, không kịp đón con, cô giáo đón em về nên con được cầm tay cô mà so sánh tay cô và tay mẹ, càng thương mẹ: Ôi bàn tay của cô/ Như hoa thơm trước gió/ Cầm bàn tay mềm gió/ Con thương mẹ thân cò!. Thương mẹ nhiều nên càng cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mẹ với giọt mồ hôi tảo tần.
Bài “Giọt mồ hôi” đơn giản mà sâu sắc, triết lí ẩn trong câu chữ: Giọt mồ hôi mẹ/ Không tuổi không già/ Mẹ em cất giữ/ Mãi trong làn da. Phải thương mẹ thật lòng mới viết được như vậy.
Bài “Cây ổi” là bài thơ vui dí dỏm, kể chuyện tình yêu của cha mẹ đã sinh ra mình. Cây ổi là cái cớ để quen biết, hương ổi cho họ đến với nhau. Tôi rất thích đoạn kết, phải nói là có hậu trọn vẹn: Rồi một ngày cha không đi qua nữa/ Mẹ cũng không hái quả trong vườn/ Cha hái mẹ từ ngày nào không rõ/ Rồi bồng con đi cuối bể, đầu non. Cha hái mẹ, thật tuyệt như liêu trai!
Thơ cho thiếu nhi nên đề tài tập trung cho mẹ, cho cô giáo, bạn bè, những con vật yêu thích. Vũ còn mở rộng đến yêu quê hương đất nước như sông, suối, núi rừng và cả Trường Sa mà các cha, chú đang canh giữ.
Bài “Ba em” như điểm tựa tâm hồn vững chắc: Ở nhà đã có mẹ/ Ở lớp đã có cô/ Ba yên tâm ở đảo/ Là điểm mười ba cho. Giáo dục lòng yêu nước không khiên cưỡng.
Ai cũng có quê hương để tự hào, dù đó là quê hương thứ hai. Những em bé được sinh ra, lớn lên ở Buôn Ma Thuột cũng có quyền tự hào về miền đất mình được sống, có tình yêu thương của mọi người. Bài“Buôn Ma Thuột” đã khái quát: Buôn Ma Thuột/ Có nhiều hoa/ Hoa mẹ cha/ Hoa anh chị. Đặc biệt tự hào về bông hoa đẹp nhất, lớn nhất: Buôn Ma Thuột/ Có tượng đài/ Giữa ngã sáu/ Như hoa nở. Yêu Buôn Ma Thuột, yêu rừng xanh đại ngàn: Cội nguồn nước ngọt lịm/ Lá phổi đời chúng ta. Rừng giàu, rừng đẹp cần giữ gìn, bảo vệ, là bức tranh quê hương tuyệt đẹp: Bạn ơi bạn có thấy/ Rừng chúng mình đẹp xinh/ Như bức tranh cổ tích/ Tô lên nắng bình minh.
Trong bài “Dray Sáp” tả về ngọn thác đẹp của Đắk Lắk, rất đẹp, rất thơ: Dray Sáp thác khói/ Ai đặt tên khi nào/ Ai dựng cột nước cao/ Rơi ầm ào mạnh mẽ/ Dray Sáp thác khói/ Ai vẽ đẹp như tranh.
Tập sách được lấy tên là “Âm thanh yêu thương”, tên của một bài trong tập. Với tuổi thơ, chọn đề như thế là phù hợp. Bài thơ chỉ có tám câu mà gói trọn được âm thanh, gói trọn được yêu thương của mỗi ngày cho em dần khôn lớn: Con gà kêu quang quác/ Cho em quả trứng vàng/ Con dê kêu be be/ Cho em ly sữa ngọt. Vật chất nuôi lớn thể xác để chuyển hóa tâm hồn: Ve sầu thôi hợp xướng/ Cho em mai đến trường/ Tiếng mẹ thức em dậy/ Cho con niềm yêu thương.
Tất cả âm thanh được dồn vào câu kết: Cho con niềm yêu thương. Âm thanh tiếng gọi của mẹ cho em đến trường là kết tinh của âm thanh, là đỉnh điểm của âm thanh yêu thương - mẹ gọi con đi học! Bài thơ hay ở sự sáng tạo lại mang tính triết lý.
Tập thơ sử dụng nhiều thơ ngũ ngôn hoặc bốn tiếng, gần gũi thân thuộc như lời nói vần, như vè dân gian cho dễ nhớ, dễ thuộc. Đó là thành công của Bùi Minh Vũ.
Tôi tin tuổi thơ yêu tập sách này.
Hữu Chỉnh
Tháng 5.2022
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0