Trong một chuyến đi điền dã sưu tầm văn hóa dân gian M’Nông, tôi được ông Y Khem Pang Ting, dân tộc M’nông Gar, buôn Jê Juk, xã Dak Phơi, huyện Lăk kể cho nghe huyền thoại về đàn voi của vua Bảo Đại.
Ông Y Khem kể rằng: thuở ấy tôi vừa tròn 25 mùa rẫy, cha tôi có con voi đực to khỏe nhất trong buôn, được vua Bảo Đại chọn mua để đưa vào đàn voi 21 con của mình, nên nhà vua tuyển tôi vào đội quản tượng đàn voi ở Đắk Lắk.
Sau khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai (năm1946), Bảo Đại đã theo chân Pháp về Huế làm vua bù nhìn. Từ khi trở lại làm vua, Bảo Đại chỉ thích ăn chơi và săn bắn thú rừng khắp các vùng rừng núi Tây Nguyên. Riêng ở Đắk Lắk Bảo đại có một đàn voi đực 21 con. Hàng năm, khi mùa mưa đến là Bảo Đại thường về vùng rừng núi hồ Lak để tổ chức đi săn thú. Mỗi lần đi săn, chúng tôi dẫn đàn voi cùng đi với vua. Đi đầu là 10 voi, đi giữa là vua Bảo Đại ngồi trên lưng con bạch tượng, đi sau là 10 voi, con nào con nấy to khỏe hùng dũng hiên ngang tiến bước dưới những tán cây rừng. Mỗi lần gặp thú rừng, cả đoàn voi cùng một lúc gầm lên vang dội cả núi rừng, làm cho thú rừng như heo, hoẵng, hươu, cheo… chỉ nghe tiếng voi gầm là hốt hoảng lăn ra chết ngất. Chúng tôi chỉ việc nhặt hết con thú này đến con thú khác bỏ vào sọt mang về. Tối đến tại dinh thự bên hồ Lak, vua sai những người phục vụ nướng chín các con thú săn được, vừa ăn vừa uống rượu cần vừa xem nghệ nhân đánh chiêng, múa hát. Đến khuya thì nghe kể khan Êđê. Vua bảo Đại rất thích nghe khan “Đam San”. Vua từng nói: “Mình thích nghe khan “Đam San” vì mình muốn tài giỏi như Đam San, đánh thắng mọi M’Tao hùng mạnh, và cùng được Đam San đi bắt nữ thần Mặt Trời về làm vợ”.
Mùa mưa năm 1953, do chiến tranh ác liệt, nên không thấy vua Bảo Đại về vùng rừng núi hồ Lak đi săn nữa. lúc này không nhận được tiền nhà vua ban cho để nuôi đàn voi, nên chúng tôi phải thả đàn voi vào rừng để chúng tự kiếm ăn. Trong đó có con bạch tượng rất khôn ngoan, cứ đến tối lại về khu vườn nhà tôi trú ngụ, sáng sớm bạch tượng đi vào rừng kiếm ăn. Bạch tượng vẫn còn mang chiếc khánh bằng vàng ở cổ do bà mẹ của Bảo Đại tặng vì đã cứu bà thoát khỏi sự truy đuổi của đàn hổ khi bạch tượng đưa bà đi từ Buôn Ma Thuột vào hồ Lak để kiểm tra việc làm dinh thự ở nơi này.
Trong Lễ cúng sức khoẻ cho voi. Ảnh: Bảo Hưng
Có một lần, tôi làm lễ cúng sức khỏe cho mẹ tôi. Tối đến, tôi mời nghệ nhân kể khan “Đam San”. Tôi không ngờ cả đàn voi (trong đó có con bạch tượng) kéo về đứng ngoài vườn nhà tôi nghe kể khan say sưa. Sáng hôm sau, khi hết kể khan chúng nó mới trở lại rừng. Một hôm, tôi có việc phải đi Kon Tum hơn một tháng trời. Khi tôi trở về thì nghe người nhà nói: “Con bạch tượng có về đây nhiều lần để tìm chủ, nhưng không thấy, nên nó đã đi vào rừng rồi”. Nghe nói vậy tôi rất xúc động và cảm thấy con bạch tượng sống rất tình cảm. Xa đàn voi lâu ngày, tôi càng nhớ chúng, nhất là con bạch tượng, nên sau khi kết thúc mùa rẫy, tôi làm lễ cúng sức khỏe cho cả nhà và mời nghệ nhân về kể khan “Đam San”. Chiều hôm ấy tôi mang tù và vào rừng thổi gọi đàn voi. Thật là kỳ lạ, đêm hôm ấy, khi pô khan vừa mới kể khan “Đam San” thì cả đàn voi (có con bạch tượng nữa) đã có mặt tại khu vườn của nhà tôi, đầu hướng vào nhà lặng lẽ nghe lời khan say sưa. Trời về khuya, lời khan càng hấp dẫn, tất cả người nghe đều chìm vào không gian huyền ảo của lời khan. Sau một hồi lâu, tôi ra hiệu cho pô khan nghỉ giải lao uống nước, hút thuốc. Tôi cùng vợ con ra vườn chặt mía, chặt cây chuối cho đàn voi ăn và xoa đầu vỗ về từng con như những người bạn chân tình. Con nào cũng mừng, chúng lấy vòi đặt lên ngực, lên vai, lên đầu tôi rất tình cảm. Con bạch tượng thì cứ quấn chặt tay tôi, hít vào má tôi vô cùng thân thiết. Sáng hôm sau cả đàn voi lại đi vào rừng. Lễ cúng sức khỏe của gia đình tôi được tổ chức ba ngày liền, tối nào chúng tôi cũng mời nghệ nhân đến kể khan “Đam San” cho mọi người và đàn voi nghe nhằm tạo không khí vui tươi ấm cúng trong ngày lễ. Đàn voi thì đêm nào cũng kéo về nghe kể khan say sưa. Thật là kỳ lạ, đêm cuối cùng sau khi nghe kể khan xong rồi, nhưng đàn voi vẫn ở lại chưa chịu về rừng. Hình như chúng biết chỉ còn lần này nữa thôi là sẽ xa chủ, nên cứ nấn ná chưa chịu đi. Tôi hiểu ý đàn voi, nên bảo vợ con ra chặt mía, chặt cây chuối và mang ra những buồng chuối chín cho đàn voi ăn. Rồi tôi vỗ về từng con, tâm sự như những người bạn thân tình: “Các bạn hãy vào rừng sống nhé, lúc nào nhớ chủ thì về thăm ta, ta sẽ cho các bạn ăn no, ăn ngon”. Đàn voi nhìn tôi, con nào cũng chảy nước mắt. Thấy vậy, tôi cũng xúc động, nước mắt tôi tự nhiên chảy dài trên má. Đợi voi ăn xong, tôi đưa tiễn cả đàn voi một đoạn đường dài vào tận bìa rừng rồi mới chia tay chúng. Nhưng cả đàn voi cứ bịn rịn kéo tôi lại. Nhìn con nào nước mắt cũng chảy ướt đầm hai gò má, nên tôi không thể rời xa chúng nó. Tôi nói với đàn voi: “Các bạn ơi! Ta không bao giờ quên các bạn đâu! Các bạn cứ vào rừng sống thật vui vẻ, lúc nào nhớ chủ thì hãy về thăm ta”. Nói xong tôi quay lưng ra về. Cả đàn voi nhìn theo tôi, chúng kêu lên những tiếng dài như chào tạm biệt người chủ mến thương. Tôi nhanh chân bước ra đường cái thì đã thấy con bạch tượng đứng trước mặt. Nó gật đầu như chào tôi, rồi bước đến vắt vòi lên tay, lên ngực và cả mặt tôi. Tôi xoa đầu nó và nói vào tai: “Ta thương bạch tượng nhiều lắm! Ta không bao giờ bỏ rơi bạn đâu. Bạn hãy trở về với các bạn của mình đi, lúc nào nhớ chủ thì về thăm ta. Ta sẽ mời người kể khan “Đam San” cho bạch tượng và các bạn cùng nghe nhiều đêm hơn thế này nữa”. Nghe tôi nói vậy, con bạch tượng càng quấn vòi chặt vào vai tôi một hồi lâu, rồi gật đầu như chào tôi và từ từ đi vào rừng.
Mùa rẫy sau, thật là may mắn cả buôn làng tôi được mùa lúa, bắp, nhà nào cũng thu được gần 100 gùi thóc. Để tạ ơn thần linh đã cho dân làng tôi được mùa bắp lúa, tôi xin phép chủ buôn đứng ra làm lễ cúng tạ ơn thần linh mừng được mùa. Người M’nông chúng tôi gọi là “Lễ tâm nghết”. Lễ hội này được tổ chức trong ba ngày liền. Trước ngày lễ, tôi vào rừng cầm tù và thổi gọi mời đàn voi. Thế là đàn voi (trong đó có bạch tượng) kéo về dự lễ hội. Ban ngày đàn voi tham gia đi chở nước, chở củi, chở rượu, chở khách đến dự lễ. Đêm đến, chúng đứng ngoài vườn quay đầu vào nghe kể khan “Đam San”. Ngày cuối cùng kết thúc lễ hội, chúng nó không muốn vào rừng cứ nấn ná mãi. Thấy vậy, tôi phải mời thầy cúng làm lễ cúng sức khỏe cho đàn voi. Lễ vật cúng sức khỏe cho mỗi chú voi là một ché rượu, một tô xôi nếp, một con gà trống choai, riêng con bạch tượng là một đầu heo thay cho con gà trống. Tối hôm ấy, cúng sức khỏe cho đàn voi xong tôi mời Pô Khan kể khan “Đam San” cho đàn voi nghe. Đàn voi đứng nghe kể khan suốt đêm. Sáng hôm sau vợ chồng tôi nhờ bà con trong buôn chặt chuối, mía, cả những buồng chuối chín vàng mang đến cho đàn voi ăn. Chờ cho cả đàn ăn xong, tôi mới tiễn đàn voi vào rừng. Đến bìa rừng đàn voi cứ vây lấy tôi, chúng dùng vòi đặt lên vai lên trán, lên đầu tôi rất tình cảm. Rồi những dòng nước mắt của chúng chảy ướt đầm vai áo tôi. Tôi cũng chảy nước mắt như đàn voi. Tôi xoa đầu xoa vai ừng con và nói: “Các bạn cứ vào rừng sống vui vẻ. Ta không bao giờ bỏ rơi các bạn đâu, lúc nào nhớ ta thì hãy về thăm. Ta sẽ tiếp đãi các bạn tử tế!”. Đàn voi nghe tôi nói vậy, liền xiết chặt vòi vào người tôi lần nữa rồi gật đầu lê từng bước đi vào rừng. Tôi đứng nhìn theo đàn voi đi khuất mới trở ra đường cái. Tôi vừa ra đến đường thì đã thấy con bạch tượng đứng đợi sẵn. Thấy tôi, bạch tượng liền kêu lên một tiếng dài như gọi tôi. Tôi cảm động chạy lại ôm đầu bạch tượng. Bạch tượng dùng vòi đặt lên vai, lên đầu tôi vô cùng tình cảm. Nước mắt của nó chảy dài hai gò má làm ướt đẫm cả vai áo tôi. Lúc này nước mắt tôi cũng chảy dài trên má. Tôi ôm đầu bạch tượng và nói nhỏ vào tai: “Bạch tượng ơi! Mình quý bạn nhiều lắm! Xa bạch tượng và các bạn mình rất buồn, rất nhớ. Thôi bạch tượng cứ vào rừng sống với các bạn đi. Lúc nào nhớ ta thì về thăm. Ta sẽ cho bạch tượng và các bạn ăn nhiều món ngon và mời người kể khan “Đam San” cho các bạn nghe nhiều đêm”. Lúc này bạch tượng dùng vòi ôm vai tôi thật chặt. Hai dòng nước mắt của nó cứ thế chảy ướt vai áo tôi. Nấn ná một hồi lâu, bạch tượng mới chia tay tôi đi vào rừng. Đi được vài bước bạch tượng lại quay đầu nhìn lại phía sau, với cử chỉ bịn rịn, lưu luyến người chủ của mình.
Sau đó chiến tranh ác liệt, gia đình tôi phải sơ tán vào vùng Krông Knô. Con bạch tượng và cả đàn sợ bom đạn nên lánh vào rừng sâu. Sau này có người đi rừng tình cờ gặp con bạch tượng và đàn voi cùng đi ăn với nhau.
Kể xong ông Y Khem xúc dộng nói: “Trên đây là ký ức của tôi về đàn voi của vua Bảo Đại. Một đàn voi vô cùng kỳ lạ, khôn ngoan, thông minh, tình cảm, thật là hiếm thấy trên núi rừng Tây Nguyên này”.
Trương Bi
Hội viên Hội VHNT Đắk Lắk
Tạp chí Chư Yang Sin số 332, tháng 4-2020.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0