Vào khoảng hai tuần trước khi bị bắn chết, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã mơ thấy hình ảnh chính bản thân mình bị ám sát. Những sự kiện có thực, những cái chết có thực… nhưng lại được báo trước ở trong cõi hư ảo do chính con người vẽ nên. Chuyện gì sẽ xảy ra… khi giấc mơ không đơn thuần chỉ là giấc mơ? Khi sự đấu tranh giữa tham vọng và sự sống trở nên vô cùng khốc liệt? Sợi dây liên kết giữa mộng và thực sẽ đi về đâu khi mà một ngày kia, con người bỗng có khả năng đi vào giấc mơ của nhau?
Kẻ trộm giấc mơ của Yasutaka Tsutsui - cuốn tiểu thuyết giả tưởng lừng danh về đề tài tâm lý học - có thể sẽ cho bạn một câu trả lời thỏa đáng.
Là bộ truyện tâm lý viễn tưởng nổi tiếng của tác giả Yasutaka Tsutsui, Kẻ trộm giấc mơ chứa nhiều yếu tố, tình tiết đến hoang đường nhưng tới cuối cùng, câu chuyện vẫn dựa trên điểm cốt lõi, tính khoa học của nền tảng tâm lý: lý thuyết phân tâm học mà Sigmund Freud là cha đẻ. Bởi thế, để có thể hiểu được tiểu thuyết Kẻ trộm giấc mơ một cách sâu sắc nhất, hiểu được những thuật ngữ chuyên môn tác giả viết trên trang sách, độc giả cũng cần có một cái nhìn tổng quan về phân tâm học. Bởi nếu không, người đọc hẳn sẽ cảm giác choáng ngợp trước hàng loạt khái niệm chuyên ngành xa lạ như tầng vô thức hay liệu pháp chữa bệnh tâm lý bằng phân tích giấc mơ hoặc xâm nhập vào tiềm thức của người bệnh.
Tuy nhiên, đến cuối cùng Kẻ trộm giấc mơ không phải cuốn sách thuần tâm lý học hay bàn luận chuyên sâu về lý thuyết phân tâm. Đây vẫn là một cuốn tiểu thuyết viễn tưởng nên quả tình, không tránh khỏi những yếu tố hoang đường, phi thực tế. Càng trôi về cuối truyện, các buổi trị liệu tâm lý càng trở nên quá đỗi xa rời cội gốc tâm lý ban đầu mà tác giả chủ yếu tập trung vào khắc họa trận chiến giữa những giấc mơ. Các giấc mơ bị chồng lẫn vào nhau, lằn ranh mơ – thực bị xóa nhòa và tác phẩm trở nên kỳ ảo như một câu chuyện cổ tích.
Không phải là một cuốn tiểu thuyết viễn tưởng viết ra một cách dễ dãi, đọc rồi quên ngay, Kẻ trộm giấc mơ được xây dựng trên nền tảng tâm lý vững chắc cùng tầng sâu triết lý, hiện thực về xã hội, con người sâu sắc. Dù còn những hạn chế không nhỏ về mặt tình tiết, phát triển nội dung hay sự phóng bút quá đà vào miền hư ảo nhưng đến cuối cùng tiểu thuyết Kẻ trộm giấc mơ vẫn là tác phẩm đáng đọc với những ai hứng thú với tiểu thuyết tâm lý viễn tưởng nói chung, với lý thuyết phân tâm học nói riêng.
Tiểu thuyết do dịch giả Trần Hà Thương chuyển ngữ, hiện có bán tại các nhà sách.
NTV giới thiệu
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0