Một cánh chim rừng đỏ như lửa vừa vút lên cao, vẽ một đường bay bất chợt trên cánh rừng buổi sáng. Người nhạc sĩ già đưa tay gõ nhịp, ý chừng đang nung nấu những giai điệu về núi rừng vừa xuất hiện sáng nay. Sáng nay, trên cung đường ra biên giới, đã nghe hơi thở mùa xuân phả xuống quanh mình, đàn bướm từ dưới khe cạn bắt đầu túa ra, dập dìu trẩy hội. Đường rải nhựa như dải lụa vươn mãi ra điểm tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc. Đại úy Nguyễn Hữu Lương - người dẫn đường cho chúng tôi hôm nay đã có hơn 10 năm gắn bó với binh nghiệp, cũng chừng đó năm anh gắn bó với Tây nguyên. Anh tâm sự: “Đường lên biên giới hôm nay dễ dàng hơn và cũng đẹp hơn xưa rất nhiều”. Dõi theo tay anh chỉ, chúng tôi - những người từ lâu quen sống với phố thị - ngỡ ngàng gặp lại bạt ngàn rừng khộp mùa thay lá, đẹp như tranh.
Đồn biên phòng Ea Rvê đứng chân trên địa bàn xã Ea Rvê (huyện Ea Súp) đã có gần hai thập kỷ bám trụ với những cột mốc chủ quyền biên giới, với nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 6,7km tiếp giáp với xã Noong KLấk, huyện Kol Nhéc, tỉnh Mulđunkiri, vương quốc Campuchia. Đại úy Trịnh Xuân Tuyên, Phó chính trị viên của đồn mới được điều động đến địa bàn 2 năm nhưng đã kịp trở thành người thân thiết của đồng bào các dân tộc nơi đây. Xã Ea Rvê có 14 thôn với hơn 2 ngàn hộ dân với xấp xỉ 7 ngàn nhân khẩu, trong đó 1/3 là người dân tộc thiểu số, hơn 65% là hộ nghèo tính đến cuối năm 2018. Miền đất biên viễn xa xôi này luôn hứng chịu những đợt thời tiết bất thường, vì thế cuộc sống của đồng bào còn nhiều vất vả. Và nói như đại úy Trịnh Xuân Tuyên là những người chiến sĩ quân hàm xanh lại phải “xắn tay áo lên” cùng với nhân dân tháo gỡ khó khăn.
Nhắc đến ân tình của bộ đội biên phòng với bà con, bà Đoàn Thu Lánh (dân tộc Tày) bồi hồi nhớ lại: Cữ tháng 4 năm ngoái, cơn lốc tràn qua thôn 11 hất luôn mấy chục mái nhà bay mất. Nhà bà Lánh mẹ góa con côi, tiền không có, báo với trưởng thôn, anh em thôn xóm hỗ trợ, và các anh biên phòng ra sửa giúp. Chỉ trong buổi sáng, căn nhà lại kín trên bền dưới, nhờ công sức của tập thể các anh bộ đội khéo tay, cần mẫn. Cảm động, chủ nhà tất tả đi chợ làm cơm để mời ân nhân một bữa đạm bạc nhưng không kịp, các anh lại phải tức tốc về đồn để làm nhiệm vụ tuần tra biên giới, bảo vệ quê hương.
Đó là một trong rất nhiều những kỷ niệm ân tình mà đồng bào xã biên giới Ea Rvê ghi khắc, và mỗi lần kể lại là một lần thêm sự tin tưởng, biết ơn. Còn với các chiến sĩ biên phòng thì đấy là nhiệm vụ thường xuyên, việc làm mỗi ngày.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn của mình, ông Hồ Văn Điều, Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn 3, xã Ea Rvê cười hiền hậu: “Đồng bào mình ở đây nhờ bộ đội nhiều lắm, bộ đội Tuyên, bộ đội Sơn, bộ đội Trung nữa, mình đều coi như con cháu trong nhà. Có khó khăn là có mặt các anh ấy, thương lắm!”. Ông Điều cũng cho biết, vượt qua khó khăn bước đầu, nhiều hộ dân ở đây đã tìm được cây trồng phù hợp, thu hoạch với năng suất cao. Gia đình ông trồng mấy trăm cây dừa, mấy trăm cây mít, mấy trăm cây mãng cầu, lại có hồ nuôi cá, thu nhập riêng dừa bây giờ ổn định ngày vài trăm ngàn, đỡ vất vả hơn xưa nhiều rồi. Theo chân chủ nhà, chúng tôi lạc vào giữa những khoảnh rẫy quýt và dừa xanh mướt. Những mùa quả ngọt đã thành hiện thực, và để cho vườn rẫy thêm xanh, không chỉ có công sức của người nông dân, mà còn có cả những giọt mồ hôi lặng lẽ của người lính biên phòng nhỏ xuống đất này.
Ảnh minh hoạ. (Lê Quang Khải)
Dịp chúng tôi lên biên giới, cũng là dịp Quốc khánh Vương quốc Campuchia. Với tinh thần hữu hảo anh em, Công an huyện Ea Súp phối hợp với lãnh đạo các đồn biên phòng mang quà sang thăm hỏi, chúc mừng. Đại úy Chung Sok Nin đồn trưởng đồn Ô Rô thuộc lực lượng Cảnh sát bảo vệ biên giới của nước bạn vui mừng bày tỏ: Chúng tôi gặp nhau hàng ngày trên chặng đường tuần tra biên giới mà. Bộ đội Việt Nam vui tính và tốt bụng lắm, lại giỏi tiếng Miên nữa, nên thân tình như người nhà thôi! “Đây là ngày vui của nước bạn, chúng tôi qua thăm, tặng quà để thắt chặt tình anh em, để tình hữu nghị của hai nước bền chặt hơn, phối hợp tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ biên giới chung!” – Trung tá Nguyễn Văn An, Phó đồn trưởng nghiệp vụ đồn biên phòng Ea Rvê cho biết.
Đêm nghỉ lại ở Đồn biên phòng Yok M'Brê, khách và chủ quây quần bên mâm cơm với những món ăn của đồn làm được: Rau xanh hái từ vườn, thịt gà bắt trong chuồng, nấm vừa mới hái, cá suối bắt chiều nay… Đại úy Nguyễn Trọng Hiếu, Phó chính trị viên hào hứng giới thiệu về những sáng kiến của anh em chiến sĩ để góp phần cải thiện đời sống quân nhân, chung tay góp phần giúp đỡ bà con còn khó khăn. Tuy trên địa bàn phụ trách không có các khu dân cư, nhưng tập thể chiến sĩ vẫn duy trì “Hũ gạo tình thương”, mỗi tháng tiết kiệm hơn 20kg gạo để ủng hộ cho những gia đình nghèo trên tuyến biên giới thuộc các huyện Ea Súp, Buôn Đôn. Mỗi tháng đồn hỗ trợ cho 2 em học sinh trong chương trình “Nâng bước em đến trường” với mỗi suất học bổng là 500 ngàn đồng. Đại úy Hiếu nhẩm tính: Lương quân nhân ba cọc ba đồng, muốn có thêm nguồn kinh phí để giúp đỡ đồng bào thì phải tăng gia sản xuất. Hiện tại, ngoài 39 con bò, 60 con heo lai, hàng trăm gà vịt thì đồn còn vườn rau, ao cá, lại thêm nhà trồng nấm cung cấp đủ thực phẩm cho chiến sĩ. Hầu hết sĩ quan, chiến sĩ đều xa gia đình để làm nhiệm vụ, và coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt. Đó không chỉ là khẩu hiệu, mà là những hành động thiết thực từng ngày, từng giờ.
Càng về khuya, gió về càng nhiều, đại ngàn xôn xao bản nhạc của riêng mình. Trong tiếng gió lùa, tiếng cổ thụ vặn mình, có cả tiếng bước chân vững chãi của những người lính quân hàm xanh đang chắc tay súng đi tuần tra canh gác dọc dải biên cương của Tổ quốc thân yêu.
Nơi chúng tôi dừng chân cuối cùng trước khi tạm biệt núi rừng để quay về phố thị là đồn biên phòng cửa khẩu Pu Prăng, thuộc mỏm đất xa xôi nhất của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Đài tưởng niệm các liệt sĩ của đồn biên phòng Pu Prăng nằm ngay cạnh con đường tuần tra vừa mới làm xong. 16 liệt sĩ đã anh dũng nằm xuống nơi đây trong trận đánh ác liệt kéo dài 47 ngày với bọn diệt chủng Pôn Pốt năm 1976. Kính cẩn thắp nén nhang cho những người ngã xuống, chúng tôi, thế hệ hậu sinh, mãi ghi khắc công lao của các chú các anh, những người đã dùng máu của mình để bảo vệ từng tấc đất biên cương. Khói nhang cay xè mắt người giữa chiều biên giới đang bung nở những bông hoa Dăm dhắt trắng đến ngỡ ngàng.
Qua khỏi cây cầu, qua khỏi con dốc, xe lăn bánh cả một đoạn dài, ngoái lại, tôi vẫn thấy những người lính biên phòng còn đứng trên đầu dốc đưa tay vẫy chào tạm biệt. Trên đầu họ, lá cờ Tổ quốc vẫn kiêu hãnh tung bay trong gió chiều Tây nguyên bàng bạc khói và nắng mật của một mùa xuân mới đang về…
Ghi chép của Nguyễn Văn Thiện
Bài đăng Tạp chí Chư Yang Sin số 316, tháng 12 năm 2018
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0