Tôi nghĩ mình mắc nợ ông, người nhạc sĩ suốt gần 50 năm ẩn thân nhưng vẫn sống cùng niềm đam mê khắc khoải với âm nhạc dân gian Êđê và Tây Nguyên.
Tháng 11/2024, lần thứ 3 ông đạp chiếc xe đạp mini nhỏ xíu của mình đến nhà tôi, tặng lại những tư liệu về cuộc đời ông: hoạt động âm nhạc trong học sinh, sinh viên ở Hà Nội từ những năm 1950 (học trung học tại trường Chu Văn An, Hà Nội). Đó là 4 cuốn vở, một số được chép tay bằng những dòng chữ rất đẹp: 40 ca khúc viết cho thiếu nhi dựa trên dân ca các dân tộc Êđê, Jrai, Bâhnar, Hrê, Sê Đăng, Mnông; 25 ca khúc viết từ sau 1975 chưa được phổ biến, cũng từ chất liệu dân ca các dân tộc Êđê, Jrai, Bâhnar, Hrê, Sê Đăng, Mnông; Kể chuyện bạn bè âm nhạc tại Buôn Ma Thuột xưa (1954 – 1959); Theo dòng thời gian – Chuyện bây giờ mới kể (1950-1975) tập 1,2 & 3
Ông là nhạc sĩ Đặng Văn An (1933 – 2025), sáng tác ca khúc từ năm 1950, Ông đã từng đứng hát chung trên sân khấu và Đài phát thanh Hà Nội với các nghệ sĩ Tâm Vấn, Kim Tước, Thanh Tước, Ngọc Giao, Ngọc Bảo, Minh Đỗ… nổi tiếng một thời ở Hà Nội. Ngày đó ông đã sáng tác ca khúc Thu tàn, được ca sĩ Minh Đỗ thu âm lần đầu tiên và sau này nhiều ca sĩ khác hát. Ông sống ở Buôn Ma Thuột từ năm 1955. Từng phụ trách âm nhạc trên đài phát thanh Buôn Ma Thuột từ năm 1959 -1975. Có ca khúc Gửi về Hà Nội, được ca sĩ Thanh Hằng thu, phát trên đài Phát thanh Pháp –Á.
Chân dung cố Nhạc sĩ Đặng Văn An.
Tôi biết ông từ một hội diễn văn nghệ quần chúng, với ca khúc Bơ Hơ chim, phát triển từ dân ca Jrai, do tốp ca nữ của Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk trình bày, được trao Huy chương vàng. Từ đó có sự qua lại thân thiết. Ông trao cho tôi, cho nhạc sĩ Huỳnh Ngọc La Sơn những tư liệu về dân ca Tây Nguyên, mà suốt thời gian công tác ở đài Phát thanh Buôn Ma Thuột, ông đã sưu tầm được, sử dụng để sáng tác.
Sau 1975, ông sống chính bằng dạy Anh văn, nhưng vẫn sáng tác. 40 ca khúc viết cho thiếu nhi, cho dù không được dàn dựng ở đâu, nhưng được đăng đều trên tạp chí Thiếu nhi dân tộc (tờ đặc san của báo Thiếu niên Tiền phong) cho đến ngày báo không còn kinh phí để in ấn.
Tôi nghĩ mình “mắc nợ” ông, chính vì đã biết ông vẫn sáng tác đều, nhưng không mời ông cùng sinh hoạt với bạn bè trong ngành ở Hội VHNT, để đến bây giờ ân hận thì đã quá muộn màng. Ông đã về thế giới người hiền ngày 3/1/ 2025. Hưởng thọ 92 tuổi.
Chúng tôi sẽ luôn nhớ đến ông người nhạc sĩ già suốt hơn 60 năm, một đời người tận tụy với âm nhạc dân gian Tây Nguyên.
Linh Nga Niê Kdam
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0