Nhớ thuở ban đầu của Hội - Triển lãm Mỹ thuật Đắk Lắk lần thứ I (1990)
Ngày đăng: 08/12/2022 14:52
- Lượt xem: 95
- Thích
Ngày đăng: 08/12/2022 14:52
Buổi ban đầu Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk mới thành lập (tháng 9.1990), cùng với các hoạt động đã khá rôm rả của văn, thơ, nhạc... Mỹ thuật cũng bắt đầu với Triển lãm Mỹ thuật Đắk Lắk lần thứ I do Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin (VHTT) vào tháng 10.1990 tại số 05 Lê Duẩn - thị xã Buôn Ma Thuột. Một triển lãm nghiêm túc và... rất tình cảm. Ngay từ triển lãm này đã manh nha định hình diện mạo mỹ thuật của riêng một vùng đất, đã có cơ sở để dự báo về những tác phẩm mỹ thuật tốt trong tương lai. Đây là bước khởi đầu tốt đẹp. Từ đó, mỹ thuật Đắk Lắk đã không ngừng phát triển cả về phong trào, tổ chức, tác giả và tác phẩm cho đến hôm nay.
Trước đó, đã có những triển lãm mỹ thuật của các nhóm sinh viên mỹ thuật, các họa sĩ công tác tại sở VHTT nhưng quy mô nhỏ. Triển lãm Mỹ thuật Đắk Lắk lần thứ I được tổ chức bài bản, có ban bệ hẳn hoi. Sở VHTT phối hợp tổ chức triển lãm này theo kế hoạch tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin.
Từ triển lãm này, năm 1990 cũng là lần đầu tiên Đắk Lắk góp mặt tại một triển lãm mỹ thuật mang tầm vóc quốc gia như đã đề cập ở trên, qua sự tuyển chọn tác phẩm gắt gao và nghiêm túc. Các tác phẩm được chọn từ triển lãm của tỉnh rồi mang ra Hà Nội là hội họa (vì chưa có điêu khắc) đã được khán giả chú ý. Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã bất ngờ gặp tranh của họa sĩ Đắk Lắk tại triển lãm, mừng như gặp người nhà. Năm ấy, vào Buôn Ma Thuột, anh đã tìm gặp các họa sĩ, chia sẻ những tình cảm văn nghệ với vùng đất mà nhạc, họa đều còn mới mẻ.
Triển lãm Mỹ thuật Đắk Lắk lần thứ I chỉ có hơn 10 họa sĩ tham gia. Ngoài các anh Nguyễn Bảo Châu, Nguyễn Văn Tựu, Đoàn Ngọc Dũng, anh chị em còn lại đều đang tuổi hai mươi, vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, yêu đời và yêu nghề. Các anh chị em hăm hở sáng tác, tham gia triển lãm, không kể mình có là hội viên Hội VHNT hay không (lúc bấy giờ Tiểu ban Mỹ thuật chỉ có 04 hội viên). Các tác phẩm chủ yếu là hội họa theo phương pháp sáng tác hiện thực XHCN, còn nhiều hơi hướng trường lớp. Tuy vậy, nhiều tác giả đã có tìm tòi, chọn hướng đi cho riêng mình. Các tác phẩm phản ánh hiện thực cuộc sống đương thời, lao động sản xuất, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk. Có một số tác phẩm tiên phong biểu hiện những tình cảm cá nhân. Các tác phẩm: “Phong cảnh hồ Phước An” (bột màu), “Làng sáo An Truyền” (khắc gỗ) của Đoàn Ngọc Dũng, những bức “Phong cảnh” (bột màu), “Tĩnh vật” (khắc gỗ) của Đoàn Sĩ Lynh, “Hội cồng chiêng”, “Múa trống Tây Nguyên” (sơn mài) của Lê Bá Điều, “Trăng trên bản Vân Kiều”, “Hoa văn và cột nhà mồ” (sơn dầu) của Y Nhi Ksor, “Chân dung tự họa”, “Phong cảnh Huế” (sơn dầu) của Trần Thị Thu Hà, “Hai đứa trẻ”, “Mẹ con” (lụa) của Lê Vấn... cho thấy sự chủ động của các tác giả khi xử lý kỹ thuật các chất liệu đồ họa, hội họa. Đây cũng là lần đầu tiên công chúng Đắk Lắk tiếp cận với các chất liệu hội họa “cao cấp” trong hoàn cảnh kinh tế eo hẹp lúc ấy. Lúc mà sơn dầu, sơn mài, lụa là những vật liệu đắt tiền, khó kiếm; chỉ có ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM... Thông tin về mỹ thuật, sự kết nối, giao lưu mỹ thuật giữa các địa phương rất hạn chế.
Trong niềm cảm hứng sáng tác chủ đạo lúc ấy, các tác phẩm: “Cao su Dak Lak ” (sơn dầu) của Nguyễn Bảo Châu, “Tưới cà phê” (sơn dầu) của Nguyễn Công Dị , “Phong cảnh I” (bột màu) của Trần Hồng Lâm, “Giã gạo” (bột màu) của Phạm Xuân Quang, “Giải lao giữa đồng” (sơn dầu) của Phạm Duy Hoàng... đã được những người quan tâm, đánh giá là những đóng góp của mỹ thuật vào “đời sống tinh thần của nhân dân”. Và còn nhiều tác phẩm khác mà vì lâu ngày mà người viết bài này không thể nhớ hết. Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật hồi ấy ông Dương Thanh Tùng vừa là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk đã quyết tâm, dốc sức cho việc trưng bày tranh này. Những kết quả đáng mừng của Mỹ thuật Đắk Lắk ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990 ngay sau đó được ông theo dõi, nắm thông tin, đem khoe khắp trong Sở, trong Hội... góp phần quảng bá, cải thiện hình ảnh của giới mỹ thuật, giúp mỹ thuật cũng được chú ý chứ không bị “bỏ quên” như trước đó.
Vẫn còn rất nhiều thô vụng trong tổ chức triển lãm, trong sáng tác, do trong “thời thơ ấu” của Hội chưa có quy chế hoạt động, các họa sĩ Đắk Lắk lúc ấy còn quá trẻ, rất nhiệt tình và cũng rất hồn nhiên... Họa sĩ Y Nhi Ksơr, không kể đường xa từ ngoại ô về trung tâm thị xã, suốt bao ngày cọc cạch xe đạp đến từng nhà anh em để vận động, thu thập tranh. Họa sĩ Lê Vấn hí húi thiết kế, đi in tờ gấp bằng máy in ty-pô; Họa sĩ Phạm Xuân Quang cùng với Y Nhi đi xe đò mang tranh từ triển lãm này về dự hội toàn quốc ở Hà Nội... Tất cả là làm không công hoặc có chút ít bồi dưỡng mà vẫn vui dù ai cũng nghèo khó.
Hơn ba mươi năm đã trôi qua. Mỹ thuật Đắk Lắk đã khác trước rất nhiều. Diện mạo đặc sắc hơn, đội ngũ đông đảo hơn là có thêm vài thế hệ. Người trẻ đang sung sức và hoạt động trong môi trường thuận lợi hơn nhiều. Nhìn lại Triển lãm Mỹ thuật Đắk Lắk lần thứ I năm 1990 để nhớ những người tổ chức trong Sở, trong Hội, nhớ anh em họa sĩ hồi ấy. Cứ theo danh sách trong tờ gấp thì bây giờ chỉ non một nửa còn hoạt động. Cũng có chút gợn buồn.
Trong bối cảnh qua Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990, Mỹ thuật Việt Nam có “một bước ngoặt trong tình hình đổi mới của đất nước” (Lời của Họa sĩ Trần Lưu Hậu, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990) thì Triển lãm Mỹ thuật Đắk Lắk lần thứ I năm 1990 cũng là một kỷ niệm đẹp thuở ban đầu, trên con đường phát triển của Mỹ thuật Đắk Lắk dù có phai mờ chút ít bởi thời gian.
Đông Yên
Hội viên Hội VHNT Đắk Lắk
Tạp chí Chư Yang Sin số 363, tháng 11-2022.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0