Tôi vẫn nhớ xóm nhỏ, vừa yên tĩnh gần cuối đường Hoàng Diệu, rẽ tay phải là đường Phùng Chí Kiên. Nơi có món bánh đúc bà Giao mà rất nhiều người hễ rời Buôn Mê Thuột lại khắc khoải nhớ, vẫn hỏi thăm rằng bà Giao còn bán bánh đúc nữa không?
Ngày cuối những năm 80. Khi ấy, ngày tôi chưa tròn mười tuổi. Cha vẫn thường dắt theo chị em tôi đến xóm những đồng đội của ông đang sống. Điều tôi thích nhất là cha sẽ cho chúng tôi vào quán bánh đúc bà Giao, ông luôn dành đồng lương hưu ít ỏi của mình để chị em được thưởng thức thức quà luôn được xem là xa xỉ thời bấy giờ. Khi quanh năm suốt tháng chúng tôi chỉ ăn cơm được nấu bằng loại gạo khô khốc với rau muống luộc.
Tôi vẫn nhớ cô Giao là một người phụ nữ đẹp. Cô bán hàng rất thong dong chứ không giống những người buôn bán vất vả thường thấy. Nghe kể rằng cô là con gái xứ Bắc, theo chồng vào Tây Nguyên, Cô được một người quen chỉ cho cách nấu món bánh đúc mang ra chợ để bán. Ngày đầu tiên ra chợ, cô mặc áo sơ mi trắng, quần lụa đen, mang guốc mộc, cả buổi không dám ngẩng lên mời chào vì ngại người ta nhìn thấy mặt. Bà con tiểu thương trong chợ, trông thấy cô gái ngại ngùng ấy thì thương quá, rủ nhau đến ăn ủng hộ. Rồi lâu dần, cô Giao cũng quen chợ. Khách cũng quen mặt cô hàng bánh đúc khéo léo, tay nghề mỗi ngày một khá. Người ta cũng quen dần việc sáng sớm mẹ con nhà cô Giao rồng rắn kéo nhau ra dọn hàng, mẹ gánh đằng trước, mấy đứa con gái lai bàn ghế trên chiếc xe đạp cũ lúp xúp theo sau.
Một thời gian lâu sau đó, đi lại vất vả quá. Chồng cô Giao đóng bộ bàn ghế bằng gỗ tạp, lợp tôn ở khoảng sân trước nhà. Một cái quán con con xinh xắn. Cô Giao chuyển hàng bánh đúc về nhà. Mừng vì từ giờ mưa gió cũng không phải chạy đôn chạy đáo vừa dẹp hàng, vừa che chắn cho mấy đứa con khỏi ướt nữa. Cô Giao cũng vơi vất vả từ ngày ấy.
Những ngày mới chuyển hàng bánh đúc về nhà, cũng xa chợ, khách thưa thớt nên mỗi ngày bánh đúc chỉ nấu trong chiếc nồi con con. Dần dà khách quen trên chợ lần dò tìm đến nơi. Rồi cứ thế thành quen, cứ đến giấc ba giờ chiều, sân nhà cô Giao rộn rịp người ra kẻ vào. Cô chẳng bao giờ ngơi tay, vừa múc bánh đúc nóng vào chén sành, chan nước dùng. Rồi cắt thoăn thoắt những chiếc bánh nguội ra đĩa. Miệng cô lúc nào cũng luyến thoắt và vui vẻ lắm.
Phụ việc cho cô là năm cô con gái. Con gái nhà ấy lúc nào cũng ríu rít như chim. Nào lau bàn, mang bánh cho khách, rồi thu tiền, ai cũng thoăn thoắt. Những khi nép vào một góc, nhấm nháp một cách dè xẻn từng miếng bánh đúc nguội, chị em tôi thường len lén nhìn các chị gái ấy. Họ xinh và dịu dàng như cô Giao.
Quán “Bánh đúc bà Giao” đã hơn ba mươi năm. Cô Giao hàng bánh đúc ngày xưa ấy đã lên chức bà. Bà Giao không bán hàng nữa, ra vào xếp gọn chén bát vì các con gái đã ngồi bán bánh thay mẹ. Khách đến quán ăn hàn không còn ngồi trên bộ bàn ghế đóng bằng gỗ tạp hay nhựa đỏ nữa. Bàn ghế đã được thay bằng inox sáng loá. Nhưng có điều rất hay rằng quán chỉ bán vào ba giờ chiều mỗi thứ bảy và chủ nhật. Mưa gió và thời tiết có thay đổi cũng đúng giờ ấy, thứ ấy, nồi bánh đúc nghi ngút khói, thơm nức được bưng ra, đặt ngay ngắn trên lò đủ ấm. Khách quen đến giờ là sẽ đến, chào hỏi vui vẻ như người thân thiết.
Năm cô con gái xinh xắn dạo nào, bây giờ đã lập gia đình. Gia đình quây quần giữ nếp làm bánh đúc từ bao nhiêu năm nay. Những ngày trong tuần, ai cũng có công việc bận rộn. Người dạy học, người nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, những đứa cháu ngoại đang trở thành thanh niên. Nhưng cứ đến ngày cuối tuần là xếp lại tất cả những bận rộn, cả đại gia đình sẽ quây quần ở quán. Mỗi người một việc. Đàn ông xay gạo, lọc nước vôi, chặt củi để nhóm lửa nấu bánh. Còn các chị em gái con bà Giao sẽ đảm nhận phần việc công phu, đó là nấu bánh.
Nấu một nồi bánh đúc đòi hỏi rất nhiểu kỹ thuật, gạo đem ngâm ba giờ trước khi cho vào xay, Bột gạo đem ngâm với một ít nước vôi trong để có độ giòn sần sật vừa tới. Xoong bột vừa được đặt lên bếp là phải quấy đều tay. Không nhanh, không chậm. Quấy khoảng 60 đến 70 phút, nồi nước bột trắng trong sẽ đậm dần, sánh mịn. Phải nấu bằng bếp củi chứ không phải bếp ga, vì than hồng thì bánh thơm, mới đượm. Khi quấy nồi bánh thì phải chuyên tâm, bởi chỉ cần lơ đãng thì sẽ dễ ngay cái việc “Trên sống, dưới khê, bốn bề nhão nhẹt”.
Quán chỉ mở lúc ba giờ chiều. Khi nồi bánh được mang từ bếp củi xuống, đặt trên bếp than hồng vừa đủ độ ấm. Khách gọi chén nóng. Bánh sẽ được múc vừa sâm sấp mặt chén để còn chan nước dùng. Nước dùng có thịt băm, mộc nhĩ, gia vị vừa đủ. Khách sẽ chan lên mặt chút mắm ruốc đậm đà. Hương mắm thơm nồng, pha theo công thức riêng của hơn ba mươi năm của bà Giao, sánh vừa phải. Không lẫn vào bất cứ quán nào. Thêm một chút ớt. Suýt xoa vì cay vừa tới. Khách gọi bánh nguội. Bánh đúc khi còn nóng được đổ vào chén, để hơn một giờ thì đóng thành bánh, trước khi ăn chỉ cần lật úp chiếc bánh lại, cắt từng miếng vừa ăn. Vuông vắn. Rưới chút nước sốt. Cũng như cách ăn bánh đúc nóng, khách tự chan chút mắm ruốc, vắt thêm lát chanh. Rồi cứ thế mà nhởn nha thưởng thức trong tiếng nhạc Trịnh Công Sơn dịu dàng.
Cảm giác ở quán nhỏ của bà Giao. Chẳng có gì là ký ức lùi xa. Miếng bánh đúc vẫn giữ nguyên vị đậm đà ngày nào, khi cha đã mua cho chị em tôi. Tôi luôn cảm nhận được không khí ấm áp gia đình bà Giao đang mang ra cho khách trong từng bát bánh đúc nhỏ. Kể cả khi các con cháu bà Giao bận rộn với hàng trăm công việc cũng ở đấy, ngày cuối tuần để gìn giữ quán của mẹ. Bởi nồi bánh đúc này, đã nuôi các chị ấy lớn lên, trở thành người thành đạt như hôm nay.
Quán rất xưa. Không chỉ là trong ký ức. Vì ngay lúc này, tôi vẫn hít hà vị thơm nồng nàn của bát bánh đúc nóng thơm đấy thôi./.
Niê Thanh Mai
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0