Món ăn, vừa là đời sống nhưng cũng là văn hóa, nó mang đặc trưng vùng miền. Mỗi một miền quê lại có một món ăn đặc biệt. Nó xuất hiện trong những dịp đặc biệt và mang được những đặc trưng và tinh túy của quê hương. Món ăn làm cho tôi nhớ nhất, nó gắn với hình ảnh của mẹ tôi, đó chính là món bánh mật.
Tôi chắc nếu không phải người xứ Nghệ thì cũng không hình dung món bánh mật như thế nào vì đây là một món ăn không phải nơi nào cũng có. Thế nhưng, đối với người xứ Nghệ thì nó rất đặc biệt vì vào dịp quan trọng sẽ xuất hiện món này. Ví dụ như cúng giao thừa, cúng Tết Đoan Ngọ, cúng giỗ hay đơn giản là nhà có khách hay có con, cháu đi học đi làm ăn xa, lâu ngày về. Có thể ví như người miền Tây gói bánh tét hay miền Trung gói bánh ít lá gai vậy.
Bánh mật được làm khá đơn giản nhưng với tôi những chiếc bánh ngon nhất tôi được ăn lại là những chiếc bánh mẹ tôi nấu, sau này tôi có được ăn ở đâu hay tôi có nhớ hương vị cũ mà tự làm thì cũng không thể nào sánh được chiếc bánh mật mà mẹ tôi nấu. Bánh mật được làm bằng bột nếp, bột được trộn với một ít nước ấm và nhồi nhuyễn, làm sao cho khối bột mềm, mịn, dẻo, không quá khô mà cũng không được ướt quá. Sau đó vo viên, rồi ép xẹp lại thành một chiếc bánh hình tròn. Người ta để nguyên như thế hoặc có thể rang đậu phộng, rồi trộn vào bánh. Khi nấu, người Nghệ An hay nấu bằng mật, có lẽ vì thế mà được gọi với tên là bánh mật chăng? Ngày xưa, khi vào Đắk Lắk, không có sẵn mật, mẹ tôi dùng đường bát nâu, chặt ra, nấu gạn vài lần cho sạch các tạp chất rồi mới bỏ bánh vào nấu. Để thơm ngon, có thể thêm vào một ít gừng đập dập hoặc thái sợi. Nấu cho đến khi các bánh nổi lên đều là đã chín rồi. Có thể nấu thêm một lát cho bánh thấm nước mật thì sẽ thơm ngon hơn.
Món bánh mật. Ảnh: Thu Hương
Ngày xưa, trong mỗi lần gia đình sum họp trong những dịp đặc biệt ấy, sau những món ăn mặn thì các thành viên trong gia đình tôi lại vui vẻ chia nhau ăn mỗi người một vài chiếc bánh mật, uống nước chè xanh, cùng nhau chuyện trò vui vẻ và cảm thấy bữa ăn thực sự trọn vẹn, đủ đầy. Bố tôi và các anh tôi là những chuyên gia hảo ngọt, có thể ăn được 04 đến 05 cái bánh. Và, mẹ tôi khi thấy nồi bánh hết nhanh thì nở nụ cười mãn nguyện. Nụ cười răng đen đều đẹp nhất của mẹ.
Món bánh mật trở thành nỗi nhớ của những người xa quê, khi tôi đi học, khi tôi đi làm xa, lúc về đều được mẹ nấu bánh mật. Tôi cảm nhận được điều đặc biệt mà mẹ dành cho tôi và cả hương vị đặc biệt của quê hương. Trong rất nhiều nỗi nhớ, tôi nhớ nhất là không khí lúc sắp giao thừa, trong cái lạnh của đêm 30, hình ảnh mẹ bận rộn bên cái bếp tí tách ấm áp, lúc đó tôi cũng sẽ lăng xăng phụ mẹ nặn bánh. Sau đó, tôi sẽ đi chơi, còn mẹ thì sẽ hoàn tất nồi bánh mật một cách chu đáo để múc ra và kính cẩn đặt lên bàn thờ cúng gia tiên trong thời khắc đón chào năm mới. Dĩa bánh lên màu nâu ngọt ngào của mật, tỏa ra mùi thơm của nếp, của gừng, của mật trở thành một phần không thể thiếu của truyền thống gia đình.
Mẹ tôi đã đi xa hơn 10 năm, phong tục làm bánh mật cúng trong dịp giao thừa cũng đã có phần phai nhạt trong các gia đình nhỏ của các anh em tôi. Có lúc cảm thấy áy náy cho điều đó nhưng rồi có nhiều lý do để cho tôi biện hộ cho việc không làm. Nhiều lúc nhớ mẹ, nhớ món bánh mật năm xưa của mẹ, tôi cũng tự tay làm thử nhưng rồi lại không như ý, không thể ngon như mẹ nấu ngày xưa. Lại thêm lý do ngày nay ai cũng ngại ăn ngọt nên món bánh mật vì thế ngày càng vắng bóng.
Với tôi, không chỉ món bánh mật mà tất cả những món mẹ nấu tôi đều cảm thấy đó là những món ngon nhất. Để rồi, khi bất chợt nhìn thấy một dĩa bánh mật ở đâu đó, tôi lại thấy dâng lên một nỗi niềm khó tả, nỗi nhớ mẹ và vị bánh quê hương.
Thu Hương
Hội viên Hội VHNT Đắk Lắk
Tạp chí Chư Yang Sin số 362 (10-2022)
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0