Trại bồi dưỡng sáng tác Hương Rừng năm 2022: Những cảm xúc lắng đọng
Ngày đăng: 26/09/2022 09:49
- Lượt xem: 256
- Thích
Ngày đăng: 26/09/2022 09:49
Trại bồi dưỡng sáng tác “Hương Rừng” năm 2022 do Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo và Trường THCS&THPT Đông Du tổ chức từ ngày 21.7 đến ngày 27.7 đã để lại nhiều cảm xúc và kỷ niệm đẹp trong lòng những trại sinh. 25 trại sinh đến với Trại bồi dưỡng sáng tác Hương rừng năm 2022 với những sắc thái khác nhau, tạo nên những gam màu tươi đẹp và thành công của trại. Tạp chí Chư Yang Sin số tháng 8.2022 đăng một số cảm xúc chân thành của những cây bút trẻ đến từ Trại bồi dưỡng sáng tác Hương Rừng năm 2022.
Vũ Ngọc Huyền: “Hương Rừng – 2022” – hương sắc của tuổi trẻ
Đó là những ngày hè lên 11, nắng mỏng và trong, nắng chiếu hàng cây xanh mướt. Và trên chiếc xe trường THCS&THPT Đông Du, các anh chị trong Ban tổ chức cùng những “chú ong vàng” mới quen nhau nghêu ngao hát trên hành trình khám phá và phát hiện từng nét đẹp của Tây Nguyên. Từng nét văn hóa đáng yêu, đáng kính. Từng con người mộc mạc, nhiệt tình mà ánh mắt luôn ấp ủ một niềm hi vọng, một niềm yêu, về mong ước lưu giữ và truyền lại những nét đẹp của mảnh đất đầy nắng và gió. Đó không chỉ là cảm hứng đẹp để viết nên những trang văn, trang thơ, mà đặc biệt, là làm nên một tình yêu chân thành và lâu bền dành cho Tây Nguyên. Một tình yêu để bản thân có thể cất bút, để viết lên hết mình vì tình yêu ấy. Dường như, qua những chuyến đi, chúng tôi gần lại với nhau hơn, với Tây Nguyên hơn, gần lại với mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên, khi trong suốt 16 năm vẫn chưa hiểu rõ, nhưng chỉ dành chưa đầy một tuần mà như yêu và tự hào hơn về Tây Nguyên.
Hẳn rằng, sau mỗi chuyến đi, không chỉ riêng tôi, mà những người bạn từng đồng hành, cũng đã, đang và sẽ ấp ủ, làm một điều gì đó, dù nhỏ bé, dù lớn lao cho nơi này, cho con người nơi đây!
Trại sinh Hương Rừng trong ngày khai mạc Trại.Ảnh: T.An
H’Misa: Chuyến đi thanh xuân mang tên “Hương rừng”
Với những cô bé dân tộc thiểu số như em, Trại “Hương Rừng” không đơn thuần là trại bồi dưỡng sáng tác mà còn là nơi để chúng em tìm hiểu, khám phá bản sắc cũng như văn hóa dân tộc mình. Chỉ vỏn vẹn 7 ngày, thế nhưng thật nhiều kỷ niệm đẹp. Đến với hội trại, trong em mang những nỗi lo chẳng thể gọi tên. Tất cả như tan biến khi em nhận được những lời động viên, chia sẻ và những nụ cười ấm áp từ anh chị ban tổ chức và các trại viên. Chẳng hẹn mà gặp, giờ đây trở thành một đại gia đình luôn quan tâm lo lắng cho những đứa con thơ và mang đến những bài học ý nghĩa. Thầy Cao Duy Sơn, em học được cách trò chuyện, sáng tạo với những con chữ và thả hồn với nhân vật của mình. Cô Đỗ Bích Thúy dạy em cách gọi tên cảm xúc, luôn quan sát, cảm nhận và viết không ngừng nghỉ để nó trở thành một thói quen. Thầy Lê Thiếu Nhơn cho em thấy được hết thảy điều kì diệu của những con chữ, cách gieo vần, nối chữ thành thơ, cùng với một cảm xúc tròn đầy. Nhạc Sĩ Y Phôn Ksơr, Nhà Nghiên cứu VHDG Linh Nga Niê Kdăm mang đến cho chúng em những câu chuyện, bài học truyền cảm hứng. Những chiến đi thực tế từ nội thành đến ngoại thành, từ Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đến con suối Cư H’Lâm, đến gặp những em hãy còn khiếm khuyết bên mình. Mỗi nơi lại đem đến cho chúng em những cảm xúc riêng, có tự hào, có phấn khích, có cả bồi hồi, xót thương và lắng đọng. Tất cả những điều ấy đã góp phần khơi dậy ngọn lửa đam mê trong em, sẽ chẳng bao giờ vụt tắt. Và sẽ luôn cố gắng không ngừng để một ngày nào đó thật sự tỏa sáng, phát ra những ánh hào quang truyền cảm hứng cho mọi người.
Đoàn Thị Giang Son: “Hương Rừng” nơi “chăm bón” tỉ mỉ cho tình yêu văn chương của tôi
Thoáng chốc đã qua bảy ánh bình minh tôi đón cùng các cô cậu trại viên, các giảng viên, ban tổ chức của “Hương rừng” rồi. Bảy ngày thôi, chúng tôi gần như là một gia đình – một gia đình nhí nhảnh mang tên “Hương Rừng”, gồm có hai mươi lăm người con yêu quý văn chương và những người cha, người mẹ ân cần chỉ bảo. Nhớ lắm! Sao quên được những tiết học ban chiều len lỏi chút nắng chiếu rọi qua căn chòi. Những chuyến đi thực tế mang chúng tôi xích lại gần hơn với bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên. Mê man giọng nói của người thầy, người cô gửi gắm trong từng trang bài học quý. Chợt nhận ra, tôi càng thêm yêu văn chương rồi! Tôi nhớ cả những món ăn thơm lừng; nhớ chiếc giường êm trải lưng sau chuyến đi mệt nhoài; nhớ tiếng cười khúc khích hòa với giọt lệ chia xa của các trại viên thân yêu. Khoảnh khắc vẫy tay chào tạm biệt đó đã khép lại bảy ngày rất ý nghĩa trong cuộc đời. Viết lên lời cảm ơn sâu sắc nhất gửi tới “Hương Rừng”, cảm ơn thời gian đã đưa tôi đến với “Hương Rừng”. Nếu có một điều ước, tôi xin ước được đến với “Hương Rừng” một lần, và thêm nhiều lần nữa.
Trại sinh trại Bồi dưỡng sáng tác Hương Rừng tham quan tại Bảo tàng Đắk Lắk. T.An
Nguyễn Thùy Trâm: Điều hạnh phúc của tuổi 16
Nếu được hỏi về điều hạnh phúc nhất của tuổi 16, bạn sẽ nghĩ về điều gì đầu tiên? Còn tôi, tôi sẽ kể về cuộc gặp gỡ, những chuyến đi và đoạn tình cảm giữa chúng tôi, những mảnh ghép nhỏ tạo nên trại bồi dưỡng sáng tác “Hương rừng”. Chúng tôi gặp nhau vào một chiều tháng 7, có chút nắng nhạt và mưa ngâu. Đến với “Hương rừng” tôi được gặp gỡ nhiều nhà văn, nhà thơ lớn mà chẳng ngờ sẽ có một ngày mình lại được gọi họ bằng tiếng “thầy, cô” thân thương đến thế. Thầy cô tận tình, nhiệt huyết và hết lòng. Ở đó, chúng tôi được truyền lửa, thắp sáng niềm tin vào văn chương, được thay đổi tư duy về văn học nghệ thuật và bản lĩnh hơn với cái tôi cá nhân. Từ những chuyến đi trải nghiệm, các buổi giao lưu, chúng tôi được mở rộng thế giới quan, tìm ra điểm tốt để phát huy, điểm yếu để khắc phục, có cơ hội được thể hiện bản thân và hơn hết là được chạm đến cảm xúc của văn chương. Các bạn biết không, chưa bao giờ tôi lại dễ khóc đến thế, vì những ngày đến với “Hương rừng” tôi đã được sống thật với cảm xúc của mình mà chẳng cần kìm nén điều gì cả. Cảm ơn cuộc gặp gỡ của thanh xuân, cảm ơn “Hương rừng” đã là một phần trong khoảng kí ức tươi đẹp của tôi.
Trương Nguyễn Hoàng Mai: Nơi ươm mầm tình yêu văn chương
Đối với những người ở lứa tuổi đi học như chúng em, niềm yêu thích văn chương vẫn luôn cháy bỏng, thế nhưng việc thể hiện niềm yêu thích ấy qua từng con chữ vẫn còn vụng về. Làm sao để sáng tác một câu chuyện? Làm sao để viết được một câu văn thật hay? Làm sao để nghĩ ra một câu thơ thật nhiều cảm xúc trôi theo vần điệu? Rất nhiều, rất nhiều những thắc mắc đã đi theo chúng em trên con đường ấy. Và chính vì thế, Trại Hương Rừng đã mở ra, nhằm mục đích nâng đỡ chúng em trên con đường sáng tác. Đến với Trại, không chỉ là sự truyền đạt kinh nghiệm, hay cuộc trò chuyện giữa những người yêu con chữ với các nhà văn Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Lê Thành Văn, mà còn là những chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa, giúp chúng em hiểu biết nhiều hơn về vùng đất nơi mình sinh sống. Tất cả những điều ấy đều đã tạo cảm hứng tận sâu trong niềm yêu thích văn chương của chúng em, để rồi từ ấy có nhiều tác phẩm được ra đời. Dù rằng câu chữ vẫn còn vụng về, thế nhưng con đường phía trước vẫn còn dài, em tin chắc rằng mình sẽ còn học được thêm thật nhiều, cải thiện thật nhiều bằng cách đọc sách, hay từ thực tế xung quanh ta. Như nhà văn Cao Duy Sơn từng nói: “Con đường văn chương dài và gian khổ lắm, ai đi theo vất vả vô cùng, phải có ý chí và nghị lực. Có thể con đường chúng ta đang đi các em sẽ không thể theo đuổi được, nhưng không thành công sẽ thành nhân.” Quả thật là như thế, chúng em sẽ tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương. Dù chúng em không theo đuổi con đường này trong tương lai, nhưng chắc chắn văn chương đã nuôi nấng chúng em thành những con người tử tế, trong đó có những bài học bổ ích mà chúng em đã tích góp được từ Trại bồi dưỡng sáng tác Hương Rừng. Mong rằng chúng em có thể được đồng hành cùng Trại nhiều lần nữa vào những năm tiếp theo, với một niềm đam mê cháy bỏng hơn thế nữa.
Tạp chí Chư Yang Sin số 359 (8-2022)
Thúy An thực hiện
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0