Những tia nắng cuối ngày vội vàng chạy về phía núi Cư Lâm. Trời chiều rải xuống mặt đất một màu vàng nhạt, sắc vàng miên man chảy tràn khắp không gian. Trên cánh đồng, bà con trong buôn, tay liềm tay cuốc hăng say làm cỏ, be bờ. Tiếng hát vang cả cánh đồng. Buôn Trang, kran emô kbao/ Hao hao mnie hra kieng kơ ju ea. Tih buôn ih là ơ ju điêt?/ Trang là ơ ayong a….(- Buôn Trang, tiếng bò rộn vang/ Cười vang bến nước đàn em xinh tươi. Buôn của em ở đâu? Buôn Trang đó anh à…).
Trung tá Hoàng Lan phấn khởi nhìn bà con hăng say, miệt mài làm việc trên đồng lúa xanh mướt. Cô xách mấy nải chuối, khoan thai sải bước trên bờ ruộng, vừa đi vừa ngắm những làn sóng lúa dập dềnh trôi theo vũ điệu của gió. Bà con thấy Hoàng Lan đến, vội lên bờ trò chuyện. Em đưa chuối đến, nhà mình ăn đỡ đói! Mọi người nhìn cô trìu mến. Cả buôn U, buôn Vít và các buôn làng của xã này đều dành tình yêu thương và niềm tin tuyệt đối cho Hoàng Lan – Trưởng Công an xã Ea Kpam. Không yêu thương sao được, công an Lan có trái tim ấm lắm, yêu thương bà con nơi này như người thân. Từ khi cô nhận công tác tại đây, cả xã như được khoác chiếc áo mới. Những mái nhà thủng lỗ chỗ mỗi lần mưa nước chảy long tong, cô kêu gọi mạnh thường quân lợp tôn mới. Rẫy cà phê khô cằn vì đất bạc màu, công an Lan đã kết nối với các doanh nghiệp đầu tư phân hữu cơ, cải tạo đất, kỹ sư đến từng nhà hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo quy trình sản xuất sản phẩm sạch, bình ổn giá đầu ra để bà con yên tâm sản xuất. Trẻ con nghèo có áo quần mới mỗi khi tết đến, xuân về. Công an Lan đâu ngại ngùng với những đứa lêu lổng trong buôn, chiều nào cô cũng ghé qua trò chuyện với chúng bằng trái tim của người chị cả, từ lúc nào chúng đã dành cho cô sự quý mến, để rồi mỗi sáng chúng lại chăm chỉ lên rẫy cùng ama và amí và nhất quyết không nghe bọn xấu giục làm những việc không tốt. Các buôn làng không còn cảnh nhốn nháo vì nạn trộm cắp như trước kia. Lạ thay, từ người già đến người trẻ trong buôn cứ muốn nghe công an Lan nói chuyện, giọng êm ấm và nhẹ như tiếng chim chơ rao rót vào tai những lời hay điều tốt. Bà con thương lắm cô công an có làn da trắng như những hạt bắp đang ngậm sữa, miệng cười tươi như đóa pơ lang, ngày ngày rong ruổi trên mọi nẻo đường để đem đến bình yên cho người dân xã Ea Kpam này.
Gần hai năm trước, Hoàng Lan được điều động về nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Ea Kpam. Khi cô nhận quyết định, không ít đồng nghiệp ái ngại vì xã Ea Kpam là địa bàn rất phức tạp. Ngày nào cũng xảy ra mấy vụ phạm pháp hình sự. Một số người rỉ tai Hoàng Lan: “Em à, người ta phạm pháp thì cứ theo luật mà làm, bắt kẻ phạm pháp chịu tội trước pháp luật. Vụ nào khó quá cứ báo cấp trên là xong”. Hoàng Lan cười tự tin “Dù ở đâu và cương vị công tác nào, em cũng gắng hết sức mình đem lại bình yên cho nhân dân”.
Những ngày đầu đến nhận nhiệm vụ, Hoàng Lan đã xuất sắc triệt phá các tụ điểm đánh bạc và buôn bán ma túy. Cô được cấp trên khen thưởng đột xuất vì đã lập được những chiến công xuất sắc. Nhưng trong lòng Hoàng Lan trĩu nặng bởi bao trăn trở, mục tiêu của cô không phải là những bằng khen kia, mà chính sự an yên của người dân là chiến công mà cô luôn vươn đến. Cô nhói lòng vì sau lần phá án, những mất mát không riêng gì của người bị hại mà còn là nỗi đau của những người cha, người mẹ khi con của mình bị vướng vào vòng lao lý. Cô không thể quên vào một buổi chiều nhập nhoạng, người mẹ với dòng nước mắt lăn dài tuôn ra từ hốc mắt sâu hoắm đắng cay chảy trên gò má sạm đen đến trình báo đứa con duy nhất của mình lâu nay bặt vô âm tín vì đã bị kẻ xấu rủ rê vượt biên trái phép. Ngày nọ, cô và đồng đội vui mừng vì đã phá thành công một chuyên án ma tuý. Nhưng khi đến nhà bắt đối tượng trong đường dây buôn bán ma tuý, tim cô se sắt khi thấy người cha lưng còng, tiều tụy trong bộ quần áo bạc phếch, hai bàn tay nhăn nheo, gầy guộc, bám chặt vào cánh cửa, đôi mắt khô khốc đau khổ dõi theo con trai bị đẩy lên xe chuyên dụng chở nghi phạm. Tiếng gào khóc của đứa trẻ khi thấy mẹ bị bắt vì cầm đầu trong vụ đánh bạc…
Những hình ảnh gia đình ly tán như thước phim luôn hiện rõ nét trong đầu Hoàng Lan, lúc cuồn cuộn chảy tuôn, khi nghẹn đắng đã ghim vào cô nhiều thổn thức. Vì một phút nông nổi, chẳng những họ tự huỷ hoại đời mình mà còn để lại nỗi đau cho bao người thân, khi kịp nhận ra những việc làm sai trái của mình thì mọi chuyện đã quá muộn màng. Trong lòng Hoàng Lan đầy day dứt, Phải làm gì và làm như thế nào để người dân xã Ea Kpam này có cuộc sống an vui? Câu hỏi ấy, suốt bao đêm cứ xoay mòng trong đầu cô. Người ta có thể không trở thành tội phạm nếu có sự ngăn chặn kịp thời, hoặc có người hoá giải những mâu thuẫn khi chưa lên đến đỉnh điểm dẫn đến xung đột gây thương tích cho nhau. Họ chưa hiểu ý đồ của kẻ xấu nên dễ dàng bị dụ dỗ lôi kéo dẫn đến mình phạm tội, đôi khi vì một phút lầm lỡ lại đưa con người ta vào một số phận khác… Hoàng Lan đã biến những trăn trở ấy thành hành động. Sau mỗi bữa cơm chiều, cô cùng đồng đội đến từng nhà tìm hiểu hoàn cảnh để chia sẻ và tìm cách giúp đỡ những gia đình khó khăn, hóa giải những vụ việc khi mới phát sinh. Sự tin yêu của bà con dày lên từng ngày theo sự tận tâm, tận lực của Hoàng Lan, bà con ủng hộ hết mình khi cô lập mỗi buôn làng là một pháo đài phòng chống tội phạm.
Hoàng Lan nhẩm tính, hơn hai tháng nay xã Ea Kpam không xảy ra vụ phạm pháp hình sự nào. Cô nhìn về dòng Krông Năng chảy hiền hòa, sông như một dải lụa êm đềm quấn quanh núi Cư Lâm. Cô thấy lòng thanh thản và bình yên. Mẹ, mẹ ơi! Hoàng Lan ngạc nhiên và ôm chầm lấy con gái. Ai đưa con đến đây? Ba nó và cũng là chồng em. Em không nhớ hôm ngày là gì thật à? Chồng cô pha trò. Hoàng Lan sực nhớ ra, kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Cô nhìn chồng với ánh mắt có lỗi. Anh đã đặt tiệc ở nhà hàng, anh xuống xe chờ hai mẹ con nhé! Hoàng Lan dặn dò đồng nghiệp một số việc cần giải quyết, cô dắt con gái đi xuống. Mẹ ơi, hôm nay con vui quá, lâu lắm rồi cả nhà mình không được đi chơi cùng nhau. Ước gì chiều nào cả nhà mình cũng vui bên nhau như vầy, mẹ nhỉ! Nghe giọng thỏ thẻ của con, Hoàng Lan không khỏi xót xa. Cô thấy có lỗi vì không có thời gian dành cho con nhiều, mắt cô rưng rưng. Không sao mẹ ạ, ba bảo là mẹ vất vả lắm nên con phải ngoan ở nhà với ba, khi gặp mẹ không được mè nheo. Hoàng Lan thầm cảm ơn chồng luôn chia sẻ và thấu hiểu công việc của cô.
Vừa mở cửa xe, người phụ nữ lao tới, ngã khuỵu trước mặt Hoàng Lan, giọng chị nấc lên cầu khẩn “Xin chị cứu con em. Nếu chậm trễ con em sẽ chết mất”. Nhìn vẻ hốt hoảng và những tiếng nấc nghẹn của người phụ nữ, Hoàng Lan áy náy nhìn chồng “ Em xin lỗi, em lại có việc”. Cô ôm con gái vào lòng “Bây giờ, mẹ không thể về cùng con và ba. Hôm sau, mẹ sẽ bù cho con nhé. Mẹ hứa, chủ nhật tuần tới sẽ dành một ngày cùng ba đưa con đi chơi”. Chồng Hoàng Lan nhìn người phụ nữ đang giàn giụa nước mắt với sự thương cảm “Em giải quyết công việc đi”. Con gái phụng phịu, mắt ngân ngấn nước. Chồng cô dỗ dành “Con nghe mẹ nói rồi, chủ nhật tuần tới mẹ và ba đưa con đi chơi, ngoan về với ba, đừng làm mẹ phân tâm nữa”. Bao năm làm chồng của một chiến sĩ công an, anh hiểu và thông cảm với công việc của vợ, khi mọi người được nghỉ ngơi quây quần bên gia đình thì cô cùng đồng đội vẫn phải miệt mài với công việc để mang lại sự bình yên và hạnh phúc cho mọi người. Nhưng trong lòng anh tránh sao khỏi sự hụt hẫng lúc này. Anh nhìn theo bóng vợ khuất sau màn đêm lạnh giá. Ngoài kia, gió vẫn vi vút thổi những điệu nhạc không lời.
- Chị bình tĩnh cho em biết chuyện gì đang xảy ra? Em và các chiến sĩ ở đây bằng mọi cách giúp đỡ chị”. Lời động viên của nữ cảnh sát như một điểm tựa, dù đang vật vã từng giây phút lo cho an nguy của con gái nhưng với sự chia sẻ của Hoàng Lan, chị phần nào vơi đi nỗi sợ hãi.
Bao ẩn ức tuôn theo dòng nước mắt. Mười chín tuổi, Du tìm được bến đỗ bình yên bên người chồng chịu thương chịu khó. Những tưởng niềm vui luôn được chắp cánh trong ngôi nhà nhỏ khi đứa con gái đầu lòng chào đời. Ngờ đâu, chồng Du ra đi trong một cơn bạo bệnh. Sau những ngày chồng mất, chị như người đắm đò, chới với giữa mênh mông sông nước. Đang lúc chênh vênh giữa cuộc đời, người đàn ông tên Hinh đến và sưởi ấm trái tim Du bằng những lời hứa hẹn ngọt ngào về một tương lai rực sáng. Du tan mềm trong những lời hứa bọc đường và tin rằng từ nay mẹ con chị có chỗ dựa vững chắc. Nhưng niềm vui của chị “ngắn chẳng tày gang”. Hạnh phúc của Du như một lâu đài bằng cát, mỏng manh dễ đổ khi Hinh hiện nguyên hình là một tên cờ bạc và nghiện hút, thường xuyên đánh đập chửi bới vợ con. Không thể cam chịu mãi cảnh đọa đày, Du đành ôm con quay về nhà mẹ. Du về nhưng luôn mang nỗi sợ hãi trong lòng, sợ hắn sẽ không buông tha cho mẹ con chị. Chiều nay, đang miệt mài hái cà phê, Du dừng tay bởi tiếng chuông điện thoại dồn dập trong túi áo. Du nghe đầu dây bên kia tiếng của người đàn ông đã từng đầu gối tay ấp với mình mà cứ ngỡ là tiếng sét giáng vào tai “Tao đã bắt con bé Hồng Anh. Mày muốn gặp lại nó, bằng mọi giá sáng mai phải đưa cho tao năm trăm triệu đồng. Nếu mày báo công an và đưa tiền không đúng hẹn thì sẽ không còn cơ hội gặp lại nó nữa. Mày nghe rõ chưa?”. Du như người bị trúng cơn gió độc, mọi vật xung quanh chao đảo quay cuồng, cảm giác như đang rơi xuống vực thẳm.
Màn đêm như một tấm lưới khổng lồ trùm lên trên xã vùng cao, gió bấc tràn về ồ ạt, bủa vây tất cả. Trước trụ sở Công an xã Ea Kpam rừng thông vẫn hiên ngang đón từng cơn gió lạnh. Trong phòng họp, Trung tá Hoàng Lan cùng các chiến sĩ lên phương án giải cứu cháu bé. Qua cách tả của Du, Hoàng Lan và các chiến sĩ nhận định, Hinh là tên tội phạm đang bị truy nã vì tội cướp của, giết người. Cháu bé sẽ rất nguy hiểm khi ở trong tay tên tội phạm đầy thú tính như Hinh. Bên ngoài, tiếng Du nấc nghẹn, tiếng khóc xé lòng lẫn trong gió buốt. Nhìn người mẹ như hóa điên vì lo lắng cho con, trái tim Hoàng Lan mềm nhũn, cổ họng nghẹn đắng. Là một người mẹ, Hoàng Lan thấu hiểu được nỗi đau khi người mẹ sợ mất đi đứa con bé nhỏ, Hoàng Lan tự nhủ, bằng mọi giá phải đưa cháu bé về an toàn.
Bình minh đã ló dạng, chuẩn bị bước sang ngày mới nhưng Hinh vẫn chưa quyết định địa điểm để "giao dịch". Suốt đêm quay cuồng làm theo "lệnh" của hắn, các chiến sĩ mệt rã rời. Thêm một cuộc gọi đầy chất giang hồ khi Hinh đổi ý không “giao dịch” ở xã Ea Kpam: “Mày đón taxi sang xã Ea Ta ngay. Nhớ đưa tiền đủ, thiếu thì tao sẽ chặt tay, xẻo tai con bé. Nếu phát hiện có ai đi cùng mày thì đừng bảo tao là kẻ độc ác, khi ấy có hối hận cũng không kịp nữa”. Chị Du rối bời, nức nở trong tiếng khóc, đầu dây bên kia tên Hinh gằn lên từng tiếng: “Khóc gì, bí mật đưa tiền cho tao, tao trả con”. Hắn bắt Du đổi taxi liên tục, mỗi lần đổi phải để hắn nghe tiếng tổng đài của hãng. Đến xã Ea Ta, hắn hẹn địa điểm “giao dịch” tại một nơi hẻo lánh trên núi đá. Hoàng Lan tìm hiểu, đến được nơi ấy chỉ có một lối mòn rất hiểm trở. Đứng phía trên có thể quan sát được mọi động tĩnh từ dưới, khó khăn trong việc bố trí lực lượng giải cứu cháu bé. Đầu của Hoàng Lan căng như sợi dây đàn với bao suy tính, bao tình huống đặt ra trong việc giải cứu cháu bé. Nhìn người phụ nữ lả đi trong tay mình vì sợ hãi, Hoàng Lan không khỏi lo lắng. Liệu một người người đàn bà “chân chất” và yếu đuối như chị có ứng phó được với một tên tội phạm lọc lõi và ranh ma như Hinh? Từ điểm hắn hẹn đến nơi bố trí mũi phục kích cách hơn 400m. Cả hai mẹ con sẽ gặp nguy hiểm nếu Tổ Công tác không giải cứu kịp…
Người phụ nữ với bộ đồ sờn cũ, chiếc khăn chống nắng trùm kín đầu, tay ôm chặt chiếc túi nilon màu đen trước ngực. Những bước chân trĩu nặng, liêu xiêu và mệt mỏi bước trên con đường độc đạo tiến về ngôi nhà hoang phía trước. Tiếng oang oang từ ngôi nhà phát ra.
- Đến rồi à! Hắn lôi bé Hồng Anh ra. Thấy mẹ, bé nhoài người về trước, hắn túm cổ áo, bé gào khóc: “Mẹ ơi! Cứu con”. “Im ngay, nhận tiền xong tao cho mẹ con mày về. Mày chắc là không báo công an chứ. Nếu báo tao xử đẹp mẹ con mày. Đời tao chẳng còn gì để mất”. Người phụ nữ run run lê từng bước về phía hắn. Chị đi tới, giáp mặt hắn, bất ngờ xé toạc túi đen ném tới tấp cát và bụi vào mặt Hinh. Hắn xoay mấy vòng tránh cơn mưa bụi cát. Cô vội bắn tín hiệu và kéo bé Hồng Anh chạy ra đường. Hắn đã nhận ra, người phụ nữ ấy không phải là Du. Hắn lồng lên như con thú dữ “Đừng trách tao”, rồi phóng con dao về phía bé Hồng Anh. Con dao vun vút hướng thẳng thân thể non nớt. Hoàng Lan lao vào ôm bé. Phập, mũi dao cắm vào lưng, toàn thân Hoàng Lan nhức buốt, cô gắng gượng đẩy bé về phía trước “Chạy nhanh lên con”. Cơn khát máu đã biến Hinh thành con thú dữ thực sự, hắn quyết truy đuổi bé Hồng Anh. Mắt Hoàng Lan nhòa đi, nhìn về phía trước, đồng đội đang chạy đến, cách tầm 200m nữa sẽ không kịp cứu bé Hồng Anh. Hoàng Lan gượng dậy lấy hòn đá, gắng hết sức ném mạnh vào khuỷu chân hắn. Hinh ngã nhào, hắn quay lại nhìn mũi dao đang cắm trên lưng Hoàng Anh. Tiếng đồng đội hét thất thanh “Hoàng Lan cẩn thận”. Tên Hinh gầm lên “Trước sau gì tao cũng chết trong tay chúng mày. Vậy, tao sẽ cho một đứa cùng chết”. Hắn đấm mạnh vào đầu cán dao, mũi dao xuyên qua ngực Hoàng Lan. Một màu đen bao phủ trước mắt Hoàng Lan, máu từ vết thương và miệng cô trào ra. Cô mềm nhũn tên tay đồng đội, thoảng đâu đó Hoàng Lan nghe tiếng chồng đang dỗ con gái “Con gái ngoan nào, chủ nhật tuần tới mẹ và ba đưa con đi chơi”. Hoàng lan mấp máy môi “Mẹ.. về… với…con…đ…â.. y…!”. Hoàng… Lan ơi! Đồng đội lạc giọng gọi cô.
Một màu tang tóc bao phủ lên xã Ea Kpam trong buổi lễ truy điệu hôm ấy. Người già lấy vạt áo lau nước mắt, người trẻ mắt đỏ hoe, lũ con nít buồn bã không muốn bước ra đường. Trưởng Công an huyện tóc đã điểm bạc, vai run lên từng hồi, nước mắt giàn giụa… Lời kể của những chiến sĩ trong chuyến công tác hôm ấy cứ như một lưỡi dao xoáy vào tim ông. Hôm ấy, khi tên Hinh chọn địa điểm quá độc, cả Tổ Công tác bối rối. Nếu chị Du vào đó hắn sẽ không tha hai mẹ con khi hắn phát hiện trong túi chỉ toàn là giấy. Tên Hinh gọi điện giục giã liên hồi, tính mạng bé Hồng Anh được tính từng phút. Mắt Hoàng Lan sáng lên nhìn Du không chớp, dáng của Du cùng hao hao giống mình, cô dùng kế “Ve sầu lột xác”. Đồng đội ngăn cản nhưng cô vẫn cả quyết vào đối mặt tên tội phạm để cứu bé Hồng Anh.
Trưởng Công an huyện nhìn di ảnh Hoàng Lan, lẩm bẩm “Chú đã bao lần dặn cháu, khi hành sự phải nghĩ phía sau còn có gia đình, vậy mà…”. Trời chợt nổi gió. Và gió rít từng hồi liên tục. Trong tiếng rít của gió, ông nghe như tiếng Hoàng Lan nói khi mới vào ngành “Cháu nguyện đem sức mình, kể cả tính mạng để đổi lấy sự bình yên cho nhân dân”. Ông lặng đi “Đồng đội và người dân xã Ea Kpam này sẽ không quên cháu, yên nghỉ con…gái ơi…!
Trần Thị Ánh Nguyệt
Tạc chí Chư Yang Sin số 358 (tháng 6-2022)
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0