Cuối tháng bảy, chị tôi trở lại Đăk Lăk, sau một thời gian ôn thi dài đằng đẵng trên đất Sài Gòn. Vừa hoàn thành bài thi vẽ, chị khăn gói trở về nhà mà không đợi kết quả. Vứt hết áo khoác lên giường ngay sau khi bắt taxi từ bến xe trở về lúc trời còn tờ mờ sáng, thả người một cái phịch lên đấy, im ỉm úp mặt vào gối. Bố mẹ thắc mắc sao không gọi mọi người ra đón, nhưng chị kêu là sợ phiền. Có gì đó kì lạ xảy ra với chị tôi, không phải là ả có dấu hiệu bị bệnh hay gì đó, mà ả trầm tính hơn trước lúc đi thi Đại học. Tuy vậy khi đó, mối bận tâm của tôi không phải thế, mà là ả chẳng mua quà gì cho tôi kia kìa. Trước khi tôi định phàn nàn, ả ném cho tôi hết đống dụng cụ vẽ của ả sau khi đã đánh một giấc từ khi về nhà đến gần trưa:
- Cho mày hết.
- Cái gì cơ?
- Cho mày hết đống đồ để vẽ của tao, chì vẽ, giấy, màu nước, nói chung là đủ thứ đấy.
Ả bâng quơ chỉ tay xuống dưới đống đồ, tôi lưỡng lự nhìn xuống, rồi nhìn lên chị với con mắt khác lạ, như thể có ai nhập vào người ả chứ không phải người chị thường ngày của tôi. Người chắc chắn sẽ mang hoạ cụ chạy ra khỏi nhà đầu tiên nếu nơi ở bị cháy thay vì giấy tờ tiền bạc.
- Nay tự nhiên tốt bụng thế, nhưng tại sao lại cho? Chả lẽ chẳng vẽ nữa à?
- Ừ, không vẽ nữa.
Nói xong, tôi chỉ biết nghệt mặt ra, ú ớ vài câu, còn chị thì bỏ về phòng, chẳng nói chẳng rằng, để đứa em ngồi chơ vơ với đống suy nghĩ. Dưới chân tôi là hoạ cụ của ả, là tất cả những đam mê suốt những tháng ngày sống trên đời, là tiền mà ả góp được từ những buổi chôn chân nơi các quán ăn làm phục vụ. Chẳng lí nào, khi vừa trải qua một cột mốc quan trọng trong đời mà từ bỏ được, trong khi đó chỉ là sự bắt đầu cho hành trình mà ả sẽ theo đuổi sau này – thi vào Đại học Đồ hoạ.
- Sao lại không vẽ nữa?
- Thì là không muốn vẽ nữa.
Cuộc hội thoại của chúng tôi nhanh chóng kết thúc, tôi có gặng hỏi thêm, nhưng đáp lại tôi chỉ là ánh mắt cộc cằn và câu trả lời cộc lốc của ả. Việc chị bỏ vẽ không chỉ thể hiện qua việc cho tôi hết hoạ cụ, đến cả bố mẹ còn nhận ra.
- Vẽ hay thiết kế giùm mẹ cái hình để quảng cáo sản phẩm đi, mẹ đăng lên Facebook bán hàng online.
- Không, con không vẽ đâu.
- Đi, mẹ trả tiền cho.
- Không, con xin lỗi.
Lại thêm một lần nữa chị từ chối vẽ, tôi để ý, khuôn mặt chị có nét gì đó ủ dột. Hay cả việc người ta thuê chị vẽ, chị cũng từ chối, dù rằng công việc đó sẽ giúp chị kiếm được tiền. Trang Facebook thường xuyên đăng tranh vẽ cũng để bám bụi từ tận tháng ba, chị chẳng màng hoạt động mạng xã hội. Bạn bè chung đam mê rủ rê tham gia các hoạt động liên quan đến nó, chị cũng từ chối hết. Chị cự tuyệt hội hoạ, điều này trông còn rầu rĩ hơn việc tránh né mối tình cũ của chị. Ngày trước đâu có thế này, chị từng ham vẽ đến mức dành dụm từng đồng để mua được loại màu nước vừa xịn vừa đắt, ham đến mức mà khi cả nhà đang say giấc trên giường, chị còn chăng đèn sáng trưng để vẽ, ham đến mức mà có thể cãi lại lời bố mẹ để được theo đuổi nghệ thuật một cách nghiêm túc. Rằng là con sinh ra là dành cho hội hoạ, và con sẽ theo nó suốt cả đời. Chị rời khỏi Đắk Lắk, khăn gói lên Sài Gòn ôn thi Đại học, những tưởng chị sẽ trở về, với một tâm hồn đầy sắc màu in lên khung vẽ và báo tin vui cho cả nhà biết.
Nhưng sao giờ mọi thứ lại thế này.
Giờ đây tôi không thể nhìn nhận sự việc một cách bình ổn được nữa rồi. Và trong những ngày mưa tầm tã, làn nước dội vào cửa sổ đến nỗi chẳng nhận ra hình thù gì bên ngoài, tôi lò dò hỏi:
- Chị ổn chứ?
- Chắc là không.
***
Những ngày trở về Đăk Lăk, chị tôi không làm gì nhiều. Nhất là đối với người dành hầu hết thời gian để ngủ như chị. Thời tiết những ngày cuối tháng bảy thất thường như cái tính của ả, khi buổi sáng vẫn còn nắng ầm ầm làm tôi yên tâm mang quần áo ra phơi thì đến chiều đã thấy rơi rớt từng giọt trên đỉnh đầu, nhịp mưa chảy râm ran, ướt hết đống quần áo nếu ngày hôm đó tôi đi học thêm không kịp về. Chị tôi? Chẳng trông chờ được gì, ả lúc đó đang ngủ quên trời quên đất rồi. Ba mẹ nhìn cũng bất lực, và như muốn vực lại tinh thần thuở còn đắm chìm trong những bức tranh vẽ đầy màu sắc của chị, mẹ đề nghị:
- Đi vẽ tranh tường đi! Cái này là công việc tình nguyện mà mẹ đang phụ trách, mày tham gia thử. Không mất gì đâu mà lo, màu vẽ hay bối cục thì bên hội tình nguyện họ phụ trách, mày chỉ việc phụ thôi. Hồi trước mày cũng từng vẽ trên tường nhà mình đó!
- Nhưng đó chỉ là vẽ ngẫu hứng cảnh biển thôi.
- Thì cũng là vẽ tranh tường! Đi đi mà không mất gì đâu!
Chị trông có vẻ lưỡng lự, nhưng tôi biết, những lời chị sắp sửa bật ra khỏi đôi môi sẽ là: “Thôi con không làm đâu”. Đôi mắt mẹ chờ câu trả lời đầy mong mỏi, rồi đánh mắt sang phía tôi, dường như định hỏi lại câu mà mẹ vừa hỏi chị. Tôi gật đầu tham gia chuyến đi với một nửa sự hào hứng, một nửa chờ chị tôi.
- Có lẽ là để đợt sau.
Gì? Đợt sau á? Tôi trố mắt nhìn chị, những tưởng câu trả lời là sẽ chẳng bao giờ có lần nào nữa đâu thì chị lại nói khác những gì tôi nghĩ. Mẹ thở dài, nhưng tôi biết, nhưng tôi hiểu, rằng là chị vẫn còn lưu luyến về mối tình với hội hoạ.
Minh họa: Lê Vấn
Ngày tôi tham gia phụ dự án vẽ tranh tường với hội tình nguyện, chưa bắt tay vào vẽ, lưng tôi như sắp gãy vì phải hết phải làm sạch tường đến sơn lớp lót tường, ai biết được nó sẽ vất vả đến thế này. Tôi ra một góc nghỉ, ngồi coi họ phác thảo bức tranh lên tường. Một cảm giác gì đó hoài niệm ùa đến, nó giống với ngày trước, chị tôi cũng vẽ lên thế này, nhưng tất nhiên là ả chẳng chuyên nghiệp bằng. Chị vẽ cảnh biển ngay trên bức tường của nhà mình, với nắng chảy trên những dải sóng dài. Lúc vẽ xong ba mẹ tự hào lắm, khoe với hàng xóm rằng là bức này không có người thợ nào vẽ được như thế đâu. Nhưng tiếc là, bức vẽ đấy không còn là sở hữu của chúng tôi nữa.
Chợt tiếng chuông điện thoại cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, là chị gọi.
- Alo mọi việc thế nào rồi?
- Trời ơi vất vả chết đi được, tới giúp em đi, xin đó.
- Mẹ bảo trời sắp trưa nên gọi tao qua đón mày, đợi ở đó đi.
Nói xong, ả cúp máy ngang. Khi tôi đang cố hy vọng rằng chị chỉ nói đùa và sẽ đến vẽ cùng thì, tiếng còi xe cub vang lên đã cắt đứt tia hy vọng ấy. Chị phũ phàng gọi tôi về, như cái cách chị đang phũ phàng với hội hoạ. Nhưng niềm tin về việc chị còn lưu luyến của tôi nằm ở chỗ, chị đã đờ người ra khi ngắm các bức tranh tường bên cạnh.
- Mình từ từ hẵng về nhé.
- Ơ thế giờ mình đi đâu?
Chị im lặng không trả lời, bắt đầu lái xe ngược hướng về nhà. Và rồi sự quen thuộc dần hiện ra, chúng tôi băng qua những khu vườn xum xuê lá cây, rẽ qua vài con ngõ, đi trên con đường ghập ghềnh đầy những ổ gà và sỏi đá, cuối cùng, chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà.
Đó là nhà cũ của chúng tôi.
Chị tôi bước xuống xe, xoay bàn chân vét lên tấm ván đặt trước cổng chắn trên miệng cống một tiếng “két”. Rồi ngước lên, nhìn ngắm ngôi nhà qua chiếc cổng sắt đã hoen gỉ, và nhìn ngắm lấy bức tranh tường cũ của chị, đặt ở bên cạnh cửa ra vào, nơi mà ban đầu đáng lẽ sẽ xây thêm cái cửa sổ.
- Bức tranh đầu tiên mà tao không thể giữ lại được.
Tôi im lặng đứng bên ngoài, những hồi ức về khoảng thời gian còn ở nhà cũ ùa về. Chị tôi lúc đó bảo đây là “chơi lớn, để xem ba mẹ có trầm trồ không”. Chị lấy mấy cái tuýp màu có sẵn của chị, mua thêm cả mấy lọ sơn và cả vật dụng để sơn hay cọ cỡ lớn, chị trang bị tất cả trong khả năng có thể. Rồi chị vạch ra bản phác thảo lên trên tường, hăng say đến nỗi bỏ cả bữa cơm trưa, ba mẹ biết chị định làm gì, khi đi qua cũng chỉ tủm tỉm cười và buông mấy câu đùa bâng quơ, rằng là “mày nhỏ gì nữa mà đòi vẽ bậy”. Thế nhưng tôi biết, khi bức tranh chị hoàn thành, người vui nhất là chị, và người hãnh diện nhất là ba mẹ. Mỗi khi khách đến dịp tết là lại dắt ra khoe đủ thứ. Bức tranh như một phần máu thịt của ngôi nhà, đến lúc đề nghị chuyển đi, ai cũng không nỡ. Ba bảo là con có thể vẽ một bức tranh mới. Nhưng ba chẳng biết rằng, tuyệt tác thì không thể nào tái tạo lại y như lần đầu được.
- Sao chị không vẽ một bức khác trên ngôi nhà?
Hoặc một câu khác tương tự vậy:
- Sao giờ chị không vẽ nữa?
Ả đứng trầm ngâm.
- Tao e là hội họa đã rời bỏ tao rồi.
Tôi điếng người, không mong đó là một lời khẳng định mãi mãi về sau. Và trời bắt đầu nổi gió, trước khi tôi kịp kéo chị về bởi những hạt mưa nhẹ rơi rớt trên mái tôn nhà, tôi nghe giọng ả nghèn ngẹn.
- Tao… chẳng thể cảm nhận được màu sắc trên tranh vẽ.
Không cần phải quay lại vẽ ngay, có thể tạm nghỉ một thời gian. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói với chị.
***
Buổi sáng dạo gần đây, chúng tôi bắt đầu đi chơi cùng với nhau, khi thì đi xem phim, khi thì đi trà sữa, lâu lâu ả sẽ đi cùng với bạn học cũ, mới chia tay cách đây vài tháng để ôn thi Đại học. Chúng tôi còn dành cả buổi chiều để đi dạo. Chị bảo ở đây trông còn yên bình chán, chứ ở dưới Sài Gòn, người dân đi bộ nhanh đến nỗi, chị tự hỏi người ta đi đâu mà vội vã đến vậy. Và trên con đường chúng tôi đi, đôi lúc chị dừng lại một hồi lâu, khóa chặt tia nhìn lên mấy bức tranh tường bất chợt xuất hiện trước mắt chị, bằng một nỗi buồn không đáy, chảy đầy trên đôi gò má lấm tấm những tàn nhang. Tôi biết chị đã nhớ lấy mối tình cũ với hội họa sau vài tuần xa cách. Như cái cách tôi thương nhớ lấy những bức tranh của chị khi chúng thật sự được nhập tâm và được thổi hồn vào thật sinh động, chứ không phải đôi ba nét nguệch ngoạc rồi lại vò nát, vứt bỏ vào thùng.
Vài ngày sau, mẹ bảo thêm một ngày chúng tôi được trải nghiệm vẽ tranh tường với hội tình nguyện. Tôi hỏi chị có muốn đi cùng tôi không. Chị bày ra vẻ lưỡng lự, dường như chưa sẵn sàng.
- Tao ngồi chờ ở quán nước đằng kia với bạn, có vấn đề gì thì gọi.
Tôi ậm ừ, niềm mong mỏi trong tôi vẫn chưa bao giờ vơi. Bước đến bức tường với một tâm trạng đầy hỗn mang. Và sự mất tập trung ấy đã khiến tôi vô tình làm hỏng công việc đang dở dang – quẹt một nét cọ bị lệch khỏi cái lá đang cần tô, làm nó bị lem lên phần bầu trời. Ôi Chúa ơi… Tôi run rẩy kêu lên, việc đầu tiên tôi cần làm ngay lúc này là che đi vết tô hỏng trên tường với một vẻ xấu hổ không tài nào xóa được. Ngay khi đang phân vân về cách giải quyết, chị đã xuất hiện ngay đằng sau tôi.
- Sao thế? Tô lem à?
- Ừ, giờ làm sao đây…
- Đưa đây cho tao.
Tôi đưa dụng cụ cho chị sửa lại theo cách của riêng mình trước khi các thành viên khác nhận ra, và thắc mắc tại sao chị ta nắm lấy tình hình nhanh đến thế. Sau này nghe bạn chị kể mới biết, chị cứ dán mắt vào chỗ chúng tôi vẽ suốt, với ánh mắt chứa đựng sự khát khao được cầm cọ vẽ trở lại. Và khi tôi mắc sai lầm, dường như chị thấy đâu đó có chị ở trong tôi, một con người non nớt nhưng có niềm đam mê với hội họa.
- Con có muốn tham gia cùng không?
Mẹ tôi hỏi, sau khi giấu đi con mắt ngạc nhiên khi thấy chị cầm cọ trở lại trước bức tường mà mẹ cùng hội tình nguyện đang phụ trách. Nhưng lần này, thay vì trốn tránh như mọi khi, chị tôi chọn cách đối mặt với nó.
- Dạ vâng, chắc chắn rồi.
***
Trở về, chị ngồi ngay lên bàn học, lôi ra giấy và bút, bắt đầu chuyển động chì với những nét phác đầu tiên. Nhưng dường như chưa đến đâu, chị gục đầu xuống bàn, trông bất lực đến thương.
- Chắc do lâu rồi không vẽ đấy.
- Chẳng lẽ tao lụt nghề rồi sao…
Tôi ngồi trầm ngâm nhìn chị, xong chợt nảy ra một ý tưởng tuyệt vời, reo lên đến nỗi chị tôi phải ngẩng đầu giật mình:
- Chiều mình ra hồ Ea Kao đi.
- Để chi?
- Thì tìm cảm hứng. Họa sĩ cũng như nhà văn nhà thơ thôi. Đã làm nghệ thuật thì phải có cảm hứng mới sáng tác được tác phẩm.
Chị bật cười, gật gù, nói tôi bỗng dưng sao hôm nay phát biểu nghe triết lí vậy. Tôi khịt mũi tự cảm thán bản thân. Chiều đến, chúng tôi phóng ra hồ với con xe Cub đỏ chót, vứt tạm bên lề đường và đi dạo đến hồ.
- Vẽ vời khó khăn quá – Chị vừa đi vừa bảo – Tao chỉ muốn vẽ bầu trời và biển cả, nhưng những thứ tao theo học, tao không chắc có đúng với mong muốn của tao không.
Tôi đi kế bên. Chị kể, trong lớp ôn thi vẽ, có nhiều thứ khác so với tưởng tượng của chị quá. Chị không thể vẽ theo ý thích của mình được. Khi vào lớp, đối mặt với chị là những bức tượng vô hồn, và mình phải học vẽ hình khối, học đánh chì học cách nhìn hướng ánh sáng của chúng để đánh bóng sao cho thật nhất. Đôi khi, căng thẳng đến nỗi chị chẳng dám đứng dậy vươn mình một cái cho khuây khỏa mà ngồi vẽ liền tù tì suốt 4 tiếng đồng hồ. Chị sợ, chị sợ theo học trễ thì mình sẽ chẳng theo kịp mọi người, và hơn hết, chị sợ trượt Đại học.
- Vẽ vời thế này thì sao mà mong đậu Đại học được?
Thầy dạy vẽ đã nói thế. Và chị, một người luôn nhận được lời khen từ những người xung quanh, đã ngã một cái uỵch khi nhận ra vị trí của bản thân nằm ở đâu. Trong lớp ôn thi có rất nhiều người, và để còn thi Đại học thì còn nhiều người hơn, nhưng không phải ai cũng đậu nguyện vọng một. Chị vùi đầu vào ôn thi, học đánh bóng, học trang trí màu, chị chợt quên đi những niềm yêu thích ban đầu là vẽ bầu trời và biển cả. Bố mẹ, họ hàng xung quanh vẫn thường bảo, học vẽ thì chỉ cần thiên bẩm, chỉ cần có giấy bút, không gì là không vẽ được. Chẳng sai, thế nhưng mà…
- Nếu không tập luyện đàng hoàng, sẽ chẳng có cái gì ra hồn cả.
Chị hiểu rằng, ở những nơi tranh đua khắc nghiệt như thế này, sẽ chẳng có ai khen mình giỏi nữa, chỉ có liên tục giỏi lên mới giúp mình tồn tại. Ngày chị thi, không gian yên lặng, chỉ có tiếng sột soạt của bút chì và giấy như hồi trong phòng học ôn. Nhưng có điều không gian mang một mùi nghiêm túc đến căng thẳng.
- Mày biết không, khi tiếng trống báo hết giờ vang lên. Đầu tao choáng váng, và chỉ trong một khoảnh khắc thôi, khung cảnh trong mắt tao như mất đi toàn bộ sắc màu, như chỉ còn chừa lại hai màu trắng đen trên giấy thi. Căn phòng nhợt ngạt, cỏ nhợt nhạt, ngay cả người bạn đi bên cạnh cũng chợt nhạt như tông màu tao pha mỗi lúc vẽ trời âm u. Và thật lạ…
Bất chợt, chị dừng chân trước hồ, mặt trời lúc bấy giờ sắp sửa chạy đi trốn, nhưng may mắn là không vội vã như dấu chân của đất Sài Gòn.
- Khi bước ra khỏi phòng, chị chỉ thấy duy nhất một quả cầu lửa trên nền trời là vẫn còn rực rỡ. Lúc ấy trời sắp sửa tối dần, nhưng những tia nắng dường như vẫn còn lưu luyến dưới ngón chân. Chẳng có gì đâu, chỉ là… chị cảm thấy như được giải thoát. Có gì đó yên bình níu lấy mớ suy nghĩ hỗn mang trong đầu chị. Nhưng chưa tới, chị vẫn cảm thấy mọi thứ thiếu sắc màu ngay sau đó, chị chỉ thấy thật chán nản.
Ả đổi cách xưng hô, và tôi thấy đâu đó trong đáy mắt ả, có một tia hy vọng, hay mong chờ một điều gì đó sẽ đến. Bình yên và dung dị, để chị có cảm giác được xoa dịu về hành trình mà mình sắp trải qua trong thời gian tới. Để chị, người vừa có một cuộc chiến khắc nghiệt tìm lại được con người của mình.
Sắp tới rồi. Tôi thì thầm, khi thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm sắp tới. Những tia nắng rút dần từ đầu bãi cỏ đến chân hồ, chiếu lên đôi gò má ửng hồng của chị, và đi qua khóe mắt để một chốc, chỉ trong một chốc thôi, đôi mắt chị sáng lên. Đằng sau đó là một đốm đỏ xa xa, lấp ló sau đám mây hồng nhạt. Nhưng những đám mây kia không thể khiến nó nhạt nhòa. Quả cầu lửa vẫn rất rực rỡ, dù ở riêng một mình, hay bị mây che khuất, nó vẫn là nó, với một màu sắc chẳng lẫn đi đâu. Như cái cách tôi mong cho chị tôi sau này.
- À, hóa ra cảm hứng nó sẽ tới như thế này sao.
Chị vội vã lôi giấy và bút ra, bắt đầu phác thảo lại. Như thể vừa nhận ra chân lí mới, hay đã được hồi sinh trở lại với một tâm hồn nghệ thuật mới mẻ sau khi vừa vấp ngã trong đời.
TRƯƠNG NGUYỄN HOÀNG MAI
(Trại viên Hương rừng năm 2022)
Lớp: 11A5, Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, Đắk Lắk
Tạp chí Chư Yang Sin số 360 (8-2022)
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0