Tôi từng nói với bạn rằng tôi sẽ gửi cà phê Buôn Mê Thuột đến Thái Nguyên. Bởi tôi muốn bạn cũng yêu thức uống của vùng đất của mình như tôi đã yêu như thế. Có lẽ vì cà phê từ xứ sở này, nếu bạn chỉ một lần thưởng thức, sẽ không thể nào quên được. Như thể đó là hơi thở, tinh túy của vùng đất ba zan đầy nắng gió, nhiều huyền thoại. Bí ẩn và thu hút đến lạ kỳ.
Cùng giống như xứ Thái Nguyên của bạn, bao nhiêu tinh hoa của trời đất, núi non đều dành cho chè. Những đồi chè mướt xanh đến hút mắt, mươn mướt. Như thể đủ gần để những búp non xanh được đón thật sớm những dịu ngọt của sương mai của sớm. Cứ thế mà thanh khiết đấy thôi.
1. Chuyện về cà phê xứ Ban Mê
Người Ban mê thích uống cà phê. Khách đến phố núi Ban mê thì việc đầu tiên sẽ tìm cho mình quán có loại cà phê đặc trưng nhất. Loại mà uống một lần sẽ nhớ mãi.
Vờ như khách gọi ly cà phê đen nóng. Ly cà phê đen với màu đen sẫm ấy, sẽ là sóng sánh, sẽ là không thể trong vắt như nước được mang đến trong chiếc ly nhỏ. Đôi khi chỉ là ½ ly, cũng có khi chỉ có 1/3 ly. Rất đậm đà. Người không quen chỉ cần nhấp một chút có thể say. Mà say cà phê một lần là không bao giờ quên được cái cảm giác lâng lâng, ngây ngất ấy.
Người sành uống cà phê thì luôn chọn cho mình gu riêng. Vì quen. Vì thích. Vì hợp khẩu vị. Quán cà phê ở Buôn Mê thì chiều khách. Bất kể là khách lạ nếu lần đầu đến quán, nhân viên sẽ kiên nhẫn chờ khách gọi. Rồi quay đi, chốc lát sẽ mang đến và đặt khẽ khàng ly cafe xuống bàn. Thêm ly đá. Châm thêm nước trà vừa vơi. Trà nóng vừa đủ. Khách cứ thế nhâm nhi cafe. Suốt buổi cũng được. Quán luôn dìu dặt nhạc. Nhân viên sẽ châm nước vài lượt, đến khi nào khách rời quán mới thôi.
Một ly cà phê ngon. Người pha cà phê phải là người biết thưởng thức. Biết yêu cà phê. Cứ không phải cho muỗng lớn cà phê vào phin, đổ nước sôi, chờ thứ nước màu nâu sẫm ấy được lọc qua phin là uống được. Cũng là cách ủ cà phê bằng cách rót nước sôi trong giữa lòng phin đã nén cà phê đủ chặt, tầm 5 phút. Đậy nắp lại và chờ. Nhưng mỗi người pha theo một bí quyết riêng. Đến nỗi, khách quen thì chỉ uống đúng loại cà phê mình thích.
Cà phê nếu mình tự pha, thì cũng kiên nhân đợi. Từng giọt, từng giọt nhỏ xuống ly rất chậm cũng quen như thế. Thời gian để cà phê giọt xuống đủ cho cữ uống buổi sáng có thể đọc mươi trang sách. Đủ để tưới vài giò lan, cắt vài cành lá bị sâu trong vườn nhà.
Uống cà phê cũng như cách thưởng trà. Thật chậm, nhấp từng ngụm. Nhâm nhi. Tận hưởng vị đắng đậm đà nơi đầu lưỡi với cà phê đen. Hay ngắm nghía say sưa màu nâu sẫm của ly cà phê sữa. Mà nhất là giữa một hôm nào đó, khi trời se se lạnh, nhấm một ngụm cà phê ấm nóng rồi hít hà mùi hương dịu nhẹ, tinh tế, người uống không chỉ thưởng thức cà phê mà còn thưởng thức cả hương vị đậm chất núi rừng.
Quán cà phê nào ở Buôn Mê cũng phục vụ trà. Nhưng hầu hết chỉ là loại trà mạn thông thường. Khó mà có được ly trà đúng chất trà Thái ở nơi ấy. Bởi trà ngon phải được pha đúng nơi. Nơi vườn nhà, bạn bè thân hữu gặp nhau, để nói những câu chuyện thời sự, hoặc tặc lưỡi về nhân tình thế thái trên đời. Trà thoảng thơm ở giữa không gian rất xanh, bên những giò lan trổ hoa từ tốn, đủ yên tĩnh để những câu chuyện vừa khẽ. Trà ấy, có khi được bạn hữu gửi từ Thái Nguyên. Có khi được mua ở cửa hàng. Ở Buôn Ma Thuột, thức gì cũng có. Mà trà Thái nguyên thì có mặt ở vùng đất này từ khi nào không ai còn nhớ được. Chỉ biết là người sành trà, sẽ luôn có ấm trà ngon để mời bạn đến nhà.
"Trà mạn là loại mà người trung niên ở xứ Ban Mê này rất thích". Ảnh: Trần Thị Mùi
Trà mạn là loại mà người trung niên ở xứ Ban Mê này rất thích. Phải là loại trà xanh cánh đen xám, hình móc câu, có mùi thơm tự nhiên của trà chứ không phải ướp bởi loại hoa nào. Trà ấy, khi nâng bình lên, nhẹ nhàng rót trà ra ly. Rót một vòng để khi ấm trà vừa vơi thì ly ai cũng vừa đủ. Ấm nóng như nhau. Vị trà thơm như nhau. Nâng ly trà, xoay thật nhẹ trong lòng bàn tay, ghé mũi hít thật khẽ hương thơm đặc trưng của trà Thái. Nhấm một ngụm.
Người thầy giáo cũ của tôi thường trả lời cuộc điện thoại của đám học trò cũ rằng ông đang uống trà. Khi với bạn bè. Khi một mình. Ông vẫn dặn dò chúng tôi hãy dành thời gian có thể được dành cho việc sống chậm lại. Đôi lần, khi đến thăm thầy, ông pha bình trà. Vừa pha vừa giới thiệu từ xuất xứ của bộ bình trà màu nâu sẫm. Bộ ấm trà tử sa ông được một người học trò tặng khi trở về từ làng gốm Bát Tràng. Cách thầy giáo tôi chầm chậm pha trà cho lũ học trò cũ làm tôi thấy thư thái đến lạ lùng, như thể những ồn ảo của xe cộ, khói xe hoàn toàn biến mất sau cánh cổng. Chỉ còn lại những khẽ khàng và thơm ngát của vị trà trên đầu lưỡi sau khi nhấp ngụm trà đầu tiên.
Một đôi lần tôi nghĩ, chẳng nơi nào giống ở Buôn Mê Thuột. Cà phê và trà lại sóng đôi hài hoà đến thế. Bạn bè lâu ngày gặp nhau. Mời nhau ly cà phê. Nhâm nhi ly trà; Người bạn cũ tuổi trung niên đến nhà thăm nhau. Bạn mời ly cà phê, phin càphê cũng mới vừa nhấc xuống. Còn nóng. Nhấp ngụm cà phê. Đặt xuống. Đón ly trà từ tay bạn, nhấp thật khẽ. Vị đắng của cà phê chẳng hề bị quyện trong vị ngọt của trà. Nhưng chẳng hiểu sao, cứ hoà tan trong người đến thế.
Đôi khi những người bạn trung niên ấy, nhâm nhi cà phê và nhẩn nha thưởng trà. Chẳng nghĩ điều gì khác biệt giữa cà phê với trà. Chỉ xem như đó là hiển nhiên. Phải chăng. Cũng giống như sự đồng điệu lạ lùng. Giữa xứ này của ẩm thực. Và giữa những người bạn tâm giao đó thôi.
Nhà văn Niê Thanh Mai
Chi hội Văn học - Hội VHNT Đắk Lắk
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0