Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ngày đăng: 14/08/2024 14:17
- Lượt xem: 97
- Thích
Ngày đăng: 14/08/2024 14:17
Ngày 14-8, Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Đình Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí UV Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đội ngũ văn nghệ sĩ và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Đắk Lắk đã có chuyển biến tích cực. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện, xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa.
Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu tại Hội nghị.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung, đáp ứng nhiệm vụ chính trị-xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa xây dựng, phát triển văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm Vùng Tây Nguyên; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025”.
Vai trò của văn học - nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đắk Lắk tiếp tục được phát huy và có nhiều dấu ấn mới. Chất lượng tác phẩm ngày càng được nâng lên, có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, hình thức nghệ thuật. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, sân vận động tỉnh, nhà thi đấu đa năng... được đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa, luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao. Nhiều cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới, góp phần phát triển các dịch vụ y tế về số lượng và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk phát biểu tham luận.
Việc xây dựng con người, nhất là thế hệ trẻ phát triển toàn diện, với các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam được các cấp uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tỉnh ban hành Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến khách” gắn với Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 28/3/2022 của Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đến hết năm 2023, 100% các huyện thị xã, thành phố giữ vững kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; toàn tỉnh có 622 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 60,92%. Tỷ lệ thôn, buôn tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa: 85,5%; Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa: 86,5%.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 43 di tích, có 56 di tích tiềm năng, trong đó có 17 di tích quốc gia và 24 di tích cấp tỉnh, có 01 di sản được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các di tích lịch sử là địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục văn hóa, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đình Trung và các đại biểu xem ảnh nghệ thuật của các NSNA Hội VHNT Đắk Lắk.
Tỉnh hiện có 44 di sản văn hóa vật thể, trong đó có 2 di sản được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là Nhà đày Buôn Ma Thuột và Bến phà Sêrêpốk. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn công nhận Sử thi của người Êđê; Lễ mừng thọ của người M'nông (huyện Lắk); Lời nói vần của người Êđê (huyện Cư M’gar); Mo mường ở Đắk Lắk và 01 bảo vật quốc gia có niên đại 3500-4000 năm “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” (huyện Ea Súp), hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Đắk Lắk là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; có 45 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”…
Toàn tỉnh có khoảng 2.307 bộ chiêng, 3.855 nghệ nhân. Có 70 sử thi Êđê, 145 sử thi Mnông. Đắk Lắk có trên 100 loại nhạc cụ khác nhau, mỗi loại nhạc cụ đều có những nét độc đáo, hấp dẫn riêng. Chính vì vậy mà âm nhạc của các dân tộc thiểu số Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên rất phong phú, đa dạng, giàu bản sắc…
Tại Hội nghị, các đơn vị, địa phương đã tham gia thảo luận tập trung đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại và đề xuất, kiến nghị nhằm thục hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW thời gian tới, trong đó lấy con người làm trung tâm, văn hóa là động lực cho sự phát triển bền vững…
Vai trò của văn học - nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đắk Lắk tiếp tục được phát huy và có nhiều dấu ấn mới. (Tác phẩm: Hoa bên người lính đảo - Trần Thanh Long)
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Trung Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất cao với các nội dung báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, cũng như những tham luận mà các đơn vị, địa phương đã trình bày. Đồng chí nhấn mạnh, hội nghị là dịp để các đại biểu, các sở, ngành, địa phương nhận thức sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của giá trị văn hóa, con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, phát triển, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, con người được xác định trong Nghị quyết 33, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 và ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (11/2021).
Đặc biệt nhấn mạnh đến 3 vấn đề: giải quyết tốt mối quan hệ văn hoá với kinh tế ở các địa phương, đơn vị; đẩy mạnh và làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của từng dân tộc trong hệ thống đa dạng văn hoá; xây dựng và phát huy các thiết chế văn hoá xã hội để nâng cao trình độ dân trí cho vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao vấn đề dân sinh cho cộng đồng dân cư.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng bằng khen cho 13 tập thể và 3 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Thuý An
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0