Tác phẩm đạt giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác văn xuôi chủ đề "Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Những chặng đường phát triển" năm 2023.
VHNT- Ngày ấy, khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi đến Buôn Ma Thuột vào một chiều mưa, trong hành trình cơm áo và niềm khao khát tìm hiểu vùng đất mới trên cao nguyên đất đỏ bazan huyền thoại.
Ảnh minh hoạ (NSNA Bảo Hưng)
Hun hút từ Nha Trang ngược lên hướng Tây là một con đường rải nhựa đã hư hỏng nhiều, đèo dốc quanh co uốn khúc. Một con đèo khá hiểm trở uốn cong theo sườn núi bạt ngàn màu xanh, đi mãi lên như một con rồng lượn thật đẹp và có một cái tên cũng thật đẹp: Đèo Phượng Hoàng. Qua hết đèo là một vùng thảo nguyên rộng lớn khá bằng phẳng; hai bên đường thấy bạt ngàn màu xanh của rừng, cỏ lau cỏ lác, chẳng thấy nhà cửa nào cả. Thi thoảng, thấy mấy người đàn ông dân tộc thiểu số cởi trần, đóng khố, vác xà gạc còn phụ nữ mặc váy đen, vai đeo gùi đi trên đường - chắc họ đi rẫy về. Đến Cây số Năm mới thấy lác đác mấy ngôi nhà gỗ, nhà xây; vào đến Cây số Ba (Bến xe liên tỉnh cũ) thì nhà cửa san sát, có không khí phố phường; đến Ngã Sáu thì đúng là phố thật - một phố thị nhỏ lạc vào giữa đại ngàn bao la; cảnh tượng đó làm tôi thấy lạ lẫm, ngạc nhiên và thích thú lắm! Đắk Lắk ngày đó là một tỉnh rộng lớn ở trung tâm cao nguyên miền Trung, trải dài từ huyện Ea H’Leo (giáp tỉnh Gia Lai) đến huyện Đắk Nông (giáp với Sông Bé và Lâm Đồng). Đất đai trù phú, ngô lúa, cà phê tươi tốt và bạt ngàn rừng xanh với nhiều cây gỗ quý, thân to lớn vươn lên bầu trời, tán là xoè ra che mát một khoảng không gian rộng rãi; đi đâu cũng thấy bạt ngàn rừng xanh và một màu đất bazan tươi mới.
Thị xã Buôn Mê Thuột là tỉnh lỵ của Đắk Lắk, có địa hình tương đối bằng phẳng so với nhiều phố núi khác mà tôi biết; đất đai màu mỡ, dòng suối Ea Tam, suối Ea Nu uốn lượn xen những vườn rau xanh quanh phố. Ngã Sáu là trung tâm Thị xã với những con đường đi về các dãy phố và các huyện. Ban Mê ngày đó, xung quanh Thị xã rừng còn rậm rạp và hoang sơ, khí hậu, thời tiết với hai mùa rõ rệt và cách biệt: Mùa mưa từ khoảng tháng Tư đến hết tháng Mười, mùa khô từ tháng Mười Một đến hết tháng Ba âm lịch năm sau. Mùa mưa thì mưa nhiều, gần như ngày nào cũng mưa, mưa từng trận lớn, nước ào ào trên trời đổ xuống rồi tạnh hẳn, thảng hoặc cũng có đợt mưa kéo dài năm sáu ngày. Mùa khô thì đặc sản là nắng và gió, cây cối khô khốc nhuốm màu bụi đỏ, không mấy khi có trận mưa trái mùa như bây giờ. Đêm nằm ngủ thường thon thót giật mình vì những cơn gió, gió lay rào rào trên cành cây và đánh thông thốc vào những mái tôn kèn kẹt rỉ sắt. Mùa khô hạn kéo dài đến sốt cả ruột, cây cối, cà phê không còn đủ nước tưới cứ quăn quắt, ngắc ngoải, nhìn thấy thương và xót xa lắm. Rừng thiêng, nước độc nên bệnh tật cũng rất nhiều, nhiều nhất là bệnh sốt rét, sốt ác tính, sốt xuất huyết. Điều kiện sống còn rất khó khăn, Y tế cũng khó khăn, vệ sinh cũng khó khăn; cứ ký ninh vàng và xuyên tâm liên là xong mọi chuyện, bởi thời bấy giờ, chuyển lên tuyến trên, đi xuống thành phố Hồ Chí Minh cũng khó như… lên trời. Muốn hạ sốt cho trẻ con thì hái lá cỏ mực, đau bụng thì nhai bảy đọt trà xanh, thôi thì ai mách cái gì thì làm theo như thế. Da người khoẻ cũng như người ốm cứ tái xám, có dịp về xuôi, người ta vừa nhìn nước da đã biết người từ Tây Nguyên xuống, không cần trình giấy Chứng nhận Giáo viên miền núi. Thời ấy, đi lại là một chuyện vô cùng nan giải. Từ trung tâm Thị xã về vùng ven có mấy tuyến xe Lam hoặc xe ngựa, chờ cả tiếng đồng hồ mới có một chuyến, người chen chúc nhau, quang gánh móc cả bên sườn xe lủng lẳng rau cỏ, xuống xe ở bến rồi đi bộ lóc cóc gần tiếng đồng hồ nữa để về nhà. Từ Buôn Ma Thuột về xuôi thì khỏi phải nói để đỡ hờn đỡ tủi. Xếp hàng chen nhau mua được chiếc vé xe liên tỉnh đã là một thành tích đáng đem khoe cả xóm. Rồi thì từ tối hôm trước đã nhờ mấy người bạn có xe đạp đến ăn chơi nhảy múa, nghỉ lại qua đêm để mờ sáng hôm sau mắt nhắm mắt mở gồng bế nhau ra bến xe cho thật sớm. Người chờ xe chứ xe có chờ người đâu, ú ớ đến muộn xe nó chạy mất thì bao công sức cố gắng đều đổ xuống suối Ea Tam. Từ bến xe là có cuộc chia tay, chúc nhau an toàn, dọc đường xe hỏng ít thôi và không gặp phải fulrô hay cướp đường; tiếp đến là một hành trình bão táp ba bốn ngày về xuôi, ra Bắc thì thêm vài ngày nữa, người cứ bơ phờ, xác xơ hơn một trận ốm nghén. Có người kể, có lần anh ấy về Bắc, đến huyện M’Drak, đi ngang qua thảo nguyên thì xe hỏng, nằm đấy nhai mì tôm sống đến sáu ngày liền chờ xe sửa xong rồi đi tiếp, nghe mà lạnh hết cả người!
Ban Mê ngày đó còn nhỏ hẹp, từ Ngã Sáu đi về chỉ có mấy con đường đếm được trên mười đầu ngón tay. Đường Ama Trang Long khá lớn chạy vào trung tâm chợ phố, chạm đường Trần Hưng Đạo, cắt ngang là đường Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Y Jut, Điện Biên Phủ. Góc đường ngã Tư Phan Bội Châu - Điện Biên Phủ là bến xe Lam, chủ yếu để chở người đi chợ Thị xã. Đường Phan Chu Trinh đi qua Nhà thờ Chính Toà nối với đường đi huyện Cư M’Gar. Đường Phan Bội Châu chạy dọc xuống nối với đường đi Buôn Đôn, Ea Sup. Song song với đường Phan Bội Châu là các đường Quang Trung, Hoàng Diệu và những đường cắt ngang. Ngã Sáu ra Cây số Ba là một con đường rải nhựa, bên trái là khu đất rộng, bằng phẳng, cỏ lác, cỏ tranh mọc um tùm (gọi là sân bay L. 19); bên phải là những dãy nhà thưa thớt, là đường Nguyễn Chí Thanh (nay là đường Nguyễn Tất Thành). Từ Cây số Ba về hướng Đông là đường về ngã Ba Hoà Bình chia thành hai ngả: một ngả đi về Hoà Đông, nối với Krông Pac, đi Nha Trang; một ngã đi về Hoà Thắng nối với cánh Bắc của huyện Krông Ana. Về hướng Tây Nam là con đường xuống Ea Tam, qua Cổng Số Một là buôn ALê A, ALê B, Ngã Ba Ea Kao rồi xuôi về Ngã Ba Duy Hoà, Cầu 14, nối với Cư Jút, Đắk Min, Đắk Nông. Mùa mưa, nước chảy ào qua những con đường, đổ xuống dòng suối Ea Tam, suối Đốc Học hoặc ngấm vào lòng bazan. Mưa kéo dài, đất đỏ níu chặt chân người, hai phần đất một phần dép, đi lại rất khó khăn; mỗi lần ra ngoài nhớ mang theo cái que để cạy đất dính chặt dép hoặc dính giữa lốp và dè của bánh xe đạp. Mùa khô, những con đường gió cuốn màu bụi đỏ như muốn hất ngược cả người đi đường. Những cuộn đỏ xoáy ngược lên trời theo cơn gió lốc, nhìn xa cứ tưởng là đám cháy; thế nên Thị xã mới có biệt danh BMT (Buồn Muôn Thuở, Bụi Mù Trời)…
Ở Việt Nam, các thành phố đều mang tên địa danh vùng đất mà nó đứng chân hoặc có ý nghĩa nào đó, chỉ riêng Buôn Ma Thuột là thành phố mang tên một nhân vật ở địa phương (1) (thành phố Hồ Chí Minh mang tên lãnh tụ của đất nước). Nhân vật đó dù thời gian không cách xa chúng ta lắm, chỉ hơn một trăm năm, nhưng lại rất ít sử sách ghi chép và lại được bao phủ một lớp khói sương huyền thoại. Theo tục truyền, Ama Thuột là một người dân tộc Êđê có tên là Y Rít sống ở một buôn trong địa bàn thành phố bây giờ (Ở dạng tồn nghi: có người cho là buôn Alê, bên bờ suối Ea Tam, lại có người cho là ở buôn Kô Sier). Lớn lên, Y Rít sức khoẻ, võ nghệ hơn người, được con gái tù trưởng dòng họ Mlô bắt làm chồng. Năm sau, vợ chồng họ sinh được con trai, đặt tên là Y Thuột và Y Rít thành Ama Thuột (cha của Y Thuột). Ama Thuột là một tù trưởng giàu mạnh, nổi tiếng nhất trong vùng: “Buôn hùng mạnh vang xa/ Phía Nam, người M’Nông quý trọng/ Phía Bắc, người Ba Na mến yêu/ Người Lào phía Tây mang voi/ Người Chăm phía Đông mang rìu/ Người Kinh nhiều muối tìm đến” (2). Theo tài liệu sưu tầm được, sau khi tiến hành xâm lược và bình định Tây Nguyên, thực dân Pháp bắt tay vào việc xây dựng bộ máy thống trị. Năm 1904 tỉnh Đắk Lăk được thành lập, đồng thời chuyển tỉnh lỵ từ Buôn Đôn về Ban - Mê - Thuột (Buôn Ma Thuột ngày nay). Sau một năm trở thành tỉnh lỵ, Ban - Mê - Thuột có nhiều thay đổi và thể hiện trên bản đồ năm 1905, trong nội thị đã có Công sứ, văn phòng làm việc, trại lính, nhà tù, bệnh xá, trường học. Từ thời Sabachiê (Sabatier) làm Công sứ Đắk Lắk (năm 1923), người Pháp đã đẩy mạnh xây dựng Ban - Mê - Thuột, tạo ra những thay đổi lớn. Ngày 5/ 6/ 1930, Khâm sứ Trung Kỳ ký Nghị định thành lập thị xã Ban - Mê - Thuột (3). Trên bản đồ năm 1930 ghi nhận phố An Nam - khu phố của người Trung kỳ riêng biệt, ngày nay là trung tâm của thành phố, nơi “ngồi vui” của đình Lạc Giao. Khu phố Tây của người Pháp ở phía đông Thị xã, nay là khu vực đường Nguyễn Công Trứ - Đinh Tiên Hoàng - Hùng Vương và khu Bảo tàng. Từ thời Pháp thuộc đến thời Việt Nam Cộng Hoà, Ban - Mê - Thuột vẫn là một thị xã nhỏ, tỉnh lỵ của Đắk Lắk.
Sau ngày miền Nam được giải phóng, Thị xã đổi tên thành Buôn Ma Thuột (năm 1976) và phát triển với tốc độ nhanh chóng. Ngày 21/ 1/ 1995, theo Nghị định 08/ CP của Chính Phủ, Buôn Ma Thuột trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Đắk Lắk với 13 phường và 8 xã trực thuộc. Ngày 28/ 2/ 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 38/ 2005 QĐ / TTg công nhận Buôn Ma Thuột là đô thị loại II. Ngày 9/ 2/ 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 228/ QĐ/ TTg, công nhận thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Đắk Lắk. Thành phố gồm 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc gồm 13 phường và 8 xã. Đặc biệt, Thành phố có 7 buôn với gần chục nghìn người Êđê sinh sống. Họ vẫn giữ những nét văn hoá truyền thống và lối sản xuất riêng ngay giữa lòng thành phố, đó là các buôn: Kram, Alê, Păn Lăm, buôn Kô Sier, buôn Nao, buôn AKô Dhông, buôn Dung. Buôn Ma Thuột không ngừng phát triển, từ một thị xã nhỏ trở thành một thành phố trẻ năng động, diện tích được mở rộng và dân số không ngừng tăng lên, đến nay đã hơn nửa triệu người. Những đường phố được mở rộng, nhiều tuyến đường mới được xây dựng, đi về nhiều hướng tạo thành những khu dân cư mới sầm uất, nhiều trung tâm thương mại, khu đô thị mới được hình thành. Hệ thống đường tránh vòng quanh thành phố được xây dựng rộng lớn; đường từ trung tâm thành phố đến sân bay mới được xây dựng như một đại lộ làm cho việc giao thương được rút ngắn và thuận tiện. Những quốc lộ nối các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Nha Trang, Đà Lạt cũng được tu sửa, mở rộng giúp cho việc đi lại, giao thương hàng hoá thuận tiện và nhanh chóng hơn. Dự án đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang đang được triển khai, trong tương lai gần sẽ nối liền cao nguyên với thành phố biển, là cơ hội để phát triển mạnh kinh tế xã hội tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột. Nhiều công trình xây dựng, công trình kiến trúc mới được xây dựng kết hợp nét hiện đại và truyền thống rất đa dạng làm thay đổi bộ mặt thành phố. Đặc biệt Buôn Ma Thuột là thành phố nhiều cây xanh; thi thoảng chạy xe trên những con đường được che mát bởi những hàng cây như Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Cừ hay đường Nguyễn Văn Cừ, Trần Nhật Duật, vv… có cảm giác tươi mát và trẻ trung đầy hưng phấn như đang “đi giữa màu xanh yêu thương”. Đến Buôn Ma Thuột, bạn sẽ hoà mình vào không khí văn hoá cà phê của xứ sở này khi cùng bạn bè thưởng thức ly cà phê thơm ngon, đậm đà hương vị trong những quán cà phê dân dã với giá cả phải chăng mà những tỉnh thành khác khó khăn lắm mới tìm được. Nhâm nhi ly cà phê Ban Mê, thấy xôn xao phấn khích, câu chuyện thêm rôm rả, đầu óc bỗng tỉnh táo muốn suy nghĩ và sáng tạo, tay chân cũng rạo rực muốn lao ngay vào công việc của mình.
Khí hậu và thời tiết ở Buôn Ma Thuột hiện nay cũng thật dễ chịu. Có lẽ do biến đổi khí hậu nên mùa mưa không kéo dài lê thê sáu tháng liền như ngày xưa và cũng ít mưa dầm như ở xứ Huế, thường mưa ào như trút nước rồi tạnh hẳn; mùa khô cũng không quá dài như mấy chục năm về trước, giữa mùa khô thi thoảng có những cơn mưa trái mùa giải nhiệt. Mùa nóng, khi các tỉnh miền Trung hay Sài Gòn như đổ lửa thì Ban Mê thoang thoảng gió và rải rác những cơn mưa dông. Mùa Đông, khi ở các tỉnh phía Bắc rét buốt xương da, trâu bò cũng phải ủ mền đắp chiếu, thì Buôn Mê chỉ có cái lành lạnh vừa đủ để các chị các cô diện đủ các loại thời trang rực rỡ sắc màu. Nhiều khoảng thời gian trong năm thời tiết thay đổi rõ nét trong một ngày: ban đêm và sáng sớm trời se lạnh, đến trưa chiều lại nóng bức và chập tối thì mát mẻ, cảm giác rất dễ chịu. Một nét độc đáo nữa là, dù ở giữa xứ sở nhiệt đới nhưng Ban Mê không có gió bão. Những cơn bão lớn từ biển Đông tràn vào miền Trung, khi lên đến cao nguyên thì nhẹ hẳn thành những vùng áp thấp với những trận mưa kéo dài một vài ngày. Ở đây cũng không có hiện tượng lũ lụt như nhiều nơi khác, nước mưa dồn xuống những con suối rồi đổ ra dòng Srêpôk; lũ lụt ngập úng chỉ thi thoảng xảy ra ở các huyện trũng như Lắk, Krông Bông, Ea Súp, Krông Ana.
Buôn Ma Thuột có mật độ xe cộ rất cao, vào tốp đầu của cả nước nhưng nhờ đường rộng, thông thoáng nên rất ít khi kẹt xe, nếu không có sự cố gì thì ôtô đi lại thoải mái và sẵn chỗ đậu đỗ; các nhà hàng, quán sá, công sở đều có chỗ đậu đỗ xe thoáng rộng. Hệ thống các cơ sở Giáo dục, Y tế cũng phát triển nhanh chóng. Từ chỗ chỉ có một Trường Cấp III Buôn Ma Thuột và Trường Phổ thông Lao động, đến nay trên địa bàn Thành phố đã có trên 10 trường Trung học Phổ thông. Hệ thống các trường Tiểu học và Trung học cơ sở phủ khắp các phường xã, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, trong đó nhiều trường đạt Chuẩn quốc gia. Bên cạnh Bệnh viện Tỉnh (nay là Bệnh viện vùng Tây Nguyên) và Bệnh viện Thị xã (nay là Bệnh viện Thành phố), nhiều bệnh viện công lập và tư nhân mới được xây dựng và trang bị khá hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trình độ dân trí không ngừng được nâng cao, chất lượng cuộc sống không ngừng được cải thiện, mọi mặt Kinh tế - Xã hội đều không ngừng phát triển và đạt thành quả tốt đẹp…
Cư dân Buôn Ma Thuột đến từ nhiều vùng miền khác nhau ở những thời kỳ khác nhau. Người Êđê là người dân tộc thiểu số sống lâu đời ở đây với những buôn làng vẫn tồn tại ngay giữa lòng thành phố. Những người Kinh từ các tỉnh miền Trung lên giao thương buôn bán từ những thập niên đầu thế kỷ XX, lập thành xã Lạc Giao. Cuộc di dân của người theo đạo Thiên Chúa từ miền Bắc vào năm 1954 tạo nên cộng đồng người Kinh sống xung quanh Thị xã. Nhiều nhất là cuộc di dân ở thập niên 70, 80 bao gồm cán bộ, công chức được điều động vào Nam công tác và dân các tỉnh miền Bắc, miền Trung lên Đắk Lắk làm kinh tế. Họ sống gắn bó, yêu thương, san sẻ, ít có sự phân biệt kẻ Bắc người Nam. Đến thế hệ con, cháu (trẻ sinh ra ở thập niên 70, 80, 90) thì họ sống chan hoà, không còn kỳ thị Bắc - Nam, Kinh - Thượng, Cộng Sản hay Việt Nam Cộng hoà nữa. Cuộc hôn phối đó đã kiến tạo những nét văn hoá độc đáo của vùng đất này, từ sinh hoạt đời sống, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục đến ẩm thực và cả phương diện ngôn ngữ. Việc ma chay, cưới xin, thờ cúng dần dần hình thành những nét riêng của Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk nói chung. Đó là đồng nhất, chọn lọc những cái hay, cái đẹp từ văn hoá các vùng miền, khắc phục nét hình thức, khách khí thái quá của người xứ Bắc, lọc bớt những nét cầu kỳ, sùng cổ cực đoan của người xứ Huế, hạn chế những nét thô mộc và gia trưởng của người xứ Nghệ để tạo nên nét trang trọng, thân thiện vừa phải và thuận tiện, dễ thực hiện.
Ẩm thực Ban Mê cũng có sự kết hợp văn hoá ẩm thực ba miền, chủ yếu là miền Trung và miền Bắc. Món ăn của người dân tộc bản địa nổi tiếng có cơm lam, gà rừng nướng, thịt heo rừng nướng ống tre, thịt dê nướng mọi, canh chua cá lăng và canh cà đắng. Thực phẩm ở Ban Mê được chế biến không quá cầu kỳ, đậm đà vừa phải, không quá mặn như ở vùng ven biển miền Trung, không quá ngọt như món ăn của người Nam Bộ, không nhạt như ở miền Bắc và không quá cay như món ăn xứ Huế. Nhiều món ngon của các vùng miền đều góp mặt ở Ban Mê nhưng được điều chỉnh chút ít cho phù hợp với khí hậu, thời tiết Tây Nguyên và sở thích của số đông thực khách. Phở Hà Nội ở đây có thịt bò rất tươi, rau thơm, rau xanh và giá đỗ tha hồ ăn cùng ớt xanh thái mỏng cay ít, thơm nhiều. Bún bò Huế, mì Quảng, miến lươn xứ Nghệ, gà hấp chanh, gà nấu lá giang, dê núi Ninh Bình, lẩu cá lăng, canh chua cá lóc, vv… mới nghe đã thấy háo hức rồi. Bên cạnh các loại cá, hải sản tươi sống được chuyển lên từ duyên hải Nam Trung Bộ còn có cá ngon của sông Srêpôk, sông Krông Knô, Krông Ana và nhiều loại thuỷ sản ao hồ. Đặc biệt là món cá lăng nấu canh chua đặt trên nồi lẩu đỏ lửa sùng sục sôi thì thực khách ngậm mà nghe hương vị đặc biệt chảy từ cửa khẩu đến tận tế bào thủ đô. Ở Ban Mê, rau xanh rất phong phú, các loại rau như su hào, bắp cải, xà lách, rau diếp, hành ngò, mùi tàu, vv… của đồng bằng sông Hồng theo dân di cư vào, gặp đất bazan và khí hậu mát mẻ nên rất tươi tốt. Các loại rau dân giã của người miền Trung cũng có mặt đầy đủ, họp chợ cùng các loại rau rừng bản địa như lá mướp đắng rừng, rau rừng, lá giang, măng le, măng tre, vv…Thôi thì không nói nữa, nói lắm lại thèm nhiều! Dân Ban Mê thân thiện, mến khách và đặc biệt bình đẳng, dễ hoà đồng. Vào quán ăn bình dân hay nhà hàng sang trọng, không kể là người địa phương hay khách vãng lai, người Đắk Lăk hay khách du lịch, khách ta hay khách Tây, người giàu hay người nghèo, đều được tiếp đón chu đáo, niềm nở, không có chuyện phân biệt và chặt chém như ở một số thành phố du lịch khác (không dám nêu ví dụ vì sợ họ giận). Trang phục của người Ban Mê cũng rất đa dạng về màu sắc và kiểu dáng. Bên cạnh trang phục truyền thống của người Êđê là quần áo thông thường theo kiểu phương Tây (gọi là đồ Tây) và áo dài truyền thống Việt Nam. Người Ban Mê không phân biệt giàu nghèo, sang hèn ở cái sự mặc như các tỉnh phía Bắc. Ra đường hay vào quán sá, thấy người ta ăn mặc xềnh xoàng thì đừng có cái nhìn coi thường hay kỳ thị; có khi trông lùi xùi như thế nhưng là những đại gia cà phê, đại gia hồ tiêu và doanh nghiệp, thầu khoán; nhà cửa, biệt thự rải khắp nơi từ Sài Gòn, Bình Dương đến cả Vũng Thuyền cơ đấy. Nhìn chung, nam giới ăn mặc giản dị, lấy tiện lợi, thông dụng làm mục tiêu; chỉ khi nào có sự kiện lớn như hội nghị, cưới xin, ma chay, lễ nhà thờ, vv…mới chú ý ăn mặc cho đàng hoàng, phù hợp. Phụ nữ ít chú ý đến cái sự “nhậu” mà để tâm đến việc mặc nhiều hơn. Khi ra đường, vào quán cà phê thấy đám chị em phụ nữ (cả người lớn tuổi và thanh niên) với nhiều kiểu dáng và sắc màu quần áo tươi mới lạ lẫm, cũng thích mắt lắm.
Lớp thanh thiếu niên ở Ban Mê thế hệ từ 7 X, 8 X, 9 X đã kiến tạo một thứ ngôn ngữ khác biệt so với thế hệ trước. Như đã nói, từ sau năm 1975, dân số Đắk Lắk - Ban Mê tăng cơ học với tốc độ chóng mặt; vì thế, tính cộng đồng tự trị ở đây không cao như ở nông thôn đồng bằng, ngoại trừ các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. Những cô gái miền Nam kết hôn cùng trai xứ Nghệ, xứ Quảng; gái miền Bắc lại làm dâu miền Trung trên cao nguyên, gái Êđê cưới chồng người Bắc; gái Thanh - Nghệ lại lấy chồng người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Thành ra, từ trong mỗi gia đình đã có sự giao thoa và tiếp biến của ngôn ngữ nói. Nhiều gia đình một chốn ba quê, con cái đứa nói giọng mẹ, đứa lệch về giọng cha và nhìn chung, chúng hoà trộn giọng nói của cha với giọng nói của mẹ. Đến lúc, cha mẹ chúng cũng phải điều chỉnh giọng nói để hài hoà với nhau trong gia đình; dần dần hình thành giọng nói nghe rất lạ. Đám trẻ con ở Ban Mê rất đáng yêu. Ở trường Tiểu học, mỗi lớp chỉ một cô giáo phụ trách, mà cô giáo là người tứ xứ: có người Bắc, người xứ Nghệ, xứ Huế, xứ Quảng và người dân tộc Tây Nguyên; bởi thế đám trẻ ở lớp nào thì nói uốn éo theo giọng của cô giáo lớp ấy, nghe rất buồn cười! Đến cấp II và cấp III, vì mỗi lớp đều được học nhiều thầy cô giáo với nhiều giọng nói khác nhau, mà các thầy cô giáo trong quá trình giao tiếp và yêu cầu giảng dạy, cũng chuẩn hoá dần phát âm và chính tả; bởi vậy, học sinh ở Ban Mê nói riêng, Đắk Lắk nói chung, dần dần hình thành một ngữ điệu và vốn từ vựng chung khá chuẩn mực. Tôi tạm gọi đó là giọng nói của người Ban Mê. Lớp ngôn ngữ này khắc phục được lỗi phát âm, chính tả của phương ngữ các vùng trong cả nước. Nó không quá luyến láy như phương ngữ Bắc Bộ, không trọ trẹ như giọng xứ Nghệ, không quá mềm lòng như cách phát âm của người xứ Huế, không cứng giòn rôm rốp như cách nói của người xứ Quảng. Lớp trẻ bây giờ không phát âm sai giữa âm “tr” và “ch”, âm “n” và “l”, không phát âm và ký âm sai dấu hỏi - dấu ngã, không phát âm “anh” thành “ân”, “nhanh” thành “nhân” như người Quảng Bình, Quảng Trị, vv… Nghe lớp trẻ ở Ban Mê nói, rất khó nhận ra chúng có quê gốc ở vùng nào, mặc dù thế hệ bố mẹ chúng vẫn giữ giọng nói quê cha đất tổ. Người bảo thủ thường nói: “Chửi cha không bằng pha tiếng” nhưng ở Buôn Ma Thuột thì không thể không pha tiếng, bởi sự hoà trộn các yếu tố ngôn ngữ trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hoá của các vùng miền ở đây là điều tự nhiên nhi nhiên, không thể khác được.
Buôn Ma Thuột là một thành phố trẻ đang vươn mình với khát vọng trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, đô thị xanh, sinh thái, thông minh theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị, trở thành thủ phủ cà phê thế giới, thành phố đáng yêu, đáng sống. Đến Buôn Ma Thuột, bạn sẽ được hoà mình trong những Lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào 40 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn thành phố. Bạn sẽ trở về cội nguồn văn hoá khi đến những nhà dài Tây Nguyên ở buôn Akô Dhông, nghe già làng kể khan Dăm Săn; ngắm những bức tượng gỗ thô mộc mà chứa đựng những quan niệm triết lý nhân sinh sâu sắc; bạn đến buôn Kô Siêr với Lễ cúng Bến nước, nếm thử cái ngọt lành của dòng nước chảy ra từ Rừng thiêng. Bạn sẽ bước lên cầu thang Mẫu hệ để cảm nhận dòng sữa ngọt lành của Mẹ chảy thành dòng SrêPôk, Krông Ana, Krông Knô bát ngát đồng lúa xanh và trắng tuyết mùa hoa cà phê thơm mát. Bạn sẽ tắm mình trong không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên để nghe tiếng chiêng âm vang từ rừng thẳm, âm vang từ cõi xa xăm của lịch sử vọng về. Tôi yêu Đắk Lắk, yêu Ban Mê, yêu thành phố cà phê. Có lẽ yêu nhiều nên nói quá lên đấy thôi; ai tin thì tin, ai không tin thì về Buôn Ma Thuột; có cái nắng, có cái gió… nó nói cho mà nghe…!
Nguyễn Phương Hà
(!) Theo: Lê Vĩnh tài. Một trăm năm không cô đơn của phố núi, Chư Yang Sin số 334, tháng 8/ 2020.
(2) Hữu Chỉnh. Trường ca Nước mắt Trường Sơn, NXB Văn học, 2018, tr 61.
(3) http:// baodaklak – vn/
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0