Tác phẩm đạt giải Bút ký về vùng đất cảm xúc cuộc thi sáng tác văn xuôi chủ đề "Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Những chặng đường phát triển" năm 2023.
Thành phố Buôn Ma Thuột và bát bún, thần thánh!
Vậy cũng đã đi qua hơn bốn năm tôi mới có dịp trở lại vùng đất cao nguyên đầy nắng gió này, Tây nguyên luôn là một ám ảnh trong tôi về vùng đất bao la xanh tốt cây trái, núi rừng hùng vỹ này, miền đất bazan cứ đỏ sậm như vây bủa cả bao la khi tôi ghé vào những khu vườn ca cao, cà phê bời bời hoa trái. Là thành phố của những khu vườn đẹp, là thành phố của những huyền bí mà không phải đến một lần đã khám phá hết…
Bước chân đầu tiên đến sân bay Buôn Ma Thuột là ghi dấu ấn về Tây Nguyên xanh với hàng cây cổ thụ từ phi trường dẫn về thành phố, con đường cây xanh đẹp đến nao lòng bất kể là mùa nào khi ta có dịp đến với miền cao nguyên xanh này. Lần đầu tiên tôi đến Buôn Ma Thuột không bằng đường hàng không mà đi đường bộ từ thành phố Hồ Chí Minh lên sau khi bay từ Hà Nội vào sân bay tân Sơn Nhất, xe ô tô đưa tôi lên vùng cao nguyên đầy nắng gió ấy có thành phố xanh mang tên Buôn Ma Thuột. Rồi mấy lần sau tôi mới có dịp bay thẳng Hà Nội đến Buôn Ma Thuột và rất ấn tượng hàng cây cổ thụ dẫn vào sân bay kia. Dịp mùa hè năm nay tôi có dịp trở lại Buôn Ma Thuột, bỗng như chợt nhận ra, mảnh đất này có nhiều điều rất bí ẩn chưa bao giờ khám phá hết. Mỗi con đường, bản làng đều mang đậm dấu ấn của một Tây Nguyên bảng lảng miền sử thi Đăm San - một sử thi đặc sắc của người Êđê của vùng đất này với câu chuyện của những chàng trai Êđê chiến đấu cho tình yêu đầy lãng mạn và oai hùng…
Vùng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng không chỉ là xứ sở của cà phê, của ca cao, của những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mà Buôn Ma Thuột còn là vùng đất lịch sử đặc biệt, nơi mà các cánh quân của ta mở màn chiến dịch Mùa xuân năm 1975 lịch sử, đưa đến thắng lợi to lớn là công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, non sông được nối liền một dải, mốc son chói ngời trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử. Tây nguyên vẫn nắng ấy, gió ấy và những câu chuyện bất tận về con người và mảnh đất nơi đây.
Buổi sáng đầu tiên ở thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk chúng tôi ngạc nhiên lần đầu biết đến quán bún có tên Bún Bà Mô theo giới thiệu của người bạn dân sở tại. Quán bún Bà Mô đã có tuổi nghề đã 70 năm, và chúng tôi đến con phố thanh bình, dãy phố có những ngôi nhà thấp tầng cũ kỹ và nhìn trước quán bà Mô đã đông nghẹt người buổi sáng. Chúng tôi thốt lên, vì khách đến ăn món bún bò rất đông. Món bún bình dị có khắp đất nước, nhưng mỗi vùng miền các bà chủ quán khéo léo từ lựa thực phẩm đến pha chế để làm nên thương hiệu riêng cho quán bún của mình, đó là giá trị văn hóa ẩm thực dân gian không dễ mà có được nếu người chủ quán không biết cách tạo ra sự hấp dẫn ở bát bún nhỏ bé kia. Bát bún Bà Mô đầy đặn với thịt bò và miếng móng giò đầy ụ, một vị khách ngồi ăn cạnh bàn tôi thấy tôi xuýt xoa bát bún vì đầy quá. Nghe tôi xuýt xoa thế, anh nhanh nhảu nói, tôi còn đặt mấy bát cho bố vợ mang đi Hà Nội bây giờ, mang về cho bà ở nhà được thưởng thức, lần nào ông vào chơi anh cũng đều làm thế. Tôi quá đỗi ngạc nhiên, ôi món bún thần thánh! Chợt nhớ tối qua có anh cháu con người bạn đưa tôi đi quán bún đỏ ở hè phố, lại một dịp được thấy thủ phủ cao nguyên thật nhiều cảm xúc từ một điều bình dị lê la vỉa hè ấy. Là biết thêm món bún đỏ bán hè phố, đứa cháu trai bảo cô nhất định nên thưởng thức món bún đỏ ở Buôn Ma Thuột. Tôi bảo, cô đến đây nhiều chưa nghe món bún này nhỉ, hay là món mới, nó bảo, không cô ơi, món cũ và là món tủ của Buôn Mê đó ạ. Tôi cười ngượng, hóa ra mình chưa biết món ăn dân dã này. Và, khi thưởng thức, thì thật là tuyệt vời với bát bún ngon mắt từ thị giác đến vị giác, tôi gật gù khen ngon, bảo cô ít khi ăn hết bát bún mà nay ăn sạch và cảm nhận ngon vì vị nước vừa vặn, cái sợi bún đỏ to có màu sắc khiến ta liên tưởng như đang thưởng thức một bữa yến tiệc linh đình đâu đó. Miếng chả bò, miếng thịt bò, lá hành tươi xanh thơm rắc đầy bát, với cái sự ăn thì đây thật sự là một cách thưởng thức món ăn hè phố rất tuyệt nếu có dịp đi qua thành phố này. Một món ăn hè phố nhưng chứa đựng tâm hồn, tình cảm của miền nắng gió tây nguyên, và tôi còn sửng sốt hơn đưa tờ 500 ngàn cho chị chủ quán, vì nghe không rõ giọng chị với âm sắc miền Trung chị nói bao nhiêu, hóa ra chỉ là năm mươi ngàn cho hai bát bún to vật đó!
Thế đó, các cụ nói không sai, “đi một ngày đàng học thêm một sàng khôn”, còn tôi đi một ngày đàng đã học thêm mấy sàng thân thương từ những dung dị đời thường quấn quýt ấy. Một hương vị đêm của thành phố cao nguyên đi qua thật êm đềm, thật chậm, và tôi như bâng khuâng ở giữa buôn làng Tây nguyên xa xưa với ngôi nhà rông đặc trưng ở mảnh đất này và những câu hát kể thâu đêm ngày không dứt từ trường ca Đăm San huyền bí. Tôi bâng khuâng giữa phố đêm Buôn Ma Thuột mường tượng đến mảnh đất này đã từng là nơi dừng chân của những người Pháp đầu tiên lập đồn điền, thời Nguyễn là vị Vua Bảo Đại, dinh thự của ngài là dinh tự của tỉnh lỵ thời đó, giờ là Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, là bước chân của nhiều người là cư dân mới từ mọi miền Tổ quốc đã tụ về đây sau chiến thắng lịch sử Mùa Xuân năm 1975 khi đất nước liền một dải!
Và câu chuyện của những người gắn bó với Thành phố
Với Buôn Ma Thuột, nhắc đến tên địa danh đó là tôi nhớ đến câu chuyện của những người là cựu binh thời kháng chiến chống Mỹ mà tôi biết, giờ người thương binh loại 1/4, người là thương binh loại 2/4… Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng mỗi khi biết tôi đi Tây nguyên thể nào các anh cũng hỏi Buôn Ma Thuột bây giờ thế nào, không có cơ hội trở lại chiến trường xưa nữa, nên rất nhớ những ngày ở đó. Nhớ Ngã Sáu thị xã, nhớ trận đánh khởi đầu chiến dịch mùa xuân 1975, nhớ những đồng đội đã ngã xuống ở mảnh đất bazan sậm đỏ ấy… Năm ngoái có một người lính từng tham gia chiến dịch Tây Nguyên đã lên kế hoạch trở lại chiến trường xưa nhưng anh đã mãi lỡ hẹn vì bệnh tật, vì tuổi già, cứ mong trở lại Buôn Ma Thuột một lần mà cũng khó. Anh bảo tôi, đến Buôn Ma Thuột thì nhớ đến Ngã Sáu nhé…Tôi biết chắc chắn, vị trí đó người lính ấy phải có kỷ niệm sâu đậm lắm mới nhắn nhủ tôi thế! Và, tôi chỉ có thể đến và chụp một vài tấm ảnh, và kể lại với người cựu binh ấy, rằng thị xã xưa nay gọi là thành phố Buôn Ma Thuột chỉ có gió và cây xanh là… cũ, còn thì thành phố đã phát triển lắm rồi. Một thành phố mang hơi thở của thời hiện đại, của những sắc diện mới, của những phơi phới thanh xuân ở thủ phủ của cao nguyên, thủ phủ của cà phê, ca cao và nhiều sản vật khác. Là những dấu vết xưa chỉ còn lại trong ký ức của những người cựu binh đã từng dừng chân ở thành phố này gần nửa thế kỷ trước mà thôi…
Vì thế, Buôn Ma Thuột đã như thành một nỗi niềm cứ thắc thỏm trong tôi mỗi khi tôi có dịp trở lại. Và lần này trở lại cũng mang theo bộn bề cảm xúc về một Buôn Ma Thuột bời bời gió…
Người bạn vong niên của tôi là nhà thơ Phạm Doanh là hội viên cựu trào của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, anh đến và ở lại thành phố Buôn Ma Thuột cũng từ lý do rất đỗi…lơ mơ! Chúng tôi cứ đùa thế là kỷ niệm lâu rồi, khi đoàn chúng tôi đến Buôn Ma Thuột, gọi cho anh mà điện thoại cứ nghe đứa cháu trả lời “ông cháu không có nhà”, điệp khúc ấy chúng tôi được nghe gần hết buổi chiều. Khi đoàn chuẩn bị ghé khách sạn thì ông gọi lại cho tôi, ông bảo ơ các bạn vào đến thành phố rồi à, tớ đi uống rượu đọc thơ với bạn từ sáng kia mà, giờ về nghe cháu bảo các bạn gọi tớ! Cả đoàn chúng tôi cùng chỉ biết…cười chứ biết làm sao nữa. Câu chuyện ấy là từ khi nhà thơ Phạm Doanh còn tham gia công tác ở Hội, kỷ niệm vui mà, ai cũng bảo, nếu không thế sao gọi là thi sĩ!
Bận này đến Buôn Ma Thuột nhà thơ Phạm Doanh hẹn chúng tôi ở địa chỉ là đường phố có tên Y Ngông, hóa ra đó là một khu vườn trong trung tâm thành phố rất thú vị. Khi ngồi hàn huyên giữa vườn ca cao nghe tiếng sầu riêng chín rụng lộp bộp sau lưng, thoáng giật mình, nhưng thấy như buổi sáng ấy nhân lên vô vàn niềm cảm xúc vô bờ giữa thiên nhiên lắng đọng. Khoảnh khắc buổi sáng tinh khiết giữa vườn cây đầy hoa quả và tiếng chim véo von tôi và nhóm bạn của nhà thơ Phạm Doanh cà kê chuyện phố, chuyện làng, chuyện văn chương đã cho tôi những cảm nhận về Tây Nguyên trong chuyến trở lại này khác biệt thêm. Nhà thơ Phạm Doanh nguyên là cán bộ nhà máy điện Uông Bí đã…bất ngờ gắn bó với thành phố Buôn Ma Thuột suýt nửa thế kỷ, nhà thơ Hồng Chiến cũng đến Buôn Ma Thuột khá sớm, anh từ Thanh Hóa vào dậy học rồi trở thành người viết văn, viết báo chuyên nghiệp và các anh đều gắn bó với Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk lâu dài. Mỗi người đều có những lý do riêng, đã đến và ở lại với Tây Nguyên xa ngái này. Vị khách khiến tôi nhận thêm niềm vui đó là nhà văn có tên Phùng Đỗ Trọng, tác giả tập truyện có tên Núi rừng im lặng vừa xuất bản mang tặng tôi, thật bất ngờ là gặp nhà văn đồng hương Hải Dương ở nơi này, anh nguyên là phóng viên của Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Đắk Lắk, rồi chuyển sang cơ quan VOV Tây Nguyên đến khi nghỉ hưu. Anh là bộ đội đóng quân ở đây từ cuối những năm 60 của thế kỷ 20. Sau chiến thắng lịch sử Mùa xuân 1975 anh trở ra quê nhà ngoài Bắc, rồi cũng lại ngàn lẻ lý do anh trở lại Tây Nguyên và làm phóng viên và viết văn và ở lại gắn bó với mảnh đất ba zan hùng vĩ này. Giữa vườn ca cao chín, chúng tôi như chìm vào vô vàn câu chuyện của ngày hôm nay, của ngày hôm qua. Chiến tranh, trang viết, người lính và tập tục văn hóa ở mảnh đất này. Như đã nói là lần trở lại này, tôi được ở "kỹ" hơn với Buôn Ma Thuột thủ phủ vùng Tây Nguyên nên có cơ hội biết thêm về những tập tục văn hóa cư dân gắn bó ở đây.
Trong không gian ấy, ngồi lan man với các bạn văn của thành phố này, tôi biết thêm có món sinh tố ca cao. Thứ ca cao ở nơi này rất nổi tiếng, là một trong những sản phẩm sau cà phê ở vùng này có giá trị kinh tế cao. Nếu đến đây chỉ thưởng thức món cà phê trứ danh của miền đất bazan này thì chưa đủ, mà phải có thời gian để nhâm nhi cốc ca cao nóng và cốc sinh tố làm từ ca cao tươi thì có lẽ mới đủ cho ta cảm nhận về hương đất, hương rừng ở đây. Nghe chị chủ nhà giới thiệu sản phẩm từ ca cao với những sản phẩm dinh dưỡng cao và khá đông người sử dụng, giá thành cũng rất được cho người sản xuất, có ca cao bột, có sô cô la từ ca cao, mỗi món sản phẩm là một sáng tạo của người sản xuất chinh phục người tiêu dùng… Ca cao tươi làm sinh tố thưởng thức tại chỗ, là cái thứ nước mà tôi lần đầu thưởng thức, nó rất lạ bởi mùi vị và cái chất dìu dịu man mát chứ không ngọt sắc như loại quả khác. Và sầu riêng thì thôi rồi, thứ quả đặc biệt ngon mà chúng tôi là những "tín đồ" nên mấy chị em tôi luôn rủ rê để được thưởng thức loại quả có mùi vị đặc sắc này và được ăn những trái sầu rụng trong vườn thì ngay những cư dân ở đây cũng rất thích thú được thưởng thức…Và còn nhiều lắm những miền riêng riêng của thành phố Buôn Ma Thuột, những câu thơ của các nhà thơ thân kính của chúng tôi cứ vóng vót gửi lên trời xanh với vô vàn những niềm tin yêu đời, lạc quan và cũng đầy trắc ẩn...
Đến Buôn Ma Thuột tôi coi như được chạm vào miền sử thi Đăm San huyền ảo đã được tiếp cận từ sách giáo khoa thời học sinh! Tôi lang thang thăm Bảo tàng tỉnh, chạm vào những hiện vật ở vùng đất này, những câu chuyện từ hiện vật như tái hiện lại phần nào sự hình thành phát triển của thành phố. Nơi trấn lỵ luôn được coi là thủ phủ vùng Tây nguyên từ thời thuộc Pháp, nơi chứa đựng vô vàn những giá trị được lưu giữ lịch sử lâu đời của thành phố có màu đất bazan sậm màu đỏ tím này. Tôi chỉ là người khách đến rồi đi, nhưng ấn tượng vô cùng về cà phê, ca cao, sầu riêng và nhiều cây trái khác, vị ngọt thơm từ đất bazan đã ngấm sâu vào vị ngọt của quả nên nhâm nhi mãi cái vị ngọt thơm của đất đai cây trái xứ ấy và mênh mang những cơn gió từ phía những ngọn thác hùng vĩ thổi về. Bảng lảng chiều Ban Mê với ngôi nhà từ những toa contener ông chủ khách sạn đã đưa về xây dựng khách sạn rất độc đáo.
Mỗi lần đến thành phố Buôn Ma Thuột là một lần có vô vàn kỷ niệm về đất và người nơi ấy, lần này thì tôi và nhóm bạn không thể quên cô nhà văn trẻ chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đắk LắK Niê Thanh Mai, một mẫu người mà chúng tôi đều phải thốt lên tán thưởng vì quan sát cách làm việc của cô ấy. Một cán bộ Hội có phương pháp làm việc, lãnh đạo, chỉ đạo và “cầm cương” miền VHNT đầy góc cạnh ở Buôn Ma Thuột. Cô ấy trẻ, cô ấy nổi, năng động và đặc biệt quá tâm huyết với công việc, xả thân vì công việc, ở vị trí ấy, nếu không xả thân thì chắc chắn các hoạt động của Hội cũng cứ bình lặng trôi qua theo năm tháng. Nhưng cô ấy đã hình như…không để cho văn nghệ sĩ ngồi yên nghe gió, ngắm trăng, mà cứ khích lệ, cứ thúc đẩy họ bằng hành động với hàng loạt các hoạt động đúng với vai trò tâm huyết của văn nghệ sĩ trong tỉnh. Và khi văn nghệ sĩ được đánh thức, thì các sản phẩm của văn học nghệ thuật đã hiển lộ, đã bồi đắp cho địa phương những giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể vô giá. Là những hoạt động khơi gợi niềm đam mê, nhiệt huyết của văn nghệ sĩ gắn bó với mảnh đất bazan hùng vĩ và vang đầy âm thanh đại ngàn ấy- Âm thanh đại ngàn đã được cô ấy lấy tên cho một sự kiện được đông đảo văn nghệ sĩ và nhân dân tán thưởng, đã mang văn học nghệ thuật, mang văn hóa của Buôn Ma Thuột, của Tây Nguyên lan tỏa khắp mọi miền đất nước, chứ không chỉ ở Buôn Ma Thuột hay ở thành phố Hồ Chí Minh… Bất chợt, tôi còn chợt nghĩ, có lẽ ai cũng chỉ nhớ tên Buôn Ma Thuột, mà có khi đã lãng quên thành phố ấy thuộc tỉnh Đắk Lắk, nhưng lại chợt nghĩ sự bổ trợ thật tuyệt vời khi Buôn Ma Thuột đã trở thành “từ khóa” tìm về Đắk Lắk thủ phủ của cao nguyên bazan hùng vĩ…
Chuyến trở lại Buôn Ma Thuột lần này tôi được nhận thêm nhiều niềm thương yêu từ thành phố xanh đầy gió nắng và sậm màu đất bazan đỏ tím ấy. Thành phố đã đi qua những chặng đường đầy hào hùng của những năm tháng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã đi qua chặng đường dài xây dựng và phát triển để có một sắc diện mới hôm nay, là sự tiếp nhận và chuyển động theo xu thế phát triển của của xã hội thời công nghệ số. Buôn Ma Thuột cứ da diết níu giữ trong tôi màu sậm đỏ của bazan huyền thoại, của âm thanh đại ngàn hùng vỹ.
Vũ Thảo Ngọc
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0