Trên đường từ sân bay về thành phố, ông bảo lái xe tắt máy điều hòa, mở hết các cửa kính rồi say sưa ngắm nhìn, háo hức như lần đầu tiên đặt chân đến cao nguyên Ban Mê. Nào là rừng thông xanh như chưa bao giờ từng xanh như thế. Hàng vạt vạt cao su kiêu hãnh vươn đám cành khẳng khiu trên thảm lá vàng của mùa cây thay áo. Con đường đôi và những trụ đèn nghiêng nghiêng theo dáng cong của con dốc. Và mặt trời, vầng mặt trời “ không muốn rời thung lũng”, rực rỡ, ấm áp chào đón.
Nhạc sỹ Cầm Lương co duỗi bàn tay cứng đờ vì cầm bút ngồi viết đã quá lâu. Chiếc bút chì lăn tròn trên trang tổng phổ bản giao hưởng thơ “Tháng ba – mùa xuân Tây Nguyên”, rơi xuống mặt bàn lót kính phát ra tiếng kêu cạch. Ông vươn vai đứng dậy, làm vài động tác thể dục cho đỡ mỏi. Mạch cảm xúc âm nhạc trào dâng đã giữ Cầm Lương ngồi với trang bản thảo ba tiếng liền không nghỉ. Đắm mình trong những giai điệu âm nhạc lúc mềm mại tựa con suối Ea Tam uốn khúc, mà ông đã có lần lội ngược hôm nào, lúc dào dạt như những cơn gió cao nguyên lồng lộng. Người nhạc sỹ mái tóc đã nhuốm màu mây núi cảm thấy mình đang thật sung sức. Chỉ còn một chương cuối nữa thôi…
Khi nhận lời đề nghị của Hội văn nghệ tỉnh, được Hội Nhạc sỹ Việt Nam hỗ trợ thêm kinh phí để viết một bản giao hưởng lớn, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 120 năm thành lập thành phố miền cao nguyên đất đỏ, ông đã có ý e ngại, liệu có còn đủ tình yêu, đủ sức sáng tạo không? Bởi lẽ ít tác giả ngoài tỉnh nào, trở đi trở lại sáng tác đến như thế cho một vùng quê như ông. Hơn ba mươi năm qua ông đã quá gắn bó, quá mê đắm với vốn âm nhạc dân gian của mảnh đất này.
Sự gắn bó mang lại cho ông không ít niềm vui nho nhỏ, khi trên đường phố có nhiều người nhận ra và hồ hởi chào ông một cách vui vẻ. Có những bài hát của ông được bà con đặt lời bằng tiếng địa phương và coi là dân ca. Có những câu hát đã trở thành hình ảnh điển hình, thành câu cửa miệng khi người ta nói về cao nguyên, với những con người “da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” và cả vùng quê “Ban Mê lộng gió”… Thậm chí đã có lần gia đình ông bàn chuyện mua một miếng đất, dựng căn nhà sàn để lấy chỗ đi về ở đó. Tiếc rằng vì nhiều lý do cả ở phía tỉnh lẫn phía ông, mà nguyện vọng ấy không thực hiện được. Cũng ở đây, trái tim người nhạc sỹ đã có lần rung lên những cung bậc trìu mến với một người con gái mang cái họ Ê Ban như tên một loài hoa. Cô gái có nụ cười trăng khuyết, cặp mắt của nước suối nguồn và đôi má ấm nắng cao nguyên, là nguồn cảm hứng cho những ca khúc đầu tiên của ông về mảnh đất ngày càng trở nên thân thương này.
Vài năm sau này, để làm mới tư duy sáng tạo của mình, ông đã nhận lời mời chuyển sang “canh tác” trên những mảnh đất cùng ở vùng quê bazan đất đỏ, mà âm nhạc dân gian không hề kém phần màu mỡ, nơi thành phố Plei Ku hay thành phố ven bờ sông Đăk Bla cát trắng. Ở đó, lâu nay người ta đã “thâm canh” khá kỹ, tưởng như đến mức cạn kiệt những đường nét giai điệu các quãng nửa cung quen thuộc. Nhưng với Cầm Lương, con người và thiên nhiên bắc Tây Nguyên vẫn hoàn toàn còn là mới mẻ. Quả vậy, không biết có phải những ánh mắt đong đầy như mặt nước Biển Hồ và nụ cười làm tan sương mù phố núi của các nàng sơn nữ “má đỏ môi hồng”, làm chung chiêng cả những vòng suang đêm hội hay không; mà ông lại có tiếp những tình khúc với nhiều ý tứ mới lạ. Là người nghệ sỹ sáng tạo, ông rất sợ cảm xúc của mình đã quá chai lỳ, vì đã từng trở đi trở lại nơi đây không dưới vài chục lần, tưởng như không còn gì để khai thác nữa. Khi nhận lời với địa phương, ông Chủ tịch hội Nhạc sỹ Việt Nam lúc lắc mái đầu bạc phơ phơ bảo ông:
– Chính cậu! Chính cậu chứ chẳng còn ai khác. Cậu quá hiểu mảnh đất ấy, âm nhạc ấy. Phải trở lại, phải viết một cái gì đó cho “ra tấm ra miếng”. Không phải chỉ cho sự nghiệp sáng tác khí nhạc của riêng cậu, hay để xứng với đồng tiền bát gạo Nhà nước và Hội đầu tư cho đâu nhá. Đó còn là sự trả nghĩa cái miền đất đã mở cho cậu một “cửa hàng”, một thương hiệu đầy uy tín như thế. Cậu hiểu không?
Thế là một lần nữa ông trở lại. Tất nhiên vẫn cả nỗi ngại ngần trong tâm tưởng.
Từ nhiều năm nay, lần trở về nào ông cũng cảm nhận rất nhanh hơi thở rất riêng của vùng đất này. Vậy mà hôm nay ông vẫn bị bất ngờ khi vừa mới đặt chân lên bậc thang đầu tiên ở cửa máy bay. Cái hương vị đặc biệt của cao nguyên Ban Mê đã ùa vào ông, mãnh liệt và ào ạt tới khiến ông muốn rưng rưng. Chao ôi là gió. Gió đè rạp rồi lại nâng niu đung đưa như chao võng những vầng hoa dã quỳ vàng như ánh nắng, ken dày đặc quanh sân bay. Gió ào tới giật tung chiếc mũ dạ rộng vành, quất ràn rạt vào mái đầu trần, vào mặt, vào thân thể ông. Vừa như đứa trẻ trêu chọc người mình yêu quý, vừa như quấn quýt chào đón, như thứ tình cảm mà bạn bè ông thường quen gọi là “trữ tình rực lửa” của con người và thiên nhiên nơi đây. Hương hoa cà phê ngan ngát, lẫn trong vị thơm đắng của hương dã quỳ thấm sâu vào tận huyết quản, khiến ông bồi hồi, nôn nao đến nghẹt thở.
Trên đường từ sân bay về thành phố, ông bảo lái xe tắt máy điều hòa, mở hết các cửa kính rồi say sưa ngắm nhìn, háo hức như lần đầu tiên đặt chân đến cao nguyên Ban Mê. Nào là rừng thông xanh như chưa bao giờ từng xanh như thế. Hàng vạt vạt cao su kiêu hãnh vươn đám cành khẳng khiu trên thảm lá vàng của mùa cây thay áo. Con đường đôi và những trụ đèn nghiêng nghiêng theo dáng cong của con dốc. Và mặt trời, vầng mặt trời “không muốn rời thung lũng”, rực rỡ, ấm áp chào đón. Thành phố đổi thay nhiều quá. May thay, bên cạnh những ngôi nhà hình hộp, còn có những mái nhọn đầu hồi xiên xiên đỏ tươi, mang dáng hình mái nhà dài, rực lên trong nắng, là còn giữ được dáng vẻ kiến trúc riêng của miền đất này. Cảm xúc dâng trào khiến ông quên cả ăn, không gặp bất kỳ ai, ngồi ngay vào bàn với những trang tổng phổ chi chít nốt nhạc.
Bảy ngày trôi qua thật nhanh. Chương mở đầu, rồi phần trình bày và phát triển chủ đề âm nhạc, với những đường nét của dân ca Êđê quán xuyến đã hiện dần lên như một bức tranh thiên nhiên cao nguyên mùa xuân nở đầy hoa tíu tít với bầy bướm vàng lượn vòng trong nắng ấm và trời xanh. Một làn điệu k’ứưt tự sự kể lể tâm tình, như tâm trạng bồi hồi của người con xa quê lâu ngày trở lại. Một làn điệu arei giao duyên rạo rực của tình yêu, hòa quện vào nhau, nâng niu lẫn nhau. Tiếng sáo vỗ cất lên lảnh lót mà dịu dàng, như một cánh chim ktrâo chao nghiêng đôi cánh lượn vòng trên bầu trời cao nguyên, xanh mênh mông những vạt mây trắng. Luồn êm ả trong cái nền trì tục của tiếng ching Mđŭ và sự dẫn dắt của âm điệu dàn ching knah, là một chủ đề dân ca khác xao xuyến qua tiếng t’rưng trong trẻo, chảy tràn trề như dòng suối mát. Thật kỳ lạ, chỉ là những chấm nhỏ của bảy nốt nhạc trên các dòng kẻ, vậy mà khi âm thanh cất lên, diễn tả được hết nỗi khát khao đến tận cùng của tình yêu và hạnh phúc con người thế ư?
Chỉ còn chương kết. Nhưng trước khi bắt đầu viết tiếp, ông muốn ngưng lại thư giãn, thay đổi một chút cảm xúc của mình, để diễn tả cho được cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân đội và bà con các dân tộc Tây Nguyên mùa xuân ấy. Khép nhẹ cánh cửa cho không gây nên tiếng động, người nhạc sỹ nhón chân bước xuống cầu thang. Anh bảo vệ nằm ở góc phòng bật dậy khi thấy bóng người. Khoát tay cho anh ta yên tâm, ông mở cửa bước ra đường. Không khí se lạnh của trời đêm cao nguyên đột ngột vây bọc, tạo nên một cám giác sảng khoái đến kỳ lạ.
Những lần trước đến Ban Mê, ông chỉ thích chọn những nơi xa trung tâm để tránh sự ồn ào. Nhưng lần này, người phụ trách lễ tân của Hội văn nghệ muốn ông cảm nhận được tất cả không gian lẫn không khí của thành phố mới, nên nhã nhặn yêu cầu ông đến khách sạn Vitoria, ngay giữa ngã sáu trung tâm, bên cạnh khu tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột. Chỉ chọn một phòng cuối dãy, có cửa sổ quay ra phía sân trong cho đỡ ồn ào, tránh ảnh hưởng đến tư duy sáng tạo của ông.
Bước chân lững thững đưa ông sang đường phía bên chiếc hồ nước dưới chân tượng đài. Đêm đã sâu. Lẫn trong tiếng vòi phun đổ nước rào rào xuống mặt hồ, là văng vẳng lúc gần, lúc xa tiếng ching của một buôn nào đó, vẫn còn đang “mùa ăn năm uống tháng” mà. Ơ hay, có lẽ nào thuở xa xưa mình đã từng sinh ra trên mảnh đất này nhỉ ? Là người Êđê ư? Hay Bâhnar? Biết đâu chẳng đã có hồi mình trần, chân đất, vai mang xagat và chiếc kèn đing năm, theo một gót chân thấp thoáng dưới gấu váy lên rẫy? Hay trong hình hài một cô gái duỗi chân ngồi dệt bên tấm thổ cẩm đẹp như hoa?
Hít sâu vào lồng ngực hương ngọc lan thoang thoảng ngọt ngào, ông tủm tỉm cười. Không hiểu cây hoa Ngọc lan ông thị trưởng Phạm Hai trồng “đền” nữ bác sỹ H’Mlan nở hoa chưa nhỉ? Ai bảo để cho những người chủ mới của khách sạn Anh Đào chặt bỏ cây ngọc lan ngay đầu đường Ama Trang Lơng ngày đó? Còn cái ý tưởng mỗi đường phố trồng một loài hoa của ông ấy, thực hiện đến đâu rồi không biết? Ừ, chưa hề có một thành phố nào lại đặt tên đường những là “phố Ngọc Lan”, “phố Bằng Lăng”, hay “phố Phượng Tím” nhỉ? Nhưng như thế cũng rất hay chứ sao? Đặt tên đường cũng là một thứ văn hóa đấy.
Nhịp ching xa xôi dìu từng bước chân người nhạc sỹ trong đêm. Đêm Ban Mê. Một đêm như thế này, nhịp ching knah trong bập bùng ánh lửa nhà sàn dài, mùi hương cỏ dại trong tóc và nụ cười của cô gái mang họ hoa rừng, cả hương cà phê nữa, đã khiến “đêm huyền thoại, đêm dừng lại… rượu cần say, rung từ ngực em, như tình nồng say, rung từ ngực anh…nhịp của thác xoáy, nhịp của lửa cháy *…” cho ông gặp “nó” lần đầu tiên cách đây hơn 30 năm, rồi gắn bó đến tận thẳm sâu tâm hồn với miền đất này. …Phía bên kia chiếc xe tăng, khuất sau ánh sáng trắng của những ngọn đèn cao áp, có dáng một phụ nữ mặc áo dài đứng thẳng người, cả thân hình và mặt đều hướng về đại lộ Nguyễn Chí Thanh từ phía Bắc chạy thẳng vào thành phố.
– Đêm hôm khuya khoắt thế này…
Không đợi ông nói hết câu, người phụ nữ chợt quay đầu lại, như để nhận diện người vừa đến sau lưng. Dường như có một ánh chớp sáng lên trong đôi mắt lại vội quay đi.
– Ông lạ lắm với việc tôi có mặt ở đây ư?
– Thành phố này rất bình yên. Nhưng đêm khuya, một mình, lại là phụ nữ, cô không ngại gì sao?
Một phút im lặng. Một câu hỏi khác vang lên
– Ông có đúng là nhạc sỹ Cầm Lương?
– Sao cô biết tên tôi?
– Ông xuất hiện hơi nhiều trên truyền hình. Những bài hát của ông các học trò tôi và thanh niên tỉnh này cũng hát nhiều như thế mà.
– A! Vậy tôi biết cô là cô giáo rồi nhé. Thế cô giáo làm gì một mình trong đêm ở đây? Tôi có thể được biết không?
Người phụ nữ đứng lặng im một lúc rồi từ từ quay lại phía Cầm Lương. Một cô gái còn trẻ. Sống mũi thẳng, cái miệng không cười mà thấy vẫn tươi. Nhưng đối diện với cô, ông lại nhận thấy một đôi mắt đẹp mà buồn như rừng đêm.
– Dường như đêm nay, cuộc gặp gỡ này là định mệnh. Số phận dành sẵn cho ông và tôi vậy.
– Cô nói gì tôi chưa hiểu ?
– Ông không hiểu cũng là đúng thôi. Ông chưa hề biết tôi. Còn tôi cũng chỉ biết tên ông qua những bài hát và “gặp” ông trên truyền hình thôi. Nhưng gương mặt ông không dễ lẫn với những khuôn mặt khác, nhất là bộ râu quai nón và chiếc mũ. Người vùng này nhận ra ông đâu khó.
– Nhưng điều đó có liên quan gì đến việc cô có mặt đêm nay ở đây đâu?
– Vâng! Tôi không hề biết việc ông đang ở thành phố này. Hôm nay tôi theo đoàn học sinh giỏi của huyện về tham quan thành phố. Ban ngày nơi đây ồn ào, lại còn phải theo các em tới mọi địa điểm thăm quan. Chỉ đến ban đêm, mới mong tìm được cho mình những phút giây yên tĩnh.
– Vậy thì điều ấy càng không liên quan gì đến sự có mặt của tôi.
– Đúng thế. Tôi đến đây chỉ vì kỷ niệm của riêng mình thôi. Khi nào có dịp về thành phố, tôi đều chờ đến nửa đêm để tới đây. Cha tôi đã hy sinh tại chỗ này. Ở chính Ngã Sáu nơi chúng ta đang đứng đây, vào tháng ba năm bảy lăm. Chỉ vài giờ trước khi thị xã hoàn toàn thuộc về quân Giải phóng.
– Ô! Thật là điều kỳ diệu và may mắn cho tôi. Tôi đang…
Dường như không nghe thấy tiếng nói của Cầm Lương, cô gái vẫn đắm chìm trong những ký ức của riêng mình :
– Cha tôi là bộ đội trinh sát. Ông bí mật cùng với hai chú nữa về ở ngoài rẫy của ông bà ngoại tôi, để nghiên cứu địa bàn, chuẩn bị cho trận đánh vô quận lỵ. Sau đó, cha theo đơn vị xe tăng đánh Buôn Ma Thuột luôn. Hồi đó amí không chỉ dẫn đường để các chú luồn rừng vô thị xã, mà còn thay ông bà ngoại đem cơm ra rẫy cho họ nữa. Có bữa nhà hết gạo, ông bà ngoại dành củ mì cho cha và các chú, cả nhà ăn củ chụp nấu chung với bí đỏ …
– Và chuyện tình rất đẹp giữa anh bộ đội giải phóng với cô sơn nữ đã diễn ra bất chấp cả phong tục lẫn gian khổ chiến tranh?
– Vâng! Tất nhiên là như vậy. Cốt chuyện đã cũ rích phải không ông? Nhưng với tôi thì không thế. Chuyện tình đó đối với tôi thật đẹp. Dù cho tôi chào đời không biết mặt cha, cũng chưa một lần nào được về quê cha. Amí tôi còn chưa bao giờ được đặt chân đến đây. Bà không thể biết rõ cha tôi đã ngã xuống ở chỗ nào quanh khu vực Ngã sáu này.
– Ồ! Tôi rất tiếc. Nhưng sao cô lại để mẹ bằng ấy năm không đến được nơi đầy những kỷ niệm thiêng liêng này ?
– Chỉ vì không có điều kiện thôi. Ông không biết, chứ cuộc sống ở những buôn làng xa xôi như gia đình chúng tôi, kiếm được đồng tiền đâu có dễ dàng gì. Tôi tốt nghiệp lớp 12, rồi thi đỗ vô Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Ông bà ngoại phải bán gần hết đàn bò để nuôi tôi và một người chú nữa học hết ba năm học phổ thông trung học ở trường huyện, rồi bốn năm đại học. Amí tôi thường dặn “Phải học giỏi con ạ. Amí chẳng đi được đâu vì không có tiền, cũng không biết hết chữ, không biết hỏi đường. Con học giỏi để có thể tìm về được quê của ama con. Biết đâu còn gặp được ông bà nội”. Tôi học xong, về dạy cấp II tại buôn cho gần nhà, tiện chăm sóc amí.
– Thế quê cha cô ở đâu? Cô có biết không?
Cô gái vẫn miên man với những ý nghĩ của mình. Có thể như đây là lần đầu tiên cô được nói lên câu chuyện của gia đình mình với một ai đó.
– Tôi không biết đơn vị của cha có tìm được thi thể ông không? Nếu có thì mộ ông chôn ở đâu? Ông bà nội có nhận được giấy báo tử không? Có bao giờ họ đi tìm mộ của cha tôi không? Hàng chục năm nay, ngày nào ông bà ngoại và mẹ cũng nghe mục “Nhắn tìm đồng đội” trên đài phát thanh, đài truyền hình. Nhưng chẳng bao giờ thấy có tên cha cháu.
Cô gái bỗng chuyển sang xưng cháu một cách rất nhẹ nhàng. Bất giác, nhạc sỹ Cầm Lương cũng chấp nhận ngay theo cách xưng hô ấy.
- Thế ngày ấy đơn vị không có ai về báo tin cho gia đình cháu à?
– Không chú ạ. Bởi vì chuyện cha mẹ cháu thương nhau không ai biết. Ngay cả các chú cùng đi trinh sát với cha cháu cũng không biết mà. Nghe nói hồi đó, nếu có quan hệ với người dân địa phương, nhất là quan hệ nam nữ, là bị kỷ luật nặng lắm, phải không chú ? Đơn vị cha cháu là gì, mẹ cũng đâu có biết, hồi đó thấy bộ đội cần là giúp thôi. Cha biết là có cháu, còn dặn mẹ đặt tên nữa chứ. Nhưng cha con không bao giờ được biết mặt nhau. Cháu sinh cuối năm 1975 mà chú. Mãi sau này cháu biết được cha mất, là do đọc bài báo của một bác gì đó cùng đơn vị, nhắc đến những người đã hy sinh ngày 10.3.1975 tại Buôn Ma Thuột, trong đó có tên cha cháu. Nhiều năm sau giải phóng, gia đình cứ nghĩ chắc cha đã về quê rồi và thương tật hoặc không có điều kiện quay lại tìm mẹ nữa. Cũng như gia đình cháu làm gì có tiền mà đi lên Buôn Ma Thuột lấy một lần ấy mà. Hoặc như các chú đã cùng ở rẫy nhà cháu hồi đó, cũng đâu có ai trở lại. Người trong buôn nói ra nói vô vì cháu không có cha. Nhớ cha. Amí khóc miết, mù cả hai mắt lâu rồi chú ạ.
Một khoảng lặng giữa hai người. Nhạc sỹ Cầm Lương khe khẽ thở dài rồi hỏi :
– Chú chưa biết tên cháu? Mà cha cháu quê ở đâu?
– Amí chỉ biết cha cháu quê miền núi phía Bắc. Cha hẹn giải phóng xong sẽ đưa mẹ về quê. Nhưng ở đâu thì mẹ không nhớ. Cháu tên là Cầm Cao Nguyên.
Nhạc sỹ Cầm Lương đứng lặng. Gió từ đâu bỗng thốc lên quẩn quanh chiếc xe tăng, thổi tung như muốn giật bay vạt áo dài của Cầm Cao Nguyên. Từ phía bên kia đường trước cửa nhà thờ, bóng những người lính quân phục xanh màu lá, đầu đội mũ mềm, súng aka báng gập cầm trong tay, chạy lom khom băng về phía đàì phát thanh. Người lính chạy đầu tiên dáng vươn như bay trên đường phố. Tiếng súng nổ. Tiếng la hét. Tiếng truyền lệnh. Ầm ầm, ù ù vang vang. Khói đạn pháo che mờ cả cảnh vật. Người chiến sỹ và người mẹ trên tượng đài cùng bước xuống đứng bên hai người. Im lặng. Từ trong chiếc gùi trên vai Mẹ, một cành hoa dã quỳ vươn lên, vươn cao. Xòe bung những cánh vàng kiêu hãnh.
***
Bản giao hưởng thơ “Tháng Ba – mùa xuân Tây Nguyên” đã chuyển sang hồi kết. Tiếng kèn trompet giục giã lướt nhanh qua những âm chủ ổn định báo hiệu chiến thắng. Toàn bộ dàn nhạc cùng lên tiếng với tốc độ rất nhanh và cường độ cao nhất ở chùm hợp âm cuối cùng. Tất cả vụt ngừng lại theo cái phất tay mạnh mẽ của người nhạc trưởng già dáng cao gầy sang trọng. Nhà hát Lớn Hà Nội lặng đi một giây rồi rào rào tiếng vỗ tay vang lên, kéo dài không dứt. Nhạc trưởng mời cả dàn nhạc đứng dậy, cúi chào một lúc lâu, rồi giơ tay mời nhạc sỹ Cầm Lương lên sân khấu. Đi sau ông là Cầm Cao Nguyên trong trang phục thổ cẩm Tây Nguyên, ôm bó hoa lớn trao vào tay nhạc trưởng.
Nhạc sỹ Cầm Lương đứng ngây người trong tiếng vỗ tay kéo dài. Nước mắt tràn mi. Tay ông siết chặt bờ vai nhỏ ấm nóng của Cầm Cao Nguyên.
H’LINH NIÊ
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0