-Trích Hồi ký Y Ngông Niê kdam-
Ở kỳ họp thứ I của Quốc hội Việt Nam, tôi được bầu vào Ủy ban Thường trực. Cuối năm 1946, đang công tác ở Ban Dân tộc miền Trung tôi nhận được điện của Ủy ban Thường trực Quốc hội gọi ra công tác bên cạnh Chính phủ tại chiến khu Việt Bắc. Tôi chần chừ mãi không muốn đi, vì suy nghĩ đắn đo: “Người Êđê chúng tôi ít khi đi xa gia đình. Quê hương mình đây, bà con mình đây. Ra đi lần này xa quá, biết ngày nào về lại được?”.
Anh Bùi San, người đã dẫn dắt tôi từ những ngày đầu cách mạng giành chính quyền ở Đắk Lắk gọi tôi tới động viên “Y Ngông hiện là ủy viên Ban Thường trực Quốc hội. Lệnh của Ban gọi ra Việt Bắc làm việc thì phải chấp hành chứ. Ra đó cậu sẽ được gần Bác Hồ, gần Chính phủ, Quốc hội, học tập được nhiều điều hơn. Sau này chiến thắng sẽ về lại với đồng bào, với gia đình”.
Tôi hỏi anh Bùi San: “Ra bao lâu thì được về hả anh?”.
- Bao giờ thắng lợi thì về. Đây là quyết định của Đảng, của Bác Hồ đấy. Phải phấn đấu lên. Y Ngông cứ yên tâm đi đi. Đồng bào ở lại sẽ chờ đón ngày về của Y Ngông.
Chân dung ông Y Nông Niê kdam. (Ảnh: Tư liệu)
Tôi xác định quyết tâm lên đường ra Việt Bắc (đâu có ngờ phải 29 năm sau mới được trở lại quê hương). Trải nghiệm ngắm đất nước vô cùng lạ lẫm, vượt qua biết bao nhiêu chặng đường rừng, đường bộ, bằng mọi phương tiện, xe lửa, ô tô, nhiều nhất là đôi chân đi bộ, thậm chí ra đến Việt Bắc còn bị sốt rét ác tính. Qua nhiều chặng đường, tôi cũng đến được Tuyên Quang, nơi được gọi là An toàn khu của kháng chiến chống Pháp.
Thấm thoát hơn 4 năm. Sau chiến thắng Biên giới, năm 1950 là một năm nhộn nhịp nhiều việc. Đại hội thống nhất Việt Minh Liên Việt, họp Quốc hội kỳ 2, khóa I ở Kim Quang (Chiêm Hóa), Đại hội Đảng... Sau khi tham gia đoàn thanh tra chính phủ do anh Tô Quang Đẩu là trưởng đoàn đi một số tỉnh để tuyên truyền và động viên nhân dân trường kỳ kháng chiến, tôi được cử đến chăm sóc sức khỏe cho Đại hội Đảng lần thứ II.
Với tuổi 26 đầy nhiệt huyết, sau các Đại hội tôi báo cáo với bác Tôn Đức Thắng xin được tòng quân để đem hoạt động chuyên môn phục vụ cho các chiến sĩ ngoài mặt trận lúc đó đang cần. Bác Tôn nhìn tôi với đôi mắt hiền từ:
- Y Ngông có sợ chết không? Nếu không sợ chết thì đi được, tôi đồng ý thôi.
Bộ Quốc phòng đã đồng ý chấp nhận đơn xin tòng quân của tôi, cho tôi về Cục Quân y và được phân công làm viện phó một bệnh viện tại mặt trận AVT 3, phục vụ chiến dịch Trung du (chiến dịch Trần Hưng Đạo), do bác sĩ Trịnh Phúc Nguyên làm Viện trưởng. Tôi chịu trách nhiệm toàn bộ khâu hậu cần, phục vụ các kíp mổ cho bác sĩ Tôn Thất Tùng và một cố vấn Trung Quốc tên Vu, đến bệnh viện Thọ Linh mổ cho thương binh. Ngoài ra tôi còn phải lo công tác dân vận, làm lán trại, chăm sóc thương bệnh binh.
Bệnh viện 3 lúc đầu đóng ở làng Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên. Sau chuyển ra một khu rừng ở Quế Nhan, nơi mà đồng bào nói “một con gà gáy ba tỉnh cùng nghe tiếng” (Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang). Dưới những tán cây rừng xanh rì, rậm rạp, mà sau này tôi mới nghe tới đúng như câu thơ của Tố Hữu “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Ở đây, sau mỗi chiến dịch chúng tôi lại chăm sóc thương binh và chuẩn bị thuốc men, y cụ cho chiến dịch mới. Vợ tôi cũng đi làm nhiệm vụ tổ chức dân công phục vụ chiến dịch. Con gái chúng tôi 3 tuổi, phải gửi ở trại trẻ của Hội Liên hiệp phụ nữ, lại đến trại của Tổng cục hậu cần.
Ở chiến dịch Tây bắc, trong các đoàn dân công, tôi gặp lại một số em người dân tộc Tày ở Chiêm Hóa, nơi vợ chồng tôi đã ở và sinh con gái đầu lòng. Khi chiến dịch Thu Đông diễn ra, các em còn là những thiếu niên, nay đã đi dân công chiến dịch. Các em vui mừng ríu rít, chỗ nào cũng gọi “anh Việt, anh Việt” (bí danh của tôi là Nguyễn Ái Việt). Thế là đã có một thế hệ thanh niên nữa bước ra tiền tuyến trong cuộc chiến đấu giải phòng dân tộc. Sau chiến dịch, tôi được phái đoàn Chính phủ ra thăm tặng Huy hiệu Bác Hồ. Chúng tôi trở về chỉnh quân, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được phân công phụ trách một tuyến chuyển thương binh dài 200 km, từ Tuần Giáo về Yên Bái. Cứ 10km bố trí một trạm đón thương binh. Suốt dọc tuyến đó tôi đi lại như con thoi, kiểm tra các trạm không kể ngày đêm, mưa gió. Địch bắn phá, bom nổ chậm rải khắp nơi, công binh chưa kịp tháo gỡ cũng phải tranh thủ băng qua. Sống chết có thể trong tích tắc, nhưng tất cả đều tập trung phục vụ cho thương binh, cho chiến dịch. Một lần, khi sắp vượt đèo Lũng Lô, qua suối thì nước lũ tràn về. Tôi ngăn mọi người lại để mình qua trước dò đường. Tới giữa dòng, nước chảy xiết cuốn băng cả cây gậy chống trượt đi. Tôi chới với, bị cuốn vào xoáy nước. May có một bụi cây nên vướng lại. Nhưng kiệt sức, ngất đi. Anh em xô tới cứu, dốc nước ộc ra rồi làm hô hấp nhân tạo, mãi mới tỉnh, lại tiếp tục lên đường.
Ai đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, mới thấy hết tính chất của người Việt Nam yêu nước bộc lộ rõ như thế nào. Của cải không tiếc, sức người cũng không tiếc. Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc, đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Ngược tuyến đường chúng tôi tải thương binh về xuôi, là hàng đoàn, hàng đoàn xe đạp thồ không quản nắng mưa, cần mẫn, quyết tâm vượt gian nan vận chuyển lương thực, đạn dược. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước như thế chứ. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Êđê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất, cũng có mặt trong đoàn quân ấy. Nườm nượp quân và dân nâng bước nhau đi. Lúc này cả đất nước chung một tấm lòng, chung ý chí. Không phân biệt người Kinh, người Thượng, sẵn sàng hy sinh cho nhau, đùm bọc nhau, tình đồng chí, đồng bào cao hơn cả tình ruột thịt.
Ban Thường trực Quốc hội Khoá I nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (1946-1960). Hàng trước từ trái qua phải: Ông Y Ngông Niê Kdam, ông Trần Tấn Thọ, ông Cao Triều Phát, ông Tôn Đức Thắng, ông Dương Đức Hiển, ông Lê Tư Thành. Hàng sau từ trái qua phải: Ông Trần Huy Liệu, ông Trần Văn cung, ông Tôn Quang Phiệt, ông Hoàng Văn Hoan, ông Nguyễn Trí, bà Nguyễn Thị Thục Viên. (Ảnh: Tư liệu)
Đoàn tải thương cũng có những tấm gương dũng cảm. Cứ năm người theo một cáng. Mỗi cáng như là một gia đình nhỏ. Họ tự nấu ăn, chăm sóc thương binh, thay nhau cáng trên chặng đường 200 km. Không một ai kêu ca, phàn nàn. Cắn răng chịu đau đớn, mệt mỏi, rét mướt đêm đông, mồ hôi rỏ xuống đường thành giọt ngày nắng nóng. Cũng có dân công do bị sốt rét, bị đói ăn hay kiệt sức đã chết trên đường tải thương. Những hình ảnh đó giúp tôi có thêm nghị lực để hy sinh và phấn đấu.
Chúng tôi nghe tin tức chiến sự từng giờ, từng ngày. Càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan. Càng đánh gần các chốt kiên cố, bộ đội ta thương vong càng nhiều. Nhiều khi chiến sĩ phải tự sơ cứu, tự băng bó lấy ở tuyến trước, chúng tôi cũng chỉ sơ cứu lại rồi chuyển tiếp bệnh nặng về tuyến sau. Đây chính là lúc do quá thiếu vật tư y cụ, tôi nghĩ ra cách dùng bẹ chuối bó bột cho thương binh bị gãy chân tay. (Sau này về Hà Nội phát triển thành đề tài để thi bác sĩ). Nhiều y tá và cứu thương đang đi làm nhiệm vụ cũng bị trúng đạn chết ngay tại chỗ. Lúc đó bộ đội lại biến thành y tá, cứu thương, để cấp cứu và tự chuyển thương binh ra ngoài. Có những trận ác liệt, dân công không có kinh nghiệm lấy thương binh nên bị thương nhiều. Cũng có người hoảng quá không dám xông vào cõng thương binh ra, vì làn đạn dày đặc từ mọi phía.
Tôi nhớ đêm đánh đồi A1. Chờ mãi không thấy thương binh về, rất nóng ruột, vì đêm qua nghe tiếng súng nổ rất dữ dội, biết là trận đánh ác liệt. Sáng hôm sau lên đồi nhìn ra, chúng tôi thấy bộ đội, cả lính Pháp chết nhiều, phủ kín đồi. Những trận đánh ác liệt như vậy, đa số bộ đội lại phải tự chuyển thương binh ra.
Chúng tôi cho thương binh uống thuốc cầm máu và chống bị choáng. Rất tiếc lúc này chưa có kỹ thuật tiếp máu, nên nhiều đồng chí đã không kịp chuyển về tuyến sau. Nhưng nhờ có bếp Hoàng Cầm, chúng tôi vẫn có đủ nước sôi sát trùng và cơm canh, cháo nóng cho thương binh. Tất cả đều sinh hoạt dưới hầm, nhưng bộ đội ta rất gọn gàng, sạch sẽ. Vẫn có cả những “hố mèo” để đại tiểu tiện.
Các tuyến giao thông hào của ta được mở rộng, giống như cái giây thòng lọng thắt vào cổ giặc Pháp cướp nước. Nghe tiếng thình thịch đào hầm vang trong lòng đất, chúng sợ chết khiếp. Cái thòng lọng thít lại, thít lại cho đúng đến ngày 7/5/1954, Điện Biên Phủ đã hoàn toàn giải phóng.
Chu cha, mừng vui chảy nước mắt. Dân quân, bộ đội nhảy múa, ôm nhau cười, ôm nhau khóc. Váy áo Thái, áo chàm Tày, vải nâu đồng bằng bắc Bộ, quân phục bộ đội… chan hòa niềm vui vào nhau. Có bao nhiêu gà, heo nuôi giết hết để ăn mừng. Đồng bào dân tộc quanh vùng mang rượu cần, trâu bò, gà vịt ra tặng cho bộ đội.
Hàng ngày dân công lại sửa đường, gỡ mìn và chuyển tiếp thương binh về tuyến sau. Hàng đoàn tù binh thất thểu, đi chân đất vác giày đinh trên vai (bắt đi đất để cho chúng không chạy trốn được), kèm chúng là những anh bộ đội Việt Nam mang súng, nhỏ bé mà hiên ngang. Chúng tôi còn cho hàng binh cả gạo và thuốc men. Họ vui mừng xúc động, cám ơn ríu rít.
Trong những ngày tháng lịch sử này, phần thưởng cao quý nhất tôi được nhận, lại là một “Huy hiệu Bác Hồ” nữa, do phái đoàn Chính phủ ra ủy lạo mặt trận trao tặng.
Tôi được về An toàn khu Việt Bắc dự hội nghị mừng công của toàn ngành Quân y, được tuyên dương Chiến sĩ thi đua Quân y, chiến sĩ Điện Biên Phủ. Và được đề nghị tặng Huân chương Chiến công hạng hai. Khi trở về Hà Nội, Huân chương của tôi đã được Bộ Quốc Phòng gửi tới văn phòng Quốc hội để trao tặng, nhân ngày liên hoan chiến thắng.
Tôi vô cùng tự hào không chỉ được ở bên Chính phủ, được chính Bác Hồ, bác Tôn, các đồng chí cách mạng lão thành dạy bảo, hướng dẫn; mà còn là người chiến sĩ dân tộc thiểu số Tây Nguyên duy nhất, được đóng góp sức lực nhỏ bé của mình cho chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của đất nước.
H’Linh Niê ghi
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0