Tác phẩm đạt giải Truyện ngắn Ấn tượng cuộc thi sáng tác văn xuôi chủ đề "Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Những chặng đường phát triển" năm 2023.
VHNT- Đó là buổi chiều bà H’Ren không thể nào quên được. Thầy giáo ở ngôi trường trong buôn, vào rẫy cà phê, vận động mấy đứa nhỏ tới trường. Thầy cầm một cuốn sách có bìa in hình một người đàn bà da nâu rất đẹp. Bà H’Ren đã phải lòng cuốn sách đó.
Ảnh minh hoạ (NSNA Bảo Hưng)
Cuốn sách viết cái gì vậy? Ôi chao! Bà muốn biết biết bao. Thầy giáo xông xáo và nhiệt tình. Thầy len lỏi qua những gốc cà phê, tìm tới những em học sinh trốn học đi làm công nhật cà phê, khuyên bảo học sinh quay trở lại trường. Trong lúc thầy nói, cuốn sách trong tay thầy vung vẩy. Mắt bà H’Ren không rời khỏi cuốn sách.
Có gì trong cuốn sách đó vậy? Người đàn bà đẹp kia cuộc đời có giống như bà?
Những đứa học sinh gật gù hứa sẽ tới trường khiến thầy giáo yên tâm ra về. Còn chúng có tới thật không là chuyện khác. Thầy giáo lên xe, mang theo cuốn sách, để lại một làn bụi mù trên con đường đất đỏ. Bà muốn thầy ở lại lâu hơn nhưng thầy tất tả đi rồi. Thầy còn nhiều học sinh khác cần đi vận động mà trời đã chiều tối.
Một bà già lại đi phải lòng một cuốn sách. Nếu chồng bà còn sống, chắc ông sẽ cười nghặt nghẽo. Bà lấy chồng khi chưa đủ tuổi mười tám. Cũng chẳng biết yêu là gì. Lúc đó nó cứ như vậy mà diễn ra thôi, như hoa cà phê nở và đậu trái, như suối đầy, khô, rồi lại đầy. Lấy nhau cũng là một quy luật ở xứ sở này. Phải lấy nhau vào mùa hoa cà phê, mùa trăng, hay mùa thu hoạch. Người ta có thể chọn một mốc thời gian nào đó để phối ngẫu, sinh con đẻ cái như con ong cần hút mật hoa vậy.
Bà chưa từng tới trường vì thời đó chưa có bóng dáng ngôi trường nào ở cái buôn sâu trong rừng này. Trường ngoài thành phố xa tít không dành cho bà, một đứa trẻ con nhà nghèo, sinh sống ở rừng sâu. Cùng tuổi bà trong làng, hiếm người tới trường. Con đường quá xa làm mọi người đều không nghĩ về con chữ.
Nhưng khi là một bà nội, bà lại khao khát muốn biết chữ. Mấy đứa cháu của bà may mắn có trường để học. Trên ngôi nhà sàn nhỏ, nhìn lũ cháu ê a học bài, bà thấy chữ nghĩa huyền diệu biết bao. Vài lần bà sờ cái cặp, run run chạm vào sách. Một luồng khí lạnh sau ót, bà thảng thốt như vừa chạm vào một giấc mơ. Bà nửa muốn biết chúng, nửa sợ hãi. Nếu biết chữ, bà sẽ khám phá một thế giới. Nhưng nếu không biết, bà cũng sẽ yên ổn sống cuộc sống lâu nay của mình, không hồi hộp, không tò mò.
Một lần nữa, những con chữ lại gọi bà khi bà nhìn thấy cuốn sách trên tay thầy giáo.
Chiều tối đó, thế giới của bà bỗng nhiên lạ lẫm. Ban đầu là ánh lửa trong bếp nhà sàn nhảy nhót. Con dâu bà nhóm bếp để nấu ăn và xua màn sương lạnh. Bà thấy trên vách nhà sàn, lưỡi lửa tạo hình một người đàn bà- đó là người đàn bà trên bìa sách của thầy giáo. Con khỉ cô đơn trong rừng hú lên âm thanh quen thuộc. Mọi ngày, bà thường không để ý tới nó nhưng hôm nay bà lại thấy tội nghiệp. Cứ đêm sương lạnh nó lại hú nhiều. Đứa cháu gái mới lớn của bà rập rình đi chơi. Nó sắp tốt nghiệp lớp 9. Ba mẹ nó và bà phải dụ dỗ hết hơi nó mới tiếp tục đi học. Nó chỉ muốn nghỉ học và lấy chồng.
“Bà nội ơi, cháu không thích học”. Có lần nó nói với bà như thế.
“Sao vậy cháu? Cháu phải đi học để biết chữ chứ? Ông bà nội và ba má cháu không có trường để học nên có biết chữ đâu?”. Bà bảo.
“Nhưng cháu đã biết chữ rồi, trong đầu cháu đây này, có chạy đi đâu mà sợ. Với lại học chán lắm bà ạ. Cháu chỉ thích đi chơi”.
Thằng bồ của cháu bà đang đứng thập thò phía ngoài con đường. Nó đưa tay huýt sáo. Quay lại, cháu gái bà đã không còn. Bà thở dài cầm cuốn sách đứa cháu bỏ dở trên sàn.
Khi đứa cháu gái quay về trời đã khuya lắm rồi. Đúng là bọn trẻ không biết lạnh. Chúng cười khúc khích dưới chân nhà sàn, âu yếm nhau một hồi lâu nữa rồi mới nghe tiếng chân cháu gái bà bước lên cầu thang. May mà nó còn trở về. Trai gái xứ này, khi đã quấn lấy nhau thì chỉ có trời mới gỡ ra được. Bao nhiêu cặp bỏ nhà ra đi, bỏ cha mẹ, xứ sở chỉ để được ở bên nhau hoang dã. Xứ gì mà yêu nhau quyết liệt thế không biết.
Phát hiện ra bà chưa ngủ, ngồi dựa lưng vào vách nhà sàn đợi mình, đứa cháu rất ngạc nhiên.
“Bà ơi, sao bà chưa ngủ? Trời khuya và rét lắm đấy”.
“Bà không buồn ngủ và muốn đợi cháu”.
“Có chuyện gì hả bà?”.
“Chiều nay bà thấy cuốn sách trên tay thầy giáo, bà thèm biết có cái gì trong cuốn sách”.
“Nếu bà muốn, cháu sẽ mượn thầy giáo cuốn sách và đọc cho bà. Nếu bà muốn học chữ, cháu sẽ dạy cho bà. Bà sẽ học vất vả đó vì cháu không phải là cô giáo”.
Đứa cháu ôm choàng lấy bà. Cái lạnh của sương bên ngoài vẫn còn vương trên áo nó làm bà lạnh run theo. Và mùi của trai mới lớn làm hồng hào đôi má nó. Đúng là tuổi trẻ. Bà móm mém cười.
Bà H’Ren bắt đầu học những chữ cái đầu tiên trong rẫy cà phê. Cả gia đình sinh hoạt ban ngày ở rẫy. Chiều tối đàn bà mới lục tục dắt nhau về nhà sàn, đàn ông ngủ lại rẫy.
Chữ a, b, c…lạ quá. Chúng giống như những đứa con nít nghịch ngợm. Có lúc đứa này nắm tay bà, chạy tới hù bà, nhắc bà nhớ tên nó. Có lúc nó trốn biệt chỗ nào, gọi mấy cũng không ra.
Đứa cháu gái cũng chẳng kiên nhẫn gì với việc làm “cô giáo”. Có lần nó gọi thằng em, đang học lớp một, dạy cho bà chữ nó vừa học ở trường. Thằng em nó cũng chẳng có trí nhớ tốt, nó bảo “lúc ở trường con nhớ nhưng về nhà con quên mất rồi”. Cứ thế hai bà cháu vất vả học cùng nhau. Rẫy cà phê ê a giọng đánh vần.
Thằng con trai và con dâu thấy bà học khổ sở quá nên ngứa mắt. Anh con trai bảo.
“Mẹ già rồi, học chữ làm gì, giờ này có trai nữa đâu mà đọc thư tình? Ba mất rồi. Mấy ông mấy bà cùng tuổi mẹ cũng mất hết rồi. Gần qua thế giới bên kia còn học chữ để làm gì chứ?”.
Mặc kệ, bà vẫn học. Người đàn bà da nâu trên bìa sách luôn gây tò mò cho bà. Có lúc bà ấy lại hiện ra, giống như một bóng ma đen trên rẫy hoa cà phê trắng. Đang mùa hoa cà phê, cả một rẫy bồng bềnh hoa trắng. Ong, bướm dập dìu trong mùi hương ngào ngạt. Đất đỏ dưới chân, mây trắng trên nền trời xanh thẫm và hoa trắng rực sáng trên màu xanh của lá cà phê. Người đàn bà da nâu xa lạ đi dạo trong rẫy cà phê. Có lúc bà ngồi bên suối khi bà H’Ren tắm, có lúc cười bí hiểm, nấp sau gốc cà phê, có lúc bay lượn như chim trên không trung. Màu da nâu của người đàn bà càng thêm bóng khi tương phản với màu hoa cà phê. Bà ta trêu chọc bà.
“Bà H’Ren, bà đoán thử cuốn sách có in hình tôi viết gì? Tôi quên mất, bà không biết chữ làm gì đoán được. Bà chỉ có thể nhờ người khác đọc dùm thôi”. Người đàn bà da nâu cười cợt nói.
“Bà đừng có giỡn mặt với tôi. Tôi sẽ học chữ rồi đọc nó cho bà xem”.
Người đàn bà da nâu cười thé lên rồi biến mất giữa rừng hoa cà phê trắng.
Trong đêm trăng gần hạ, một bầy quạ đen, bay qua rẫy cà phê, kêu quác quác.
Một đống tai ương ập xuống nhà bà H’Ren như một trò đùa tai ác. Ban đầu là đứa cháu mới lớn có bầu. Thằng nhóc hay đứng chờ nó dưới chân nhà sàn vội bỏ đi biệt tích. Cháu gái bà phải ôm cái bụng lặc lè tới trường để thi tốt nghiệp. Con trai bà sơ sẩy bị tai nạn lao động, phải nằm nhà thương một tháng. Hết đứa cháu này tới đứa cháu kia bị ốm và bà cũng bị một trận ốm lên bờ xuống ruộng.
Khi nằm thở dốc trên nhà sàn với bếp lửa quen, bà đã nghĩ, ồ vậy là mình sắp chết sao? Chết khi chưa đọc cuốn sách đó. Bà đã thua người đàn bà da nâu ngạo mạn kia sao?
Bà nhìn thấy chồng đang ngồi đẽo tượng ở cửa nhà sàn. Ông nhìn bà nằm rên hự hự trong cái mền, tàn nhẫn bảo.
“Bà H’Ren, tôi chờ bà lâu lắm rồi. Hồi đó bà bảo sẽ sớm gặp lại tôi nhưng đã hơn mấy chục mùa trăng rồi, tôi chả thấy bóng dáng bà”.
“Tôi chưa theo ông được đâu. Tôi chưa đọc cuốn sách đó thì làm sao theo ông được”. Bà cong cớn nói.
“Cuốn sách nào? Bà có biết chữ đâu mà đọc sách?”.
“Ông chẳng bao giờ biết khao khát của tôi”.
Đúng là ông chẳng bao giờ để ý khao khát của bà. Lần đó khi đang mang bầu đứa con trai đầu lòng, ngôi trường của buôn vừa được dựng. Ngôi trường bằng tre nứa, nằm lẻ loi giữa bãi đất trống đầu làng. Có trường, có thầy nhưng thiếu học sinh. Thầy giáo lúc đó cũng giống thầy giáo bây giờ, đi khắp các rẫy cà phê, vận động học sinh đi học, vận động cả các bà mẹ. Ai chưa biết chữ đều có thể là học sinh tuốt.
Bà H’Ren muốn đăng kí đi học nhưng bà đang mang bầu. Chồng bà đã gạt phắt đi khi nhìn thấy thầy giáo. Chồng bà bảo.
“Thầy à, thầy làm rẫy giúp nhà tôi được không? Nếu thầy làm được thì tôi cho con tôi, vợ tôi đi học”.
Lúc đó bà mới mười lăm- trẻ như cháu gái bà bây giờ. Và bà đã sống trong bóng tối chữ nghĩa suốt ngần ấy năm. 78 mùa trăng là 78 mùa không biết chữ. Mỗi khi có việc phải xuống xã, liên quan tới giấy tờ, người cán bộ xã lăn tay bà thay cho chữ kí. Bà muốn cầm cây viết nhưng dấu lăn đỏ lại là số phận của bà. Bây giờ bà muốn thay đổi dù đã gần đất xa trời.
Bà nói với ông chồng đang ngồi trước cửa.
“Ông đừng ngồi đó đẽo tượng nữa. Hãy về thế giới của ông và chờ tôi. Chưa đọc cuốn sách đó tôi không đi được đâu”.
Bà ho một tràng vật vã. Khi ngẩng lên thì ông đã biến mất.
Khi rẫy cà phê đậu trái cũng là lúc bà H’Ren khỏi bệnh. Ở tuổi bà, vượt qua bệnh tật giống như một phép mầu. Đứa cháu gái, sau những tổn thương của tình yêu đã chững chạc hơn hẳn. Nghe theo sự sắp xếp của gia đình, nó lấy bằng lớp 9, nghỉ một năm sinh con, rồi tiếp tục đi học hoặc đi học nghề. Con trai bà cũng đang hồi phục, đã trở về nhà, đi từng bước trên đất đỏ, thăm từng gốc cà phê.
Bầy quạ đen bay về lại, ngang qua rẫy, kêu quác quác. Nhưng chẳng ai oán hờn chúng.
Ngày sinh nhật tuổi 79 của bà H’Ren, cháu gái bà sắp sinh, lặc lè dắt tay bà tới trường, tới phòng công vụ của thầy giáo. Cháu gái nói lý do, thầy giáo ngỡ ngàng, lấy cuốn sách có in bìa người đàn bà da nâu, ghi lời tặng bà. Hai bà cháu bà chỉ mượn nhưng thầy kiên quyết tặng. Thầy không ngờ nhờ cuốn sách này mà buôn làng có thêm một người biết chữ, hơn nữa đó là bà H’Ren 79 tuổi.
Hai bà cháu ngồi bên dòng suối nhỏ trong rẫy. Tiếng suối chảy róc rách êm tai. Dòng suối nhỏ này sẽ chảy ra một dòng sông nhỏ. Dòng sông nhỏ lại hòa vào dòng chảy của con sông Sêrêpốp, xuôi ra biển. Đầu mùa hè, bầu trời xanh trong văng vắc và những gốc cà phê gần đó rì rào.
Một sự thinh lặng đến nghẹt thở trong lòng bà H’Ren khi bà run run lật giở trang sách đầu tiên. Những dòng chữ mỏng in nghiêng khiến bà kinh ngạc.
“Sao ít chữ vậy? Lại không phải là chữ như ngày thường?”.
“Đúng rồi đấy bà. Đây là thơ chứ không phải văn xuôi”. Cháu gái giải thích.
“Nhưng nó vẫn là chữ bà đã học phải không?”.
“Đúng đấy bà ạ”. Cháu gái cười rũ rượi.
Bà H’Ren đeo chiếc kính lão, đọc những dòng đầu tiên. Bà không phải đọc mà đang hát trong thổn thức.
*
Bà H’Ren thức thật khuya trong căn nhà sàn. Bà không thể ngủ. Không phải bà chờ cửa cho đứa cháu gái đi chơi muộn nữa. Bà chờ người đàn bà da nâu. Trăng rọi vào ô cửa sổ làm ngôi nhà sàn có hai ánh sáng: lửa và trăng. Đêm trăng mùa hạ, sương không rơi dày mà nhè nhẹ, lành lạnh, co mình trong chiếc mền ấm rất dễ chịu.
Bà chờ người đàn bà da nâu như từng chờ chồng khi lần đầu tiên hò hẹn.
Rồi người đàn bà ấy cũng xuất hiện, bước như mèo lên bậc thang gỗ. Hai người đàn bà ngồi trên sàn nhà, trong ánh sáng chập chờn của bếp lửa và ánh trăng dọi từ cửa sổ. Họ nhìn vào mắt nhau.
“Chào bà!”. Bà H’Ren cất lời. “Tôi không ngờ bà không phải là người đàn bà giàu có, sung sướng. Bà còn khổ hơn tôi vì bà là nô lệ ở Châu Phi. Tôi không thấy những đòn roi quất trên người bà nhưng tôi đau đớn cho bà.
Tôi thương người chồng bị giết hại của bà. Tôi thương đứa con trai bị cướp đi khi còn đỏ hỏn của bà. Tôi thương bà.
Bà thật gan dạ khi đấu tranh để đòi quyền bình đẳng. Tôi ước được cùng bà đứng trên đỉnh đồi hoang giữa đêm trăng lạnh, chỉ có tiếng sói hú.
Đời bà còn khổ hơn đời tôi. Nhưng tôi và bà đều là những người đàn bà can đảm. Vì cuối cùng tôi cũng biết chữ để đọc những vần thơ bà viết. Cháu gái tôi nói đó là thơ. Còn tôi chỉ biết nó là chữ”.
Người đàn bà da nâu Châu Phi ràn rụa nước mắt khi nghe những lời bà H’Ren nói.
“Tôi rất cô đơn. Cảm ơn bà đã đồng cảm về cuộc đời tôi”.
Đêm khuya, sương bắt đầu rơi nhiều. Bà H’Ren đóng cửa sổ. Trăng lọt qua cửa nhà sàn chỉ một khe nhỏ.
Bà H’Ren ngồi sát lại bếp lửa. Khoảnh khắc này sao giống như khoảnh khắc xa xưa, cũng ngôi nhà sàn này, ánh lửa này, mọi người quây quần bên nhau nghe sử thi và kể chuyện. Chỗ ngồi kia là cha mẹ H’Ren lúc ấy vẫn còn trẻ. H’Ren mới lớn, chưa biết tình yêu là gì nhưng cũng gai gai người khi có ánh mắt của người con trai chằm chằm nhìn vào mình. Đó không phải là chồng bà mà là chàng trai hàng xóm của bà, người hát sử thi hay nhất nhưng yểu mệnh.
Những người lớn kể về thời kỳ hồng hoang, khi buôn làng chưa có, mọi người phải chen chúc trong hang đá, lấy lá cây làm quần áo. Lửa đến rồi lửa tắt. Mọi người đi tìm lửa, xuyên qua những cánh rừng đầy những bầy thú hoang.
Các mùa đi qua, họ bước ra khỏi rừng, lập làng, sinh con đẻ cái. Họ chống chọi với thiên tai và thú dữ để bảo vệ buôn làng.
Rồi chàng hàng xóm đứng lên. Chàng hát về ngọn gió. Một cơn gió đực đi tìm một cơn gió cái. Qua bao nhiêu mùa, chúng cũng tìm thấy nhau trên đỉnh núi Ngọc Linh.
Những đứa trẻ bắt đầu ngủ thiếp trên đùi mẹ. Người này, người kia rời bếp lửa, nằm ngủ chèo queo trên nhà sàn.
Cô gái mới lớn H’Ren thiêm thiếp ngủ. Ai đó hôn cô trong mơ. Cô ước gì mình là một cơn gió cái.
Nụ hôn đầu đời ấy nhẹ như một cơn mưa đầu mùa. Khi thức dậy, H’Ren đã là một cô gái có chồng, sinh một bầy con, bạc mặt kiếm ăn cho ngần ấy đứa.
Thời thiếu nữ của bà quá ngắn, thời làm mẹ lại quá dài.
“Tôi dành hết cả cuộc đời mình để kiếm miếng ăn cho bầy con. Tôi không có ước mơ riêng. Ước mơ của tôi cũng là ước mơ của chúng. Một vài lần lóe lên tôi mơ ước được đến trường, sau chỉ là biết chữ. Mãi cho tới khi gặp cuốn sách của bà tôi mới biết con chữ. Thì ra nó giống như sử thi cha ông tôi từng hát. Chúng tôi cũng đi tìm mặt trời, đi tìm công bằng và hạnh phúc”.
Đêm đó bộ đội hành quân qua làng. H’Ren đứng ôm con, sửng sốt nhận ra chàng thanh niên hàng xóm đứng trong hàng quân. Chàng theo đoàn văn công và không trở về.
“Cảm ơn bà đã thương cảm cuộc đời tôi”. Người đàn bà da nâu lau nước mắt, bước xuống cầu thang gỗ, chìm vào sương lạnh. H’Ren dõi bà trong làn sương mù.
Ông chồng bà lại gọi bà. Ông đứng bên cửa sổ, tay vẫn cầm khúc gỗ đẽo dỡ.
“Bà đi chưa? Bà đã đọc cuốn sách đó rồi. Tôi chờ bà lâu quá”. Ông cau có nói.
“Ông còn phải chờ tôi thêm một thời gian nữa. Tôi muốn đọc thêm vài cuốn sách. Tôi phải chờ thằng chắt tôi ra đời để đọc sách cho nó nghe”.
Bà H’Ren nghĩ, mình sẽ viết về rẫy cà phê nhà mình, kể về cuộc sống của buôn làng mình, thế hệ cháu sau này khi người đàn bà da nâu trở lại. Khi biết chữ bà mới thấy mình thực sự là một cơn gió cái, thổi lang thang trong miền chữ nghĩa với những câu chuyện bất tận. Những câu chuyện bà được nghe, những câu chuyện bà muốn viết. Chúng ở đó, trong tiềm thức, chờ được thức dậy. Rồi bà chìm vào giấc ngủ.
Con khỉ cô đơn lại hú trong đêm trăng hạ. Hình như nó cũng muốn kể câu chuyện của nó trong thẳm sâu rừng già.
Lại một mùa trăng nữa nhưng là mùa trăng mới mẻ với cụ bà H’Ren.
Nguyễn Thị Khánh Liên
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0