Cuộc vận động sáng tác tác phẩm VHNT về các địa danh văn hoá, lịch sử, du lịch của tỉnh Đắk Lắk. Chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2025); góp phần quảng bá Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9/2025.
Sừng sững giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Di tích lịch sử quốc gia Đình Lạc Giao không chỉ là một trong những dấu ấn đầu tiên của người miền xuôi khi đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên mà còn là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng của tỉnh Đắk Lắk. Trải qua những thăng trầm từ thời chiến đến thời bình, nơi đây đã ghi nhiều dấn ấn của một chứng tích lịch sử hào hùng...
Dấu ấn của “người miền xuôi” trên đất Tây Nguyên
Giữa tiết trời trong vắt và đầy nắng trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột, dẫn chúng tôi đi một vòng khuôn viên ngôi đình cổ, ông Nguyễn Văn Bảy, 78 tuổi, Phó ban quản lý các hoạt động văn hóa Di tích lịch sử Đình Lạc Giao tỉ mỉ giới thiệu về lịch sử và kiến trúc khuôn viên đình Lạc Giao. Đình tọa lạc tại ngã tư giữa đường Phan Bội Châu và đường Điện Biên Phủ. Lối vào chính điện được trang hoàng hai câu đối. Hậu Đình thờ tự Thần Hoàng và những người có công với đất nước. Hai bên chính điện là hai dãy nhà: nhà tả thờ các linh nam, linh nữ; nhà hữu là nơi tiếp khách, trưng bày chứng tích. Từ ngoài cổng hướng đường Điện Biên Phủ đi vào, phía trước có cổng tam quan, sau cổng là bức bình phong có chạm khắc hổ phù, sau nữa là một lư hương lớn. Bên góc phải sân đình là cây đa lừng lững tỏa bóng. Cây đa này được chính tay Đại tá Y Blôk Êban trồng vào ngày 23/8/1990, sau khi đình chính thức được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Bảy giới thiệu về ngôi đình cổ. Ảnh: H'Xĩu Hmok
Ngược dòng lịch sử cách đây gần 1 thế kỷ, Đình Lạc Giao đã được khởi dựng từ năm 1928 khi ông Phan Hộ và các anh em của mình từ làng Đại Cát (xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) lên vùng đất hoàng thổ Ban Mê Thuột làm ăn buôn bán và lập làng, lấy tên là Lạc Giao. Trên vùng đất mới, người dân làng Lạc Giao vẫn mang theo cả đời sống tâm linh từ quê hương. Ngôi đình trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, mỗi năm xuân thu nhị kỳ, bà con đều đến đây làm lễ, cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt cho bản thân và dân làng. Ban đầu, đình Lạc Giao được làm bằng tranh, tre, nứa, lá với diện tích khoảng 700m2. Đến năm 1932, đình được xây dựng kiên cố bằng gạch, lợp ngói đỏ và được vua Bảo Đại sắc phong Khai quốc Công thần Đào Duy Từ trở thành Thần hoàng.
Các tài liệu lịch sử của địa phương còn ghi lại, trong những năm 1930-1945, giặc Pháp thành lập hàng loạt các nhà tù, trại giam ở Đông Dương, trong đó có nhà đày Buôn Ma Thuột. Những chiến sĩ cộng sản bị bắt vào nhà đày đều phải chịu tra tấn dã man và sống trong điều kiện tồi tệ, khắc khổ. Nhiều người trong số họ bị bệnh sốt rét, kiết lỵ, bị lao động khổ sai làm đường 14. Khi đó, người dân làng Lạc Giao đã tìm mọi cách giúp đỡ các chiến sĩ; vận động nhau góp tiền, gạo, mua thuốc chữa bệnh đưa cho các anh em tù cộng sản mỗi khi họ đi lao động khổ sai qua làng. Đình Lạc Giao trở thành nơi hoạt động bí mật, cưu mang, che chở, nuôi giấu những người con cách mạng, bảo vệ những cán bộ hoạt động ở thị xã Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ. Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945, đình Lạc Giao là nơi hội họp và ra mắt của Ủy ban Cách mạng Lâm thời thị xã Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, vào ngày 18/3/1975, tại đình Lạc Giao, Ủy ban Quân quản Thị xã Buôn Ma Thuột do Đại tá Y Blôk Êban làm Chủ tịch đã làm lễ ra mắt tuyên bố chính quyền cách mạng về tay nhân dân, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Mỹ ngụy ở Đắk Lắk.
Năm 1990, đình Lạc Giao được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và được trùng tu, tôn tạo lại theo thiết kế nguyên bản. Ngày nay, nơi đây trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và điểm tham quan có giá trị giáo dục lịch sử. Hàng năm ở đây đều diễn ra các lễ Tế Xuân (17/1 âm lịch), Tế Thu (17/8 âm lịch), Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) và Lễ tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột vào ngày 01/12/1945 (27/10 âm lịch). Mỗi lễ tế đều thu hút đông đảo người dân các địa phương trong tỉnh tham gia.
Đình Lạc Giao khi mới xây dựng. Ảnh tư liệu
Những “lão làng” nơi đình cổ
Trang trọng thắp nén nhang lên bàn thờ, ông Nguyễn Văn Bảy (Phó ban quản lý các hoạt động văn hóa Di tích lịch sử Đình Lạc Giao) kể, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngôi đình vẫn giữ được những kiến trúc từ thời kỳ khởi dựng. Năm 2005, đình được đại trùng tu nhưng không làm mất đi vẻ uy nghi, cổ kính. Cũng theo ông Nguyễn Văn Bảy, cùng với chùa Khải Đoan, đình Lạc Giao đã được triều đình nhà Nguyễn phong Sắc tứ từ năm 1932, thờ thần hoàng Đào Duy Từ. Chỉ tiếc rằng do chiến tranh, bom đạn nên bảng phong sắc tứ đã lưu lạc, không còn lưu giữ.
Những kiến thức này ông Nguyễn Văn Bảy đã nằm lòng bởi gần một phần tư thế kỷ qua, ông đã gắn bó với đình làng. Với ông, đây như là ngôi nhà thứ 2. Thời gian ông ở đình còn nhiều hơn ở nhà riêng. Kể về cơ duyên gắn bó với đình Lạc Giao, ông Bảy cho biết, ông người gốc ở thành phố Hồ Chí Minh, theo các anh chị lên Buôn Ma Thuột làm ăn từ năm 1961. Tình cờ một lần ông ghé thăm đình đúng dịp các bô lão đang họp nên ngồi nghe. Thấy các cụ họp căng thẳng, lời lẽ qua lại nên ông mạnh dạn phát biểu, hòa giải. Ông cũng bày tỏ nguyện vọng của một người trẻ mong muốn tiếp thu những điều hay, điều tốt nơi đình làng. Sau lần đó, ông được các bô lão tin tưởng, tín nhiệm, mời tham gia các cuộc họp khác rồi dần dần trở thành thư ký của làng. “Thư ký khi đó lớn lắm, tất cả mọi việc gì mình đều phải nắm hết. Các cụ chỉ tới đây tổ chức lễ và thắp hương thôi. Còn lại toàn bộ này kia tổ chức là mình phải làm hết. Đó như là cơ duyên của bản thân tôi vì được “ông thần” chọn là người trông coi, cai quản đình làng”. Ông Nguyễn Văn Bảy tâm sự. Cứ thế, suốt gần 25 năm qua, ông phụ trách việc cai quản, hương khói trong đình. Thậm chí ông kiêm luôn vai trò Từ tình, vì hiện nay đình chưa tìm được người đảm nhiệm vai trò này.
Cũng gắn bó với đình làng hơn 2 thập kỷ nay, ông Đỗ Văn Vệ, 86 tuổi, chánh tế đình Lạc Giao đang tiếp nối công việc của người anh ruột mình đang làm trước đó. Ông Vệ kể, gia đình ông gốc Huế, ông vào Đắk Lắk để học nghề thợ may từ năm 1963. Ở làng Lạc Giao khi ấy, mỗi năm xuân thu nhị kỳ người dân đều đóng góp của cải, sản vật làm ra để dâng lễ tạ ơn, cầu an. Anh trai ông khi đó làm trong ban quý tế và được tín nhiệm giao làm chánh tế. Sau này, khi anh trai ông qua đời, ông được dân làng tin tưởng, tiếp tục công việc chánh tế cho đến ngày nay. Dù đã cao tuổi nhưng ông Vệ vẫn luôn dành nhiều tâm sức cống hiến cho ngôi đình. Không chỉ thường xuyên tham gia vào các công việc chung, ông luôn động viên các thành viên khác trong gia đình thường xuyên lui tới và tham gia vào các hoạt động của đình các dịp xuân, thu, tế lễ. Ông Vệ tâm niệm, phải làm sao để “hồn đình” cùng với những nghi thức thờ cúng, nét văn hóa từ xưa ở ngôi đình này được gìn giữ, tiếp nối để các thế hệ sau có nơi hương khói cho các vị có công mở đất lập làng. Giữ được “hồn đình” cũng là cách để giữ hồn dân tộc, góp phần phát triển quê hương, đất nước ngày càng đi lên.
Đội tế thực hiện các nghi lễ tế tại đình. Ảnh: H'Xíu Hmok
Mai này ai sẽ tiếp nối gìn giữ “hồn đình”…
Để thực hiện các nghi thức, lễ tế diễn ra hàng năm, trong ban quý tế đình Lạc Giao hiện nay có 2 đội tế là đội tế Nam quan và đội tế Nữ quan, 2 đội này luân phiên thực hiện các nghi thức tế lễ theo truyền thống. Có một thực tế là hiện tại các thành viên đội tế đều đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, người trẻ nhất cũng đã trên 60. Vì lẽ đó, dù vẫn rất tâm huyết với vai trò của mỗi cá nhân, các thành viên đều nhìn nhận việc tìm kiếm đội ngũ kế cận trở nên cấp thiết. Ông Nguyễn Văn Bảy tâm sự, nhiều năm nay, ban quản lý đình đang tìm Từ đình để tiếp tục coi sóc, lo nhang khói đình hàng ngày nhưng vẫn chưa tìm được, vậy nên ông vẫn kiêm nhiệm vai trò Từ đình suốt mấy năm qua. Còn ông Đỗ Văn Vệ chia sẻ, dù rất động viên các con cháu trong gia đình lui tới đình làng mỗi khi có việc nhưng cũng rất khó bởi hiện nay các con cái đều đi làm ăn xa, các dịp lễ tế cũng ít có cơ hội về thăm gia đình hay ghé thăm đình làng được. Chính vì thế, để tìm được những người trẻ thực sự tâm huyết, có đạo đức, uy tín với cộng đồng, có tâm gìn giữ hồn đình quả thực không dễ. Đau đáu với việc tìm thế hệ kế cận, các bô lão ở Đình Lạc Giao vẫn nỗ lực làm hết trách nhiệm, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử nơi đình làng, và vẫn trông ngóng ngược xuôi tìm nhân tố sáng để trao truyền và tiếp nối công việc gìn giữ “hồn đình” giữa lòng phố.
H'Xíu Hmok
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0