Tác phẩm đạt giải Ba cuộc thi sáng tác văn xuôi chủ đề "Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Những chặng đường phát triển" năm 2023.
VHNT- Cuối cùng, tôi vẫn chọn gắn cuộc đời mình vào thành phố cao nguyên bình yên này. Thấm thoắt đã gần ba mươi năm. Thời gian cũng kịp lưu lại bên khoé mắt tôi một vài nếp nhăn. Tôi đang dần già đi nhưng Buôn Ma Thuột hình như ngày càng trẻ lại.
Ảnh minh hoạ
Cuối cùng, tôi vẫn chọn gắn cuộc đời mình vào thành phố cao nguyên bình yên này. Thấm thoắt đã gần ba mươi năm. Thời gian cũng kịp lưu lại bên khoé mắt tôi một vài nếp nhăn. Tôi đang dần già đi nhưng Buôn Ma Thuột hình như ngày càng trẻ lại.Phố núi những ngày chuyển mùa, mưa rả rích. Mưa như thiếu nữ mới chia tay mối tình đầu, chẳng thiết giấu cảm xúc, cứ khóc được bao nhiêu thì khóc. Bắt đầu bằng một vệt lam mờ nhoà nhện từ rẫy cà phê phía triền xa, mưa oà ập đổ xuống thung lũng. Thung lũng là chiếc túi đựng gió, đựng mưa và cái lạnh. Mảnh sân nhà trôi sạch lớp bụi ngầu đỏ, lộ ra sắc xám. Khóm thạch nam nhu nhú mấy nụ bông tím biếc rã cánh trong mưa gió bời bời. Mưa rỏ lanh canh trên chiếc chậu nhôm như muốn đong kí ức, mãi mà chưa đầy lên được…
*
Mưa đưa tôi trở về không khí những năm chín mươi. Cũng vào một ngày mưa bâng khuâng thế này, hai bố con tôi rục rịch đi xe đò vượt mấy trăm cây số lên Buôn Ma Thuột đón H’Na xuống Sài Gòn nhập học. Giữa Buôn Ma Thuột có một buôn làng của người Ê Đê tên Akô Dhông nằm lặng lẽ trong thung lũng hình dấu chân ngựa. Ngôi nhà dài của H’Na nép mình dưới chân những rẫy cà phê sum sê và hướng ra một con suối róc rách quanh co, đẹp như một bài thơ tự do. Tôi mê Buôn Ma Thuột từ lần đầu tiên ấy. H’Na là con gái người đồng đội cũ của bố tôi, vừa nhận được giấy báo đỗ đại học. Mẹ H’Na mất năm cô học lớp mười. Còn cha H’Na hi sinh trong chiến dịch Tây Nguyên năm bảy lăm. Khi hai ông bố ra trận, hai bà mẹ đang mang thai chúng tôi. Bố tôi ước có thêm thằng con trai. Cha H’Na mong con gái đầu lòng. Họ hứa với nhau hai mươi năm sau sẽ kết nghĩa sui gia. Kết quả, chúng tôi đều là con gái.
Thi thoảng, bố tôi hay kể lại chuyện chiến tranh, như thể nó vừa mới diễn ra hôm qua, mọi thứ in hằn rõ nét trong trí nhớ. Bố tôi là bộ đội thuộc Sư đoàn 968. Tháng ba năm ấy, quân Giải phóng của ta nhanh chóng đổ bộ lên Buôn Ma Thuột, mục tiêu đầu tiên trong chiến dịch Tây Nguyên. Trong trận đánh thẳng vào Sư bộ 23, địch phản công quyết liệt. Cha H’Na đã dùng ngực trái đỡ cho bố tôi một viên đạn. Ông ấy đã không kịp nhìn thấy con gái đầu lòng và ngày đất nước thống nhất. Để bao năm trôi qua, bố tôi cứ sống với nỗi dằn vặt canh cánh trong lòng. Đêm đêm, bố vẫn hằng mơ thấy viên đạn phát sáng như một con mắt sắc lẹm đằng đằng sát khí đang vùn vụt lao về phía mình. Rồi bố giật mình tỉnh giấc và thở dốc. Chiến tranh đã qua nhưng vết thương lòng mãi luôn âm ỉ…
Cả H’Na và tôi đều chọn Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cách nhà tôi khoảng chừng ba cây số. Các anh chị tôi đều đã lập gia đình và chuyển ra ở riêng nên không gian nhà tôi khá rộng rãi và thoải mái. H’Na học khoa Giáo dục tiểu học, còn tôi học khoa Văn. H’Na mang vẻ đẹp đằm thắm và khoẻ khoắn của đại ngàn. Đôi mắt đen láy như hòn than góc bếp. Bờ môi mọng như chùm mâm xôi rừng. Làn da nâu bóng như trái mắc ca đượm nắng. Mái tóc dài như suối chảy đêm trăng. Như hạt giống được gieo vào miền đất hứa, H’Na nhanh chóng hòa vào nhịp sống Sài Gòn. Cô nghiện sách và nghiện phố, có thói quen ngồi hằng giờ liền bên ô cửa sổ rợp hồng hoa giấy, vừa đọc sách, vừa ngắm phố phường chuyển động tấp nập ngoài kia rồi ngẫm ngợi mông lung. Còn tôi thì chúa ghét những những thứ âm thanh ồn ã ngày ngày vẫn lấn chiếm sự tĩnh lặng của tôi. Thành phố này không dành cho người hướng nội…
Từ ngày H’Na đến, những cơn ác mộng không còn đeo đẳng giấc ngủ của bố tôi. Bố mẹ tôi cưng chiều H’Na như nâng niu một đoá dã quỳ. H’Na giỏi che giấu muộn phiền, hay những chia lìa, mất mát, tổn thương vây bủa lấy con tim cô khiến nỗi buồn không cách nào lọt ra bên ngoài được? H’Na cá tính và sắc sảo hơn tôi tưởng. Ngay từ cuối năm nhất đại học, cô đã yêu một anh chàng sinh viên khoa Ngoại ngữ khoá trên, điên cuồng và man dại, phóng khoáng và hết mình. H’Na bình thản kể cho tôi về cái lần cô chính thức thành đàn bà trong nhà vệ sinh công cộng, hiển nhiên như thể hòn than phải nằm trong bếp, đoá hoa phải cắm trong bình. Tôi nghe mà run lên ớn lạnh...
Tôi cũng có một mối tình trong veo như một giọt sương mai ngái ngủ trong nụ hoa giấy (Tôi thích lối so sánh bóng bẩy và sến rện này). Giới hạn xa nhất là những cái nắm tay vụng về, ngượng ngập. H’Na bảo, như thế chưa thể gọi là yêu. Con người ta chỉ thực sự yêu khi chạm đến tận cùng cảm xúc cuồng si. Câu nói đó, H’Na trích dẫn từ cuốn tiểu thuyết diễm tình sướt mướt của một nữ văn sĩ Pháp. Và bình thường, khi nói chuyện, H’Na cũng cố gắng diễn đạt rất cầu kì như thể cô đã chọn lọc, trau chuốt kĩ càng từng từ trong đầu trước lúc phát ngôn. Tôi gật gù nhưng thâm tâm luôn tôn thờ văn hoá chuẩn mực Á Đông. Mẹ tôi dạy, con gái phải để dành trinh tiết cho đến lúc lấy chồng.
Tốt nghiệp đại học, tôi tự nguyện viết đơn xin lên Buôn Ma Thuột. Ở đó đang thiếu giáo viên. Và lý do khác, một vết thương lòng chưa kịp liền sẹo khiến tôi khao khát được đi thật xa để khoảng cách địa lí và thời gian xòa nhòa nỗi đau rồi chữa lành kí ức. Bố tôi ngạc nhiên nhưng hết lòng ủng hộ con gái. Mắt ông nhen lên ánh cười mãn nguyện sau lớp mục kỉnh dày cộm. Con sẽ thay bố trả nợ thanh xuân, tôi nghĩ trong lòng nhưng không thốt ra. H’Na nhất quyết bám trụ lại Sài Gòn. Cô bảo chỗ nào cho mình hạnh phúc, chỗ đó chính là nhà. Người yêu H’Na đã làm giáo viên tại một trường dòng và hứa hẹn sẽ xin được việc cho cô. Gấp lại cuốn sách vừa đọc xong, cô ngồi vắt vẻo bên ô cửa sổ thân quen, rứt những bông hoa giấy, xòe tay thả trôi theo chiều gió bay bay. Rồi mắt H’Na mơ màng về một miền tưởng tượng xa xăm:
- Vợ chồng tao sẽ chụp ảnh cưới ở nhà thờ Đức Bà và mua một căn nhà có ban công hướng ra một con đường đêm đêm nhấp nháy ánh đèn xanh đỏ!
- Chúc mong muốn của mày sớm thành hiện thực!
- Còn mày đã suy nghĩ kĩ chưa? Ở Sài Gòn bao người che chở, mày còn lơ ngơ thì lên núi, mày sống nổi không?
- Tao đâu phải trẻ con! Mày dạy cho nhiều thế cũng phải khôn lên chứ!
- Mày lên cứ ở nhà tao!
Chuyến xe đò đến trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột nhanh hơn một tiếng so với dự kiến. Tôi vừa đặt chân xuống bến xe thì trời đổ mưa hối hả. Dường như ấn tượng đậm nét nhất trong kí ức tôi về phố núi tại thời điểm đó và kể cả sau này luôn gắn liền với những cơn mưa. Mưa lộp độp gõ trên mái tôn. Mưa trổ bong bóng phập phồng khoảng xi măng trũng xuống. Tôi ôm ba lô, tấp vội vào một mái hiên. Đứng nơi góc nhỏ ngắm mưa, thấy tâm hồn được gội sạch bon chen thường nhật để trở nên an nhiên, thuần khiết. Đằm bàn tay vào mềm mại mưa sa, ngỡ như đang hứng lấy những giọt buồn kỉ niệm. Sài Gòn vừa xa đã nhớ bồn chồn. Thời ấu thơ, mỗi lần mưa mịt mùng giăng trắng ngoài ô cửa sổ, tôi vẫn hằng thương dáng mẹ gồng gánh hai nồi tàu hũ cuối con hẻm liêu xiêu. Lớn lên, cứ nghĩ được cầm ô, nắm tay người ấy đi dưới mưa là cảm giác lãng mạn nhất trên đời. Và cũng đã có lần, tôi sụt sùi khóc thương con chim lạc bầy co ro ướt nước bay giữa trời xa tìm đàn khản giọng. Tiếng chim hót trong mưa như rút từng sợi ruột...
Mưa ngớt dần cũng vừa lúc Y Kha, anh bạn thân của H’Na, đi con xe cúp tróc sơn ra đón tôi ở bến xe, chân anh không đi dép, lấm lem đất đỏ. Nhưng cũng đôi chân ấy gợi cho tôi cảm giác vững chãi, an tâm và tin tưởng. Tôi đã nghe H’Na kể nhiều về anh. Anh là cán bộ nông lâm. Anh nhường chiếc áo mưa được khoét từ cái túi bóng lớn hình chữ nhật cho tôi. Ngồi sau xe anh, tôi đưa mắt ngắm nhìn toàn cảnh Buôn Ma Thuột. Những ngôi nhà ngói lác đác mọc lên, xen kẽ với màu xanh của những tàng cây rậm rạp biến phố núi thành một tổ chim khổng lồ ngủ trong rừng. Qua vòng xuyến, tiếp nối đoạn đường mới được rải nhựa kiên cố là con đường đất đỏ nhão nhoét và trơn trượt. Từ đây, đường lượn hình theo những sóng dốc nhấp nhô. Tôi chợt tưởng tượng ra, ở một vị trí nào đó trên đoạn đường này, cha H’Na đã dùng ngực của mình đỡ lấy viên đạn cứu mạng bố tôi, máu ứa ra đỏ tươi như bông hoa pơ lang nở từ trái tim. Có phải vì máu của họ mà đất ở đây đỏ nao lòng đến thế. Để cây rừng cứ rạo rực mọc lên tạo nên bức tường thành bảo vệ, chở che thành phố.
- Ở đây đang vào mùa mưa! Cô cẩn thận kẻo ốm!
- Tôi thích những cơn mưa. Hồi bé, tôi hay tắm mưa lắm. Nhưng mưa Buôn Ma Thuột khác mưa Sài Gòn...
Rồi chúng tôi cũng về đến buôn Akô Dhông. Buôn nằm lọt thỏm trong lòng phố núi như đứa trẻ ngoan sà vào lòng mẹ. Cây kơ nia cổ thụ vẫn đứng sừng sững giữa buôn, ngóng trông ai đó trở về. Dọc theo triền thung, cây cà phê mọc ngay hàng, thẳng lối viền quanh buôn làng. Sau mưa, những con suối chảy róc rách hân hoan như bản đàn T’rưng rộn rã. Những nhà dài mái gianh đã được thay bằng mái ngói. Mấy đứa trẻ đi học về cặp sách xúng xính trên lưng, nhìn chúng tôi cười khúc khích. Tôi về tá túc nhà H’Na, căn nhà rộng rãi quá khiến tôi cảm thấy hơi cô quạnh. Thế mới hiểu những năm tháng sống lủi thủi ở đây, H’Na bản lĩnh nhường nào, mạnh mẽ ra sao. Sự sắc sảo và cá tính của cô không phải tự dưng có được.
Tối đến, Y Kha dẫn tôi qua trình diện già làng. Cụ mới vào rừng hái lá thuốc về. Ngồi bên bếp lửa hồng liu riu, cụ kể cho tôi nghe từ sử thi Đăm Săn, cổ tích Ê Đê đến chiến dịch Tây Nguyên. Ngoài trời, sương giăng nặng hạt. Không gian sơn cước lành lạnh và thênh thang này khiến những câu chuyện ấy cuốn hút đến huyền ảo. Tôi ngồi lặng im nghe. Ở đây, tôi được cảm nhận bốn mùa trong vòng một ngày, sáng ẩm ương, trưa nóng bức, chiều ấm áp, tối se se lạnh. Già làng rít một hơi thuốc trong cái tẩu nhỏ, phả ra làn khói trắng ngà, giọng ông trầm đục:
- Mày bước chân vào đây là thành người của Akô Dhông này rồi! Đầu con H’Na học giỏi nức tiếng khắp xứ này nhưng chân nó không thích trèo đồi, lội suối. Củ mì, trái bắp còn có năm mất mùa. Chỉ cái chữ là không lo mưa, lo nắng. Mày gắng thay con H’Na tra cái chữ cho lũ trẻ. Tương lai của chúng trông cả vào mày!
Từ ngày tôi đến Buôn Ma Thuột, mọi sự đều suôn sẻ, hanh thông. Biết tôi là giáo viên lặn lội từ dưới xuôi lên, người dân quý lắm. Họ tất tả mang đến cho tôi trứng gà, trái bắp, củ mì, măng khô... Mỗi thứ một ít mà chứa chan niềm chân thành. Mắt tôi rưng rưng xúc động. Phút giây ấy, tôi biết mình đã chọn đúng một con đường. Tôi được phân công về dạy ở một trường cấp hai cách buôn Akô Dhông chừng vài cây số. Hôm tôi chính thức cầm tờ quyết định, già làng tổ chức một bữa tiệc lớn từ chiều tàn cho tới đêm khuya. Cồng chiêng rộn lên tưng bừng, củi khô nổi lửa phừng phừng, già trẻ, gái trai cùng mùa hát rộn ràng và uống rượu cần thơm ngây ngất. Mặt ai cũng ửng hồng trong ánh lửa, tiếng hát nồng hơi rượu, điệu múa chếnh men say, ngượng ngùng tay trong tay, gửi yêu thương vào gió...
Tôi dần bắt nhịp được với cuộc sống nơi đây. Tôi kết thân với một cô bé tên H’Cúc, con gái già làng. Buổi sáng đi dạy ở trường, buổi chiều theo chân H’Cúc và đám học sinh lên rìa thung chăn bò, đúc dế, hái sim, đào củ mì nướng trong hốc đá, chia nhau chấm muối ớt gói túm lá. Nóng nực thì xuống suối Ea Nuôl tắm, soi mình vào dòng nước xanh êm, tôi chợt nhận ra mình vẫn mang tâm hồn thơ trẻ trong hình hài người lớn. Tôi được trải nghiệm một thế giới tuổi thơ khác hẳn hoàn toàn. Tuổi thơ đầy nắng, gió, mùi tóc khét giòn và những nụ cười trong trẻo. Nắng gió cao nguyên nhuộm đậm đà thêm cho màu da và tính cách của tôi, cứng cỏi, vô tư, dã thảo. Tôi nhớ nhất những chiều thứ bảy H’Cúc dẫn tôi leo lên đỉnh ngọn núi cao nhất của buôn, đứng tựa lưng vào một gốc cây già, bắc loa tay hét thật to cho gió cuốn phăng hết thảy những trầm luân, mỏi mệt, để thấy mọi vết thương trong tâm hồn cũng nhẹ tênh như một cánh bồ công anh xoay xoay trong gió. Rồi dang tay ra như ôm trọn cả Buôn Ma Thuột phía xa xa vào lòng. Thành phố đang chuyển mình sau chiến tranh...
- Mày cũng đến tuổi bắt chồng rồi đấy, cô giáo ạ! - Trong đêm hội cơm mới, khi ánh lửa bốc lên rừng rực, già làng nói với tôi. - Mày không nhanh chân thì chúng nó bắt hết mất thôi!
- Chị bắt anh Y Kha đi! - H’Cúc tinh nghịch xen vào, cười rinh rích.
- Bọn nhỏ chỉ đường cho mày rồi đó!
Y Kha là con nuôi của già làng. Cụ nhặt được anh khi ấy còn đỏ hỏn, nằm lọt thỏm trong chiếc áo dạ măng tô, đang ngọ ngoạy khóc dưới cầu thang rạp chiếu bóng trong ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột. Anh gọi cụ là cha già. Lớn lên, anh không giống những chàng trai khác trong làng: Đôi chân dài, đôi mắt xanh lam, mái tóc vàng, sống mũi cao và làn da trắng như hoa cà phê, nắng gió Tây Nguyên không cách gì nhuộm sạm màu nổi. Và đặc biệt là giọng nói như có đệm trong vùng cổ, vừa ấm, vừa êm, vừa tự nhiên lại vừa trau chuốt. Từ lần đầu gặp nhau đến nay, Y Kha chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào tôi, lúc nào đôi mắt xanh lam sâm thẳm ấy cũng hơi cụp xuống sau rèm mi dày cong vút, hơi u buồn. H’Cúc nói, đôi mắt Y Kha như mặt hồ Ea Kao.
H’Cúc sắp thi đại học. Tối đến, nó lại qua nhà tôi nhờ tôi kèm thêm môn Văn rồi ngủ lại đây luôn. Đêm đêm, hai chị em nằm cạnh nhau, H’Cúc dạy tôi học tiếng Ê Đê. H’Cúc lém lỉnh bảo: “Chị phải học tiếng Ê Đê để lỡ buôn này hết con trai, chị phải vào những buôn xa xôi tít bên kia núi mà bắt chồng”. Tôi cốc nhẹ lên đầu nó. Sau hai tháng, tôi cũng biết giao tiếp bập bẹ, H’Cúc lại bày tôi cách dệt vải thổ cẩm. Chiếc khung cửi nhà H’Na mối mọt đã ăn mòn. Y Kha vào rừng tìm tre già cứng đanh, đóng một khung cửi mới cho tôi. H’Cúc thông minh và tháo vát. Cô bé chỉnh tôi từ dáng ngồi duỗi thẳng chân cho đến cách cầm thanh ngang. Dệt vải cần rất nhiều sức và sự dẻo dai. Nhiều lần, H’Cúc bảo tôi: “Chị giật mạnh tay lên thì vải mới cứng và bền, đừng sợ cái khung cửi bị đau”.
Thi thoảng, Y Kha gửi H’Cúc mang tới cho tôi những cây hoa nhỏ. Tôi trồng chúng ở khoảng vườn bên hông nhà dài, tưới nước, chăm sóc thật cẩn thận, đợi ngày những nụ hoa đón chào nắng mới. Một hôm, H’Cúc nằng nặc đòi Y Kha chở ra trung tâm thành phố mua sách tham khảo, không quên kéo thêm cả tôi đi làm nhiệm vụ tư vấn. Nó ép tôi ngồi vào giữa xe cúp, đến những đoạn đường xóc, tôi đổ rạp lên lưng Y Kha, hiểu ra ngay màn cố tình sắp đặt của con bé. Tôi nhìn thấy tai Y Kha đỏ bừng, và tim tôi cũng đang thình thịch đập...
Nhưng trái tim tôi dường như chai sạn mất rồi. Từ khi bị người ấy bỏ rơi, tôi không dám yêu thêm một ai khác nữa. Những chiều tháng ba, tôi theo chân Y Kha và H’Cúc lên rẫy làm cỏ cà phê. Cả một miền hoa cà phê bung nở trắng muốt như muôn vàn bông tuyết đọng trên cành lá. Rẫy cà phê trải rộng hút tầm mắt, đẹp xốn xang. Mùi thơm dịu đằm rủ ong bướm kéo về từng đàn như đang mở hội. Chợt, một con chim có đôi cánh màu xanh sặc sỡ từ đâu bay tới, đậu trên cành cà phê, rỉa những cánh hoa.
- Con chim gì đẹp quá!
- Chim kơ tia đó!
- Hồi nhỏ, tôi rất thích nuôi chim để trò chuyện với nó. Nhưng anh trai tôi lại bị dị ứng với lông chim. Nên sở thích đó chẳng bao giờ thành hiện thực cả.
Trưa hôm sau, Y Kha tặng tôi một con chim kơ tia có bộ lông xanh mượt. Anh bảo, con chim này nói sõi lắm rồi, cô giáo nuôi nó, rồi đọc thơ cho nó nghe. Con chim kơ tia nhí nhảnh, vui tính, thích ăn trái mâm xôi rừng, nhưng lại vô ý tứ. Đôi khi, nó mổ cả ngón tay tôi chảy máu. Nó cũng hay ngủ muộn như chị em tôi. Một buổi tối, tôi dạy H’Cúc học bài thơ “Tôi yêu em” của thi hào Pushkin, Y Kha mang sang nhà tôi mấy chùm trái mâm xôi mọng nước. H’Cúc nhanh nhảu:
- Anh mang trái cho chim hay cho người đó?
Y Kha chưa kịp trả lời, con chim đã thao thao bất tuyệt:
- Tôi yêu em! Tôi yêu em! Tôi yêu em!
H’Cúc bụm miệng cười rinh rích:
- Kơ tia nói hộ lòng Y Kha!
Hết mùa mưa, qua mùa khô, cà phê đã đơm trái chín mọng, đợi bàn tay người hái về buôn. Tôi cũng đã biết cách thưởng thức cà phê, những ly cà phê nguyên chất, không đường. Vị đắng khiến tôi tỉnh táo, kể từ ngày người ấy rời bỏ tôi, tôi bỗng sợ vị ngọt, sợ những lời yêu chót lưỡi đầu môi. Nhưng ai có thể sống mà không yêu? Khóm hoa tôi trồng bên hông nhà cũng đã bật lên những sắc màu rạng rỡ. Có con chim kơ tia lạ cứ đậu chấp chới trên đài hoa hướng dương, nhìn con chim kơ tia của tôi hồi lâu, hót rền rĩ. Nhưng con chim kơ tia của tôi vẫn lẳng lặng đứng im trên dây phơi, không một lời hồi đáp...
Buôn Akô Dhông lại mở hội mừng cà phê. Mùi rượu thơm say đắm, đượm nồng. Ngôn ngữ của ánh mắt là thứ khó che giấu nhất trên đời. Ngôn ngữ của trái tim là điều lí trí không thể nào can thiệp. Y Kha thích tôi, từ người già đến trẻ con, cả buôn làng ai cũng biết. Tôi cứ vờ bình thản xem Y Kha như người bạn thân. Nhưng làm sao tôi có thể đóng chặt cánh cửa trái tim mình được nữa khi Y Kha đã tìm ra chiếc chìa khóa rồi? Tôi đã đánh mất cái quý giá nhất đời người con gái. Tôi có còn xứng đáng với Y Kha? Già làng bảo, trái tim cũng như nhà dài, không cần đóng cửa, gió đi qua rồi nắng ghé vào. Đêm ấy, Y Kha đã mạnh dạn nắm chặt tay tôi. Tôi cứ để yên tay mình trong tay anh như thế. Rồi Y Kha đưa tôi về nhà. Mùi cà phê nhà ai đang rang ngập đầy lòng thung. Trăng sáng vằng vặc, dát bạc lên con đường uốn lượn mềm mại như một dải thổ cẩm mới dệt xong. Đến bậc cầu thang, Y Kha nhổ một sợi tóc, đưa ra trước mắt tôi, giọng trầm ấm:
- Cho tôi làm chồng em nhé?
Tôi lặng người đi, lúng túng chẳng biết phải làm gì. Con chim kơ tia hay hóng hớt hét toáng lên oang oảng:
- Em nhé! Em nhé! Em nhé!
Tôi giật mình, theo phản xạ, nhổ một sợi tóc mình đưa cho Y Kha. Anh nối hai sợi tóc vào nhau, tạo thành một chiếc vòng nhỏ đeo lên cổ tay tôi, đánh dấu sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời hai đứa. Tôi cảm nhận được hơi ấm từ lòng tay anh đang truyền qua đôi tay lành lạnh của tôi...
Cả Y Kha và tôi là những đứa con ngoại vi được buôn làng Akô Dhông cưu mang, đùm bọc. Đám cưới chúng tôi được tổ chức theo nghi thức của người Ê Đê vào một ngày tháng ba hoa cà phê bung tuyết. H’Na và gia đình tôi từ Sài Gòn lên đây chung vui đông đủ. Già làng làm chủ hôn. Hôm đó, Y Kha đóng khố, mặc vải tấm; còn tôi mặc váy tấm, áo chui. Đó là những bộ trang phục tôi háo hức dệt ngày, dệt đêm dưới sự chỉ dẫn tận tâm của H’Cúc. Những đường nét hoa văn vẫn còn đôi chút lỗi sợi, vụng về. Nhưng mọi thứ thật là vừa vặn. Học sinh của tôi núp hai bên đường té nước ướt nhèm tóc cô dâu, chú rể. Chúng tôi mở tiệc, nhảy múa, hát ca đến tận đêm khuya, tiếng hát, điệu múa rung reng vòng đồng. Ngọn lửa bốc cao nối đất với trời. Mùi củ mì, củ khoai, trái bắp nướng thơm phưng phức. H’Na nắm lấy tay tôi đặt vào tay Y Kha, nói những lời dịu êm như hương hoa cà phê đầu mùa:
- Nhà tao cũng là nhà của bọn mày, nhà chung của chúng ta. Hai đứa phải hạnh phúc nhé!
Chúng tôi đã sống rất hạnh phúc. Nhưng hai năm ròng, tôi ốm nghén mấy lần mà bụng tôi vẫn lép kẹp như bông cà phê không đậu trái. Tôi ngày càng rộc rạc, quắt queo như cây bắp bị sâu đục thân. Y Kha đưa tôi xuống một bệnh viện ở Sài Gòn thăm khám. H’Na nghe tin cũng kịp đến thăm tôi. Chuyện này chỉ ba chúng tôi biết. Bác sĩ kết luận, tôi bị dính buồng tử cung, khó có khả năng làm mẹ. Đó là hậu quả của lần phá thai bị nhiễm trùng. Tôi khóc nức nở, kể lại cho Y Kha nghe quá khứ của mình. Một quá khứ tưởng đã lùi xa mà chỉ trong khoảnh khắc, cơn đau như ùa về nhoi nhói giữa hai đùi, lan lên tận con tim, rõ mồn một. Một quá khứ tôi luôn nén vào góc sâu tối nhất cõi lòng khiến nỗi hoang mang và lo sợ cứ căng phồng lên như một quả bóng bay chực vỡ. Và nó đã vỡ thật rồi...
Tôi kể hết cho Y Kha nghe về thời sinh viên của mình. Tôi từng yêu một cậu bạn cùng khoa. Mối tình trong veo không mảy may toan tính hẹp hòi. Chúng tôi còn chưa dám hôn môi nhau. Ấy vậy mà cái đêm tham gia cắm trại ở ngoại ô Sài Gòn, tôi đã đánh mất mình cho người ấy sau khi uống một cốc siro mát lịm. Bụng tôi nhú lên sau lớp áo, người ấy biến mất không dấu vết, như chưa từng bước vào đời tôi. H’Na đưa tôi đến một phòng khám chui. H’Na bảo, ngây thơ chỉ dành cho trẻ em. Hai mươi rồi mà vẫn ngây thơ là một cái tội. H’Na nhìn tôi bằng đôi mắt của loài cáo hoang, đời chẳng dư thời gian để đợi ai trưởng thành cả!
Bao năm qua, lòng tôi vẫn nghĩ phố núi này sẽ là nơi tôi có thể giấu thân phận cũ, tẩy trắng quá khứ, làm lại cuộc đời. Nhưng cuộc đời chưa ngừng giăng mắc những chướng ngại vật cho tôi. Y Kha nhìn tôi bằng đôi mắt ấm áp, nhân từ. Hay anh đã cất giấu tất cả sự sững sờ, thất vọng cùng cực vào bên trong? Lòng tôi dâng đầy mặc cảm tội lỗi. Y Kha ôm tôi thật chặt vào lòng, giọng anh giòn như tiếng thác:
- Chuyện đã qua, ta mang ra suối thả.
- Em không xứng đáng với chồng.
- Vợ là người tốt, vợ bị kẻ xấu hại thôi. Chồng thương vợ! Dù có chuyện gì xảy ra, chồng vẫn thương vợ nhất! Chúng ta sẽ xin con nuôi, vợ ạ.
Mấy tuần sau, vào một đêm vắng, H’Na bế một bé trai kháu khỉnh chừng một tuổi về nhà. H’Na đã có con mà chúng tôi không hay biết? Kể cả lần gặp gần đây nhất ở Sài Gòn, cô cũng chẳng tâm sự gì cả. Cô quýnh quáng trao đứa bé cho vợ chồng tôi: “Phiền vợ chồng mày nuôi con tao hộ tao. Tao cùng thằng người yêu tìm đường sang Mỹ. Ổn định sẽ quay về đón nó sau. Nếu bất trắc thì trông cậy cả vào bọn mày”. Nói rồi, H’Na lẳng lặng đi luôn trong đêm tối quánh đen như bồ hóng bám lâu ngày trên vách bếp. Y Kha ôm nhẹ lấy đứa bé, lay khẽ. Tôi hiểu sự kết nối đồng điệu giữa Y Kha và đứa bé. Có lẽ ngày mùng mười tháng ba năm bảy lăm ấy, già làng cũng đã bế Y Kha như thế. Đứa bé khóc ngằn ngặt, chân tay lạnh ngắt, run lẩy bẩy. Anh cho nó sưởi bên bếp lửa ấp iu. Ánh lửa hắt lên má nó hồng phúng phính...
Chúng tôi đặt tên cho con nuôi là Y Nông. Y Nông đến như ban mai khiến căn nhà sáng rỡ và ấm cúng hơn, xua tan những lớp bóng tối ảm đạm. Nỗi đau quá khứ trong tôi cũng dần nguôi ngoai. Con chim kơ tia đậu bên cửa sổ đã kịp bắt chước tiếng khóc Y Nông, mỗi lần Y Nông khóc, nó cũng nhéo nhẳng khóc theo oe...oe...oe... Vợ chồng tôi tất bật hẳn lên. Lúc nào bận quá thì gửi cháu nhờ cha già và H’Cúc trông hộ. Cha già thương Y Nông như cháu ruột của mình. Cha già bảo, trăm suối đổ vào một sông, ai về với buôn làng Akô Dhông đều là con cháu của đồng bào Ê Đê ta đó! Là con cháu đồng bào Ê Đê ta, lớn lên phải khỏe như cây kơ nia, không sợ gió mưa. Là con cháu đồng bào Ê Đê ta, phải biết trèo đồi hái củi, leo núi làm nương, để khoai lợn ăn không hết, bắp gác bếp treo dày, thóc đổ đầy miệng chum, bò từng đàn béo ục. Lời cha già phả nồng hơi rượu, thấm thía vô cùng...
Y Nông lên bốn tuổi, đã biết lấy tẩu thuốc cho ông, nhặt hạt cà phê phụ mẹ, hứng nước mát trong ống lồ ô mời cha mà H’Na vẫn bặt vô âm tín. Không hiểu sao, trong hình dung của mình, tôi vẫn nghĩ H’Na sẽ trở về vào mùa hoa cà phê. Nhiều đêm, tôi mơ thấy nơi những con sóng duềnh lên, dập xuống ào ào, một con thuyền trắng với chiếc buồm nâu lênh đênh giữa biển cả, bám theo những cánh hải âu chao liệng. Con thuyền ra đi đâu hẹn ngày trở lại? H’Na có về thăm phố núi ngủ mưa? Hay cô ấy và chồng đã hạnh phúc nơi xứ sở Cờ Hoa, sinh ra những đứa con bụ bẫm khác? Dù gì, tôi vẫn luôn mong H’Na hạnh phúc. Buôn Ma Thuột đã thay đổi nhiều. Có lẽ, nếu trở về, H’Na sẽ chẳng còn chê nơi này tẻ nhạt...
Tôi vẫn kẹp cẩn thận bức ảnh tôi chụp chung với H’Na ở Buôn Ma Thuột mùa hè năm chín sáu trong cuốn “Giamilia - Truyện núi đồi và thảo nguyên” của nhà văn Aitmatov, cuốn sách mà cả hai chúng tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao lần. Còn nhớ, sau lần phá thai ấy, tôi gầy rạc đi. Bố mẹ chỉ nghĩ chắc do tôi bị áp lực học hành. Vừa đúng dịp hè, H’Na đưa tôi về Buôn Ma Thuột. Căn nhà dài không khoá cửa như vẫn đợi H’Na từ lâu lắm rồi. Ánh sáng rọi qua những lỗ dột trên mái gianh nhập nhờ, hoang hoải. H’Na nhóm bếp. Lửa nhen lên sự sống ấm nồng. Cô đãi tôi món khô cá giã với ớt cay và cà đắng. Cay đắng quyện đều mà hài hoà đến lạ. H’Na bảo, ăn đi, để biết trên đời có nhiều thứ cay đắng hơn cả thất tình!
Lại nhớ, sáng hôm sau, H’Na mượn xe đạp, chở tôi đi tham quan một vòng Buôn Ma Thuột. Thành phố của những con đường bụi đỏ và những hàng cây xanh. Chúng tôi thắp hương ở chùa Tứ Sắc Khải Đoan, cầu nguyện ở nhà thờ Thánh Tâm, treo bùa bình an lên cây kơ nia cổ thụ. Trời Buôn Ma Thuột đỏng đảnh như tính nết của tôi. Đang nắng đượm thì bất chợt gió cuốn bụi mù, mây đen dồn ứ lại và đổ mưa rào tầm tã. Chúng tôi đi trong mưa, hát vu vơ những lời ca tự bịa. Thành phố chỉ dành cho thơ. Ai đã bỏ quên giấc mơ. Để gió thẫn thờ. Để ta đợi chờ. Mưa có rửa trôi hết những nỗi buồn trong tôi? Hay mưa khiến nỗi buồn ngấm sâu vào tâm khảm?
Trở lại Sài Gòn, H’Na vẫn chăm tôi như chăm em gái ruột. Cô dạy tôi nhiều điều như thể H’Na mới chính là người Sài Gòn thứ thiệt, còn tôi là cô gái hồn nhiên từ một buôn làng xa nào vừa về thành phố. Tôi học khá ở giảng đường nhưng bập bõm ở trường đời, H’Na như giảng viên phụ đạo cho tôi. Sài Gòn, góc phố này, con đường kia, đâu đâu cũng thấy chờn vờn bóng hình người đàn ông phản bội. H’Na bảo, tình yêu mà không có ghen tuông, hận thù, phản bội thì chán ngắt. Tôi không đồng tình. Tôi cứ cảm tưởng hắn đang đứng ở một vị trí kín đáo từ đằng xa, sau con hẻm nhỏ, sau gốc hoa giấy hay sau một biển hiệu quảng cáo nào đó, lén lút nhìn tôi rồi nở một nụ cười nửa miệng. Hồi ức trỗi dậy như những mũi kim khiến con tim tôi đau nhói...
Nỗi nhớ H’Na luôn song hành với cận cảnh cô sẽ trở về đón Y Nông rời xa khỏi buôn làng Akô Dhông này. Tôi sẽ không biết làm gì hơn ngoài việc khóc? Cả Y Kha nữa, anh sẽ ra sao? Và ngày đó cũng đến. Một buổi tối nhá nhem, mây đen rùng rùng chụm lại như muốn biến buôn làng thành hũ mực. Sấm loạng soạng nổi cơn giận giữ. Sét dọc ngang thoắt ẩn, thoắt hiện. Một rạch chớp lóe lên sắc lẹm, mưa ào ạt trút xuống như vỡ đê trời. Con chó vàng ngúng nguẩy đuôi, ăng ắc sủa nhặng. Rồi nó hung hãn lao ra cổng, tấn công một ai đó đứng thập thò bên rào dã quỳ. Tôi bật đèn pin soi, một người phụ nữ mặc quần áo phong phanh, ngã sõng soài ra cổng. Tôi như không tin vào mắt mình. H’Na! Phải H’Na không? Tôi cuống cuồng lần theo những bậc thang chạy xuống trước, chồng tôi tong tả chạy theo sau. Máu từ bắp chân H’Na ầng ậng chảy ra, hòa vào mưa lênh láng. Tôi vừa chìa tay thì H’Na xô mạnh tôi ra, gào lên tức tưởi:
- Tao bị HIV! Đừng đụng vào tao!
H’Na đen nhẻm, sần sùi và gầy tọp như một trái mướp khô. Bên bếp lửa bập bùng, câu chuyện H’Na kể dài thấu đêm cao nguyên hun hút. Trong những ngày H’Na ở cữ sau sinh, người yêu H’Na đi chơi bời lăng nhăng bên ngoài rồi vô tình mang mầm bệnh HIV về gieo vào cơ thể cô. Mắc căn bệnh thế kỉ, H’Na rơi xuống đáy vực sâu hoảng loạn, tự ti và tuyệt vọng. Mỗi lần tìm đến cái chết, cô lại thấy thèm sự sống biết nhường nào. Cô gửi con cho vợ chồng tôi rồi dựng lều sống tạm ở đồi thông Y Nuê. Cứ cách vài ba hôm, cô lại men theo rìa thung lũng, đứng từ xa trộm nhìn Y Nông nô đùa. Hóa ra, mấy năm qua, H’Na vẫn quẩn quanh trong Buôn Ma Thuột nhỏ bé này. Phố núi luôn bao dung tất cả. Ba chúng tôi ngồi quây quần bên bếp than dậy mùi khô bò và xôi nướng. Tiếng lèo xèo ken vào những khoảng lặng của chúng tôi. Suối xa chảy rì rầm bài ca rừng già bất tận. H’Na ăn nhỏn nhoẻn như một chú mèo, vừa ăn vừa khóc, nước mắt lưng tròng: “Dù ở độ tuổi nào thì đời cũng cứ liên tục quật vào ta những nhát roi chát chúa”. Đúng vậy, những thứ tôi đã thấy, những điều tôi đã đọc, những gì tôi đã trải hữu hạn như một hạt bụi mong manh giữa cao nguyên đất đỏ bazan. Có tiếng gà eo óc gọi ngày mới, hừng đông nhú lên những tia sáng đầu tiên lấp lánh, thanh ngần. Y Nông tỉnh giấc, chạy đến bên bếp lửa, nhìn H’Na, ngơ ngác:
- Ai đây ạ, amí?
- Đây là amí lớn của con. Từ nay amí lớn sẽ về chung sống với gia đình chúng ta. Con chào amí lớn đi!
*
Buôn Ma Thuột nghiện mưa như tuổi trẻ nghiện tình yêu. Bóng chiều nghiêng về lưng núi, mưa vẫn xôn xao trắng trời thành phố. Những cơn mưa níu chân người ở lại, xóa nhòa ranh giới chập chờn giữa quá khứ và hiện tại, để kí ức nảy mầm như cỏ dại. H’Na đã rời xa chúng tôi tròn mười lăm năm, ngủ một giấc thanh bình trong đại ngàn cây cao bóng phủ. Nhưng tôi tin rằng, H’Na thi thoảng vẫn về thăm chúng tôi, từ cành cây xanh lá, từ ánh lửa dịu dàng, từ cơn gió mơn man, từ sắc hoa ngời lên thổn thức. Hai bố con Y Kha đang lúi húi làm khô cá giã cùng ớt cay và cà đắng. Hồi còn sống, H’Na thích nhất món này. Thậm thình tiếng cối chày, lép bép lời củi lửa, lục bục tiếng cơm sôi hòa cùng tí tách tiếng mưa rơi như muốn gọi: H’Na ơi! Hình như, H’Na đang trả lời chúng tôi. Chiếc chậu nhôm ăm ắp nước mưa, đong đầy kí ức...
Phan Đức Lộc
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0