Chắc hẳn nhiều người đã dành những mỹ từ đẹp đẽ nhất cho cà phê. Cà phê - một thức uống kỳ lạ đánh thức các giác quan. Vị đắng của cà phê khi có thêm đường hoặc sữa nó trở nên quyến rũ kỳ lạ. Sự đắng ngọt ấy còn cho người uống chút lâng lâng, tất cả như bừng thức để trở nên tỉnh táo hơn, chả thế mà những câu chuyện buổi sáng có sự hào hứng mang lại năng lượng tích cực cho cả một ngày.
Ngày còn bé, tôi đã thấy các anh tôi tự chế biến và pha chế để có cà phê uống. Thức uống đặc biệt ấy cũng chỉ để thưởng thức trong những ngày đặc biệt, đó là những ngày đầu năm mới. Đó là những năm giữa thập niên 80, người dân đã tự trồng một ít cây cà phê trong vườn. Cà phê hồi ấy quý quá chừng, những chùm quả được nhìn ngắm hàng ngày, mà chín cũng chờ chín đỏ rồi mới hái, mà không hái một lần mà chỉ hái những trái chín nên một cây có thể hái nhiều lần mới hết. Ngày đó, không có máy móc sẵn như bây giờ nên mọi thứ đều bằng thủ công. Để có cà phê nhân cũng phải giã vỏ rồi sảy cho sạch vỏ. Sau khi có cà phê nhân thì rang cà phê, các anh tôi sẽ lấy một ít mỡ gà để rang, hình như vậy nó thơm và ngon hơn hay sao ấy. Sau đó thì giã mịn rồi pha ra uống. Hồi đó, tôi còn bé nên cũng chỉ chơi và ngó nghiêng nhìn ngắm. Khi cái ngày đặc biệt ấy đến, đó là sáng mùng một thì món cà phê của các anh đã làm nên một sự tươi mới, khác hẳn ngày thường. Cũng là thời gian chậm rãi hiếm hoi, các anh tôi sẽ pha cà phê với đường, chậm rãi uống và cùng nhau nói dăm ba câu chuyện, những câu chuyện ấy thường là chuyện hài hay chuyện tình yêu vì ngày đó anh ba và anh tư của tôi còn là thanh niên độc thân. Tiếng cười nhẹ nhàng sảng khoái trong buổi sáng mùng một Tết, còn tôi cũng tò mò uống thử và thật may là tôi thấy ngon và không bị say.
Lớn lên, đi vào các buôn làng của người Êđê trong vùng, tôi thấy các gia đình đều tự làm cà phê để uống. Người dân xem đây là thức uống quen thuộc để bắt đầu một ngày mới, ai cũng có thể uống được. Và là thức uống mà người dân mong muốn được mời khi có khách đến thăm nhà. Tôi cũng đã nhiều lần được trải nghiệm cái cảm giác và không khí thân tình ấy. Chỗ ngồi có thể là phòng khách, cũng có khi bên thềm nhà hoặc trước hiên nhà dài, làm sao cảm thấy thoải mái và vui vẻ nhất, bình dân nhất để ông già, bà lão, những thanh niên có thể ngồi cùng nhau chuyện trò. Nếu bạn biết nói tiếng Êđê thì có thể nói là thực sự trọn vẹn. Thật tiếc khi tôi chỉ có thể dùng được một số từ phổ biến để làm quà cho câu chuyện.
Ảnh minh họa (Quang Khải)
Ngày nay, khi thức uống cà phê đã có một hành trình dài phát triển, người dân có nhiều lựa chọn hơn về các “gu” thưởng thức của mình. Nhiều người vẫn thích cà phê rang xay truyền thống. Và sở thích này vẫn được quan tâm và đáp ứng. Tại các buôn làng, cà phê rang củi truyền thống vẫn được duy trì để phục vụ nhu cầu của thực khách. Nếu muốn tận mắt chứng kiến các công đoạn thực hiện, các bạn có thể đến buôn Ako Dhông, phường Tân Lợi hoặc tại Bảo tàng Thế giới cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên. Tại đây, trong trang phục thổ cẩm, những bạn trẻ người Êđê sẽ giúp du khách trải qua các công đoạn như rang cà phê trên bếp, giã cà phê bằng chày, sau đó trải nghiệm pha cà phê bằng vợt. Cà phê sau khi pha chế tỏa hương thơm và giữ được vị đậm đà đắng ngọt của cà phê Robusta.
Khi nhu cầu của con người ngày càng phát triển thì “gu” uống cà phê cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với môi trường, đặc tính công việc... việc pha chế cà phê cũng phong phú hơn nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng của người thưởng thức. Những năm gần đây, phong trào uống cà phê pha máy lan rộng. Rất nhiều người lựa chọn cách uống này thay vì uống cà phê phin pha theo kiểu trộn nhiều loại cà phê với nhau. Người chọn cà phê pha máy vì cà phê pha máy có vị béo, uống dễ chịu hơn, dậy được mùi cà phê. Trong khi đó, người uống cà phê pha phin thì lại cho rằng: cà phê pha máy thì ra chất tinh túy hơn nhưng nó chỉ đơn điệu, còn nếu như pha theo kiểu truyền thống thì sẽ có hương vị đặc trưng riêng, gu riêng của quán, dễ dàng nhận biết hơn.
Ngoài cà phê pha máy và pha phin thì ngày nay người thưởng thức cà phê còn được thưởng thức cà phê được pha chế bằng nhiều dụng cụ hiện đại khác, trong đó có bình Chamex. Cà phê pha bằng bình Chamex được người nước ngoài rất thích nhưng với người Việt thì còn thấy mới lạ và chưa quen. Chậm rãi, nhẹ nhàng là phong cách uống cà phê bằng bình Chamex, với lượng nước được chế thành nhiều lần để cà phê thẩm thấu qua giấy lọc, nhỏ từng giọt xuống ly. Người uống sẽ cảm nhận được vị chua nhẹ, vị ngọt hậu, mùi hương cân bằng hơn các loại khác khi thưởng thức. Vậy đó, cuộc sống với sự phát triển thì cà phê theo đó cũng có những bước phát triển và lựa chọn.
Buôn Ma Thuột đang mùa hái cà phê, biết bao cảm xúc khi những trái cà phê chín đỏ theo tay người rào rào rơi xuống bạt, xuống gùi. Chút sương lạnh lãng đãng của mùa Đông xứ núi cũng như làm vấn vương thêm mùi hương cà phê ai đó mới pha đang lan tỏa trong gió. Chọn cho mình một quán quen nơi góc phố, ngắm nhìn dòng người trong buổi sáng tinh sương có thể là “gu” của tôi hay của ai đó để thấy thành phố của mình thật đáng yêu và dịu dàng. Rồi cũng không bao lâu nữa mùa Xuân sẽ về mang theo một lễ hội đã được trông đợi từ lâu nơi phố núi Ban Mê: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Lại cùng hẹn hò với quê hương của tôi bạn nhé.
Yêu lắm quê hương, thành phố cà phê!
Thu Hương
Hội viên Hội VHNT Đắk Lắk
Tạp chí Chư Yang Sin số 363, tháng 11-2022.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0