Mẹ tôi mất năm tôi lên cấp ba. Bà dịu dàng, kiên nhẫn và lắng nghe. Có lẽ vậy mới chịu được bố. Ông ấy hơn mẹ tám tuổi, lạnh lùng, khô khan, hơi bảo thủ. Ông hay đi công tác xa vì công việc, còn hai mẹ con tôi quanh năm ở nhà. Mẹ bị ung thư, mãi sau này khi bệnh nặng mới phát hiện. Ngày cuối, mẹ nằm trên giường bệnh thoi thóp cố níu lại từng sự sống chờ bố về, nhưng cũng chẳng kịp. Bố lại đến quá muộn, nhất quyết không nói lý lo. Tay mẹ lạnh ngắt, lời cuối của đời, mẹ vẫn dành cho bố: “Thông cảm cho bố. Bố con là một người đàn ông khổ sở”. Ông đến trễ, im lặng, không cảm xúc, không khóc lóc thở than, chẳng nuối tiếc. Ông luôn thế, đi xa, về trễ mặc ai chờ. Nhưng tôi, mẹ tôi, mẹ tôi chỉ cần đúng một lần thôi, một ngày thôi, ông cũng chẳng thể làm được.
Tại sao ông lại luôn lạnh lùng đến vô cảm như thế?
Tôi xa nhà từ cấp hai. Từ một đứa nhếch nhác, lười học, tôi quyết tâm thi đỗ học trường chuyên ở thành thị. Thi thoảng về nhà một lần. Lên đại học, tôi sống xa nhà hơn, tần suất về cũng giảm dần. Ương ngạnh, cứng đầu, có khi cũng vì vậy tôi với bố không hợp nhau. Có lẽ, mẹ là linh hồn của gia đình. Thiếu mẹ, giữa chúng tôi rời rạc, thiếu kết nối, thứ níu lại chỉ mang danh nghĩa người nhà. Không cãi nhau, không xung đột – và cũng chẳng nói chuyện, chúng tôi chỉ nói chuyện với nhau về chuyện giỗ chạp của mẹ và khi nào thì tôi lại đi.
Sài Gòn, trời rét đậm và gió cắt da thịt... Chuyến xe chật ních, người người rạng rỡ, hồ hởi ăn Tết cùng gia đình. Lúc trước tôi ngồi xe, nhìn ra ngoài cửa sổ nửa tiếng thì đã ngủ say giấc rồi. Nhưng giờ, ngồi xe cả ngày mà không sao chợp mắt được.
“Không biết ông ấy có đủ ấm không?”
Đúng vậy, tôi ghét bố...
Nhưng tôi cũng thương bố đứt ruột...
Tôi ghét việc ông phải chịu đựng đau đớn một mình. Ghét việc ông coi thường, thờ ơ với cảm xúc của ông, giấu nhẹm chúng đi. Bố nổi tiếng khó tính, nghiêm khắc, vì vốn là người lính cụ Hồ. Bố lạnh lùng, chưa từng vì tôi nức nở mà chiều chuộng.
Nhưng khi tôi ốm nặng, tôi nhớ mãi, bố ôm 3 hộp sữa to, mắt đỏ hoe nói với mẹ mẹ, bình thường nó xin tôi có 2 nghìn mua bim bim mà tôi không cho, chỉ cần nó khỏe lại thôi...rồi cái gì tôi cũng đáp ứng...Trong cơn mê man kia, trái tim nhỏ bé của tôi thắt chặt.
Tôi biết, đằng sau những buổi tối tan làm về trễ, bố cũng mệt mỏi và áp lực.
Tôi cũng biết, bố thường ngồi lặng trước bàn thờ mẹ, nhìn xa xăm. Bóng lưng bố gầy guộc, run bần bật. Bóng dáng của người lính oai vệ chẳng còn, giờ đây, chỉ là hình ảnh của người cha già, một người mà đã bị bạn đời bỏ quên cằn cỗi trong cô đơn.
Bố có nhớ mẹ không?
Bố không thờ ơ. Bố cẩn thận và tỉ mỉ. Căn phòng của mẹ lúc nào cũng sạch sẽ.
Bố không dùng lời nói, bố dùng hành động. Tối, về, nghe tiếng bố lục đục bảo cu Phong hàng xóm soi đèn pin bắt gà mà rơm rớm nước mắt:
- Thịt đi mà ăn, để làm gì, mấy khi nó về.
Chẳng biết, niềm vui của bố, là bắt con gà con vịt nuôi bằng năm, đổi lấy 1 bữa ăn ngon của con cái, thế thôi.
Trong cuốn sổ nhàu nát mà bố hay cất ở tủ kính kia, lại là nhật ký ghi chép cẩn thận những ngày tôi về nhà.
Tôi thương bố. Chỉ là, tôi cũng như bố. Hai con người vụng về chẳng thể bày nổi tỏ tâm tư. Tôi không thể nắm tay bố, nói tôi yêu ông ấy như làm với mẹ, tôi cũng chẳng thể ôm bố thật chặt. Mỗi lần định nói gì, tôi nghèn nghẹn cổ họng, cuối cùng, chẳng làm được gì ra hồn.
Nhưng, suy cho cùng, tình cảm mà, vốn dĩ chẳng bao giờ nhìn thấy bằng mắt thường. Chỉ cần tôi cảm nhận được, bố cảm nhận được. Chỉ cần chúng ta biết trân trọng, trân quý người. Vì thế nên mỗi lần tạm biệt hãy cố nói nhiều thêm một chút, nhìn nhiều thêm một lần. Bởi có thể bóng lưng ngày hôm ấy đời này bạn chẳng có cơ hội nhìn lại nữa. Bình minh sớm mai rồi cũng sẽ lên, nhưng người hôm đó đã hẹn ngày tái ngộ có thể một lần ra đi vĩnh bất tương kiến.
Xe chạy chầm chậm. Cái nắng chiều nhàn nhạt phết nhẹ lên rừng cây cao su, trải dài trên con đường đất đỏ bazan màu mỡ. Bóng dáng quen thuộc mờ mờ đằng xa, đứng nép vào con đường nhỏ. Bố lại đứng đợi để đón tôi đây mà.
Bố, con xin lỗi. Đứa trẻ cứng đầu khi xưa chẳng chịu hiểu chuyện. Con yêu bố.
Vũ Ngọc Huyền
Trại viên Trại bồi dưỡng sáng tác Hạ Xanh năm 2023
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0