Chiều Ban Mê se lạnh. Bỗng dưng kỷ niệm xưa ùa về. Trong bộn bề ký ức tuổi thơ, thấy nhớ da diết hình ảnh cá rô đồng, tựa như còn mới lắm, mới hôm qua hôm kia đây thôi!
À, phải rồi! Hôm qua đọc được trên báo mạng bài viết của một nhà văn ở miệt vườn Nam Bộ về cá rô đồng quê ông. Lại nữa, chẳng hiểu vô tình hay hữu ý mà sáng nay bà xã đi chợ, mang về một mớ rô đồng hãy còn giãy đành đạch. Thế là nỗi nhớ cá rô đồng quê hương dâng lên da diết. Hình ảnh của mấy chục năm về trước hiện lên trong ký ức chưa thể nhạt nhòa.
***
Tháng Mười quê tôi sắp bước vào mùa gặt. Thời ấy, dù đã có giống lúa mới nhưng đồng quê vẫn cứ hai vụ chiêm mùa rất truyền thống của một xứ sở thuần nông. Tháng Mười tiết trời lành lạnh, những bông lúa uốn câu nặng trĩu hứa hẹn một mùa vàng bội thu.
Đồng ruộng quê tôi lúc bấy giờ nhiều cua cá lắm, nhất là cá rô rồi cá tràu, cá giếc. Còn cua đồng thì khỏi phải nói. Hễ xách oi(1) đi một vòng quanh bờ ruộng, chịu khó thò tay núc(2) mấy mà giam(3) là đã có một mớ cua đủ bữa canh cua thứ thiệt cho cả nhà gần chục miệng ăn như gia đình tôi.
Sau một đợt hanh khô, những chân ruộng cạn nước chỉ còn đọng lại vài vũng ở những góc thấp. Điều kỳ lạ là ở những vũng nước chỉ to bằng cái nong phơi lúa ấy tập trung cơ man nào là cá. Phát hiện ra vũng cá như vậy cảm thấy sướng hơn nhặt được vàng. Chỉ cần nghiêng oi, tùa vào là đầy những cá. Nhưng cũng không dễ mang về đâu nhá. Phải nhìn trước, ngó sau kẻo mấy ông bảo vệ đồng mà chộp được thì sẽ bị phạt vì cái tội dám rẽ lúa mà bắt cá dưới ruộng của hợp tác.
Những con cá rô mập tròn, phơi cái bụng vàng hươm bởi suốt mấy tháng trời chén đẫy hoa lúa. Bữa cơm hôm ấy, cả nhà thưởng thức món ăn đậm đà hương vị quê nhà. Cá rô đồng kho với nghệ tươi giã nhỏ và lá nghệ thái chỉ cùng với thứ nước chấm đã nổi tiếng tự bao đời nay là tương Nam Đàn quê tôi, làm nên món ăn dân dã mà bây giờ ở cái thời no xôi chán chè này thiên hạ gọi là đặc sản. Cá đồng kho nghệ với tương, dường như đấy là cái duyên của tạo hóa, duyên của đất trời một vùng quê để làm nên món ăn mà ai đã nếm qua thì không thể quên được cái mùi vị độc đáo của nó. Huống chi, tôi là một người con của xứ sở, hương vị ấy đeo đẳng suốt cả cuộc đời để mỗi khi nhớ lại, lòng dâng đầy nỗi nhớ da diết bâng khuâng.
Nhắc đến cá rô đồng xứ sở, không thể không kể về những kỷ niệm khác của tuổi thơ mà giờ đây chỉ còn trong ký ức.
Ảnh minh họa
Sau mùa thu hoạch, đồng ruộng được cày vỡ để phơi đất chuẩn bị cho mùa sau. “Tháng Ba cày vỡ ruộng ra”, những luống cày thẳng tắp, lật úp đất phơi nắng, chỉ có những con giun, con dế là còn trú mình được trong những hốc đất đã khô rang. Vậy mà chẳng hiểu sao, sau một trận mưa rào đầu tiên, nước ngập vai cày, bỗng thấy những đàn cá li ti bơi lội tung tăng giữa hai rãnh cày lật vai ngược chiều nhau. Những con cá bé bằng hạt đậu ấy lớn rất nhanh, chỉ mấy ngày sau đã thấy rõ hình hài của những chú rô con to bằng cái nốt sần trên thân cỏ gà. Người lớn bảo những con rô này là “rô rạy”, nó rạy (sinh ra) từ thứ cỏ mà bọn trẻ chăn bò như chúng tôi rất thích thú mỗi khi chơi trò chọi cỏ gà. Chúng tôi tin lắm, một niềm tin thơ ngây của con trẻ.
Khi lúa bắt đầu trổ bông thì cũng là khi những chú rô rạy bé tí ấy trưởng thành. Chúng đã to bằng ba bốn ngón tay. Mùa câu cá rô đồng đã tới. Đó có lẽ là niềm đam mê lớn nhất của những đứa trẻ quê mùa như tôi. Có những hôm, tôi trốn mẹ đi câu từ trưa cho đến ba bốn giờ chiều, dưới cái nắng tháng sáu, tháng bảy gay gắt, chân cẳng phù ra vì đứng suốt mấy tiếng đồng hồ, tâm trí bị cuốn theo đàn rô đang quẫy mình như là chơi trò ú tim dưới ruộng lúa. Ấy vậy mà, nhiều hôm phải ngậm ngùi vác cần câu về không, trong đáy oi chỉ có duy nhất một chú cá rô đã chết ươn tự lúc nào. Cái nghề câu cá đồng là vậy, có khi anh bạn đứng bên cạnh giật lia lịa, còn mình thì, lũ cá như là có ma thuật, cứ vờn quanh, mồi câu vừa thả xuống đã biến mất. Lúc ấy bỗng thấy trong người nóng ran, tức mà đâm ra ghen tị với cả bạn câu của mình.
Tôi còn quên chưa kể biệt tài của cá rô. Không chỉ tự nhiên sinh ra như từ trên trời rơi xuống trên ruộng đồng sau mỗi đợt mưa rào, cá rô có lẽ còn đáng được xếp vào kỉ lục Guinness về khả năng vượt “vũ môn” của loài cá.
Quê tôi nằm bên tả ngạn sông Lam. Làng xóm ngăn cách với sông mẹ bởi con đê Tả Lam sừng sững. Phía ngoài bãi có rất nhiều bàu, vụng. Đợt hạn hán kéo dài khiến cho những cái ao làng sâu lút người ấy cạn nước, lũ trẻ chúng tôi có thể lội từ bờ bên này sang bờ bên kia mỗi trưa tắm vụng. Và điều kì diệu đã xảy ra sau một trận mưa lớn mà cho đến bây giờ tôi vẫn không tin nổi khi chính mình chứng kiến cảnh tượng có một không hai ấy.
Chuyện cá rô “lóc” lên mặt bờ ruộng thì chẳng còn xa lạ gì đối với người dân quê sau mỗi trận mưa rào. Nhưng những “chú lính chì” dũng cảm ấy leo được lên mặt đê cao mười mấy thước thì đúng là không thể tin nổi.
Sáng sớm tinh mơ hôm ấy, người lớn cũng như trẻ con vác đơm đó ra ngoài bàu để kiếm cá. Trên triền dốc đê quen thuộc phía bãi sông, ai nấy trố mắt khi bắt gặp mấy chú rô xanh xám to bằng bàn tay, đang lật nghiêng mình liên tục để cố trườn lên mặt đê. Đó là lần duy nhất trong đời, tôi được chứng kiến cuộc vượt cạn ngoạn mục của loài cá này.
Bây giờ thì tôi đã hiểu, sở dĩ cá rô làm được điều kì diệu ấy là nhờ cơ thể chúng ngoài sự khỏe mạnh còn có cấu tạo đặc biệt. Hệ thống vi vây, mang ngoài của chúng rất cứng, sắc nhọn, có tác dụng như giày và búa của vận động viên leo núi, giúp chúng giữ thăng bằng, bám chặt và dễ dàng di chuyển trên mặt đất. Nhưng điều này mới thật là kỳ diệu và chỉ cá rô mới có, đó là một cơ quan hô hấp đặc biệt dưới mang phụ, cho phép chúng có thể hấp thụ được ôxy trong không khí mà không cần xuống nước. Thế cho nên chúng mới có thể leo đê cả đêm mà vẫn không hề hấn gì.
Năm tháng trôi qua, những mẩu chuyện trên chỉ còn là ký ức xa lắc của một thời. Sau này, mỗi lần về quê, tôi vẫn giành thời gian đi thăm đồng, nơi đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ. Vẫn mùi của đất, của lúa, của cỏ nhưng sao bây giờ bỗng thấy thiêu thiếu một cái gì. Bước chân tôi lặng lẽ trên bờ ruộng được xắn tỉa gọn gàng, không còn cảnh tượng như xưa, cỏ mọc um tùm, những con cào cào, châu chấu bay túa lên, những con nhái bé tí sợ sệt vội vàng nhảy xuống nước. Và mặt ruộng trong veo, chẳng thấy bóng dáng một sinh vật nào. Ừ, làm sao còn cá, còn châu chấu, cào cào, ếch nhái khi mà các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tràn lan quanh năm?
Hết cá, hết cua bây giờ người dân quê tận diệt cả chim cò. Những cái bẫy sập, bẫy nhựa, bẫy lưới bủa vây khắp cánh đồng, chẳng loại chim nào thoát nổi. Tôi bàng hoàng nghĩ đến một ngày nào đó, ruộng đồng quê hương không còn bóng một con chim chiền chiện, chim sẻ hay chìa vôi... Rồi hình ảnh con cò quen thuộc, ngàn đời nay gắn bó với quê hương xứ sở, có lẽ chỉ còn trong câu ca của mẹ?
Nghĩ đến điều đó mà thấy lòng nao nao buồn. Chỉ còn biết giữ lại cho riêng mình chút kỷ niệm của một thời thơ ấu. Ôi, cá rô đồng! Mỗi lần nghĩ đến là mỗi lần thấy phảng phất cái hương vị quen thuộc của quê hương xứ sở.
***
Chiều mùa khô Ban Mê không còn những cơn gió gầm gào. Mấy bữa nay tự nhiên trời lại mưa dầm và se se lạnh. Hay mùa Đông quê nhà đã theo gió vào đây?
Nguyễn Duy Xuân
Hội viên Hội VHNT Đắk Lắk
Tạp chí Chư Yang Sin, tháng 11-2022.
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0