Tôi được nghe về một Tây Nguyên cuồng nhiệt, máu lửa, hừng hực… qua lời bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Tôi được đọc về một Tây Nguyên “trữ tình, sâu sắc và… mềm yếu mong manh” qua những trang viết của nhà thơ, nhà báo Văn Công Hùng, của cô giáo Đào An Duyên. Nhưng chỉ là nghe, là đọc. Thế rồi, vì “còn thương nhau” nên tôi “về Buôn Ma Thuột”.
Không được sống trong, không được hòa mình, không thấu cảm sâu sắc, không kịp “xôn xang mênh mang cao nguyên”, vài ngày ở Tây Nguyên công tác, kết hợp tranh thủ khám phá, tôi chỉ đủ “chạm”. Chạm một Tây Nguyên, vừa như, vừa không như những gì tôi đã nghe, đã đọc. Nên cảm xúc của tôi, cũng “có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ…” nhưng sẽ vừa giống, vừa không giống nhiều điều đã được nói, được viết, được hát lên.
Tối, trước khi khởi hành tới Đắk Lắk, tôi buồn nên tâm trạng chùng xuống. Tôi được báo trong này đã lạnh và mưa mấy ngày. Tốt quá rồi. Biết thông tin sớm, “thành viên Ủy ban Phòng chống rét Trung ương” – là tôi – cứ thế ấn một cơ số áo rét vào va-li thôi. Liên đón tôi từ sân bay, mưa sụt sùi, trời lạnh. Tới nơi khi trời đã tối nhọ mặt. Đường từ sân bay về quảng trường thành phố rộng nhưng lòng người đã bớt buồn chuyện trước đó nên không cảm thấy cô đơn. Một con đường đẹp. Tôi đã tìm lại sự háo hức để khám phá một “Ban Mê” đang hiện hữu. Hôm kia, Liên gọi và cứ lăn tăn rằng xe đang bảo dưỡng, liệu tôi có ngồi được xe máy, mà không hề biết rằng, có những cung đường, nhất là với Tây Nguyên, tôi chỉ muốn được trải nghiệm bằng xe máy, như ngày xưa Uyên chở tôi vòng quanh Đà Lạt, thì mới cảm nhận được nhiều điều.
Thắc mắc đầu tiên tôi bật thành lời, trên vé máy bay ghi Ban Mê Thuột, mà dọc đường, đều thấy ghi Buôn Ma Thuột. Liên chỉ ậm ờ bảo vẫn chưa thống nhất cách gọi. Khác biệt nữa so với nhiều nơi tôi đã đến, là cột đèn đường. Dù tín hiệu giao thông màu xanh, màu đỏ hay vàng thì chữ số hiện giây chỉ một màu vàng. Tôi chưa quen với điều đó nên hơi lúng túng khi đi đường, mấy lần túm áo Liên vì tưởng em vượt đèn vàng.
Qua một đêm, mưa tạnh, nắng lên, tan lạnh và trời trở lại rất Thu. Nơi tôi công tác đang là một công trường xây dựng, đất quện lấy đất và quện lấy đế giày khi bước lên bậc thềm. Vậy là tôi đã mục sở thị thế nào là đất đỏ bazan – màu mỡ và quý người.
Tra mạng, Google chỉ cho tôi hai mươi điểm nên đến khi về với Đắk Lắk. Đây gần, kia xa. Tôi cân nhắc vì chỉ có thể tranh thủ ngoài giờ hành chính, thêm một ngày tôi lưu lại. May sao, thế cũng đủ cho niềm yêu của tôi đối với Đắk Lắk.
Cụm du lịch Làng Cà phê Trung Nguyên là điểm đầu tiên tôi đến, đổi bằng việc bỏ cả giấc ngủ trưa. Đây không phải núi rừng Tây Nguyên mà chỉ là mô phỏng. Nhưng tôi cũng được nhìn thấy cà phê, được ngắm nhà dài và cồng chiêng Tây Nguyên cùng nhiều vật dụng truyền thống khác, được nhìn thấy đá xếp chồng lên đá để hình dung về một Tây Nguyên hùng vĩ. Hàng trăm bức ảnh ghi khoảnh khắc này đã được lưu lại.
Ảnh minh hoạ - Dương Hoài An
Chút thời gian ít ỏi buổi sáng trước giờ lên lớp, tôi kịp tới thăm Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột – một trong những chiến thắng oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Nhà thờ Thánh Tâm – Nhà thờ chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột. Để sau đó nhâm nhi ly sinh tố bơ trên Phố Cà phê Sách. Điều tiếc nuối nhất là tôi được đến thủ phủ cà phê mà không biết thưởng thức thứ đồ uống say lòng người này. Cũng giống như tiếc nuối khi tôi sinh ra và lớn lên trên đất chè mà không biết uống và thẩm trà.
Và rồi, tôi không phải hình dung về một Tây Nguyên hùng vĩ nữa. Nó hiển hiện trước mặt tôi trong hành trình khám phá Dray Sap – Tây Nguyên đệ nhất thác. Tôi chọn lối đi từ dưới chân thác lên đỉnh. Bước qua khỏi cửa vào, đi xuống bậc được xây là một không khí khác. Qua những bậc xây ban đầu là con đường đất đá nguyên bản. Đường đá trơn, cây cối to, nhỏ và dây leo đan xen. Bên phải lối đi là vách đá, có vài dòng thác nhỏ nhẹ nhàng chảy xuống. Bên trái lối đi là dòng chảy Krông Nô – nhánh đực của dòng Srêpốk ầm ào, nước từ thác đổ về. Ánh nắng chiều xuyên chéo qua cây lá xuống thác nước nhỏ thật đẹp. Ký ức tuổi thơ lại hiện về. Từ bé cho đến hết lớp mười hai, tôi sống với rừng. Những buổi chiều không học, tôi đi rừng vác gỗ, vác củi, cảnh y như thế. Cuối đường chéo của ánh sáng xuyên qua các tán lá ken dày là những đốm nắng rơi trên đá. Đá phẳng, đá tai mèo… muôn hình vạn dạng. Tôi đến Dray Sap vào mùa mưa nên cảm nhận sự mạnh mẽ của địa danh này. Càng tới gần chân thác, những tiếng ầm ầm vang vọng núi rừng càng rõ nét. Một bức tranh phong cảnh hữu tình hiện ra. Trời trong xanh, điểm vài cụm mây hờ hững. Nắng vàng ruộm, thác nước đổ xuống trắng xóa, bắn lên không trung mờ ảo như sương, như khói. Đứng tận xa mà những giọt nước li ti, li ti nối nhau bắn vào mặt, vào tay mát lạnh. Huyền hoặc chính là đây. Khuyên không ngại khó, thoăn thoắt “trèo đèo, lội suối” để chụp ảnh cho tôi. Những bức ảnh tuyệt đẹp, những bức ảnh chứa đầy kỷ niệm.
Ngày lưu lại, tôi đến Bảo tàng Đắk Lắk. Tiếc một điều vì là thứ Hai, Bảo tàng không mở cửa phục vụ nên tôi chỉ có thể ngắm cảnh ở ngoài. Một không gian xanh và mát. Cây to, cao và thẳng đứng. Tới Bảo tàng Thế giới Cà phê khi chiều đã muộn, tôi cũng không kịp vào trong, để rồi khi nghe bạn nói “Không vào trong Bảo tàng Thế giới Cà phê là một tiếc nuối. Nó đẹp dã man đẹp, đẹp nhức nách…”. Ừ thôi, tôi để ngỏ.
Nhưng Bản Đôn thì nhất định tôi phải trải nghiệm. Ngay từ trước khi đến Đắk Lắk, tôi đã lên kế hoạch du lịch bụi một mình, đúng nghĩa khoác ba lô lên và đi. Tra Internet, lại là một trang web trong mạng nhện của máy tìm tin Google chỉ cho tôi rằng khoảng cách từ Buôn Ma Thuột tới Bản Đôn tầm bốn nhăm km và giá vé xe buýt là hai mươi nghìn đồng. Bảy giờ sáng, tôi có mặt ở điểm chờ xe buýt. Bác thợ đánh chìa khóa vỉa hè, sau khi thành tâm thắp vài nén hương vào mấy gốc cây quanh chỗ đặt xe đẩy của bác, đã nhiệt tình bảo tôi rằng, một chuyến buýt vừa qua, phải một tiếng nữa mới có chuyến tiếp. Vừa hay một chiếc xe chín chỗ lao tới, anh lái xe nhiệt thành rời ghế lái xuống mời tôi lên xe, bảo cho anh sáu chục. Đầu tôi nảy số tính từng ấy gấp ba giá buýt mình vừa tra, mà xe đi thẳng, đi nhanh thì thôi đi cho sớm chợ. Cả lái xe lẫn hành khách cứ trầm trồ, ngạc nhiên, thán phục… khi thấy cô giáo bé còi mà độ lì ghê gớm, tận Thái Nguyên tới đây, chỉ nghe về địa danh Bản Đôn qua lời bài hát mà dám một mình dấn thân. Bấm máy gọi chồng, tôi trêu nếu đến trưa mà không gọi được cho em thì anh sang Campuchia tìm em nhé. Anh lái xe cười. Cô giáo tưởng sang được Campuchia mà dễ thế à. Vương lên xe khi cột cây số bên đường chỉ rằng còn hai mươi km nữa là tới Bản Đôn. Nhà Vương gần đó. Vương về thăm mẹ và có chút việc. Anh lái xe bảo, hay quá rồi, hai người đến cùng một điểm. Trong tích tắc, Vương quyết định làm hướng dẫn viên miễn phí cho tôi, nhân thể thăm lại một người bạn cũ đang làm trong Khu du lịch. Những chiếc cầu treo, nhìn đã rất cổ, một màu xám, núp dưới những rễ cây chằng chịt, vẫn đủ sức đưa người qua sông. Vương bảo ngày bé em chơi ở đây suốt. Vương dạy tôi cách bước chéo chân trên cầu treo đi cho vững. Cầu tròng trành nhưng tôi không sợ. Trải nghiệm này có thấm gì đâu so với tuổi thơ dữ dội của mình. Bạn của Vương sở hữu một con voi rất to. Đây chắc chắn là “chú voi con ở Bản Đôn” trong lời bài hát ngày nhỏ tôi vẫn nghe, nay thì được tận mắt ngắm nhìn. Bạn Vương bảo, nó là của ông nội bạn của Vương bắt từ rừng về nuôi thuần. Ông mất rồi, bố của bạn Vương giờ cũng đã yếu, voi được thừa kế cho cháu nội. Đời người, đời voi. Nhảy phắt xuống khỏi lưng voi, bạn Vương cột dây xích vào thanh ngang của chòi đợi bên bờ Srêpốk. Tôi mua hai bó mía, lấy từng đoạn cho voi ăn. Nó háu ăn, chưa hết đoạn này thì vòi đã toài ra vơ đoạn khác. Tôi cứ có cảm giác con voi này đã già, mắt đượm buồn và cử chỉ khoan thai, cả những con voi khác trên bờ cũng thế. Bạn Vương bảo chắc từ cuối năm nay trở đi thì Nhà nước sẽ không cho voi ra phục vụ du khách cưỡi nữa. Tôi ngồi chơi mãi cùng voi, nắng cuối thu rót vàng như mật. Dòng Srêpốk vẫn ầm ào. Vương áy náy mãi, em chẳng hay chụp ảnh bao giờ nên chỉ giúp chị ghi lại bằng ấy khoảnh khắc thôi. Tôi mời Vương ăn cơm lam rồi hai chị em chia tay nhau khi đã quá trưa, sau khi Vương vẫy cho tôi một chiếc xe buýt để ngược về thành phố. Trả tiền xe mới biết web mạng nhện của Google chưa cập nhật, giá vé buýt đã là ba mươi lăm nghìn đồng. Cả lái và phụ xe đều thân thiện, dễ mến. Đặc biệt, bạn phụ xe cực kỳ trẻ trung và xinh gái.
Trước giờ bay, tôi vẫn cố đảo nhanh một vòng Khu du lịch Ko Tam. Không gian xanh, thanh bình, dòng nước xanh mát, không khí dễ chịu, hàng tre hun hút, hoa các màu thi nhau đua sắc… Hường giúp tôi ghi lại những góc không gian đặc biệt này của chặng cuối hành trình đến Tây Nguyên, đưa tôi đi ăn bún đỏ rồi chúng tôi chia tay nhau ở sân bay.
Thời gian ít ỏi, tôi không kịp đi tìm để chiêm ngưỡng Dray Nur. Cũng chưa kịp thăm hồ Lắk, mộ Vua Săn Voi, Đá Voi Mẹ, biệt thự Bảo Đại, chưa kịp chụp ảnh cùng một cây kơ–nia, không được nghe trực tiếp tiếng cồng chiêng Tây Nguyên, chưa kịp nhìn thấy dù chỉ một đóa dã quỳ, hay cầm tay một người đồng bào để nhảy múa bên đống lửa… Thêm nhiều điều bỏ ngỏ, cho những hẹn ước quay về, trong chuyến đi cuộc đời.
Những nét “chạm” Tây Nguyên chưa đủ để tôi “muốn sống bên em trọn đời” nhưng tôi rất muốn có ngày trở lại, chắc chắn sẽ sắp xếp để có ngày trở lại. Đại ngàn ơi! Hẹn!
Hiên Trịnh
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0